In trang

Hội thảo dạy học tích hợp liên môn theo định hướng phát triển năng lực học sinh
Cập nhật lúc : 08:57 18/11/2016

Để chia sẻ những kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức dạy học tích hợp liên môn (THLM), rút ra những bài học thiết thực nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, đồng thời thiết thực chào mừng kỉ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016,

sáng ngày 16 tháng 11 năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Ngành Giáo dục tổ chức Hội thảo “Dạy học tích hợp liên môn phát triển năng lực người học”.

 

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Công đoàn Ngành, Phòng GDTrH cùng với sự có mặt của các đại biểu là đại diện lãnh đạo phòng GDĐT và chuyên viên phụ trách tổ phổ thông, lãnh đạo các trường phụ trách công tác chuyên môn và Chủ tịch Công đoàn các trường trung học trực thuộc.

 

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn –PGĐ đã nêu khái quát tình hình sau hai năm triển khai dạy học tích hợp liên môn và tham gia cuộc thi dạy học tích hợp liên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc dạy học tích hợp liên môn (DHTHLM) trong giai đoạn hiện nay.

  

Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, trong đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện DHTHLM ở cơ sở, trong việc lựa chọn nội dung, xây dựng chủ đề, xác định thời lượng, hình thức, phương pháp dạy học, phân công người dạy…của tổ/nhóm chuyên môn.

 

Qua trao đổi, thảo luận, Hội thảo đã thống nhất một số vấn đề như:

 

1. DHTHLM là một xu thế tất yếu, phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành TW khóa XI ngày 04/11/2013, góp phần nâng cao chất lượng giáo duc đào tạo.

 

2. DHTHLM phát triển phẩm chất, năng lực học sinh vừa là mục tiêu giáo dục (xét về mục đích, ý nghĩa của dạy học), vừa là nội dung giáo dục (xét về tiêu chuẩn, tiêu chí cần đạt của người học), đồng thời cũng là một phương pháp giáo dục (xét về cách thực hiện).

 

3. DHTHLM là một vấn đề khá mới, do đó, trong quá trình triển khai thực hiện tất yếu sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, vì tác dụng và ý nghĩa của nó, đề nghị cán bộ quản lí, giáo viên phải nổ lực khắc phục khó khăn để thực hiện DHTHLM có hiệu quả.

 

4. Các đơn vị cần phải tăng cường tham mưu cho các cấp lãnh đạo, chú trọng tuyên truyền, vận động các lực lượng xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh về mục đích, ý nghĩa và tác dụng của việc DHTHLM phát triển năng lực người học.

 

5. Đối với đội ngũ cán bộ quản lí (CBQL) các trường Trung học trực thuộc và các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần:

 

+ Quán triệt sâu sắc chủ trương đổi mới GDĐT, trong đó có việc DHTHLM, xác định rõ đây là một trong những nội dung trọng tâm và phù hợp với xu thế hiện nay.

 

+ Tăng cường chỉ đạo, quản lí việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn (SHCM) theo hướng nghiên cứu bài học, chỉ đạo các Tổ/Nhóm chuyên môn dành thời gian thích đáng cho việc trao đổi, thảo luận để xây dựng các chủ đề THLM, tăng cường dự giờ, thao giảng, góp ý, rút kinh nghiệm các tiết dạy chủ đề THLM.

 

+ Hàng năm, chỉ đạo các Tổ/Nhóm chuyên môn rà soát, xây dựng kế hoạch dạy học theo tinh thần giao quyền tự chủ cho các Tổ/Nhóm chuyên môn.

 

6. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Nhà trường và Công đoàn trong việc chỉ đạo, động viên, triển khai thực hiện việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là dạy học THLM phát triển năng lực học sinh.

Qua Hội thảo, những băn khoăn trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện ở cơ sở đã được làm sáng tỏ, một lần nữa khẳng định DHTHLM là một xu thế tất yếu, phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành TW khóa XI ngày 04/11/2013. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, việc DHTHLM sẽ được cán bộ quản lí và giáo viên các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

  

 

 

 

 


Nguyễn Văn Cường, P.GDTrH