1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Tinh thần lạc quan yêu đời

NGHĨ VỀ TINH THẦN LẠC QUAN, YÊU ĐỜI
TRONG MỘT SỐ BÀI THƠ CỦA BÁC

NGUYỄN AN HÒA
Trường PTTH Đặng Huy Trứ

Năm 1953, Bác Hồ đã 63 tuổi. Trong những ngày gian khổ nhất của cuộc kháng chiến trường kỳ, Bác đã làm thơ “Thất cửu”:

Nhân vị ngũ tuần thường thán lão,
Ngã kim thất cửu chính khang cường.
Tự cung thanh đạm tinh thần sảng,
Tố sự thung dung nhật nguyệt trường.

Xuân Thuỷ dịch là:

Chưa năm mươi đã kêu già,
Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài thung dung.

Cảm xúc chủ đạo của của bài thơ thể hiện tinh thần minh mẫn của một thân thể tráng kiện. Có được tinh thần sảng khoái, phong thái ung dung đó chắc là từ cuộc sống “thanh đạm” và sự chủ động trong công việc của Người. Mấy ai trong chúng ta bây giờ được như thế? (hay “chưa 50 đã kêu già” vì ... bận la cà ở quán xá hơn ở công sở.!).

Nhớ lại năm 1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường đi cho dân tộc, Bác đã về ở hang Pác Bó. Hai bài thơ bằng tiếng Việt rất hay của Bác ra đời tại đây cũng trong cảm hứng đó:

TỨC CẢNH PÁC BÓ

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

PÁC BÓ HÙNG VĨ

Non xa xa, nước xa xa,
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Đây suối Lênin, kia núi Mác,
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Chỉ cần “cháo bẹ, rau măng” thôi, cần gì phải “thênh thang mới gọi là”...

Chừng đó thôi mà vẫn “dịch sử Đảng”, vẫn “xây dựng một sơn hà”, vẫn làm nên một sự nghiệp vô cùng lớn lao: Giành độc lập tự do, xây dựng Tổ quốc XHCN Việt Nam. Bác nói “sang” là nói đùa, nhưng dễ gì nói đùa được như thế nếu không có cái chất tươi xanh – cái tinh thần vô cùng lạc quan, yêu đời của một vị lãnh tụ cách mạng?

Sang năm 1942, một sáng trời trong xanh, nhà thơ – lãnh tụ Hồ Chí Minh, từ trên đỉnh ngọn núi cao phóng tầm mắt với cảm hứng dạt dào chất tươi xanh cảm khái sự vật hùng vĩ tráng lệ để sáng tác bài Thượng sơn:

Lục nguyệt nhị thập tứ,
Thượng đáo thử sơn lai.
Cử đầu, hồng nhật cận.
Đối ngạn nhất chi mai.

Tố Hữu dịch:

Hai mươi tư tháng sáu,
Lên ngọn núi này chơi.
Ngẩng đầu: mặt trời đó.
Bên suối, một cành mai.

Tư thế, phong thái của nhà thơ, nhà hiền triết phương đông hay của vị lãnh tụ cách mạng đây? Hẳn là sự tổng hợp hài hoà các tố chất trên để đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh. Ta hãy nghĩ đến hai câu cuối trong bài thơ Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch năm xưa để thử đối sánh:

Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Tạm dịch là:

Ngẩng đầu: nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê hương.

Tất nhiên Lý Bạch sống trước Bác Hồ hơn cả ngàn năm nên cách nghĩ cách cảm của hai nhà thơ có khác nhau. Nhưng từ một điểm nhìn nào đó ta vẫn cảm nhận được chất tươi xanh trong xúc cảm của nhà thơ Hồ Chí Minh.

Vẫn trong thời kháng chiến chống Pháp gian khổ, ngổn ngang bao mối tơ vò, nhưng những vần thơ Trăng của Bác vẫn dạt dào tươi xanh mát mẻ.

NGUYÊN TIÊU (1948)

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán qui lai, nguyệt mãn thuyền.

Xuân Thuỷ dịch:

RẰM THÁNG GIÊNG

      Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
      Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Bản dịch mất một chữ “Xuân” ở câu thơ thứ hai làm giảm một chút khí vị xuân, nhưng ba chữ “nguyệt mãn thuyền” dịch là “bát ngát trăng ngân đầy thuyền” thì thật đắc địa, thật sảng khoái tươi xanh!

Cũng vậy, trong bài Báo tiệp (1948) Bác cảm xúc về trăng:

Nguyệt thôi song vấn: thi thành vị?
Quân vụ nhưng mang vị tố thi
Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng,
Chính thị liên khu báo tiệp thì.

Huy Cận dịch:

        Trăng vào cửa sổ đòi thơ,
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau.
      Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,
     Ấy tin thắng trận liên khu báo về.

Bài thơ như một câu chuyện nhỏ giữa nhà thơ với nàng trăng, như thực như hư. Trăng gõ vào cửa sổ “đòi” thơ nhưng “bị” nhà thơ từ chối vì mải việc quân. Thật sự nhà thơ – chiến sĩ đang nóng lòng chờ tin chiến thắng để có đủ cảm xúc bật thành thơ. Và chính tiếng chuông lầu “báo tiệp” kia đã kéo nhà thơ ra khỏi giấc mơ thu và có ngay thơ tặng cho nàng Trăng!

Phải có một tình yêu đời thắm thiết, một tinh thần lạc quan cao đẹp, một tâm hồn mãnh liệt tràn trề sức sống... mới có được những ý thơ, những bài thơ như thế.

Mùa sen nở, tháng 5-2008
N.A.H

Các tin khác