1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Chợ tết Gia Lạc

CHỢ TẾT GIA LẠC –
NÉT VĂN HÓA HUẾ

TS. BÙI QUANG TUYẾN
Đại học Phú Xuân

Văn hóa Huế đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo về nội dung, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, lề lối ứng xử, ăn - mặc - ở, phong cách giao tiếp, phong cách sống...

Chợ Tết Gia Lạc, một nét văn hóa góp phần làm nên sự đa sắc màu của văn hóa Huế.

Chợ ra đời từ Tết Nguyên đán Bính Tuất (năm 1826), thời Minh Mạng (1820 - 1840) do Định Viễn Quận vương Nguyễn Phúc Bính con thứ 6 của vua Gia Long (1802 - 1820) lập ra với tên gọi Gia Lạc. Theo chữ Hán "Gia Lạc" có nghĩa là "nhà nhà vui tươi" hoặc "thêm vui". Như vậy, ý Quận vương lập chợ Gia Lạc tạo thêm niềm vui cho mọi người trong ngày Tết.
Lúc mới lập, chợ họp ngay trong khuôn viên phủ đệ của Định Viễn Quận vương làm nơi vui chơi, trao đổi hàng hóa của các "mệ" trong hoàng tộc. Dần dần thấy đông vui, nhân dân quanh vùng đến họp chợ mua bán, bày các trò chơi dân gian. Từ đó, trở thành chợ phiên ngày Tết của người dân Huế. Một thời gian sau chợ chuyển ra ngoài bờ sông Hương gần bến đò chợ Dinh, rồi sau đó chuyển đến ngã ba giáp ranh làng Nam Phổ, trên đường về Dương Nỗ và ngã rẽ về làng Ngọc Anh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km, cách bờ sông Hương 300m - địa điểm bây giờ.

Gọi là chợ phiên ngày Tết, bởi chợ Gia Lạc chỉ họp mỗi năm một lần trong 03 ngày Tết, từ mồng một đến mồng ba.

Chợ Tết Gia Lạc bán nhiều mặt hàng rất đặc biệt là đặc sản và độc đáo của xứ Huế. Trước hết phải kể cau và trầu, đó là cau tươi Nam Phổ nổi tiếng, loại cau vỏ mỏng, xơ đỏ, hạt đỏ, ruột trong; trầu chợ Dinh là trầu Hương, lá xanh biếc, thơm ngon. Cau Nam Phổ ăn với trầu chợ Dinh quệt vôi chợ Quán hoặc chợ Cầu có hương vị đượm nồng, nước trầu đỏ thắm. Người xứ Huế có câu ca dao hát ru con cũng là giới thiệu đặc sản nổi tiếng của địa phương:

Ru em cho théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh

Chợ Quán ở làng Lương Quán, giáp với làng Nguyệt Biều, xã Thuỷ Biều, huyện Hương Thủy, bây giờ thuộc thành phố Huế, có tiếng về nghề làm vôi ăn trầu.

Chợ Cầu ở làng Phù Lương, huyện Quảng Điền bên sông Bồ, là nơi nổi tiếng về nghề rèn và nghề vôi ăn trầu.
"Mệ" Nguyễn Phúc Ưng Bình làm thơ ngợi ca và khẳng định giá trị cau Nam Phổ và trầu chợ Dinh:
Trầu chợ Dinh ăn với cau Nam Phổ
Non vôi cũng đỏ, thiếu vỏ cũng ngon
Hột thơm mà xác cũng dòn
Được tiếng khen đà phải, dậy tiếng đồn không sai

Thức ăn có nhiều thứ: bánh canh Nam Phổ, bánh đúc xanh (còn gọi bánh đúc mật), thịt bò thui (bò tái)….Bánh canh chỉ là món ăn bình dân nhưng cái lạ là không có nơi nào bắt chước được để nấu ăn ngon như làng Nam Phổ. Sợi bánh canh lớn hơn sợi bún, làm bằng bột gạo trộn bột lọc tươi trắng như tuyết. Bánh canh Nam Phổ lại có hương vị đặc biệt. Đó là chất ngọt đậm đà của nước hầm hải sản, mùi dịu của lá ngò, hương cay nồng của ớt xanh xé nhỏ hòa quyện với màu vàng của gạch cua tôm sền sệt quánh lại với nhau như "điệu hò ngọt ngào xứ Huế" mà một làn tao nhân mặc khách thốt lên khi thưởng thức.

Còn bánh đúc xanh cũng là món ăn dân dã từ cách làm đến cách ăn. Bánh được làm bằng bột gạo. Để có màu xanh tự nhiên và thơm ngon, người Huế giã nhuyễn lá dứa với lá bòng bòng, lấy nước hòa tan trong bột gạo, khi hấp chín có màu xanh biếc và mùi thơm hấp dẫn. Người bán bánh đúc thường cắt những miếng hình thoi bày ra dĩa kèm theo một thẻ tre mới tinh một đầu nhọn gọi là dao. Khách ăn dùng que tre xiêng vào miếng bánh rồi quệt với mật dẻo, sánh như mạch nha. Bánh đúc xanh ăn với mật vừa ngọt vừa bùi phù hợp cung cách ăn uống thanh tao của người Huế, đồng thời cũng phù hợp cho người ăn chay khi đi chợ Tết Gia Lạc ngày mồng Một.

Đồ chơi trẻ con cũng không kém phần phong phú và đa dạng làm bằng chất liệu dân gian (bột sắn, bột gạo) được nặn hình sự vật, những con tò he: chim, cá, trái cây, gà, ông trạng cưỡi ngựa, Bà Trưng cưỡi voi…phối màu theo lối dân gian, xanh, đỏ, vàng, tím… rất đẹp mắt. Điều đáng nói, những người nghệ nhân dân gian là những người lao động vùng phụ cận Huế với niềm say mê sáng tạo, với bàn tay khô ráp nhưng rất khéo léo, và trí tưởng tượng phong phú thổi hồn vào những sự vật những con tò he để chúng mang biểu tượng sinh động nét văn hóa Huế, hồn dân tộc: Gà mái dang rộng cánh ấp ổ trứng, nải chuối trái chín vàng, gà trống mào đỏ thắm oai vệ cường tráng biểu tượng sự sinh sôi nảy nở; ông trạng cưỡi ngựa che lọng biểu tượng sự thành đạt, công danh phú quý; Bà Trưng cưỡi voi biểu tượng lòng tôn thờ anh hùng dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm; chim, cá, trái cây… biểu tượng lòng tự hào về sự phong phú sản vật, lòng yêu thiên nhiên đất nước, muông thú….Người lớn mua đồ chơi cho trẻ con nhân dịp đầu năm cũng thầm ước mong gửi gắm về tương lai của đứa trẻ.

Trò chơi dân gian: bài Chòi, bài Tới, bài Ghế….tiếng hò bài rặt giọng Huế, phong cách Huế. Tiếng mõ tre vang lên ba tiếng từ các chòi khi có quân bài trùng với quân bài vừa được xướng lên từ chòi trung tâm. Tiếng tới rồi, tới rồi… kéo dài của người thắng cuộc, kèm theo một hồi mõ tre, tiếng phèn la, tiếng trống con tạo nên không khí náo nhiệt, vui tươi trong ngày đầu năm.

Người Huế đi chợ Tết Gia Lạc cốt để mua lộc đầu năm, mua sự may mắn. Trước tiên, họ chọn mua một trái cau, một ngọn trầu tượng trưng cho lộc đầu năm với ước muốn sẽ được phúc lộc, hạnh phúc, sung túc, an bình… trong năm mới.
Đầu xuân đi chợ Tết Gia Lạc còn để chơi Tết. Mọi người đều ăn mặc đẹp. Các "Mệ": áo dài the, khăn đóng, guốc mộc, nón quai găn; các o áo mớ ba mớ bảy, từ Vĩ Dạ đi bộ về, từ phía đò chợ Dinh lên. Gặp nhau dù lạ hay quen luôn vui vẻ chào hỏi chúc mừng năm mới. Còn các o, các mệ bán hàng đều mặc áo dài, vui vẻ mời khách mua hàng. Người Huế có tục kiêng cử, đặt biệt trong ứng xử vào ngày mồng một đầu tháng, trong 03 ngày Tết đầu năm. Vì vậy, đi chợ Tết Gia Lạc ai cũng nói năng nhẹ nhàng, ứng xử ý tứ, lịch thiệp.

Ngày nay, nếp sống của người Huế có nhiều đổi thay kéo theo sự chuyển biến về tâm lý, nhu cầu, sở thích… của mọi người. Bên cạnh đó, ngày Tết, hội chợ Xuân đông vui, tấp nập với nhiều trò chơi hấp dẫn, sản phẩm hàng hóa phong phú đa dạng, hiện đại, nhiều điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh được trùng tu, xây dựng mới lôi cuốn khách du xuân. Chợ Tết Gia Lạc cũng không nằm ngoài ảnh hưởng và chi phối ấy, nhưng với nếp xưa, với không gian tự nhiên dân dã, thời gian tự nhiên truyền thống, vẫn thu hút người dân Huế. Bởi nó là sinh hoạt văn hóa tinh thần, một mỹ tục mang phong cách Huế đã đi vào tiềm thức của người Huế.  

B.Q.T

Các tin khác