1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Một số hình thức tổ chức hoạt động giáo dục NGLL

MỘT SỐ HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ NHẰM GIÁO DỤC
TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

TRƯƠNG VĂN HẢI
Trường THCS Lâm Mộng Quang, Phú Lộc

Trải hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử vẻ vang và hào hùng. Truyền thống đó đã đem đến cho mỗi người chúng ta niềm tự hào và sức mạnh tinh thần trong cuộc sống hôm nay. Chính vì thế, giáo dục lịch sử, truyền thống dân tộc, sự nghiệp cách mạng của đất nước có ý nghĩa lớn lao trong việc xây dựng con người mới. Giáo dục cho học sinh truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, thông qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, yêu quê hương, giáo dục các em một tình cảm đẹp, một nhận thức đúng để các em tự đề ra hướng phấn đấu của chính bản thân mình làm sao kế thừa phát huy truyền thống đó; và cũng nhằm định hướng để mỗi một học sinh càng tự hào, càng sống và học tập thật xứng đáng; hình thành ở các em một nhân cách mới, một lối sống đẹp, hành vi, ứng xử đúng đắn.

Nhân dự khai giảng năm học mới ở một trường học năm 2006, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh "Phải chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông cho học sinh, thông qua đó, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần vươn lên trong học tập, quyết tâm nắm bắt khoa học và công nghệ mới cho các em, để sau này trở thành những công dân tốt, phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nội dung ấy càng thấy thiết thực hơn bao giờ hết khi cuộc vận động "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đang là những nội dung chính trong năm học 2008-2009 này.

Một số đơn vị trường học nhất là bậc học phổ thông đều luôn có các hình thức tổ chức phong phú, đa dạng với nhiều nội dung sinh động. Có trường tổ chức ôn truyền thống, hát mừng về anh bộ đội, có trường tổ chức ngoại khóa văn học: "Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thơ Tố Hữu", "Hình ảnh người chiến sĩ trong thơ hiện đại Việt Nam"; hoặc có trường viếng hương đài liệt sĩ, thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mời các Cựu chiến binh đến kể chuyện v.v... Một số trường, như ở vùng Phong Điền, Quảng Điền tổ chức thăm "Chiến khu xưa", viếng Nhà tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; một số ở Phú Vang thì tổ chức viếng thăm nhà Bác ở Dương Nổ; ở Hương Thủy thì lên chiến khu Dương Hòa... Rất nhiều hình thức kỷ niệm khác nhau nhưng cùng với mục đích cao nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ nói chung và học sinh nói riêng tình cảm và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", lòng tự hào dân tộc...

Ở Phú Lộc nhiều trường học cũng làm theo dạng như đã nói trên, đã tổ chức thăm, tặng quà và chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh hoặc bộ đội xuất ngũ đang gặp hoàn cảnh khó khăn; tổ chức văn nghệ, hóa trang thành người chiến sĩ, bình thơ... Ở trường THCS Lâm Mộng Quang cũng đã có cách làm có thể là không mới song với một trường vùng xa thì đây là dịp để các em có được một kỹ năng giao tiếp, mở được một tầm nhìn thực tế, gần gũi và có tính thuyết phục cao...

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh, 60 năm ngày mất của liệt sĩ Lâm Mộng Quang (nguyên uỷ viên Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh), trường đã có chuyến hành hương mang ý nghĩa sâu sắc : 39 cán bộ giáo viên nhà trường, 85 đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ (dĩ nhiên, trước đó từ đầu năm học nhà trường, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã phát động và kích thích thi đua sôi nổi trong toàn thể học sinh) cùng một số đại biểu nguyên là học sinh trường Trung học kháng chiến Lâm Mộng Quang đã tổ chức lễ viếng mộ, dâng hương tại thành phố Huế và huyện Hương Trà.

Thầy và trò đã đến dâng hương, viếng mộ liệt sĩ Lâm Mộng Quang tại xóm Nón, phường An Cựu - Huế. Sau rất nhiều ngày "Đi tìm địa chỉ đỏ" và phát động phong trào "Hướng về cội nguồn" thầy và trò các thế hệ nhà trường cùng gia đình đã xây mộ và dựng bia cho liệt sĩ. Cũng tại lễ dâng hương tưởng niệm này, lần đầu tiên di ảnh liệt sĩ được phục hồi sau hơn 60 năm mới tìm ra được (do gia đình ông Hoàng Anh, nguyên Chủ tịch UBKC hành chính tỉnh cung cấp cho nhà trường) đã tạo sự xúc động mạnh cho ông Lâm Mộng Hùng - con trai duy nhất của liệt sĩ (ông Hùng mất bố khi chỉ mới 4 tháng tuổi, gia đình không còn lưu giữ bất cứ hình ảnh nào của liệt sĩ).

Tiếp đó cả thầy và trò đã đến dâng hương tại Từ đường tộc Lâm, xã Hương Vinh, Hương Trà-quê hương liệt sĩ. Bài thơ "Khóc bạn Lâm Mộng Quang" của nguyên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-bạn học Lâm Mộng Quang thời trẻ, đã được các cô giáo trình bày tại nhà thờ họ Lâm hết sức cảm động và có sức thuyết phục cao hơn rất nhiều so với các bài dạy giáo dục công dân, các buổi nói chuyện tại trường. Tại hai nơi này, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu của tổ chức Đoàn Thanh niên địa phương trực tiếp tham gia, khiến ý nghĩa càng như nhân lên gấp bội.

Sau khi tổ chức lễ viếng mộ, dâng hương, trường đã có hơn 2 giờ đồng hồ giao lưu với cán bộ giáo viên, học sinh hai thế hệ Lâm Mộng Quang - Nguyễn Chí Diểu (Xin được nói rõ hơn: những năm kháng Pháp, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã quyết định mở trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu tại Phong Chương - Phong Điền; Sau đó mở thêm trường Trung học kháng chiến Lâm Mộng Quang tại Vinh Mỹ, Phú Lộc. Cả hai trường tuy chỉ tồn tại trong 3 niên học 1949 - 1952 song cũng đã đào tạo được một lớp người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau năm 1998, trường THCS Nguyễn Chí Diểu (Huế) và trường THCS Lâm Mộng Quang (Phú Lộc) đã kết nghĩa, thường xuyên giao lưu, học tập lẫn nhau, song chỉ giới hạn ở  cán bộ - giáo viên với nhau mà thôi). Tại đây, lần đầu tiên các em ở vùng quê nghèo Vinh Mỹ được các bạn tại Huế tâm tình, kết bạn, kỹ năng giao tiếp đã được giáo dục một cách nhẹ nhàng và có sức lan tỏa cao. Các em học sinh trường THCS Nguyễn Chí Diểu đã dành cho các bạn mình một tình cảm ưu ái, tặng cho các bạn ở vùng quê nghèo hơn 600 quyển vở...

Điều đặc biệt hơn nữa là tại buổi giao lưu này các em học sinh cũng đã được nghe ông Lê Quang Vịnh-cháu gọi Lâm Mộng Quang là cậu ruột (cựu tử tù Côn Đảo, nguyên Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ....) tâm sự, kể cho nghe những ngày đấu tranh đầy gian khổ trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước của nhân dân, sinh viên và học sinh miền Nam tại nhà tù Côn Đảo... Với các em học sinh và ngay cả giáo viên, trong trường hợp này nhiều tiết lý thuyết trên lớp giáo dục về lòng tự hào dân tộc có thể là không bằng chỉ trong 40 phút được nghe trực tiếp như thế này.

Cũng chuyến đi này, thầy và trò đã vào báo công dâng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, xem triển lãm, xem phim về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát động đợt thi đua mới, hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong cán bộ, giáo viên và học sinh. (Việc báo công dâng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh với các trường ở xa Huế như Phú Lộc, Phong Điền... là một cố gắng lớn). Thiết nghĩ cách làm này cần được nhân rộng trong các trường phổ thông...

Những hoạt động trên đây có thể không phải là mô hình giáo dục truyền thống mới mẻ, trường học nào cũng có thể đã và đang tổ chức, song với trường THCS Lâm Mộng Quang trong những ngày chào mừng Huế giải phóng, mừng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26 tháng 3) là một cố gắng lớn; từ đây cũng gợi cho các trường phổ thông nhiều mô hình, nhiều cách thức tổ chức mới để sao cho việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc đối với nhân dân, chiến sĩ, với Bác Hồ kính yêu nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam trở nên sinh động, phong phú và có tính giáo dục cao.

T.V.H

Các tin khác