In trang

Hội nghị sơ kết triển khai phương pháp bàn tay nặn bột và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2013 - 2015
Cập nhật lúc : 15:26 22/03/2013

Ngày 20 tháng 3 năm 2013, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Sơ kết triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2013 - 2015. Đến dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Phương pháp Bàn tay nặn bột (PPBTNB) được ra đời từ năm 1995, do giáo sư Georges Charpak - viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, giải Nobel Vật lí năm 1992 -  khởi xướng, đã được áp dụng nhiều ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như : Pháp, Mỹ, Anh, Đức Canada, Mexico, Brazil, Trung Quốc, Philippine, Iran, Việt Nam, ... PPBTNB là một phương pháp giảng dạy khoa học dựa trên cơ sở sự tìm tòi - nghiên cứu, áp dụng cho các môn khoa học tự nhiên. PPBTNB luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề đặt ra trong trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra dưới sự giúp đỡ của giáo viên.

Thừa Thiên Huế là một trong tám tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai thí điểm PPBTNB từ năm 2011. Bước đầu, phương pháp này đã thu hút được sự quan tâm của các thầy cô giáo, sự hào hứng tham gia của đông đảo các em học sinh. Trong học kì 1 vừa qua, đã triển khai được 81 tiết dạy theo phương pháp này ở ba môn Vật lí, Hóa, Sinh tại 15 trường THCS tham gia chương trình thí điểm ở 5 phòng Giáo dục và Đào tạo. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Giám đốc Sở đã biểu dương tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên của các thầy cô giáo trong tiếp cận khám phá nghiên cứu phương pháp dạy học mới, sự chỉ đạo sâu sát của các phòng GD&ĐT và đề nghị tiếp tục triển khai chương trình thí điểm, vừa tổ chức nghiên cứu khoa học, rút ra những bài học kinh nghiệm để có thể triển khai trên diện rộng ở tất cả các Phòng Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2013 - 2015.

CAO GIÁP BÌNH - GDTrH