1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Lục bát mùa xuân

LỤC BÁT MÙA XUÂN

TS. HOÀNG THỊ THU THỦY

Thơ xuân tươi mới, rộn ràng, nồng nàn hơi thở xuân, sắc xuân, tình xuân, gió xuân, mưa xuân... Nhiều thi nhân để lại ấn tượng trong lòng người đọc qua thơ xuân. Độc giả không thể nào quên được những câu thơ xuân của Nguyễn Bính - nhà thơ chân quê

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay

(Mưa xuân)

Và rồi những câu thơ

Tôi có chờ đâu có đợi đâu?
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

gợi cho ta nhớ đến nhà thơ của một thời “trơ trọi, cô đơn”; với ước muốn “chắn nẻo xuân sang”, “cản tình xuân” - một kiểu chối từ thực tại vừa quyết liệt, vừa da diết, đó là nhà thơ Chế Lan Viên.

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang

những câu thơ tươi vui, trong sáng, rộn ràng của thi nhân Hàn Mặc Tử như xua đi “giấc mơ hư ảo” trong thơ Chế Lan Viên và dường như cũng xua đi cả những dự cảm về bước đi âm thầm và quyết liệt của thời gian, của sự ý thức về bi kịch của đời người hữu hạn trong cái vô hạn của vũ trụ trong thơ Tản Đà “Thơ với rượu cùng xuân ta cứ thế / Ngoài trăm tuổi vắng ta trong trần thế / Xuân nhớ ta chưa dễ biết nhau tìm / Cùng nhau nay hãy uống thêm”...

Từ nhà thơ Tản Đà đến những nhà thơ Mới, mỗi bài thơ xuân đều để lại dấu ấn của thi nhân, và đọng lại trong lòng độc giả cảm thức về mùa xuân tươi mới, xanh non, háo hức, rộn ràng; ngoại trừ nhà thơ của Điêu tàn... Ở bài viết này, xin gợi ý về một cách đọc nữa về thơ xuân - đó là đọc thơ xuân từ những bài thơ theo thể lục bát. Câu thơ lục bát thẳm sâu trong cội nguồn dân tộc, nuôi dưỡng biết bao tâm hồn người Việt qua các thế hệ. Tìm về câu thơ lục bát mùa xuân chúng ta dường như cảm nhận sâu sắc hơn nét đẹp tiềm ẩn của thi ca ngàn đời bởi chất ngọt ngào, sâu lắng; bởi điệu mượt mà, tha thiết khó quên.

Trời cao, xanh ngắt ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai

hẳn độc giả nhận ra thi sĩ tài hoa Thế Lữ với bài thơ nổi tiếng Tiếng sáo thiên thai. Thi sĩ Thế Lữ đã làm mới thơ ca Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX với những câu thơ đầy ngạc nhiên, háo hức, tươi mới và khó quên như thế. Vẫn là câu thơ lục bát, vẫn là nhịp thơ 2 / 2 / 2, vậy mà đọc lên cứ thấy mới lạ và cảm giác như tiếng thơ reo vui bồng bột kia còn chứa đựng cả cảm quan hết sức chủ quan của thi nhân. Nói như Hoài Thanh “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu... ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận...”... Mỗi tác giả có một thế giới riêng biệt với những cảm xúc riêng biệt. Chưa bao giờ ta có thể chứng kiến một hiện tượng nghịch lí mà rất lôgic như thời hiện đại do thơ mới bắt đầu: “Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi / bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng / Tiếng đưa hiu hắt bên lòng / Buồn ơi! xa vắng mênh mông là buồn...” ánh xuân, cỏ xuân, tiếng sáo... là vui, là trữ tình, là lãng mạn; vậy mà “Tiếng đưa hiu hắt bên lòng / Buồn ơi! xa vắng mênh mông là buồn...”. Những câu thơ rất Thế Lữ, nhắc đến Thế Lữ người ta nhớ đến Tiếng sáo thiên thai cũng vì thế.

Xuân Diệu - một nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới lại có kiểu riêng - kiểu của con người “tương tư”, con người “tình nhất” trong những nhà thơ tình; con người luôn lấy cái tôi chủ quan áp đặt cho thiên nhiên theo kiểu “Tôi muốn tắt nắng”... “tôi muốn buộc gió...”. Nhà thơ đến với câu lục bát mùa xuân qua bài thơ Hỏi “Một năm thêm mấy tháng rồi / Thu đi, đông lại, bồi hồi sắp xuân” - bồi hồi, háo hức, non tươi và chứa chan hy vọng... Và rồi đột ngột chuyển sang tương tư, khao khát “Ngày ngày em nói bao lời / Với cha, với mẹ, với người xung quanh / Với đường phố, với cây xanh / Sao em không nói với anh một lời? / Tương tư ăn phải miếng mồi / Đứng đi trên lửa, nằm ngồi trong sương / Phải duyên phải lứa thì thương / Để chi đêm thẳm ngày trường hỡi em”. Thì ra mùa xuân chỉ là cái cớ, còn thể thơ lục bát là phương tiện để chuyển tải nỗi lòng tương tư rất cổ điển mà cũng rất hiện đại. Cổ điển trong nhịp điệu, giai điệu, trong thi tứ, trong thể loại; mà hiện đại lại từ cảm xúc, từ cái tôi thi nhân. Chỗ giống nhau của các nhà thơ Mới chính là ở sự độc đáo không lặp lại của mỗi cá tính sáng tạo. Mỗi nhà thơ đối diện với chính bản thân mình và trong thế giới riêng tư, cái tôi nhà thơ tự do theo đuổi những gì mà mình hứng thú, say mê, và cho là quan trọng.

Tiếp theo những nhà thơ Mới, nhiều nhà thơ đương đại Việt Nam viết về mùa xuân bằng câu thơ lục bát, làm nên điệu riêng khó lẫn.

Lục bát là lục bát ơi
Câu thơ hẹn chín mười chờ đã lâu

cố thầy giáo dạy văn Diệp Minh Luyện (ở trường CĐSP Quảng Bình trước đây) mở đầu bài thơ “Lục bát mùa xuân” với những câu thơ giản dị chân chất như thế. Nhà thơ làm đẹp thêm cho vườn hoa thơ ca dân tộc bằng những thi liệu quen thuộc từ “hương cau thoảng, chùm táo ngọt, vị hồng ngâm” và chất “phù sa” được bồi tụ thêm bởi những câu thơ ngọt ngào sâu lắng “Trong lời xưa mẹ êm đềm / Dưới thềm trăng mẹ ngồi têm cánh trầu / Lời ru mẹ lắng đêm sâu / Cánh cò trắng nối nhịp cầu tuổi thơ”. Dường như mỗi truyền thuyết, cổ tích, thần thoại, mỗi làn điệu dân ca, ca dao đã thấm đẫm trong hồn tác giả để những câu thơ trôi chảy trong tiềm thức và trong cả ý thức. Mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh thơ thấm đượm chất liệu dân gian từ ngàn xưa, rồi bất chợt bừng lên niềm hoan ca trong ngày xuân rộn ràng: “Em ơi, xuân đến rồi kìa / Nghìn câu lục bát nghìn tia nắng hồng”...

Nhà thơ Kim Bằng nhận ra mùa xuân trong màu hoa tím:

Mùa xuân hoa tím ngày xưa...
Có cô hàng xóm xinh vừa tuổi tôi
Mười lăm, mười sáu - một thời
Nhà hai đứa ở lưng đồi hoa sim
”...

Nhịp thơ lục bát đã làm nên điệu nhạc trong cảm xúc thơ, đó là nhạc lòng, nhạc tình, nhạc nhớ, nhạc thương; thương nhớ về một thời “Ngây thơ đuổi bắt trốn tìm / Lẫn trong hoa tím lời chim ghẹo đùa / Rồi sim ngọt, rồi sim chua / Bất ngờ em lớn, bất ngờ tôi xa”. Thể thơ lục bát thật đắc dụng trong việc gợi về kỷ niệm, gợi về cái thuở ngày xưa, cái thời ngây thơ. Ca dao từng có câu “Ngày đi trúc chửa mọc măng / Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre” - một kiểu nói ẩn dụ, kín đáo, vừa ngạc nhiên vừa tiếc nuối; còn Kim Bằng nói rõ ra không ẩn ý, không ngầm chỉ mà vẫn thấy ngạc nhiên và tiếc nuối vì “Bất ngờ em lớn, bất ngờ tôi xa”. Để rồi “Tiễn tôi em hái làm quà / Một nhành sim tím hẹn mùa xuân sang / Tha phương phiêu lãng thời gian / Tôi về em cũng vừa sang nhà người”. Đọc những câu thơ và lắng nghe giai điệu của nó ta nhận ra nỗi tiếc nuối thật sâu sắc, thật trữ tình, thật cổ điển với môtip “em sang nhà người” nhưng thật hiện đại bởi “Mùa xuân sim tím bên đồi / Ngang chiều hoa thắm ngang trời gió bay” (Hoa tím mùa xuân)...

Nhà thơ Hà Nguyên Thạch “Lên đồi đón xuân” cũng theo mô típ cổ điển:

Sớm mai khoác nắng lên đồi
Níu mây xuống thấp ngó trời rộng tuênh

Cổ điển ở tư thế “lên đồi”, nhưng lại hiện đại trong ước muốn chủ quan “níu mây xuống thấp...”; cổ điển trong không gian tĩnh lặng “Lá thầm rụng đẫm sương nhòa / Hiên đời gió tạt quanh ta bóng chùng / Tiếng chim hót dưới lòng thung / Gõ vào vách đá vọng trùng suối tuôn” - không gian tĩnh đến mức nghe cả “lá thầm rụng”, “tiếng chim hót”... Nhưng không gian không chỉ có chim hót, hoa cười mà có cả “em” - có cả con người - một kiểu nhìn của các nhà thơ hiện đại “Dưới kia chân đá dựng bờ / Lá xanh vẫy gọi dâng mùa xuân tươi / Cầm trên tay cả nụ cười / Sao em nỡ nhốt kín đời tài hoa / Đồi xa, chân bước, đồi xa / Lên đây mới hiểu em là của tôi”. Thì ra lên đồi đón xuân không chỉ sắc xuân, không chỉ trời xuân, không chỉ lên cao cho tâm hồn mình lắng lọc những gì thanh khiết nhất trong ngày mới nhất, ngày đầu tiên của một năm mà còn để đọc được tâm trạng mình, hiểu mình, mở ra trong lòng mình cả những khát vọng lớn lao. Thiết nghĩ với ý tứ như thế thì thể thơ lục bát là hình thức chuyển tải nội dung tốt nhất so với các thể thơ khác.

Lắng nghe câu lục bát ngày xuân, lắng nghe đất trời giao duyên trong mưa xuân, gió xuân, sắc xuân; lòng thi nhân trở về với kỷ niệm của lễ hội ngày xuân. Dường như câu hát tiễn bạn “Người ơi! Người ở đừng về...” đã làm nên giai điệu trong thơ Lê Thành Nghị. Những câu hát liền anh, liền chị trong đêm hội Lim trở thành niềm nhung nhớ, niềm tin và hy vọng

Tôi không biết hát bao giờ
Ưa vui nên cứ xuống đò sang xem
Em là cây trúc đi em
Giữa trăm bè bạn vẫn nhìn ra nhau

Gợi nhớ về hội Lim, gợi nhớ về một mùa xuân mơ ước, một mùa xuân tương tư bằng thi liệu quen thuộc trong ca dao, dân ca “Qua cầu gặp ngọn gió bay / Ngỡ sông chín đợi, ngỡ cây mười chờ”; bài thơ đưa ta trở về với những gì thân quen gần gũi của lễ hội dân gian, của hát đối đáp, của hát tiễn bạn, hát giao duyên “Ước gì hát được một câu / Tôi hát câu nào chắc cũng gặp em” (Hát trong đêm hội Lim). Đọc những câu thơ này khiến ta nhớ đến câu ca dao “Ước gì sông rộng tày gang”... Gợi nhớ về ca dao nguồn cội bởi cái ý, cái tứ và bởi trên hết là thể thơ lục bát ngân nga ngàn đời...

Đại thi hào Nguyễn Du đưa thể thơ lục bát dân tộc lên đỉnh cao nghệ thuật qua tác phẩm Truyện Kiều bất hủ. Rồi Nguyễn Bính của “Chân quê”, Tố Hữu của “Việt Bắc”... tiếp tục làm đẹp thêm câu thơ lục bát bằng cách diễn đạt vừa dân gian vừa hiện đại; qua sự đổi mới tứ thơ, hình ảnh thơ, nhịp điệu thơ... Đọc câu thơ lục bát về mùa xuân có cảm giác như thấm thía hơn, đậm đà hơn, da diết hơn bởi chất dân gian trong thể loại, trong thi tứ và cả bởi giai điệu, âm điệu ngọt ngào, sâu lắng... “Tuổi em vần nhớ điệu chờ / Vầng trăng ửng chín mạn đò văn nhân / Ai đi xa, ai về gần / Mà câu lục bát bắt vần từ em / Thành ca dao của trăm miền / Khúc dân ca hát tiễn đêm hội hè” (Lục bát đầu xuân - Diệp Minh Luyện).

H.T.T.T

Các tin khác