1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Vài kỷ niệm

VÀI KỶ NIỆM
MỘT THỜI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN PHÚC

Tôi ra trường năm 1971 với chức danh là giáo viên môn Văn. Dẫu vậy, tôi chỉ dạy một số tiết Ngữ văn, còn phần lớn dạy đủ các môn khác rồi sau này chuyển hẳn sang dạy Anh văn. Tuy nhiên, ký ức những ngày còn mài ghế nhà trường ở ĐHSP Sài Gòn để học thành thầy giáo dạy Văn vẫn còn đậm nét trong tâm tưởng tôi. Thật là lí thú và bổ ích vô cùng. Bây giờ, tôi có chút tài nghệ cỏn con để múa máy thơ văn với anh em cho vui ngày tháng phải kể là do cái thời đi học đó.

Dạy phân môn Giảng dạy Văn học lớp tôi thời ấy là thầy Lê Huy Mạc. Thầy tính nghệ sĩ, cởi mở và đánh đàn ghi-ta rất hay. Những giờ học với thầy quả nhẹ nhàng mà lại rất thiết thực.

Hôm mới vào lớp, thầy bảo, các anh chị sinh viên phải có cho tôi 2 quyển sách này:  Việt Nam Thi văn hợp tuyển và Việt Nam Văn học sử yếu của Giáo sư Dương Quảng Hàm. Ngoài ra, các anh chị mua thêm sách nào để học thêm tùy ý. Và thầy cũng chỉ dạy chúng tôi đúng nội dung của hai quyển sách trên.

May mắn là dạo ấy hai quyển sách trên được Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, có tài trợ của nhà nước nên vừa đẹp vừa rẻ. Đi học giờ thầy, chúng tôi chỉ việc mang theo hai cuốn sách đó và vở ghi chép thêm là đủ. Sinh viên Sư phạm đều có học bổng, dù không nhiều lắm nhưng cũng giải quyết phần nào khó khăn mua tài liệu cho sinh viên.
Phải thành thật công nhận là chỉ học kỹ hai quyển sách của Giáo sư Dương Quảng Hàm là chúng tôi đủ kiến thức để ra trường dạy học. Huống hồ, để có cái Tú tài toàn phần thời ấy, chúng tôi đã kha khá hiểu biết rồi. Mười trò lên cấp hai thì họa là ba bốn trò có được cái bằng Tú tài toàn phần này.
Cách dạy của thầy Mạc mới là điều tôi muốn kể lại cho các bạn.
Học qua phần ca dao tục ngữ của văn học bình dân, chúng tôi học đến phần văn thể. Hôm học thể thơ lục bát, thầy bảo, mỗi anh chị làm một bài lục bát ít nhất 10 câu nạp cho tôi. Hôm sau, thầy lại bảo chúng tôi đem theo cuốn Truyện Kiều. Bài làm là một đoạn lẩy Kiều ít nhất là 10 câu. Ui chao là gay. Ngồi cả hai tiếng đồng hồ mà chỉ có mấy bạn làm được. Đem râu ông nọ chắp cằm bà kia sao cho có nghĩa lý, mạch lạc, bắt đúng vần đâu có dễ dàng gì. Tôi may mắn làm được một bài dài đến 20 câu. Đáng tiếc rằng qua mấy chục năm thăng trầm với cuộc sống, tôi đã làm thất lạc bài thơ đó.

Thể thơ nào cũng vậy. Lí thuyết có sẵn trong sách rồi, ví dụ có sẵn trong sách rồi, chúng tôi chỉ việc vận dụng cho một tác phẩm riêng của mình.

Chúng tôi sợ nhất là giờ trả bài của thầy Mạc. Thầy ăn nói rất nhỏ nhẹ và vui tính nhưng thầy nhận xét rất sâu xa và sắc bén. Mấy bài làm lấy lệ, không có sáng tạo riêng hay trật niêm luật thế nào cũng bị mổ xẻ tới chân tơ kẻ tóc. Thầy thường bảo: "Nhác như thế này thì các anh chị đổi nghề đi. Làm thầy cô giáo mà lười biếng suy nghĩ là không xong rồi." Các bài hay thì thầy phân tích các hình ảnh, ngôn ngữ, nhạc tính, kỹ thuật, mỹ từ pháp đã được sử dụng cho chúng tôi bắt chước theo. Có khi tác giả chúng cũng không ngờ rằng mình lại "tài hoa" đến thế. Thành thử, học với thầy trông thoải mái thế nhưng nỗ lực tự nghiên cứu của mỗi chúng tôi rất đáng kể.

Tôi còn nhớ giờ làm câu đối là xôm trò. Hôm đó, thầy ra một vế đối cũ nhưng rất thời danh: Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. Câu đối này đã có nhiều người đã đối lại rồi như Thầy tu thầy chùa, chùa thầy cứ việc thầy tu hay Con giòng con giống, giống con mới thực con giòng. Chúng tôi phải có câu mới của riêng mình mới được. Tôi còn nhớ câu đối của tôi là Thơm trần, thơm vỏ, vỏ thơm đâu để thơm trần. Ý tôi muốn nói đến quả thơm (miền Bắc gọi là quả dứa, miền Nam gọi là quả khóm) khi gọt vỏ thì thành cả trái thơm trần, không vỏ được bày bán ở các quán giải khát. Thế nhưng có một điều lí thú là có hai nữ giáo sinh lớp tôi tên là Trần Thị Thơm và Võ Thị Thơm mà để phân biệt, tụi tôi thường gọi là Thơm Võ và Thơm Trần.
Nói đến cô bạn Võ Thị Thơm, thủ khoa lớp tôi khóa ấy thì phải nhớ đến trích đoạn cải lương tự biên tự diễn "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" của chị với bạn đồng môn của chúng tôi là Năm Hiệp (tên thật là Nguyễn Văn Hiệp). Ui chao là mùi mẫn, nhất là đoạn Kiều Nguyệt Nga tạ ơn dũng sĩ đã cứu mình. Hai người sau vở kịch này hình như có cảm tình với nhau nhưng rất tiếc là cuộc tình của họ chẳng đi đến hồi kết.

Đến kỳ học thơ Đường, gặp hôm đó bị cúp điện, thầy ra cho chúng tôi vịnh "Cảnh cúp điện". Bài này tôi viết theo giọng nữ sĩ Hồ Xuân Hương nên vui vui và còn nhớ tới bây giờ:

Điện cúp nên trời tối quá tay
Tìm đèn lại gặp của thày lay
Cầu dao đè mãi, cần không xuống
Công tắc vê hoài, nút chẳng xoay
Rọt rẹt canh khuya nghiêng với ngửa
Cò cưa suốt sáng xéo rồi ngay
Điện không, không ngủ thêm rầy chuyện
Không bệnh nhưng e chết có ngày.

Thầy còn chọn một vài bài Đường luật nào đó và bắt chúng tôi họa. Dần dà thì gần như ai cũng viết được dăm ba câu thơ khá sạch nước cản, đối điếc cũng ra trò lắm.
Khi học đến hát nói, văn tế thì chúng tôi đành đầu hàng, không làm sao mà viết được một bài hát nói như cụ Nguyễn Công Trứ hay một bài văn tế như cụ Nguyễn Đình Chiểu cho ra hồn. Thầy Mạc cũng hiểu điều đó nên đi vào phần bình giảng và văn học sử là chính, nhưng luôn khuyến khích chúng tôi tập làm chơi ở nhà, không xem là bài tập bắt buộc nữa.

Song chính là nhờ bản thân tham gia vào việc sáng tác nên chúng tôi hiểu được cấu tạo của văn bản, dù thơ hay văn, rồi từ đó hiểu được tác phẩm của tác giả khác khá tường tận. Ví dụ, thơ Đường luật có hai cặp câu đối ở phần thực và luận. Để có cặp câu đối hay, thông thường một câu tả gần thì câu đối lại tả xa, câu tả tình riêng thì câu đối lại tả tình chung. Vả lại đã đối thì tránh được trùng lặp ý. Cứ như thế, dù chỉ 8 câu một bài thơ Đường vẫn có sức dung chứa một nội hàm phong phú. Bạn nào làm loại bài tập bắt buộc trên mà yếu thì rõ ràng khả năng lý giải tác phẩm cũng hạn chế.
Thiết nghĩ học như thế là đã kết hợp với thực hành như một nguyên lí giáo dục hiện nay của ngành ta.

N.P

Các tin khác