1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Đề tài mùa xuân

ĐỀ TÀI MÙA XUÂN
TRONG THƠ VIẾT CHO TRẺ EM

TS. BÙI THANH TRUYỀN

1. Trong quan niệm phương Đông và Việt Nam, xuân luôn đồng hành cùng tuổi trẻ – “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (Hồ Chí Minh). Dẫu là đứa con tinh thần của một người đứng tuổi, nhiều trải nghiệm trong cuộc đời hay của chính trẻ thơ – những con người còn trong trắng về tâm hồn, hồn nhiên, non nớt trong nhận thức, thì người ta vẫn dễ nhận ra những đặc điểm chung trong thơ viết về mùa xuân dành cho các em: Nét trong trẻo, khỏe khoắn, lạc quan và tràn đầy sức sống. Chính những khác biệt trong tình cảm, suy nghĩ của đối tượng tiếp nhận nhỏ tuổi là thấu kính hội tụ tạo ra sự gặp gỡ độc đáo giữa các thế hệ cầm bút. Điều này ít gặp, thậm chí còn nhiều “lệch pha” so với những bài thơ cùng đề tài viết cho người lớn.

2. Theo các nhà thơ, trong con mắt con trẻ, mùa xuân hiện lên với rất nhiều dáng vẻ. Nhưng hầu hết đều có một điểm chung: Rất đẹp, rất kì ảo trong vai trò làm bừng dậy sức sống của vạn vật, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho muôn loài. Có lúc Xuân được xem như là một người lính khổng lồ, lao động cần cù, chăm chỉ, đầy trách nhiệm và sáng tạo, bao giờ cũng “vươn vai lên trước – rải khắp đất trời – chồi lộc xanh tươi – sắc màu rực rỡ” (Bốn người – Võ Quảng). Cùng với ba người bạn thân thiết là Hạ, Thu, Đông, Xuân đã góp phần “thay ca đổi kíp – đổi mới non sông”, gìn giữ cho đất nước luôn yên bình và vô cùng tươi đẹp.

Cũng có khi xuân được hình tượng hóa qua hình ảnh của một nàng tiên dịu dàng, rón rén đến bên muôn loài vẫn còn đang thiêm thiếp trong giấc ngủ mùa đông. Với cây đũa thần trên tay, nàng khẽ chạm vào vạn vật; tức thì “trăm ngọn suối – nổi róc rách reo mừng – tức thì ngàn chim muông – nổi hát ca vang dậy”. Khiêm nhường và phần nào yếu ớt như một mầm non lặng lẽ ngủ vùi suốt những ngày đông giá rét, trước thanh âm rộn rã của đất trời cũng “vội bật chiếc vỏ rơi – nó đứng dậy giữa trời – khoác áo màu xanh biếc” (Mầm non – Võ Quảng). Một sự thức tỉnh đầy bất ngờ, mạnh mẽ để cùng tham gia vào vũ hội tưng bừng của trời đất và của cả lòng người.

Không những chỉ ngập tràn âm thanh, vườn xuân của các em cũng được nàng xuân khoác cho một bộ cánh mới nhất, diện nhất để cùng trẩy hội, cùng du xuân. Sẽ là không quá chăng khi ví vườn xuân ấy với căn phòng lộng lẫy; ở đó đang diễn ra cuộc hội ngộ li kì giữa tự nhiên và vạn vật, giữa “lượng trời” rộng lớn và lòng người đang căng ra để đón nhận, lắng nghe những rung động, biến chuyển kì diệu của đất trời:

          Mùa xuân gọi dậy chồi non
Gọi bông hoa nở xoe tròn trên cây,
          Gọi cơn nắng ấm tràn đầy
Gọi con sáo vỗ cánh bay tìm đàn
          Gọi cho con én bay sang
Gọi cơn gió thoảng mơ màng tiếng xuân.

(Mùa xuân – Dương Khâu Luông)

Yêu quý mùa xuân nên đôi lúc tình cảm các em dành cho ba tháng đầu năm này cũng đôi phần thiên vị: Một chút nắng xuân cũng chiếm vị trí trang trọng trong tâm hồn các em:

Dịu dàng và nhẹ nhàng/ Vẫn là chị nắng xuân/ Hung hăng, hay giận dữ/ Là ánh nắng mùa hè/ Vàng hoe như muốn khóc/ Chẳng ai khác: nắng thu/ Mùa đông khóc hu hu/ Bởi vì không có nắng 

(Nắng bốn mùa – Mai Anh Đức)

Và thoáng mưa bụi mùa xuân cũng có linh hồn, sức sống do được cảm nhận qua cái nhìn “vật ngã đồng nhất” của trẻ thơ – những người đang tưng bừng dắt mùa xuân vào phố: “Mưa xuân lất phất – Như bầy trẻ con – Nối nhau chạy đuổi – Lon ta lon ton… - Ríu ran trẻ nhỏ – Dắt mùa xuân sang” (Xuân – Thu Hằng).

Sẽ là thiếu sót nếu nói đến mùa xuân mà không đề cập đến khoảng thời gian ấn tượng nhất của nó (và cũng là của cả năm): Tết. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho trong tâm khảm các em, xuân bao giờ cũng là mùa đẹp nhất, đáng nhớ nhất. Đơn giản chỉ vì, “cứ vào độ Tết – vườn em lại đẹp – không tháng nào bì”. Mảnh vườn con trước nhà, qua cái nhìn trẻ thơ, hóa thành một vũ trụ thu nhỏ, vạn vật cũng giao hòa trong khúc luân vũ ngập sắc màu: óng ánh của hoa cải li ti, tim tím của hoa cà, trắng phau hoa ớt, mọng đỏ cà chua, xanh ngát của những luống hành tây, su hào, bắp cải… Hàng loạt những tính từ mạnh tạo khắc một vẻ đẹp “chẳng ai ngờ”; bởi nó được nhìn qua đôi mắt trong veo và tấm lòng háo hức, tràn căng nhựa sống của các em (Ai cho em biết – Võ Quảng).

Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao những sự vật làm nên linh hồn của Tết trong thư viết cho các em thường mang dáng dấp quen mà rất lạ. Ở đó, hoa đào cũng biết bất chấp cái lạnh hun hút của gió bấc mùa đông để cười trước gió xuân báo cho các em biết những ngày vui nhất trong năm sắp sửa bắt đầu; vì với các em, “hễ thấy hoa cười – đúng là đến Tết” (Hoa đào – Mai Văn Hai, Cây đào – Nhược Thủy). Và hoa cúc, mặc cho những quan niệm về quy luật thời gian mang đầy tính biểu tượng của người lớn chúng ta (Mùa thu vào hoa cúc – Xuân Quỳnh; Sen tàn cúc lại nở hoa – Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân – Nguyễn Du), can trường chịu rét “suốt cả mùa đông”, lặng thầm, cần mẫn “gom nắng vàng – vào trong lá biếc” để “chờ cho đến Tết – nở bung thành hoa… - ấm vui mọi nhà” (Hoa cúc vàng –Nguyễn Văn Chương). Một sắc vàng rực rỡ, ấm áp và ứ tràn nhựa sống chỉ riêng có trong thơ Tết viết cho các em !

Tuổi thơ là nơi lưu giữ những kí ức hồn nhiên, nguyên sơ nhất của nhân loại. Có lẽ vì thế, dẫu những quy luật, những ba động nghiệt ngã của cơ chế thị trường làm cho cái Tết cổ truyền của dân tộc phần nào mai một, mất dần thế thượng phong so với những ngày vui, dịp lễ khác trong năm thì Tết trong thơ cho các em vẫn rộn ràng, vẫn tột cùng niềm vui và rất đỗi truyền thống: vẫn đầy đủ hoa đào, hoa mai và “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”:

Hoa đào trước ngõ/Cười vui sáng hồng/ Hoa mai trong vườn/ Rung rinh đầy nắng/ Sân nhà đầy nắng/ Mẹ phơi áo hoa/ Em dán tranh gà/ Ông treo câu đối/ Tết đang vào nhà…

(Tết đang vào nhà – Nguyễn Hồng Kiên)

3. Thường khi đã nhiều trải nghiệm, tóc đã nhuốm màu thời gian, đã “qua bên kia cái dốc cuộc đời”… người ta thường có nhiều khắc khoải, nuối tiếc; mỗi lúc xuân về lại một lần đếm tuổi mình đầy tay.

Với thơ thiếu nhi thì lại khác. Tết luôn về trong tâm trạng háo hức, chờ đợi từng ngày của các em. Chính tâm trạng đặc biệt này đã làm tăng thêm ý vị của những ngày xuân trong mắt trẻ. Trời đất như cùng hát khúc hoan ca khi các em bước vào tuổi mới: “Sắp thêm một tuổi – Đất trời nở hoa” (Tết đang vào nhà). Không gian – thời gian trong thơ Tết của các em thường là ở hiện tại và tương lai; ít khi xuất hiện những suy tư, hoài nhớ những tháng ngày quá vãng. Có chăng cũng chỉ với nỗi niềm tri ân gửi những ai đã âm thầm mang lại sắc xuân cho mình như tình cảm của em bé dành cho sứ giả của mùa xuân – hoa cúc trên đây. Hay là nỗi băn khoăn, tự vấn để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Vì sao “cứ vào độ Tết – vườn em lại đẹp – không tháng nào bì?”:

Có phải đẹp nhờ/Mẹ em vun xới?/ Hay vì xuân tới/ Nắng trời ấm êm/ Hay vì lòng em,/ Vui mừng Tết đến.

(Ai cho em biết – Võ Quảng)

Câu trả lời thật bất ngờ: Sự gặp gỡ giữa thiên nhiên, công sức của con người và nỗi niềm trẻ thơ đã tạo ra vẻ đẹp có một không hai cho ngày Tết của thiếu nhi. Tết của các em là tụ hội của “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Tìm được câu trả lời là một lần chứng tỏ các em đã trưởng thành hơn, biết sống có trách nhiệm, nhân hậu, hạnh phúc hơn.

Nghĩa là người viết đã không hề che giấu ý đồ, động cơ giáo dục trẻ thơ của mình. Bên trong một vườn xuân kì ảo, lắm sắc hương là lời nhắn nhủ ân cần về lòng biết ơn, hiếu thảo với mẹ cha. Đằng sau không khí tưng bừng đón Tết là niềm vui sum họp, là hơi ấm của tình cảm gia đình – một nhân tố quan trọng làm nên ý nghĩa, hương vị những ngày xuân. Ngoài ra còn là sự cuốn hút các em vào một cuộc trẩy hội kì thú, cảm nhận bao đổi thay kì diệu, tế vi của tạo vật để rồi mỗi người biết trở về tự nhận thức chính mình. Có thể có phần nào cực đoan, sơ lược và chưa tinh tế trong nét vẽ tranh xuân bằng chất liệu ngôn từ của người viết, nhưng động cơ và mong muốn tạo cho trẻ thơ một môi trường giáo dục toàn diện, toàn mĩ là điều dễ nhận thấy và xứng đáng được ghi nhận. Chính tình yêu thương, trách nhiệm đối với trẻ thơ đã thổi thêm linh hồn, sức sống cho cảnh vật trong thơ làm cho chúng nảy nở, sinh sôi và vô cùng tươi mới.

Người ta vẫn thường gọi lứa tuổi bé là tuổi thơ, tuổi nụ. Mà tuổi thơ, như đã nói, luôn hòa nhịp với mùa xuân. Thử làm một phép suy luận kiểu quan hệ bắc cầu, sẽ dễ dàng thấy được vì sao thơ viết cho các em lại thường đề cập đến mùa xuân với những thanh âm và sắc màu đặc biệt đến thế. Không chỉ bồi dưỡng cho tâm hồn trẻ thơ thêm phong phú, lớn khôn, mảng thơ viết về đề tài này còn hướng các em đến những vấn đề thiết thực, gần gũi hơn là tình yêu quê hương, đất nước, con người… Đó cũng là một đòi hỏi, một trách nhiệm đặt ra đối với người viết cho trẻ em hôm nay: Hãy dành cho thiếu nhi những gì trong sáng, đẹp đẽ nhất chưng cất từ chính đời sống, từ tình yêu và trách nhiệm đối với trẻ thơ để các em không bị đánh mất những hồn nhiên, thơ trẻ của mình bởi những âu lo, khắc khoải thời gian thường trực của người lớn mà vẫn được nâng lên tầm cao mới cả trong nhận thức và đời sống tình cảm.

B.T.T

Các tin khác