1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Khuyến học

KHUYẾN HỌC
HÔM QUA VÀ HÔM NAY

HUY THẢO

1. Cùng với đạo lý: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Tôn sư trọng đạo”, “hiếu học” cũng là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam xưa nay. Các bậc ông bà, cha mẹ thời trước cho con tới lớp, tới trường học tập, trước hết cũng là để cho con “Có cái chữ mà làm người”, sau nữa là để tạo cho thanh thiếu niên một con đường lập thân, lập danh, lập nghiệp. Nhằm khuyến khích con cháu học hành, thời phong kiến, chính quyền các cấp, từ trung ương đến các phủ huyện, các làng xã và các gia đình, gia tộc đã có nhiều chính sách, nhiều việc làm rất thiết thực và hiệu quả. Khoa thi chữ Hán có quy mô lớn đầu tiên ở nước ta được mở ra vào năm 1075, dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072-1128). Trước đó, năm 1070 nhà Lý đã dựng Văn Miếu ở thành Thăng Long, đúc tượng thờ Chu Công, nhằm mục đích đề cao Nho học, khuyến khích học hành. Năm 1076, Quốc tử giám lại được lập ra ở Thủ đô. Loại trường này được xem là một dạng trường đại học đầu tiên ở nước ta. Con em các gia đình quý tộc, quan lại và những thanh thiếu niên học giỏi đều có thể được xét tuyển để vào học trường này. Sau mỗi kỳ thi hội, thi đình, có “Lễ truyền lô” rất trọng thể. Những người đỗ đại khoa được ghi tên vào bảng vàng, được vua đãi yến, được nhà nước cấp bảng hiệu để rước về quê bái lạy tổ tiên. Đặc biệt từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) trở đi, những người đậu Tiến sỹ vinh hạnh được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu. Hiện nay tại Văn Miếu (Hà Nội) còn 82 bia Tiến sỹ và Văn Thánh (Huế) vẫn giữ nguyên vẹn 32 bia cùng loại. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia...” câu văn bất hủ ấy không chỉ được khắc trên bia đá mà còn vang vọng mãi trong suy nghĩ của những người đang giữ trọng trách điều hành quản lý đất nước và trong tâm thức các bậc “hiền nhân quân tử” xưa nay.

Nhận rõ việc học hành, khoa cử có liên quan chặt chẽ đến sự hưng vong của đất nước, đến tương lai của con cháu, các gia đình, gia tộc và các làng xã đã rất coi trọng việc khuyến học, dù trước năm 1945, không phải gia đình nào, làng quê nào cũng giàu có, cũng có bát ăn, bát để. Do vậy họ phải chắt chiu, gom góp từng cân gạo, đồng tiền để trợ cấp cho những người nghèo và người học giỏi; tổ chức đón rước, hoặc dựng nhà cửa cho những con em đỗ cử nhân, tiến sỹ v.v... Điều này đã được ghi trong Hương ước của nhiều làng xã. Xin được trích một đôi dòng ghi trong “Hương ước” của vài làng ở Thừa Thiên Huế.

- “Kẻ sỹ trong làng, người nào luyện rèn nho học tài năng xuất thân khoa cử, người thi trúng về làng yết thần bái tổ, bổn xã đều có lễ mừng. Phàm viên nào thi đỗ tú tài tiền lễ mừng của bổn xã 3 quan. Đến khoa sau thi trúng cử nhân, tiền lễ mừng của bổn xã 5 quan, khoa sau lại trúng tiến sỹ, lễ mừng 8 quan. Các lễ đến có cau, trầu, rượu đủ lễ”. (Trích Hương ước làng Thanh Phước-Phú Vang- Soạn năm 1837- Triều vua Minh Mạng)

- “... Do năm nay, bổn làng nghĩ: Nho là quý báu trên đời, trộm thấy học trò trong làng đều lười nhác, không có chí theo thầy học tập, lấy gì để tiến đức thành danh, nên cùng định rằng: Viên nào, người nào trong làng có con cháu từ 15 tuổi trở lên thì phụ huynh phải trình với bổn làng cho nó theo thầy học tập. Phàm các việc sưu dịch trong làng đều cho được miễn...” (Trích Hương ước làng Xuân Hoà – Hương Trà – Soạn năm 1809 triều vua Gia Long) (1). Một số làng xã cũng lập bia đá khắc tên những người con của quê hương đậu tú tài, cử nhân, tiến sỹ.

Người bình dân còn sáng tác ra nhiều chuyện kể, nhiều câu tục ngữ, ca dao, hò vè để nêu gương sáng, để khuyến khích, động viên, khuyên bảo con cháu ra sức học hành cho bằng anh, bằng em. Ví như các truyện Sọ Dừa, Tống Trân- Cúc Hoa, Thoại Khanh, Châu Tuấn, Lương Thế Vinh v.v...

Khuyên con khuya sớm chuyên cần

Học hành có chí lập thân nên người.

2. Kế tục, phát huy truyền thống hiếu học và việc khuyến học của tổ tiên ta thuở xưa, ngày nay, các cấp chính quyền, đoàn thể, ngành giáo dục, các địa phương, các gia tộc, gia đình... đều rất quan tâm đến việc học hành của các em từ lớp mẫu giáo, tiểu học... đến trung học, cao đẳng, đại học. So với thời trước, việc khuyến học thời nay có hình thức phong phú hơn, đa dạng hơn, thu hút được nhiều lực lượng tham gia  hơn và có quy mô lớn hơn, có tổ chức chặt chẽ hơn. Các gia đình, các dòng họ, nhất là những gia tộc có truyền thống học hành, khoa bảng vẫn giữ được các hình thức khuyến học như thuở xưa. Xin đơn cử một ví dụ: ở làng Bồi Thanh (nay là Tổ 20, khu vực 6B phường Vỹ Dạ – TP Huế), họ Trần Minh (đệ nhị phái) năm 2006 đã thảo ra “Bản quy chế về việc khen thưởng con cháu trong gia tộc ngoan hiền, học giỏi”, trong đó quy định rất cụ thể từ việc đóng góp tiền bạc đến tiêu chuẩn và mức khen thưởng cho từng em thuộc các cấp học khác nhau. Các dòng họ khác như dòng họ Hoàng (Quảng Phú, Quảng Điền), họ Lê Quang (Hương Long, TP Huế), họ Hồ Đắc (Lộc An, Phú Lộc), họ Trần Ngọc (Phú Mỹ, Phú Vang), họ Đoàn (Hương Lộc, Nam Đông), học Bùi (Thuỷ An, TP Huế), họ Võ (Thái Dương, Hương Trà), họ Hồ Tấn (Quảng Vinh, Quảng Điền) v.v... cũng đã làm tốt công tác khuyến học từ nhiều năm nay. Ở bậc cao hơn, tất cả các tỉnh thành, các huyện và tuyệt đại bộ phận các làng xã, phường phố ở nước ta đều có “Hội khuyến học”. Các hội này đều hoạt động rất tích cực và có hiệu quả lớn trong việc động viên, khuyến khích và hỗ trợ tích cực cho học sinh, sinh viên học tập. “Hội khuyến học Thừa Thiên Huế”, thành lập ngày 4/8/1977. Mười một năm qua, với trên 150.000 hội viên, hơn 1600 Chi hội rải khắp các huyện, thị trong tỉnh, Hội khuyến học Thừa Thiên Huế đã tạo được một cuộc vận động lớn “Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học”. Quỹ khuyến học của Hội, chỉ tính trong 4 năm (2004-2007) đã lên đến con số 12 tỷ 829,9 triệu đồng. Số tiền này đã trợ giúp cho nhiều học sinh-sinh viên nghèo học giỏi và dùng vào việc khen thưởng các em học giỏi (2). Rồi nữa, trong các kỳ khai giảng đầu năm, hoặc tết trung thu, nhiều khu tập thể, giáo xứ, tịnh xá v.v... đã có những hình thức khen thưởng, động viên các em có thành tích học tập tốt. Nhiều tổ chức, đoàn thể, trường đại học, cao đẳng, nhiều công ty, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cũng đã dành hàng chục tỷ đồng để tặng cho các em trong các kỳ thi đại học-cao đẳng đậu thủ khoa, á khoa, tốt nghiệp đạt loại xuất sắc. Những học bổng, những phần thưởng mang tên các danh nhân, các nhà khoa học, các anh hùng liệt sỹ v.v...có sức động viên, khích lệ rất lớn việc học hành, thi cử của học sinh - sinh viên v.v... Rõ ràng việc khuyến học từ sau năm 1945 đến nay đã trở thành một phong trào rộng lớn, thu hút được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội. Hẳn là vì vậy mà số học sinh-sinh viên học giỏi ngày một nhiều hơn, những thanh thiếu niên con em các gia đình nghèo khó cũng có thêm điều kiện để theo đuổi con đường học hành, những dòng họ có truyền thống khoa bảng vẫn giữ được nếp nhà và tiếp tục đóng góp cho quê hương, Tổ quốc nhiều tài năng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật... Thời nào cũng vậy, khuyến học có thể xem như một trong những đòn bẩy có hiệu quả góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho nước nhà.

H.T

Các tin khác