In trang

Ngày 10/01/2022, hai trường học online cuối cùng của huyện Phú Lộc đã trở lại trường học trực tiếp sau 3 tháng phải dừng đến trường do dịch bệnh
Cập nhật lúc : 23:02 11/01/2022

Sáng ngày 11/01/2022, đồng chí Nguyễn Tân – Giám đốc Sở đã đến thăm, kiểm tra việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các trường học trên địa bàn thị trấn Lăng Cô và các xã khu II huyện Phú Lộc. Đây là những trường đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp trở lại sau cùng (ngày 10/01/2022), sau hơn 3 tháng học sinh dừng đến trường và học online, truyền hình. Báo cáo với đồng chí Giám đốc Sở, Hiệu trưởng các trường được đến thăm đều thể hiện sự quyết tâm với chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp trên cơ sở đánh giá mức độ cũng như đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch nhằm mang lại hiệu quả trong công tác dạy và học.

Tại trường THCS thị trấn Lăng Cô, sáng ngày 11/01/2022 số học sinh đi học  trở lại trường là 98%, nhiều lớp đạt 100%. Tại Trường Tiểu học Lăng Cô, nhà trường đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và thực hiện các điều kiện đảm bảo 5K. Tại trường THPT Thừa Lưu, 100% học sinh đã trở lại trường, kiểm tra trực tiếp hoàn thành học kỳ I và đã học tuần 1 của học kỳ II.

 

Ghi nhận tại các trường, học sinh và giáo viên rất vui mừng, phấn khởi khi được trở lại trường; với lãnh đạo, hầu hết Ban Giám hiệu rất lo lắng chất lượng sau kết quả kiểm tra học kỳ I và mong muốn được duy trì lâu dài việc tổ chức dạy học trực tiếp.

 

 

Tất cả các trường đã chuẩn bị chu đáo trong công tác phòng chống dịch để đón học sinh trở lại trường như: trang bị đầy đủ xà phòng, nước sát khuẩn, khẩu trang, quét mã QR, trang bị kít test và đã có các phương án xử lý cụ thể trong mọi tình huống.

 

 

 

Phát biểu chỉ đạo tại các trường đến thăm, đồng chí Giám đốc Sở chia sẻ những khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên trong suốt thời gian vừa qua để hoàn thành học kỳ I theo đúng Kế hoạch trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, đồng thời lưu ý các trường cần đánh giá cụ thể tình hình dịch để mạnh dạn quyết tâm ưu tiên bố trí thời gian dạy học trực tiếp; kết hợp tăng cường các giải pháp chủ động trong công tác phòng chống dịch; tập trung thời gian dạy học chương trình chính khóa, dừng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động chưa cần thiết; đánh giá sát, đúng kết quả học kỳ I để có phương án vừa dạy học chương trình học kỳ II, vừa bổ sung kiến thức học kỳ I cho học sinh, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 (đang thực hiện Chương trình phổ thông mới). Các trường cần bình tĩnh và hết sức chủ động trong xử lý các tình huấn phòng chống dịch. Trong trường hợp xảy ra F0 tại trường học cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương để xử lý, khoanh vùng, tầm soát cách li diện hẹp ở quy mô lớp, tiến hành bóc tách F0 nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên và cộng đồng và tiếp tục duy trì hoạt động dạy học của nhà trường bình thường; triển khai đánh giá yếu tố dịch tễ để chuyển trạng thái học tập (học truyền hình, online), không dừng đến trường đại trà theo diện rộng. Việc tổ chức tầm soát cũng tùy vào tình hình thực tế điều kiện địa phương và vùng cấp độ dịch, không nhất thiết tầm soát thường xuyên đối với những vùng thuộc vùng an toàn làm ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế gia đình phụ huynh và khó khăn cho hoạt động chung. Muốn vậy, nhà trường phải nắm rất sát tình hình học sinh hàng ngày, đồng thời có phương án bố trí phòng y tế đảm bảo các điều kiện về kit test để nếu trong quá trình dạy học có học sinh có biểu hiện sức khỏe phải được theo dõi và tầm soát tại phòng cách ly y tế. Về lâu dài các trường tăng cường đảm bảo điều kiện an toàn cao nhất trong trường học để phòng ngừa tất cả các nguy cơ Covid-19 trong nhà trường và duy trì trạng thái bình thường mới, thích nghi an toàn với dịch Covid-19.

 

 

 

 

 Phan Xuân Nghĩa, Văn phòng Sở