In trang

Bộ trưởng trả lời cử tri và ĐBQH: Quyết liệt chấn chỉnh dạy thêm, học thêm trái quy định
Cập nhật lúc : 17:24 23/09/2013

Đại biểu Quốc hội hỏi: 1. Việc quản lý dạy thêm, học thêm theo đánh giá của cử tri chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Phải chăng do chương trình quá nặng, nhiều nội dung giảng dạy không cần thiết ở bậc phổ thông, kiến thức còn nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn, rồi áp lực thi cử là một trong những nguyên nhân khó quản lý việc dạy thêm, học thêm. Bộ trưởng có giải pháp gì để quản lý dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay có hiệu quả? Bộ có chủ trương cắt giảm chương trình ở bậc học phổ thông không?

2. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đến bao giờ ổn định quy chế, nội quy của các kỳ thi? Vì hiện nay cứ mỗi năm chuẩn bị đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đại học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đưa ra một bản nội quy, quy chế mới, hoặc bổ sung, sửa đổi đã tạo tâm lý chờ đợi, lo lắng đối với học sinh và các phụ huynh.

3. Theo Bộ trưởng khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục đại học là gì?

Trả lời:

1. Về các giải pháp chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm trái quy định

Thực hiện Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 về dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tổ chức triển khai, phổ biến và thực hiện quy định đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn; Tổ chức thanh tra, kiểm tra một số địa phương để kịp thời xử lý, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Để tháo gỡ những lo lắng, bức xúc của xã hội về tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định, cùng với các quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp:

- Chú trọng công tác giáo dục phẩm chất tận tụy, hết lòng vì học sinh cho đội ngũ giáo viên; Tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan chức năng và chính quyền trong việc giáo dục học sinh.

- Tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị bài và giảng dạy của giáo viên trong giờ chính khóa và dạy thêm, kiên quyết xử lý giáo viên vi phạm quy định.

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình, tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, công tác thi theo hướng gắn với thực tiễn, đánh giá khách quan, thực chất năng lực của học sinh, không yêu cầu học sinh “học vẹt”, ghi nhớ máy móc.

- Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để học sinh được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn; Chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh ôn thi đại học, thi chuyển cấp, quan tâm phụ đạo học sinh yếu kém ở trường và tổ chức các hoạt động giáo dục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hoàn thiện cơ chế chính sách cho nhà giáo, khuyến khích học sinh giỏi thi vào ngành, trường sư phạm để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai biên soạn chương trình, sách giáo khoa các bậc học phổ thông để áp dụng từ sau năm 2015 theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh, góp phần khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan.

Theo báo cáo của các địa phương và kết quả thanh tra, kiểm tra đầu năm học 2012-2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định này trên địa bàn. Đến nay đã có 38 tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ra Quyết định ban hành quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn; các địa phương còn lại đang hoàn thiện văn bản và xin ý kiến các sở, ngành trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, nhiều địa phương đã có các giải pháp quyết liệt chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định (như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam…)

2. Ổn định quy chế thi

Trong những năm qua, công tác tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng về cơ bản vẫn giữ ổn định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để phù hợp với chế độ, chính sách của Nhà nước mới ban hành, đồng thời đảm bảo sự thuận lợi tối đa cho người học, nâng cao hiệu quả tổ chức thi và đáp ứng yêu cầu làm lành mạnh hóa thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số sửa đổi, bổ sung nhỏ đối với Quy chế thi. Tiếp thu ý kiến của Đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cố gắng giữ ổn định quy chế, nội quy các kỳ thi để tránh gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh.

3. Đổi mới quản lý là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"  để trình Hội nghị Trung ương xem xét thông qua.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chỉ đạo việc đổi mới từng bước vững chắc hoạt động của ngành, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng toàn diện. Cụ thể:

- Đổi mới nhận thức và chuyển tư tưởng chỉ đạo từ mô hình phát triển dựa trên số lượng và quy mô sang mô hình phát triển ưu tiên nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội và quy hoạch phát triển nhân lực.

- Đổi mới tư duy quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo theo nguyên tắc: (i) Tách bạch quản lý nhà nước với hoạt động chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước không làm thay nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục; (ii) Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, giao chính quyền địa phương các cấp phối hợp tham gia quản lý các cơ sở đào tạo (các đại học, trường đại học và cao đẳng) trên địa bàn; (iii) Chú trọng việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đưa các văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống, (iv) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; (v) Tạo điều kiện cho việc giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng xã hội.

Theo moet.gov.vn