In trang

Cán bộ, giáo viên Thừa Thiên Huế tham gia tâp huấn bồi dưỡng về lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông
Cập nhật lúc : 19:07 13/10/2019

Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên phổ thông (GVPT) về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGGPT) theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đồng thời tiếp cận CTGDPT mới (CTGDPT năm 2018), bồi dưỡng cho giáo viên năng lực tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Sáng ngày 09/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông. Theo kế hoạch, chương trình tập huấn, bồi dưỡng diễn ra trong ba ngày (09 – 11/10/2019).

 

Tham dự khai mạc và báo cáo tập huấn, bồi dưỡng có thầy Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng nhiều nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành về xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, lãnh đạo Sở, lãnh đạo,chuyên viên phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục tiểu học và giáo viên cốt cán của 31 tỉnh khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra).

 

Chương trình bồi dưỡng xác định rõ mục tiêu chương trình Lịch sử là góp phần giáo dục tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, các phẩm chất, năng lực của người công dân Việt Nam, công dân toàn cầu phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Muốn thực hiện được mục tiêu này, CBQL và giáo viên phải từng bước đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học một cách phù hợp, trong đó chú trọng việc khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện trực quan (tranh ảnh, bản đồ, sa bàn, phim tư liệu....) trong dạy học lịch sử. Học sinh cần được hướng dẫn phương pháp tự học, biết tìm tòi, khai thác các nguồn sử liệu từ nhiều kênh khác nhau, phát triển tư duy phản biện. Đồng thời trên cơ sở nguồn lưc, điều kiện của nhà trường, áp dụng có hiệu quả đổi mới hình thức tổ chức dạy học, dạy học trên lớp kết hợp với dạy học tại di sản, thực địa, bảo tàng... và các hoạt động trải nghiệm.

 

Theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi kết thúc chương trình bồi dưỡng do Bộ tổ chức, các địa phương phải kịp thời xây dựng kế hoạch, triển khai tập huấn, bồi dưỡng về lịch sử trong CTGDPT cho đội ngũ CBQL và giáo viên cốt cán (Tổ/Nhóm trưởng chuyên môn) môn lịch sử.

Một số hình ảnh tại lớp tập huấn, bồi dưỡng về lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tại Hà Nội

 

Thầy Nguyễn Tân – Giám đốc Sở; GS.TS Nghiêm Đình Vì cùng quý thầy cô trong đoàn tập huấn của tỉnh Thừa Thiên Huế và các chuyên gia về xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông 

Thầy Nguyễn Tân – Giám đốc Sở (ngồi ngoài cùng bên trái hàng thứ hai) tại lớp tập huấn, bồi dưỡng

Toàn thể cán bộ, giáo viên dự bồi dưỡng, tập huấn

PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, báo cáo viên lớp bồi dưỡng. 

 

Giáo sư Phạm Hồng Tung (bên trái) - Chủ biên Chương trình môn Lịch sử và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, chuyên viên môn Lịch sử, Bộ GD&ĐT.

Nguyễn Văn Cường - GDTrH