In trang

Hội thảo, sơ kết 2 năm thực hiện tích hợp giáo dục “Văn hoá địa phương” trong chương trình giáo dục mầm non
Cập nhật lúc : 15:32 09/01/2023

Ngày 27 tháng 12 năm 2022 tại trường mầm non Bình Minh, thị xã Hương Thuỷ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo, Sơ kết 02 năm thực hiện tích hợp giáo dục “Văn hoá địa phương” trong chương trình giáo dục mầm non, do Thầy giáo Đoàn Minh Thắng – PGĐ Sở GD&ĐT chủ trì. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo, chuyên viên phòng GDMN, các phòng GD&ĐT và hơn 50 đại biểu đến từ các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, trong đó có 25 trường mầm non được đánh giá thực hiện tốt nhiệm vụ.

 Tại Hội thảo, Sơ kết Cô giáo Ngô Thị Hạnh – Trưởng phòng GDMN đã đánh giá cụ thể công tác thực hiện tích hợp giáo dục “Văn hoá địa phương” ở các cơ sở GDMN trong 2 năm qua, nêu lên những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế, đồng thời cũng đề ra những nhiệm vụ giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới; đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên các trường mầm non đã chia sẻ những giải pháp hay, những việc làm sáng tạo, thiết thực, có hiệu quả trong thực hiện chương trình GDMN có tích hợp “Văn hoá địa phương”; những khó khăn trong quá trình thực hiện, những giải pháp phù hợp nhằm tích hợp giáo dục “Văn hoá địa phương” trong giáo dục mầm non ngày càng tốt hơn như tổ chức hoạt động giáo dục tích hợp “Văn hóa địa phương” dựa vào cộng đồng, xây dựng môi trường giáo dục tích hợp “Văn hóa địa phương” trong trường mầm non...đã thu hút sự quan tâm tham gia tích cực của quý bậc cha mẹ trẻ trên địa bàn tỉnh, góp phần làm phong phú hoạt động vui chơi, học tập của trẻ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thầy giáo Đoàn Minh Thắng- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đã biểu dương sự cố gắng của cấp học mầm non trong toàn tỉnh, tuy điều kiện trong 02 năm qua không có nhiều thuận lợi nhưng các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tích hợp giáo dục “Văn hoá địa phương” trong giáo dục mầm non như tổ chức Cuộc thi sáng tác Thơ, Chuyện kể, Câu đố, Vè, Kịch và sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca…về giáo dục “Văn hóa địa phương” cho trẻ em mầm non dành cho các giáo viên, cán bộ và quý phụ huynh trẻ; giao lưu “Bé với Di sản Văn hóa Huế”, “ Ngày tết quê em”; xây dựng góc địa phương trong và ngoài lớp học của trẻ thể hiện sắc màu của “ Văn hóa địa phương”…đồng thời chỉ đạo cấp học mầm non phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới, nghiên cứu thêm tài liệu chương trình giáo dục “Văn hóa địa phương” ở cấp Tiểu học, để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, tạo nền tảng tốt cho trẻ khi tiếp cận nội dung này ở cấp học tiếp theo./.

Hồ Thị Ái, P.GDMN