1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Con cò trong ca dao

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ QUA BIỂU TƯỢNG
CON CÒ TRONG CA DAO

LÊ BIÊN THUỲ

1. Cái cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Câu hát ấy đã ngân rung trong lòng mỗi người dân Việt tự bao giờ về hình ảnh cánh cò trắng gầy guộc, suy tư, lặng lẽ đang bay mải mê, chấp chới như cuộc đời thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ ấy đã vượt lên biết bao thăng trầm, chông gai để sống cho trọn đạo nghĩa làm vợ, làm mẹ. Người mẹ, người vợ hiền lành, nhẫn nhục, thương chồng, yêu con, giàu lòng nhân ái và bao dung. Người phụ nữ ấy đã được ca dao xây thành tượng đài bất tử.
Nói về người phụ nữ, ca dao đã dùng rất nhiều biểu tượng để khắc ghi bóng dáng, cuộc đời, tâm tư, tình cảm nhưng có lẽ hình ảnh "con cò" là biểu tượng để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm thức mỗi con người Việt. Bởi cánh cò mỏng manh, nhỏ bé, cần cù mà trắng trong như người phụ nữ suốt một đời bình lặng hy sinh.

2. Trên hai đầu đòn gánh cuộc đời "hạnh phúc thì mỏng, khổ đau thì dầy", người phụ nữ Việt phải gồng mình đứng vững để rồi qua năm tháng hằn in trên đôi vai là một đời vất vả, gian truân, là bộn bề những lo toan:

Con cò lặn lội bờ sông
Cổ dài, mỏ cứng, cánh cong, lưng gù
Bãi xa, sông rộng, sóng to
Vì lo cái bụng đi mò cái ăn.

Trên khung cảnh quạnh vắng hiện lên hình ảnh một cánh cò với những bước đi chật chưỡng, bì bõm, thụt lầy trong bùn nước sớm nắng chiều mưa. Nỗi gian lao, cơ cực ấy càng được nhân lên khi nơi cò kiếm mồi lại là một "Bãi xa, sông rộng, sóng to". Ở đó, đất có thể lở, nước có thể tràn lên bất cứ lúc nào và cũng chẳng biết kêu ai cứu khi xảy ra cảnh hiểm nghèo. Bằng ngôn từ rất bình dị, bài ca dao rung lên tiếng nói đồng cảm về cuộc đời vất vả, lận đận, đang bươn trải trước dòng đời, trước số phận khắc nghiệt của một "thân cò". Và ẩn đằng sau thân cò trắng ấy là bóng dáng mảnh mai, gầy guộc của con người. Mà ở đây là người phụ nữ Việt - những người đang gánh trên vai biết bao nhọc nhằn sớm hôm, biết bao tủi cực mà không biết giãi bày cùng ai :

Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa miếu bay ra cánh đồng
Cha sinh mẹ đẻ tay không
Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi

Dù cho có cực nhọc, có rơi vào bế tắc thì người phụ nữ Việt cũng không nản lòng. Bằng bản chất cần mẫn, chịu đựng sẵn có, họ chẳng ngại khó khăn, cũng không phó mặc cho số phận, mà sẵn sàng đương đầu với cuộc sống, với thử thách, chấp nhận tham gia vào cuộc sinh tồn cho dù những chặng đường phía trước đầy cạm bẫy, rộng lớn và vô định.
Như vậy, cánh cò biểu tượng cho người phụ nữ một đời nhọc nhằn, nhưng ẩn chứa bản năng sống mạnh mẽ, tinh thần kiên cường không chịu đầu hàng, khuất phục. Họ vẫn tin, vẫn hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Và niềm tin ấy họ giành trọn nơi chồng, nơi con:

- Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Cho anh đi trẩy nước non Cao Bằng

- Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng ơi trở lại cùng con
Để anh đi trẩy nước non kịp người
Cho kịp chân ngựa, chân voi
Cho kịp chân người kẻo thiếu việc quan.

Bài ca dao đã vẽ lên hình tượng một người vợ, người mẹ giàu đức hy sinh cho chồng, cho con. Người vợ, người mẹ ấy vẫn cặm cụi như thân cò lặn lội sớm hôm, vẫn chịu muôn ngàn đắng cay để cho chồng có thể bằng bạn, bằng người. Dù cho những khổ đau đã đọng lại thành nước mắt và đôi khi bật thành tiếng nỉ non nhưng phút yếu lòng đó không kéo dài lâu khi những lời động viên chân thành và giường như ẩn chứa cả lời cảm ơn của chồng vang lên "Nàng ơi trở lại cùng con/ Cho anh đi trẩy nước non kịp người/ Cho kịp chân ngựa, chân voi/ Cho kịp chân người kẻo thiếu việc quan". Người phụ nữ ấy lại một lần nữa gạt nước mắt quay về, lại một mình đối diện với chính mình và cuộc đời với bao thăng trầm đang chờ đợi phía trước.

Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mền lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Một màn đêm hiu hắt, vắng lặng. Và giữa khung cảnh đen tối ấy ẩn hiện bóng dáng một "thân cò" đang cô độc, đang cần mẫn, đang mò mẫn kiếm từng miếng ăn. Ở đây, cái khó khăn của cuộc sống càng khắc nghiệt bởi không gian lao động là ban đêm. Khi tất cả đã chìm vào giấc ngủ sau một ngày làm việc vất vả thì không ai hay rằng có một người vẫn đang vì đàn con mà lặn lội đêm hôm để rồi bất chợt rơi vào cảnh hiểm nghèo "lộn cổ xuống ao". Dù cho có sa chân, lỡ bước vào giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết nhưng chính sức sống mạnh mẽ, tình mẫu tử trỗi dậy, đã thôi thúc, níu kéo kẻ xấu số và không cho con người đó buông xuôi, không để cho dòng nước ác nhấm chìm vào trời đêm hun hút. Một tiếng kêu cứu thảm thiết vang lên xé rách màn đêm và rung lên sự xót xa "Ông ơi ông vớt tôi nao". Nhưng cũng không vì thế mà người mẹ ấy chịu đánh đổi cái phẩm chất thuần khiết của người phụ nữ để được sống "Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con". Suốt cuộc đời tằn tiện, chắt chiu ngọt bùi cho con khôn lớn. Suốt một đời mẹ thầm lặng, tần tảo, lam lũ cho con đủ đầy. Cho đến lúc nhắm mắt, xuôi tay người mẹ hiền vẫn cố giành lại cho con cái trắng trong, thiên lương để người con lớn lên vẫn ngẩng cao đầu tự hào về mẹ. Chính mẹ chứ không phải ai khác đã đánh đổi cuộc đời mình, nhận lấy những mất mát, những hy sinh về mình để cho con vững bước trên hành trình vào tương lai.

3. Như vậy, hình tượng người phụ nữ được biểu hiện qua biểu tượng con cò trong cao dao đã đưa đến cho chúng ta cảm nhận sâu sắc về những gian lao, nỗi buồn, sự cô đơn, những éo le và cả những khát vọng mà mỗi người mẹ, người vợ đang ấp ủ, đang muốn giãi bày, sẻ chia. Bằng những âm điệu nhẹ nhàng nhưng thấm thía, sâu lắng của ca dao, bằng hình ảnh của những cánh cò trắng nhỏ bé, mảnh mai đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt về hình tượng người phụ nữ đảm đang, thuần hậu, bao dung. Cũng chính vì thế mà chúng ta cảm nhận được sự lắng đọng của những cảm xúc chân thành, trong sáng, mãnh liệt và sâu sắc mà những người phụ nữ Việt đã thể hiện trong suốt quá trình biến đổi và thăng trầm của thời gian, của dân tộc. Họ chính là những người góp phần lớn lao kiến tạo nên trang sử vẻ vang của đất nước, của quê hương Việt Nam.

L.B.T

Các tin khác