1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Tích hợp giáo dục du lịch

TÍCH HỢP GIÁO DỤC DU LỊCH VÀO CÁC MÔN HỌC
TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

PGS. TS. NGUYỄN ĐỨC VŨ
Trường ĐHSP Huế

1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC DU LỊCH TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Việt Nam là đất nước giàu có tài nguyên du lịch các loại. Trên khắp lãnh thổ, đến đâu cũng có phong cảnh xinh đẹp, thắng cảnh đa dạng, di tích lịch sử - văn hoá đầy ấn tượng, lễ hội phong phú....

Tài nguyên du lịch nhân văn ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú, trong đó quan trọng hàng đầu là các di tích (văn hoá, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật) và các lễ hội. Việt Nam có gần bốn vạn di tích lịch sử - văn hoá nhiều loại khác nhau. Đi từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, đâu đâu cũng gặp được các di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng. Ngoài ra, một hệ thống hiện vật đa dạng đang được lưu giữ tại các bảo tàng từ trung ương đến địa phương là tài sản quốc gia có nhiều giá trị trong khai thác về phương diện du lịch.

Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá tổng hợp đặc sắc của các dân tộc. Mỗi vùng miền đất nước đều có các lễ hội đặc sắc, như các lễ hội : Đền Gióng (Hà Nội), Chùa Hương (Hà Tây), Phủ Giày (Nam Định), Đền Hùng (Phú Thọ), Trường Yên (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Sơn (Bình Định), Hội đâm trâu (Tây Nguyên), Hội đua bò (An Giang), Hội đua thuyền (Sóc Trăng), Hội chọi trâu (Đồ Sơn), Nghinh Ông (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Katê (Ninh Thuận).....

Nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ, với những phong tục, tập quán riêng độc đáo, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, đa dạng. Việt Nam có tiềm năng lâu đời về văn hoá, nghệ thuật truyền thống (sân khấu, âm nhạc, múa...). Các món ăn dân tộc ở các vùng miền khác nhau cũng rất đặc biệt. Đó là những tiềm năng to lớn phát triển du lịch.

Việt Nam có hàng trăm làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đặc sắc mang tính nghệ thuật cao, đặc biệt là các làng nghề chạm khắc, đúc đồng, dệt tơ lụa, sơn mài, gốm sành sứ... Sản phẩm thủ công truyền thống với những nét nghệ thuật tinh tế đã trở thành những kỉ vật không thể thiếu được đối với khách du lịch.

Hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của nước ta rất đa dạng và phong phú, có mặt ở khắp nơi. Hiểu biết để phát huy trong du lịch và bảo vệ các tài nguyên sử dụng lâu dài là nhiệm vụ không của riêng ngành du lịch, mà của tất cả mọi người, trong đó có cả các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Bảo vệ và phát huy giá trị của các tài nguyên du lịch là một trong những việc làm mà các em có thể tham gia đắc lực. Giáo dục du lịch rất cần thiết cho việc nâng cao nhận thức đó của học sinh.

Học sinh Việt Nam trên 22 triệu. Nhà trường là nơi có chương trình, kế hoạch, nội dung, phương pháp giáo dục, có nhân lực và các điều kiện khác cho giáo dục. Đội ngũ giáo viên đã có một số kĩ năng nhất định về giáo dục môi trường và dân số qua môn học, gần gũi với giáo dục du lịch. Tất cả tạo tiền đề thuận lợi cho việc giáo dục du lịch trong nhà trường.

2. MỤC TIÊU, NỘI DUNG, NGUYÊN TẮC, CHIẾN LƯỢC VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍCH HỢP GIÁO DỤC DU LỊCH VÀO CÁC MÔN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Mục tiêu giáo dục du lịch là làm cho người học có những nhận thức về du lịch thông qua kiến thức về tài nguyên và hoạt động của ngành du lịch; tạo cho học sinh có ý thức, thái độ đối với tài nguyên và phát triển du lịch; trang bị các kỹ năng thực hành về bảo vệ tài nguyên du lịch. Kết quả là học sinh có được ý thức trách nhiệm với tài nguyên du lịch và biết hành động thích hợp để bảo vệ môi trường du lịch, góp phần đẩy nhanh sự phát triển du lịch theo hướng bền vững.

 Nội dung giáo dục du lịch có nhiều, nhưng quan trọng nhất là tài nguyên du lịch và sự phát triển bền vững du lịch; quan hệ giữa du lịch và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; quan hệ giữa du lịch với chất lượng cuộc sống. Một số nội dung có liên quan đến giáo dục môi trường, như tài nguyên và môi trường du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch...

Giáo dục du lịch trong nhà trường tuy rất cần thiết, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc: không biến bài học thành bài du lịch, nhất là trong các môn học có nội dung gần gũi như địa lí, văn học, lịch sử...; không dàn trải, tràn lan tuỳ tiện, mà chỉ tập trung vào các nội dung nhất định..; tiến hành cả ở nội khoá lẫn ngoại khóa; đề cao vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong quá trình giáo dục về du lịch.

Chiến lược giáo dục du lịch là nhằm vào khêu gợi ý thức trách nhiệm công dân ở mỗi học sinh tham gia vào phát triển du lịch đất nước, trong đó bao gồm cả bảo vệ tài nguyên du lịch, cả sự góp phần vào khai thác, quảng bá các giá trị về du lịch Việt Nam...

Để làm được điều đó, phương pháp giáo dục tránh áp đặt một chiều, chú trọng nhiều vào các phương pháp giáo dục đề cao chủ thể nhận thức của học sinh.

Giáo dục du lịch đưa vào nhà trường có thể bằng nhiều con đường khác nhau : có bài, mục riêng về du lịch; lồng ghép vào những nội dung bài học liên quan; liên hệ nội dung dạy học với du lịch để tiến hành giáo dục du lịch.

Trong một số môn học ở nhà trường đã có nội dung du lịch (chẳng hạn môn Địa lí, Ngữ Văn, Sinh học, Lịch sử ở THCS và THPT; môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Địa lí, Lịch sử ở Tiểu học). Tuy nhiên, nhiều môn học hiện nay ít có nội dung gần gũi với du lịch. Vì vậy, thông qua các hoạt động ngoài giờ để giáo dục du lịch là một trong những định hướng cần quan tâm trong giáo dục du lịch ở nhà trường các cấp hiện nay. Trong chương trình THPT hiện nay, có môn Hoạt động ngoài giờ và Hoạt động hướng nghiệp. Có thể đưa một số nội dung giáo dục du lịch thích hợp vào hai môn học này.

3. MỘT SỐ HÌNH THỨC GIÁO DỤC DU LỊCH TRONG CÁC MÔN HỌC Ở NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

a) Thông qua các chương trình các môn học trong nhà trường, tiến hành giáo dục du lịch cho học sinh.

Trong nhà trường hiện nay, có nhiều môn học có nội dung liên quan trực tiếp hoặc gần gũi với du lịch. Thông qua chương trình các môn học trong nhà trường có thể tiến hành giáo dục du lịch cho học sinh. Việc giáo dục du lịch trong các môn học được tiến hành theo phương thức khai thác những nội dung có liên quan đến du lịch trong từng môn học, chứ không phải đưa thêm nội dung vào chương trình, vào bài học bộ môn. Vì vậy, không làm nặng thêm chương trình, không sợ “quá tải”.

Việc khai thác các nội dung có liên quan đến du lịch trong bài học để tiến hành giáo dục du lịch cho học sinh được tiến hành bằng các phương pháp khác nhau. Trong đó, có thể sử dụng một số phương pháp có hiệu quả như : thuyết trình với sự tham gia tích cực của học sinh; đàm thoại gợi mở; khảo sát, điều tra; thảo luận; tranh luận; động não; báo cáo; đóng vai; giải quyết vấn đề; dự án. Đây là những phương pháp đề cao hoạt động nhận thức của học sinh trong học tập, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong học tập.

b) Thông qua hoạt động ngoại khoá để tiến hành giáo dục du lịch cho học sinh

Ngoại khóa là hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp, không qui định bắt buộc trong chương trình, hoạt động dựa trên sự tự nguyện tham gia của một số hay số đông học sinh có hứng thú, yêu thích vấn đề cần tìm hiểu và ham muốn tìm tòi, sáng tạo các nội dung học tập bộ môn, dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Hoạt động ngoại khóa ở trường phổ thông có một vị trí rất quan trọng, đặc biệt đối với giáo dục du lịch. Đây là một trong những con đường để học sinh bổ sung, mở rộng thêm những kiến thức cần thiết cho mình, hiểu biết thêm thiên nhiên, con người ở địa phương mình, khám phá thêm những kiến thức thực tế cần thiết về du lịch.

Các hoạt động ngoại khóa địa lý ở trường phổ thông rất đa dạng. Mỗi loại có nội dung riêng, được đặc trưng bởi phương pháp tiến hành và cách thức tổ chức thích hợp. Nhằm mục tiêu về giáo dục du lịch, có thể tiến hành các hoạt động ngoại khoá như : đố vui về du lịch, câu lạc bộ du lịch, thi tìm hiểu về du lịch, thi hùng biện có nội dung về du lịch,... Các hoạt động này được thực hiện ngoài giờ, có sự phối hợp với các tổ chức Đoàn, Đội, Hội học sinh... trong nhà trường sẽ thu được nhiều hiệu quả thiết thực.

4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TÍCH HỢP GIÁO DỤC DU LỊCH VÀO NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY

1.1. Nâng cao nhận thức của giáo viên về du lịch và giáo dục du lịch

Giáo viên là nhân tố đóng vai trò quyết định đến thành công của công tác giáo dục du lịch trong các trường học. Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận của giáo viên (kể cả giảng viên các trường sư phạm) đối với các hoạt động thông tin về du lịch còn chưa được nhiều. Tiếp cận du lịch không phải đơn thuần được đi du lịch, hay thông hiểu các hoạt động du lịch. Du lịch là một ngành kinh tế ngày càng phát triển, với nhiều mặt hoạt động, trong đó có nhiều khía cạnh liên quan đến toàn xã hội, ví dụ như bảo vệ tài nguyên du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch, cách tiếp xúc và đón chào khách du lịch như một người chủ nhà thân thiện và hiếu khách... Ngành du lịch nên có biện pháp cụ thể đưa những chủ trương và chính sách, nội dung giáo dục du lịch liên quan đến các nội dung trên vào nhà trường. Cách làm có thể thông qua chương trình, nội dung sách giáo khoa và các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Thông qua đó, công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng về GDDL của người dạy được thực hiện, từ đó tác động đến nhận thức của người học.

1.2. Tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo về GDDL

Vì du lịch là một ngành có tính liên ngành rất lớn, nên cần hình thành một hệ thống tổ chức quản lí và chỉ đạo công tác GDDL trong nhà trường từ cấp Bộ GD&ĐT đến mạng lưới các trường học cụ thể, có sự phối hợp theo chiều ngang với các cấp quản lí tương ứng của Bộ GD&ĐT và Bộ TN&MT, Tổng cục Du lịch. Để việc quản lí đi vào hệ thống, cần phải ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung GDDL ở các cấp, bậc học. Gắn việc GDDL với GDMT và GDDS trong tổng thể các con đường nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người. Xây dựng và ban hành các qui chế, chế độ khen thưởng và đãi ngộ thoả đáng cho các cán bộ quản lí, giảng viên, giáo viên có thành tích về GDDL.

1.3. Tăng cường các nguồn lực cho GDDL trong các trường học, kết hợp với nguồn lực về GDMT, xây dựng nhà trường xanh, sạch, đẹp và tăng cường phối hợp nhà trường và cộng đồng trong công tác GDDL phát triển bền vững

- Huy động kinh phí cho GDDL, đảm bảo nhu cầu tài chính cần thiết cho các hoạt động GDDL trong các nhà trường.

- Biên soạn và phát hành rộng rãi các tài liệu phục vụ GDDL đến tận từng giáo viên và học sinh trong các trường học.

- Phối hợp chặt chẽ với địa phương và cộng đồng dân cư trong khu vực trường đóng về GDDL, kết hợp GDDL với GDMT, trên cơ sở các trường học tự mình xây dựng trở thành một trung tâm hạt nhân về GDDL tại địa phương.

1.4. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về GDDL, xã hội hoá các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về GDDL, tổ chức các hội thảo khoa học về GDDL có sự tham gia của các trường học

- Tổ chức nghiên cứu khoa học, góp phần vào biên soạn chương trình, sách và tài liệu tham khảo về GDDL, tài liệu hướng dẫn về GDDL.

- Triển khai các dự án khoa học công nghệ, đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn GDDL.

- Tiến hành một cách rộng rãi các hội thảo tập huấn bồi dưỡng giáo viên các cấp về GDDL.

N.Đ.V

Các tin khác