In trang

Tập huấn tăng cường tiếng việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số năm học 2017-2018
Cập nhật lúc : 11:14 04/05/2018

Thực hiện Quyết định số 1008/QĐ -TT- CP ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2010, định hướng năm 2025” và Quyết định số 840/QĐ-UBND ngày 26/4/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thực hiện Đề án;

Sở GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 673/KH-SGDĐT- GDMN, ngày 28/3/2018 về tổ chức các hoạt động “Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số năm 2018 và giai đoạn 2018-2020.

 

 Trong các ngày 17,18,26,27/4/2018 tại 2 huyện A Lưới và Nam Đông, Sở GDĐT đã tổ chức tập huấn phương pháp quản lý cho Hiệu trường và phương pháp giáo dục tăng cưởng tiếng Việt cho giáo viên  đang công tác tại các vùng có trẻ em DTTS.

 

Tham gia lớp tập huấn có 240 giáo viên và 45 cán bộ quản lý là chuyên viên và Hiệu trưởng các trường mầm non có trẻ DTTS của huyện Phú Lộc, Phong Điền, Nam Đông, A Lưới và thị xã Hương Trà (đạt 50,5% tổng số cán bộ quản lý,  52,7% giáo viên công tác tại các địa phương có trẻ dân tộc thiểu số).

 

Nội dung tập huấn gồm chuyên đề 1: Lập kế hoạch quản lý, lập kế hoạch giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS; chuyên đề 2: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS thông qua hoạt động vui chơi; chuyên đề 3: Phát triển kỹ năng nghe, nói thông qua các hoạt động giáo dục trong trường mầm non. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả lớp tập huấn, ban tổ chức (BTC) lớp học đã kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thông qua các hoạt động giáo dục trực tiếp, tổ chức thảo luận để thống nhất quan điểm. (Mỗi điểm tập huấn học viên được dự 02 hoạt động học, 01 hoạt động  vui chơi).

 

Với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao của ban tổ chức và các học viên, lớp tập huấn đã thành công tốt đẹp. Hy vọng với những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình tập huấn các học viên sẽ áp dụng tốt vào công tác chuyên môn nghiệp vụ của mình ở nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, đảm bảo có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 cho trẻ.

 

Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ có kế hoạch phối hợp tham mưu để tiếp tục tổ chức tập huấn cho số giáo viên còn lại, phấn đấu đến cuối năm 2020 cán bộ, giáo viên mầm non dạy vùng có trẻ DTTS được tập huấn phương pháp Tăng cường tiếng Việt 100%, góp phần thực hiện thành công Đề án.

 

Một số hình ảnh minh họa

 

 

 

 

 

Hồ Thị Ái, P.GDMN