In trang

Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ nhất
Cập nhật lúc : 14:39 19/04/2017

Trong không khí cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2017), kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2017), thầy và trò ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đã tích cực dạy tốt - học tốt, chuẩn bị cho kết thúc năm học 2016-2017 với những kết quả cao nhất. Từ ngày 10/4 đến 12/4/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh lần thứ nhất với 53 giáo viên đến từ các huyện, thị xã và thành phố Huế.

Công tác chủ nhiệm lớp ở tiểu học đòi hỏi một sự nỗ lực quyết tâm lớn, một sự nhiệt tình năng động, một tấm lòng vị tha và nhân ái, một thái độ làm việc nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm. Có thể nói rằng, sau gần ba ngày diễn ra khẩn trương sôi nổi với bốn nội dung hoạt động theo quy định của Bộ GD&ĐT, chúng ta đã chứng kiến được không ít những khó khăn, vất vả của những thầy giáo, cô giáo làm công tác chủ nhiệm lớp. 20 câu chuyện kể được trình bày tại Hội thi đã giúp chúng ta hình dung được không ít những nhọc nhằn, trăn trở trong cuộc đời dạy học và làm chủ nhiệm lớp của mỗi thầy giáo, cô giáo ở tiểu học. Có học sinh chăm ngoan học giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc phải bỏ học, có học sinh tự kỷ không muốn học, lại có học sinh vì căn bệnh hiểm nghèo không muốn đến trường vì sợ bạn bè xa lánh, kỳ thị, học sinh lại ngổ nghịch, quậy phá vì ít được cha mẹ quan tâm, cũng có học sinh có cá tính mạnh mẽ, không hoà nhập được với bạn bè vì những mặc cảm vô cớ..., và không chỉ là 20 câu chuyện với 20 số phận, 20 hoàn cảnh đáng được quan tâm mà chúng ta được nghe kể trong Hội thi này, chúng ta biết rằng còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện như thế, những hoàn cảnh như thế, những học sinh đáng được yêu thương, quan tâm, bảo bọc, giúp đỡ và hỗ trợ như thế nữa trong mỗi một nhà trường.

 

Qua phần thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm lớp, chúng ta thấy rằng, thầy cô chủ nhiệm không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy HS nhiều điều tốt đẹp khác và cũng là người hiểu được tâm tư, tình cảm của trẻ nhiều nhất. Để làm tốt công tác chủ nhiệm, việc đầu tiên khi nhận lớp, GV phải nắm được thông tin cá nhân từng em. Lưu ý các trường hợp HS mồ côi, cha mẹ ly hôn, cha mẹ làm ăn xa (hoặc lý do khác) phải ở với người thân, gia đình quá khó khăn về kinh tế, bản thân các em bị bệnh mãn tính, bệnh phải điều trị dài hạn… Kế tiếp là các em được phụ huynh quá cưng chiều, các em học yếu, các em thường nghịch phá chọc ghẹo bạn bè. Các trường hợp này thường nảy sinh nhiều vấn đề trong năm học, bởi ở tuổi tiểu học, trẻ rất nhạy cảm, hành động theo bản năng, dễ bi quan trước những điều không tốt đẹp từ gia đình hay từ bạn bè trường lớp…. Từ những thông tin này, GV nên gần gũi trò chuyện tiếp xúc các em nhiều hơn, tạo cho các em sự thân thiết, tin tưởng để có thể dễ dàng bộc lộ tâm tư tình cảm, điều mong muốn của chính mình khi cần thiết. Qua đó, thầy cô hiểu các em hơn và kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ nông cạn, sai lầm, các hành vi không hay… hướng các em vào điều tốt đẹp, lạc quan hơn. Và có lẽ tất cả chúng ta đều phải khẳng định rằng: Quan hệ mật thiết với phụ huynh HS cũng là điều hết sức quan trọng trong công tác chủ nhiệm. Đừng đợi đến các kì họp phụ huynh hay khi các em vi phạm nội quy trường lớp mới mời phụ huynh lên để trao đổi. GV có thể thăm hỏi chuyện gia đình, trao đổi cách dạy dỗ con em khi có dịp gặp mặt nhau như lúc phụ huynh đưa đón con em. Thầy cô cũng đừng để các cuộc họp phụ huynh là lúc phê phán, chê bai việc học tập, hạnh kiểm của HS. Hãy làm cho cuộc họp trở thành buổi trao đổi thân mật giữa người giáo dục trẻ em được đào tạo bài bản ở trường sư phạm và những người giáo dục trẻ theo bản năng, theo vốn hiểu biết của bản thân. Cả hai bên đều học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Làm được như thế, chắc chắn các thầy cô sẽ được sự tin yêu ở phụ huynh và họ sẵn sàng hỗ trợ cho GV trong mọi hoạt động học tập, sinh hoạt mà GV đề ra, cũng như dễ dàng cung cấp mọi thông tin về trẻ ở gia đình.

 

Hội thi cũng đã được nghe sự chia sẻ những kinh nghiệm về ứng xử tình huống trong công tác chủ nhiệm lớp. Hơn ba mươi tình huống được Ban tổ chức yêu cầu giáo viên ứng xử đều là những tình huống đang từng ngày xảy ra trong thực tế giảng dạy của giáo viên tiểu học. Những giáo viên đến từ Nam Đông, A Lưới - vùng có đồng bào dân tộc thiểu số mà đa số phụ huynh học sinh chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc học của con em mình đến những thầy giáo, cô giáo đến từ Thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ và Thành phố Huế, nơi đa số phụ huynh đều có điều kiện chăm lo cho con em, quan tâm nhiều đến sự học của con em đều đã có những cách ứng xử hay, tế nhị, hợp lý, mang tính nhân văn nhưng cũng gắn rất chặt với vai trò, trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm lớp, người chịu trách nhiệm với Hiệu trưởng nhà trường về công tác quản lý giáo dục học sinh. Mỗi tình huống tất yếu sẽ có nhiều cách ứng xử, tuy nhiên dù xử lý như thế nào, chúng ta cũng cần đặt mình vào vị trí của những người làm cha, làm mẹ để yêu thương các cháu - những học sinh tiểu học còn non nớt, ngây thơ, cái tuổi ông cha ta vẫn nói rằng “ăn chưa no, lo chưa tới”, tuổi mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã từng nói rằng: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.”  Cái nguyên lý cơ bản Bác nêu ra cũng chính là  mục tiêu giáo dục ở tiểu học, là nhiệm vụ của chúng ta - những giáo viên tiểu học, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp. Chúng ta phải là người giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, để các em từ “biết ăn, ngủ, biết học hành” rồi biết và có được những khả năng cần thiết khác trong cuộc sống.

 

53 giáo viên tham gia Hội thi cũng đã có nhiều kinh nghiệm hay, nhiều hồ sơ chủ nhiệm tốt, khẳng định một sự nỗ lực lớn, một tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ thế, mỗi một đề tài sáng kiến kinh nghiệm hay kế hoạch chủ nhiệm, hồ sơ chủ nhiệm đều cho chúng ta thấy rằng hằng ngày, hằng giờ, mỗi thầy cô giáo chủ nhiệm của chúng ta vẫn lặng thầm làm việc, đôi lúc có cả sự hy sinh, đôi lúc có niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng có lẽ có cả không ít những nỗi buồn... Tuy nhiên, điều chúng ta cảm nhận được ở đây chính là tấm lòng của những thầy giáo, cô giáo - những vị thánh trên bục giảng. Chúng ta hiểu rằng đôi lúc trong những vất vả, nhọc nhằn khi phải chăm bẵm, dạy dỗ các em học sinh tiểu học, do nhiều lý do, vì bức xúc và không kiềm chế được mình, có giáo viên đã hành động chưa đúng với lương tâm, vai trò, trách nhiệm của người thầy, chưa đảm bảo chuẩn mực đạo đức của một nhà giáo, nhưng đó chỉ là số ít, một số ít hạn hữu không thể làm mờ đi một số nhiều, rất nhiều những nỗ lực của những thầy giáo, cô giáo của chúng ta đang “tất cả vì học sinh thân yêu”.

 

Kết quả Ban tổ chức Hội thi đã trao 53 giải, trong đó gồm 11 giải Nhất, 24 giải Nhì và 18 giải Ba. 53 thầy giáo cô giáo được vinh danh xứng đáng là những giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, xứng đáng là những thầy giáo cô giáo tiêu biểu cho cuộc vận động “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”.

Dưới đây là một vài hình ảnh của Hội thi

 

 

Khai mạc Hội thi

 

 

Giáo viên dự thi nhận hoa và biểu trưng Hội thi của Ban tổ chức

 

 

Giáo viên tham gia phần thi hiểu biết

 

 

Giáo viên tham gia phần thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm lớp và ứng xử tình huống sư phạm.

 

 

Tổng kết, trao giải cho giáo viên tham gia Hội thi

Trần Đại Phúc, Phòng GDTH