1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Trường cũ Thầy xưa

Kính tặng Trường THCS Hàm Nghi

VĨNH BA

Cựu HS Trường Hàm Nghi niên khoá 1961 – 1965

 

Văn Thánh trồng thông

Võ Thánh trồng bàng

Ngó lên Xã tắc hai hàng mù u

Lũ học sinh chúng tôi đứa nào cũng thuộc lòng mấy câu ca dao trên. Thế nhưng thuở chúng tôi đi học ở trường trung học Hàm Nghi thì Văn Thánh cũng chẳng còn mấy cây thông mà Võ Thánh thì đã xơ xác, họa còn cũng chỉ là một phế tích vô danh. Tất cả tên tuổi trong bài vè trên chỉ là một hoài niệm được nhắc nhở bởi một chứng vật khác mà chẳng đứa nào trong chúng tôi lại quên được: Những trái mù u trong sân trường Hàm Nghi.

Năm ấy là năm 1961, thời thầy Hồ Văn Lê làm hiệu trưởng. Đi học được vài hôm chưa quen thầy, quen lớp thì tôi đã lãnh đủ mấy trái mù u vào đầu trong một buổi ra chơi. Không biết bậc đàn anh nào đã sớm giới thiệu đặc sản địa phương cho tôi một cách quái ác như vậy. Xoa xoa cái đầu cúp “ca rê”, tôi nhìn quanh để tìm “hung thủ” nhưng những cây mù u to lớn xum xuê đã che chắn cho y mất.

Lá mù u xanh lục đậm và dày dặn vô cùng. Những lá non thì màu tươi hơn, rất mát mắt. Thân mù u to hơn cả một xoác tay của người lớn, vỏ xù xì từng mảng lóc ra nối tiếp nhau. Trong trí tưởng trẻ thơ của chúng tôi ngày ấy cây mù u chẳng có gì là thơ mộng. Một số mắt cây gồ ghề lởm chởm, nhựa đặc quánh xanh pha vàng đầy các khe hở. Nhựa mù u còn được dùng để thắp đèn, cho một ngọn lửa tù mù và mờ mịt khói.

Mù u mọc đầy trong sân trường nhưng có hàng lối rõ ràng. Dọc hai bên đường Cột cờ và đường Tống Duy Tân ngay trước mặt trường cũng đều là mù u. Điều này chứng tỏ người trồng có một chủ ý nhất định. Hay là trồng để đánh Tây ngày nào còn sót lại? Thầy giáo môn Sử kể rằng khi phe Cần Vương tấn công toà Khâm và khách sạn Morin thất bại, giặc Pháp ùn ùn tràn vô cửa Thượng Tứ. Chúng đi ắc ê thẳng chân như là người không đầu gối. Nghĩa binh ta ném mù u ra đường với hi vọng chúng sẽ trượt chân té xuống đất. Thế nhưng mù u không cản nổi giày “săng đá” của giặc Pháp. Tôn Thất Thuyết đành phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở… Nhưng cũng có thể mù u được trồng theo qui hoạch mỗi con đường một loại cây.

Chúng tôi thì dùng mù u vào một chuyện khác. Năm thầy Nguyễn Duy Khác dạy môn Thủ công, thầy đã cho chúng tôi làm màn sáo cửa bằng trái mù u. Những trái mù u già rụng xuống đã được chúng tôi lượm về, mài nhẵn, xâu thành từng chuỗi với móc thép xuyên qua chính giữa trái. Để màn sáo được láng bóng, chúng tôi đạp xe ra đường Hàng Bè mua dầu rái của các bà bán nón quét lên thế cho vẹc-ni. Những lần lang thang cùng bạn bè lượm mù u rồi xúm xít mài dũa chúng tôi khó mà quên được.

Mù u lá rậm và kín. Dưới bóng mù u có những hình ảnh dịu dàng mà chúng tôi mỗi lần gặp nhau đều nhắc nhở: Thầy cô của chúng tôi.

Năm học đệ thất chúng tôi học Giảng văn với nữ văn sĩ Tuý Hồng, tác giả “Thở dài” và “Tôi nhìn tôi trên vách” và sau này là vợ của nhà văn Thanh Nam. Cô Tuý Hồng ốm khiếp và khó tính vô cùng tận. Bạn tôi, H. “lép”, loay hoay viết cái gì đó vào một sáng nọ thì được cô tặng ngay một câu xanh dờn lá cây, “Mới sáng toanh đã viết thư cho o nào bên trường Đồng Khánh phải không?”. Lúc đó chẳng đứa nào mê nổi cô Tuý Hồng. (Mong rằng lỡ đọc được dòng này, cô cũng đừng giận lũ học trò cũ ngơ ngơ ngày đó cô nhé). Thương ghét của bọn trẻ con âu cũng là chuyện thường tình thôi.

… Nhưng sang năm đệ lục (lớp 7 bây giờ) thì chúng tôi đều thích cô giáo dạy môn Giảng văn. Đó là cô Kiều Mi, cô giáo hướng dẫn của lớp chúng tôi. Cô Kiều Mi dạo ấy được xem như hoa hậu của trường. Cô hiền hậu dịu dàng chứ không “hắc” như cô Tuý Hồng. Trong những chiếc áo dài tha thướt và đổi màu từng ngày cô Kiều Mi đã vẽ lên trí tưởng những đứa học trò chúng tôi một hình tượng của sự Toàn mĩõ. Vì buồn chuyện gia đình (?) nên trên khuôn mặt cô bao giờ cũng thoáng một chút sầu tư khiến chúng tôi rất tôn trọng. Cô rất gần gũi học sinh.

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, bây giờ tôi vẫn còn ở Huế. Bao lần đi ngang qua trường cũ nhưng tôi không có cơ hội để ghé vào. Bao nhiêu cây mù u còn sống trong mảnh sân bóng mát ngày xưa?

Tôi nhớ thầy Văn Giảng dạy môn Nhạc, tức Thông Đạt tác giả bài “Ai về trên bến sông Tương” và nhiều ca khúc nổi tiếng khác. Hồi đó chúng tôi khoái cái trò kêu tên bạn bè bằng tên bố mẹ của họ. Thậm chí kêu riết thành ra không nhớ tên thật của bạn mà chỉ nhớ tên  cha mẹ của hắn. Thầy Văn Giảng la mãi chuyện này nhưng chẳng hiểu sao chúng tôi không chừa được. Chừ hoá ra là một kỉ niệm hay cho những ông lão gần 60 ngồi kể chuyện đời xưa.

Thầy Văn Giảng bao giờ cũng vét-tông, cà vạt trịnh trọng. Thầy xướng âm chuẩn như cây đàn, giọng ấm lạ thường. Một số bài hát thiếu nhi do thầy viết rất dễ thương nhưng chỉ tiếc là không mấy phổ biến. Lứa chúng tôi thì hẳn không quên câu hát này, “Ơi cò ơi, tham làm chi mà vội, ơi cò ơi, gây lầm than cuộc đời…”. Nội dung giáo dục đạo đức trong nhạc của thầy rất nhẹ nhàng. Giờ đây tôi không sao nhớ hết mà chỉ còn đậm trong lòng một ấn tượng rằng đã là người học trò thì phải gương mẫu, học chăm, không đua đòi… Ôi, làm sao tôi quên được những cảm xúc đó khi còn học nhạc với thầy Văn Giảng!

Nhắc tới thầy Văn Giảng mà không nói tới bài hát “Từ Đàm quê hương tôi” thì thiếu sót hơi bị nhiều. Trong tim những người con xứ Huế, bài hát này nhắc lại một thời đấu tranh hào hùng cho dân tộc và đạo pháp. Hình ảnh ngôi chùa, âm thanh tiếng chuông sao mà thân thương, gần gũi thế. Tình yêu Tổ quốc trong tôi lớn dần âu cũng từ những tình cảm nho nhỏ như yêu thầy, yêu lớp, yêu quê nhà… Một lần nữa, xin cám ơn thầy vậy.

Dạy môn Vẽ năm lớp đệ thất (tức lớp 6 bây giờ) là thầy Hiếu Đệ tức Hoạ sĩ Hiếu Đệ sau này vẽ tranh hài cho một số tờ báo lúc đó. Trong giờ dạy đầu tiên thầy đã biểu diễn vẽ bằng mấy đầu ngón tay làm lũ chúng tôi phục lăn. Sau mấy phút chọc tay vào mấy ống màu rồi vào dĩa nước, thầy đã vẽ xong một tranh tĩnh vật một bình hoa trên chiếc bàn ở góc phòng cạnh cửa sổ. Thầy Hiếu Đệ giỏi cờ tướng, kể chuyện đánh cờ thế ở Chợ Lớn kiếm cơm thuở còn lang bạt kì hồ. Thầy áo quần lụng thà lụng thụng rất nghệ sĩ. Nghe đồn thầy còn rất giỏi Judo. Học trò dạo ấy cũng không thiếu đứa hoang nghịch và lười biếng nhưng cũng kiêng thầy Hiếu Đệ vô cùng.

Thầy dạy môn Vạn Vật (tức Sinh học bây giờ) là thầy Nguyễn Cửu Triệp. Thầy mập mạp, hồng hào và cười rất chi là hiền hậu. Có một dịp đầu năm học, học trò chưa kịp mua sách, thầy hoa tay trong năm  phút tức thì một bầy khỉ, vượn, tinh tinh, đười ươi… hiện ra trên bảng sinh động vô cùng. Đố học sinh nào dám không nể phục một đại sư phụ như vậy. Thầy còn kể chuyện hay tuyệt vời. Học trò Hàm Nghi mà  không nghe được thầy kể chuyện xem như là quá bất hạnh. “Các anh trốn, các anh chết. Ngọn đèn vàng trong mưa tuyết bão bùng soi hàng chữ trên vách tường nhà tù của lính Thiên hoàng…”, lời thầy kể ngày nào như đang vang vang trong tai tôi khi đang viết những dòng này. Giờ nào học với thầy, chúng tôi cũng cố gắng học tốt để đến năm phút cuối giờ được thầy thưởng tiếp câu chuyện còn dở dang từ tuần trước. Giá có một cuộc thăm dò ý kiến học sinh Hàm Nghi về thầy nào học sinh nhớ đến nhất thì tôi tin thầy Triệp đứng đầu danh sách mất.

Nhân đây tôi muốn bày tỏ lòng cám ơn đến thầy Lê Quang Liễn, giáo sư hướng dẫn lớp tôi năm đệ thất và cũng là chồng cô Hoắc Hương dạy Anh văn lớp tôi năm đệ ngũ (tức lớp 8 bây giờ). Có lần đến nhà thầy chơi, tôi đứng ngẩn ngơ trước tủ sách đầy ắp của thầy. “Vĩnh Ba muốn mượn sách đọc hả? Em cứ chọn đi! Cái đồ “lạc xon” đó mà!”, thầy nói. Thế là tôi khuân về nhà nào là nguyệt san Phổ Thông. Thời Nay… và cả các tập Quê Hương dày cộp do giáo sư Nguyễn Cao Hách chủ biên. Mười mấy tuổi đầu, tôi sa vào mê cung sách vở một phần là vì thế đó.

Ôi! Các thầy cô của chúng tôi ngày xưa ấy quả là hết sức tuyệt vời. Dạo đó chúng tôi hiếm khi đến nhà thầy cô thăm viếng như học sinh bây giờ. Thầy cô là một khoảng trời huyền hoặc mà nơi đó tri thức mênh mông của nhân loại không ngừng tuôn rót vào lòng chúng tôi. Không giáo án hay cặp sách dày nặng như chúng tôi bây giờ. Lạ nhỉ? Viên phấn và lời giảng: “Câu chuyện Le Cid tuần sau sẽ tiếp” của thầy Nguyễn Đình Phiên (sau này là Hiệu trưởng thế thầy Hồ Văn Lê), chiếc xe hơi con cóc deux chevaux của thầy Uyển dạy Vẽ, chiếc Gobel đỏ màu lửa của thầy Trần Đức Võ dạy Vạn Vật, chiếc Vélo Solex của cô Minh Lệ dạy Toán,… từng ký ức rời rạc đó cứ theo nhau hiện về với những trái mù u.

Cuối năm học 1964 – 1965, tôi đỗ “đíp-lôm” và đành chia tay với trường Hàm Nghi vì dạo đó trường chưa có đệ nhị cấp (cấp 3). Qua Quốc Học, chúng tôi thuộc vào một lớp người mới, chững chạc hơn và oai danh hơn. Học sinh đệ nhị cấp hồi đó là người lớn lắm rồi thế nhưng lũ chúng tôi vẫn còn nhớ tới bánh ram mặn và ngọt của ông cai Lục. Nhớ tiếng trống vang vang từ góc Di Luân Đường, nhớ những lần đuổi nhau ném mù u tứ tung.

Một chiều nào đó mai đây, có ai thấy một ông lão lom khom đi quanh Di Luân Đường nhặt những trái mù u rơi rụng trên sân, hẳn ông lão đó là tôi.

V.B

Các tin khác