In trang

Hội nghị thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 tỉnh Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 07:07 29/11/2020

Ngày 25/11/2020 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã triệu tập các thành viên của Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành theo Quyết định số 2820/QĐ-UBND ngày 06/11/2020 của UBND tỉnh. Tham dự hội nghị có lãnh đạo ban tuyên giáo Tỉnh ủy và nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên của trường Đại học Sư phạm Huế: ông Nguyễn Ngọc Phương- Phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, PGS.TS Đỗ Bang, PGS.TS Lê Văn Thăng, TS. Trần Thị Quỳnh Nga - giảng viên khoa Tiểu học, ĐHSP Huế, Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, Nhà văn Võ Quê và đặc biệt là sự có mặt của 10 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên các phòng ban của Sở GDĐT, hiệu trưởng, các giáo viên cốt cán am hiểu chương trình, đang trực tiếp giảng dạy cấp Tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại hội nghị, ông Đoàn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì hội nghị đã nêu lên ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương để định hướng cho quá trình thảo luận và thẩm định. Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng và biên soạn theo Khung chương trình tài liệu giáo dục địa phương cấp Tiểu học ban hành theo Quyết định số 2001/QĐ-UBND ngày 06/8/2020 của UBND tỉnh. Tài liệu này tập trung vào 5 chủ đề trọng tâm: 1) Nơi sinh sống của em; 2) Người hàng xóm nhà em; 3) Ngôi trường của em; 4) Khu chợ gần nhà em; 5) Cảnh đẹp quê em. Các nội dung này được cụ thể hóa thành 26 bài học liên quan đến từng chủ đề cụ thể.

 

Sau khi được Chủ tịch Hội đồng thẩm định quán triệt và thống nhất phương thức, quy định thẩm định ban hành theo Thông tư số 33/TT - BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GDĐT về Quy định thẩm định tài liệu giáo dục phương (sau đây gọi là Thông tư 33), các thành viên của Hội đồng thẩm định đã căn cứ vào 5 tiêu chí: 1) Điều kiện tiên quyết của tài liệu; 2) Nội dung tài liệu; 3) Phương pháp hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá trong tài liệu; 4) Cấu trúc và hình thức trình bày tài liệu; 5) Ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu, được nêu tại Điều 3 của Thông tư này. Hội đồng đã nghiêm túc, thẳng thắn, tích cực đóng góp các ý kiến thẩm định hay, tinh tế, tâm huyết trên tinh thần khoa học với mong muốn hoàn chỉnh cuốn tài liệu mang bản sắc và đặc trưng của Thừa Thiên Huế. Các ý kiến tập trung thảo luận vào vấn đề cần tăng thêm các kênh hình mang tính đặc sắc, đặc trưng vùng miền Thừa Thiên Huế, đa dạng các tranh ảnh thực tế có bản quyền và nguồn gốc cụ thể, chỉnh sửa một số nội dung ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, cách xưng hô… thể hiện đặc trưng vùng miền với mục đích hun đúc lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, con người trong tâm hồn các em.

 

Hội nghị đã thảo luận, phản biện sôi nổi trên tinh thần khoa học, vì mục tiêu đẩy mạnh giáo dục các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người Huế. Bên cạnh một số ý kiến khác biệt, đa số nội dung tranh luận của 17 thành viên Hội đồng có sự thống nhất cao ở cả 5 tiêu chí thẩm định do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 33.

 

Hội đồng thẩm định tài liệu đã đi đến thống nhất: Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 tỉnh Thừa Thiên Huế có sự đầu tư, có nhiều ưu điểm, phù hợp với khung chương trình đã ban hành, đảm bảo sự kết hợp hài hòa với các bộ sách đang triển khai ở nhà trường, thể hiện được nét đặc trưng của Thừa Thiên Huế; đa số các tiêu chí ở mức đạt, một vài tiêu chí ở mức đạt nhưng cần chỉnh sửa ở một số nội dung kênh hình, kênh chữ để làm nổi bật yếu tố địa phương; đề nghị, kiến nghị Ban biên soạn tài liệu có sự điều chỉnh kịp thời khắc phục một số hạn chế để sớm hoàn thiện tài liệu; sau khi Ban biên soạn tài liệu điều chỉnh, thay đổi, Hội đồng thẩm định sẽ tiếp tục làm việc để thẩm định lại trước lúc tham mưu UBND tỉnh phê duyệt ban hành.

 

 

 

 

 

 

Mai Anh Ngọc – Phòng Giáo dục Trung học