In trang

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra nhiệm vụ Giáo dục Tiểu học năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 22:48 15/11/2023

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra năm 2023, trong hai ngày 13 và 14/11/2023, Đoàn Kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) do Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT đã tiến hành kiểm tra nhiệm vụ Giáo dục Tiểu học năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đoàn tiến hành làm việc tại Sở GDĐT đồng thời kiểm tra thực tế tại các trường học thuộc Phòng GDDT thị xã Hương Thủy và huyện A Lưới về các nội dung: việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 và dạy học Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ trong trường tiểu học; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; công tác triển khai chương trình thư viện trường tiểu học; công tác giáo dục học sinh khuyết tật và công nhận phổ cập giáo dục tiểu học.

Đoàn kiểm tra tại Trường TH Hồng Thượng, huyện A Lưới

Đoàn kiểm tra tại Trường TH Số 2 Phú Bài, thị xã Hương Thủy

Qua kiểm tra, Đoàn đánh giá cao ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua các Nghị quyết nhằm tạo cơ chế thúc đẩy triển khai giáo dục trên địa bàn tỉnh. Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình GDPT 2018 kịp thời, sát sao. Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đảm bảo đúng kế hoạch lộ trình và yêu cầu, tạo được sự đồng thuận của xã hội, nhất là trong các nhà trường, học sinh và phụ huynh học sinh. Công tác lựa chọn SGK qua hồ sơ thể hiện thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, được lưu trữ đầy đủ, khoa học. Việc triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học đạt hiệu quả tốt và có sức lan toả tới các cơ sở giáo dục tiểu học trên toàn tỉnh và các tỉnh/thành phố khác trên cả nước. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong các nhà trường được thực hiện nền nếp, bước đầu ổn định và chất lượng giáo dục đảm bảo mục tiêu đề ra. Hệ thống mạng lưới trường, lớp được sắp xếp phù hợp; đội ngũ CBQL, GV đã được quan tâm phát triển, đảm bảo duy trì, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học. Về cơ bản thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho HS, GV và CBQL, nhân viên ngành Giáo dục. Đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng thư viện tiên tiến, triển khai mô hình thư viện xanh trong điều kiện CSVC của các nhà trường còn hạn chế và diện tích không gian chưa đáp ứng được việc tổ chức hoạt động cho HS. Về công tác tăng cường tiếng Việt cho HSTH vùng DTTS: đã tham mưu UBND tỉnh quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, HSTH vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; tích cực xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh thông qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học/ hoạt động giáo dục; tổ chức các trò chơi học tập, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ…

Ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT phát biểu kết luận công tác kiểm tra

Đoàn Kiểm tra đề nghị ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo và kết quả đã làm được trong việc nắm bắt tình hình để xử lý kịp thời, bảo đảm tổ chức dạy học hoàn thành chương trình, kế hoạch trong mọi tình huống. Tiếp tục bồi dưỡng GV, nâng cao năng lực GVNV thông qua khảo sát, hỗ trợ, giám sát về chuyên môn, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo Công văn 2345/BGDĐT-GDTH. Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên đề nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý, phân cấp quản lý GV; đầu tư kinh phí cho ngành Giáo dục, đặc biệt đối với các huyện miền núi để mua sắm thiết bị tối thiểu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tiếp tục quan tâm đầu tư CSVC đảm bảo các cơ sở giáo dục có phòng thư viện riêng, đủ diện tích để tổ chức hoạt động cho HS, chú trọng đến công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên để thiết lập và vận hành thư viện đảm bảo hiệu quả. Tiếp tục triển khai dạy học tăng cường tiếng Việt cho HS vùng DTTS bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với thực tiễn tại địa phương; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn tiếng mẹ đẻ của HS đối với GV dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1, tìm hiểu về văn hóa dân tộc để tạo điều kiện thuận lợi cho GV trong quá trình tiếp cận với HS.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐOÀN KIỂM TRA

Văn phòng Sở