1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Múa trong lao động

MÚA TRONG LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI TÀ ÔI

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Ở người Tà Ôi, nghệ thuật múa của họ đã phần nào phản ánh cuộc sống, quá trình lao động và chiến đấu của cộng đồng. Mỗi động tác, điệu bộ, hình dáng múa có được đều bắt nguồn từ sự lao động sáng tạo, từ sinh hoạt văn hóa (văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần), chiến đấu của con người. Những chuỗi động tác nhịp nhàng của cơ thể theo tiếng nhạc, trống, cồng chiêng…trong những bộ trang phục truyền thống, họ đã góp phần làm cho cuộc sống tinh thần càng thêm sinh động hơn.

Đặc tính rõ nét nhất của người Tà Ôi là ưa nhún nhảy, lắc lư theo nhịp trống, có thể nhảy múa suốt đêm bên bếp lửa hồng hoặc “Thuở xưa, khi đi săn về, người ta nhảy múa quanh đống lửa….mừng thành quả lao động” (1). Trong quá trình lao động ở nương rẫy, suối khe hay làm công việc nhà, người Tà Ôi đã biết chống lại sự mệt nhọc bằng cách hát và múa.

Múa trong lao động của người Tà Ôi khá phong phú và đa dạng với nhiều phương thức, nhiều dụng cụ và môi trường khác nhau. Với các động tác tay dẻo, chân mềm, thân hình linh hoạt đã tạo nên sự nhanh nhẹn trong các công việc làm và từ đó cho đến ngày nay trên sân khấu hay những lần sinh hoạt cộng đồng, các thiếu nữ, các cụ già, các chàng trai Tà Ôi đã mô phỏng cách điệu thành loại múa lao động phù hợp với tâm lý của dân tộc mình.

Theo sự thống kê của các nghệ nhân(2), múa trong lao động của họ gồm các đề tài sau:

        - Múa đeo gùi          - Múa phát rẫy

        - Múa nhổ sắn         - Múa trỉa lú

        - Múa làm cỏ           - Múa xúc cá

        - Múa bắn nỏ           - Múa dệt vải

        - Múa giáo               - Múa giã gạo

        - Múa đi săn            - Múa đẽo cột nhà

        - Múa chặt củi

Để phụ họa cho nghệ thuật múa trong lao động này còn có loại hình dân ca mà trong đó tiêu biểu nhất là làn điệu Cà lơi, bởi “Điệu Cà lơi thường được hát với nhiều nội dung khác nhau, rất được ưa thích và thường phải nhún nhảy, lắc lư theo nhịp trống”(3). Và điều tất nhiên trong bất cứ loại hình múa nào của người Tà Ôi, người ta cũng sử dụng các loại nhạc cụ sau: Trống, khèn bè, cồng chiêng, thanh la, tù và sừng trâu, chiếc Tingát và cái xập xõa.

Các loại nhạc cụ này khi múa được hòa nhạc cùng một lúc đã có tác dụng làm tăng thêm sự vui nhộn khiến người múa, người xem như hòa nhập hồn mình vào những thứ âm thanh cuốn hút mê người đó.

Múa trong lao động của người Tà Ôi có nội dung phong phú so với múa trong sinh hoạt và múa trong tín ngưỡng, không những về động tác mà còn sử dụng khá nhiều đạo cụ:

Múa trong lao động của người Tà Ôi xuất phát từ các hoạt động săn bắt, hái lượm, làm nương rẫy và dệt vải, quay sợi. Trong môi trường làm việc ấy người Tà ôi cần phải có sự sáng tạo nghệ thuật để xua đi những khó khăn, mệt mỏi để hăng say lao động.

Đối với người Tà Ôi, bộ gùi của họ có đến 15 chiếc từ nhỏ đến lớn với nhiều loại, nhiều công dụng khác nhau, có loại gùi để đi làm nương rẫy, để đựng hạt giống, đựng lúa, bắp, rau, củ, quả… nhưng có loại dùng để đựng các đồ vật quý của gia đình, có loại để thờ, có loại dùng để mang làm du khách. Vì cấu tạo của những chiếc gùi lại có dây đeo cho nên các cụ ông, cụ bà hoặc thanh niên luôn luôn có động tác luồn tay qua dây gùi để nâng lên vai, cứ mỗi lần làm như vậy với nhiều người tạo nên sự nhịp nhàng, đều đặn. Tiếp đến là một đoàn người cùng mang gùi đi nương, từng người, từng người một theo một lối nhỏ vào rừng hoặc lên nương rẫy, thấp thoáng nhấp nhô trên đồi tạo nên sự ẩn hiện đẹp mắt. Và cuối cùng là động tác bỏ gùi ra khỏi vai cũng tạo nên sự lí thú nhất định.

Trên sân khấu ở các làng bản, các đội văn nghệ dân gian ở các thôn đã tự dàn dựng cho mình các bài múa đeo gùi, phục vụ cho các lễ hội lớn nhỏ của cộng đồng và các ngày lễ lớn của đất nước. Khi múa, gùi được chọn là những cái đẹp và đều nhau, có trang trí thêm các hoa văn trên gùi, các động tác khi múa thời gian đeo gùi nhiều hơn thời gian để gùi xuống sàn sân khấu. Chính vì sự đeo gùi ở lưng tạo cho các nghệ sĩ múa cảm thấy tự tin, có sự thăng bằng khi nhún nhảy, chuyển động.

Ý nghĩa biểu tượng của động tác múa đeo gùi là cầu mong một mùa màng được ấm no, lúa tốt được đầy gùi, mặc dầu gùi lúa nặng nhưng lòng cảm thấy vui. Có lúa sẽ có được cuộc sống no đủ và tạo thêm hưng phấn cho một mùa trỉa lúa mới.

Công việc trỉa lúa của người Tà Ôi cần nhiều người làm và chủ yếu chỉ dành cho nữ giới. Chính những động tác chọc lỗ, tra hạt này đã là ngọn nguồn sáng tạo cho động tác múa trỉa lúa. Khi tiến hành chọc lỗ tra hạt, mọi người được xếp theo hàng ngang với 2 hàng, hàng trước cầm những chiếc a pật, alao chọc lỗ và di chuyển dần về phía trước, hàng sau hông đeo cà rìa đầy lúa giống tay bốc lúa giống tra vào lỗ, tay cầm Tà rèm lấp lỗ lại. Sự di chuyển của họ vừa uyển chuyển, vừa nhanh nhẹn và trong chốc lát một tấm rẫy to đã được tra hạt xong.

Sự nhanh nhẹn và đều đặn của từng thao tác đã tạo nên một động tác múa đẹp khi ở trên sân khấu. Từ những việc bình thường ở ngoài đời, khi được dàn dựng trên sân khấu của các biên đạo múa đã làm cho động tác, cử chỉ càng mềm mại và đẹp hơn. Khi biểu diễn cho dù ở trên sân khấu hay ở sân đất của nhà làng thì điệu múa trỉa lúa vẫn đông người tham gia, trong khi múa có thể là trỉa lúa tập thể, có khi là theo từng đôi trai gái, đạo cụ múa cũng có sự thay đổi cho phù hợp với không gian trình diễn.

Ý nghĩa biểu tượng của điệu múa này là cầu mong mưa thuận gió hòa cho cây cỏ tốt tươi, lúa được lên đều mùa màng bội thu.

Trong quá trình biểu diễn điệu múa trỉa lúa, người nghệ sĩ còn biết vận dụng lồng ghép vào đó tiết mục múa làm cỏ cho lúa, đạo cụ mang theo là chiếc avin làm cỏ.

Trong việc giã gạo, người Tà Ôi chỉ dành cho nữ giới làm vì họ quan niệm rằng thần Lúa là một nữ thần cho nên chỉ có phụ nữ mới  tham gia giã gạo cúng thần. Ngày trước, người Tà Ôi thường giã gạo tập trung tại một ngôi nhà đầu làng, sự tập trung như thế làm tăng thêm nhịp đập nện cối của những đôi chày. Sự nhịp nhàng đưa lên hạ xuống một cách đều tay cũng như động tác khom lưng của các thiếu nữ nhìn xa trông giống như họ đang múa thật sự. Và chính từ sự nhịp nhàng đó mà người Tà Ôi sáng tạo nên điệu múa giã gạo, trong điệu múa này, các thiếu nữ thường thể hiện sự mềm mại nhưng chắc khỏe của đôi tay, các cụ bà thường phụ họa theo bằng các thao tác dần, sàng...

Trên sân khấu nhất là các sân khấu trường học, các em học sinh thường hay sử dụng điệu múa này với nhiều lý do: đạo cụ đơn giản, trang phục dễ tìm và cần ít người là đủ. Trong lễ hội cầu mùa, với sân khấu ngoài trời nền đất thì điệu múa này thể hiện bằng những chiếc cối và chày thật, đã tạo nên sự sống động cho buổi biểu diễn.

Sau mùa rẫy, khi lúa đã nằm yên trên tra, ở kho và lễ cúng cho thần Lúa đã xong thì người Tà Ôi chuyển sang những công việc mới để tận dụng thời gian nông nhàn. Lúc này đây người phụ nữ có thể tham gia vào các công việc như dệt vải, xúc cá, nhổ sắn…

Đối với việc dệt vải Dzèng, các động tác đi hái bông, phơi bông, làm tơi bông, xe sợi và dệt vải đều phải theo một quy trình, cần có sự đông người để chia việc, để trò chuyện cho quên đi sự mệt nhọc. Trong dệt vải với tiếng lanh canh của khung dệt, sự uyển chuyển của đôi bàn tay úp, ngửa để tạo nên hoa văn khiến cho người dệt vải nghĩ nên một điệu múa mới, điệu múa dệt vải. Khi trình diễn, điệu múa này thường được diễn xuất ở tư thế ngồi, phần đạo cụ, nhạc cụ và trang phục có phần đơn giản hơn so với các điệu múa khác.

Ngày nay, với sự tiếp thu ảnh hưởng của các động tác múa dệt vải của các dân tộc khác nên điệu múa dệt vải của người Tà Ôi có nhiều cải biên, ví như: phần trang phục có phần hơi giống của người Chăm hoặc Ấn Độ, vì có khăn che đầu, che mặt, nhạc cụ có phần bị thay thế bởi các dàn nhạc điện tử, đạo cụ lại sử dụng khung dệt của người Lào…

Riêng hai điệu múa xúc cá và nhổ sắn hiện chỉ còn trong tiềm thức vì không hề thấy xuất hiện trên sân khấu. Dẫu biết rằng, đó là hai hoạt động kinh tế có vai trò khá quan trọng trong đời sống hằng ngày của người Tà Ôi, thêm nữa với động tác khó, đạo cụ khó làm và tính nghệ thuật không cao, diễn viên không hứng thú nên chúng tôi chỉ sưu tầm được một vài thông tin nhỏ về đạo cụ như đã trình bày ở trên.

Đối với các cụ ông và thanh niên Tà Ôi, những hoạt động kinh tế mang tính nặng nhọc, vận động cao thì dành cho họ, coi như đã có sự phân công lao động từ trước, các hoạt động như đi săn, múa giáo, bắn nỏ, chặt củi, phát rẫy, đẽo cột nhà rông, đẽo tượng nhà mồ…đều là đề tài để đưa vào nghệ thuật múa.

Như trong hoạt động đi săn, đàn ông Tà Ôi rất khôn khéo trong việc cài bẫy bẫy thú hoặc rình mồi, hoặc di chuyển đến vị trí con mồi, các động tác này đều thực hiện một cách khéo léo, nhẹ nhàng nhón chân, ưỡn ngực, phóng tay lao, huýt gió, chớp mắt, nghe ngóng, nghiêng tai, ra hiệu, trèo cây…và cuối cùng là sự hò hét, nhún nhảy sau khi chinh phục được con mồi. Tất cả những cử chỉ này khi đưa lên sân khấu lại càng hay hơn, uyển chuyển hơn.

Cùng với các hoạt động, động tác múa đi săn thì các động tác khi bắn nỏ, múa giáo cũng như vậy, họ giàu óc tưởng tượng sáng tạo và việc thể hiện các điệu múa không chỉ trong rừng mà họ còn ưa gửi gắm đến mọi người.

Trong những lần tham gia các buổi hội diễn thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ thì các điệu múa đi săn, bắn nỏ và múa giáo được mọi người tham gia nhiệt tình và khán giả xem đông đảo nhất. Bởi vì, đằng sau những thao tác múa ấy chúng ta còn thấy thêm một nét đẹp đó là giáo dục sức khỏe mang tinh thần thể dục thể thao cao.

Với các điệu múa còn lại như múa chặt củi, phát rẫy, múa đẽo cột nhà rông, múa đẽo tượng nhà mồ ít được người ta nhắc đến bởi vì đôi khi nó có tính đơn điệu riêng của nó. Múa đẽo tượng nhà mồ và đẽo cột nhà rông chỉ cần một chiếc rìu, những nhát chặt vào thớ gỗ kèm theo những tiếng động là xong, không hoặc ít có sự chuyển động nhịp nhàng của các thao tác. Và các điệu múa này khá nặng nề nên không bao giờ được dàn dựng trên sân khấu.

Nhìn chung, trong lao động, người Tà Ôi biết những gì về đi rừng, là lúa, dệt vải, xúc cá, đi săn…thì họ lại áp dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Mỗi khi làng bản có lễ hội hoặc tham dự các lễ hội lớn của dân tộc, tham gia các đợt hội thao hội diễn thì các nghệ sĩ múa mới tập trung luyện tập và các bài múa của họ chỉ tập trung chủ yếu vào các điệu múa: múa giã gạo, múa trỉa lúa, múa dệt vải và múa đi săn mà thôi. Bởi vì, những điệu múa này họ dễ dàng sắm đạo cụ, trang phục, nhạc cụ…và thị hiếu của người xem cũng dễ dàng được đáp ứng.

T.N.K.P

Các tin khác