1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Nghệ thuật đã kích

NGHỆ THUẬT ĐÃ KÍCH CỦA NHÀ THƠ
HỒ CHÍ MINH THỂ HIỆN TRONG BÀI THƠ LAI TÂN

NGUYỄN TỐNG
GV. Trường Quốc Học - Huế

Vào tháng 8 năm 1942, với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh hội và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam, Bác Hồ sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của thế giới. Sau nửa tháng đi bộ vừa đến Túc Vinh, tỉnh Quảng Tây, Bác đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Trong hơn 13 tháng đầy ải vô cùng cực khổ qua nhiều nhà lao ở Quảng Tây, tận dụng thời gian nhàn rỗi bất đắc dĩ ấy, Bác đã sáng tác được 134 bài thơ góp thành tập "Nhật ký trong tù". Trong tập thơ, có nhiều bài Bác ghi chép lại cuộc sống khắc nghiệt trong các nhà tù và một phần xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch với tinh thần phê phán sâu sắc. "Lai Tân" là một bài thơ được Bác vận dụng thành công nhiều thủ pháp nghệ thuật đả kích độc đáo, toát lên tinh thần phê phán mạnh mẽ.

Lai Tân

Phiên âm:

        Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ,
        Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền;
        Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự,
        Lai Tân y cựu thái bình thiên.

Dịch thơ:Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh;
Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

(Nam Trân dịch)

(Dẫn theo sách Ngữ Văn lớp 11, tập 2, trang 45)

Lai Tân là địa danh Bác Hồ từng trải qua trên con đường lưu đày từ Thiên Giang đến Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây. Bài thơ mang tên địa danh mĩ cảm này lại cho thấy hiện trạng đen tối, thối nát của một xã hội ngỡ là tốt đẹp, tiến bộ. Nhan đề Lai Tân còn có thể hiểu là "lại mới" đã ngụ ý mỉa mai thâm trầm của nhà thơ Hồ Chí Minh.

Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, nhưng lại có kết cấu gồm hai phần không cân xứng. Phần đầu gồm ba dòng tự sự nói về hành vi thường thấy của ba viên quan đại diện cho bộ máy hành pháp ở Lai Tân: Ban trưởng nhà lao ngày ngày đánh bạc, cảnh sát trưởng ăn tiền của phạm nhân, huyện trưởng thì đốt đèn làm việc công (tức là hút thuốc phiện - theo Đặng Thai Mai và Hoàng Trung Thông). Phần hai chỉ một câu đánh giá tình hình ở địa phương Lai Tân rằng: "Lai Tân y cựu thái bình thiên". (Trời đất Lai Tân vẫn thái bình).

Bài thơ ngắn gọn chỉ có 28 âm tiết ngỡ là đơn giản nhưng thực chất tác giả đã nén vào nhiều ý nghĩa sâu sắc có giá trị vạch trần chân tướng thối nát của bộ máy chính quyền ở Lai Tân thời bấy giờ. Trước hết là hình tượng ban trưởng nhà giam lại là một tên tội phạm cờ bạc, sao được giữ chức vụ quản giáo phạm nhân?! Trong khi đó dân chúng đánh bạc bị xem là phạm tội phải ở tù, như Bác Hồ từng mỉa mai:

Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội
Trong tù đánh bạc được công khai.
Bị tù con bạc ăn năn mãi:
Sao trước không vô quách chốn này?!

(Nhật ký trong tù)

Hóa ra dưới chế độ Tưởng Giới Thạch, đạo đức, pháp luật chỉ là những chiêu bài bịp bợm lừa đảo nhân dân mà thôi.
Đến cấp cao hơn ban trưởng là cảnh sát trưởng và huyện trưởng đều là những tên tội phạm tham nhũng, hối lộ, nghiện ngập thuốc phiện lại đang nắm giữ cương vị, trách nhiệm là quản lý điều hành xã hội ở địa phương Lai Tân. Bác Hồ đã vận dụng biện pháp tu từ tăng cấp, liệt kê, từ quan nhỏ đến quan lớn đều là những tên thối nát vô trách nhiệm. Nhưng Bác lại không bật ra một lời lên án quyết liệt, mà lại hạ một câu kết có vẻ là bình thản, nhẹ nhàng: "Lai Tân y cựu thái bình thiên". Nhưng đấy mới chính là đòn đã kích bất ngờ, thâm trầm sâu sắc. Câu thơ được lồng vào hai vế đối, kết hợp với nghệ thuật lộng ngữ tài hoa. Đó là "Lai Tân" đối với "y cựu" ("lại mới" đối với "như cũ"). Nói "Lai Tân y cựu" là không có gì mới. Việc bọn quan lại vẫn đánh bạc, ăn tiền phạm nhân, hút thuốc phiện là chuyện thường ngày như một thói quen diễn ra thường xuyên của guồng máy cai trị ở Lai Tân. Vậy thì xã hội Lai Tân đã không mới, không tiến bộ mà chỉ có suy thoái, hỗn loạn hơn. Quả là một ý thơ mỉa mai chua chát!

Đặt bài thơ vào thời điểm ra đời của nó vào năm 1942, đối chiếu với đất nước Trung Quốc đang bị quân phát xít Nhật xâm lược, mà quan lại vẫn "bình chân như vại", vẫn cứ ung dung hưởng lạc thì quả là một điều đáng băn khoăn, nếu không muốn nói đó là những hành vi sai trái đáng bị phê phán mạnh mẽ.

Có lẽ cũng nên xét về cấu trúc ngữ pháp của câu "Lai Tân y cựu thái bình thiên". Đây là một câu ghép gồm hai cụm chủ vị "Lai Tân y cựu" và "thái bình thiên". Bản dịch đã chuyển câu thơ thành: "Trời đất Lai Tân vẫn thái bình", là đã gộp hai danh từ "trời" và "đất" Lai Tân thành đồng chủ ngữ, còn "vẫn thái bình" là vị ngữ, trở thành một câu đơn. Do vậy chưa thể hiện được phép đối và cách chơi chữ thâm trầm thể hiện trình độ nghệ thuật tài hoa của tác giả.

Bài thơ chốt lại bằng nhãn tự "thái bình" độc đáo mà theo Hoàng Trung Thông thì: Một chữ "thái bình" mà xâu táo lại bao nhiêu việc làm trên vốn là muôn thuở của xã hội Trung Quốc, của giai cấp bóc lột thống trị. Chỉ một chữ ấy mà xé toang tất cả sự "thái bình" dối trá nhưng thực sự là "đại loạn bên trong" (Bác Hồ làm thơ và thơ Bác).

"Lai Tân" đúng là một bài thơ chứa chất thép sắc bén, được nén vào trong những lời tự sự ngỡ như lời nói thường. Nhưng đọc kĩ, chúng ta mới thấy ra tác giả đã kết hợp nhuần nhuyễn những biện pháp nghệ thuật như chơi chữ, tăng cấp, đối, làm cho bài thơ lấp lánh nhiều ý nghĩa sâu sắc. Tác phẩm vừa là một bức tranh hiện thực điển hình cho lũ quan lại thối nát, vừa là một lời phê phán tố cáo có sức thuyết phục chế độ xã hội dưới thời Tưởng Giới Thạch; từ đó mà thăng hoa trình độ văn hóa, nghệ thuật uyên thâm của nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh.

N.T

Các tin khác