1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Mấy điểm cần lưu ý

MẤY ÐIỂM CẦN LƯU Ý KHI GIẢNG DẠY

VỀ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945

TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

THÁI THỊ THANH THỦY

  Sở GD& ĐT Thừa Thiên Huế

Cách mạng tháng Tám 1945 là một sự kiện lịch sử vĩ đại trong tiến trình lịch sử dân tộc đồng thời là một sự kiện có tầm vóc quốc tế. Sự kiện lịch sử vĩ đại này không những là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam trong hơn 80 năm mà còn gắn liền với cuộc đấu tranh của nhân loại vì độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. Do đó cuộc Cách mạng tháng Tám của nhân dân Việt Nam không chỉ chịu ảnh hưởng sâu sắc của tình hình thế giới trong Chiến tranh thế giới thứ hai mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của lịch sử thế giới trong giai đoạn lịch sử này. Mặt khác, với sự thành công của Cách mạng tháng Tám, một nước Việt Nam mới đã ra đời. Đây là những vấn đề cần làm sáng tỏ khi dạy học Cách mạng tháng Tám 1945 ở trường THPT.

1. Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra những điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc vận động giải phóng dân tộc ở nước ta.

Ngày 1-9-1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ đe dọa sự  sống còn của toàn thể nhân loại. Song chiến tranh cũng đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cách mạng các nước phát triển, đặc biệt là cách mạng giải phóng dân tộc vì chiến tranh làm cho chủ nghĩa đế quốc suy yếu, ách thống trị ở các nước thuộc địa có nhiều sơ hở, trong khi đó mâu thuẫn giữa đế quốc Pháp và nhân dân Việt Nam trở nên gay gắt hơn lúc nào hết đã đẩy nhanh quá trình cách mạng hóa của nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhanh chóng phân tích tình hình thế giới, trong nước và kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu đồng thời từng bước thực hiện nhiệm vụ dân chủ để động viên, đoàn kết tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước ở Việt Nam vào công cuộc đánh Pháp đuổi Nhật nhằm giành độc lập tự do. Chủ trương trên được thể hiện trong các Nghị quyết Trung ương tháng 11/1939, Nghị quyết Trung ương tháng 11/1940 và Nghị quyết Trung ương VIII (5/1941).

Bởi vì, "nếu cuộc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc chiến tranh đế quốc lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công" (1)

Có thể nói Chiến tranh thế giới thứ II là vấn đề thời cuộc cực kỳ quan trọng để Đảng ta xem xét và kịp thời đề ra các chủ trương chính sách đưa cách mạng nước ta phát triển và dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Từ đầu năm 1943, sau khi Liên Xô giành thắng lợi ở Xtalingơrát và đập tan cuộc phản công của quân Đức ở vòng cung Cuốc-xcơ, chiến tranh thế giới bước vào giai đoạn mới. Liên Xô và phe Đồng minh chuyển sang tấn công trên khắp các mặt trận. Liên quân Anh-Mỹ quét sạch liên quân Đức-Ý khỏi lục địa Châu Phi. Trên mặt trận Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ chuyển sang phản công và lần lượt đánh chiếm các đảo ở Thái Bình Dương. Trước sự chuyển biến của Chiến tranh thế giới thứ hai, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương (2/1943) đã ra Nghị quyết đẩy mạnh cuộc vận động giải phóng dân tộc… để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Đầu năm 1944, Hồng quân Liên Xô mở cuộc tổng phản công trên khắp các mặt trận quét sạch quân Đức trên lãnh thổ Xô Viết và tiến hành giải phóng các nước Đông Âu. Mùa hè 1944, quân Đồng minh giải phóng các nước Tây Âu. Trước tình thế trên, cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước, tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị "Sửa soạn khởi nghĩa"; tháng 8/1944, Ban Thường vụ Trung ương kêu gọi toàn dân "Sắm sửa vũ khí đuổi thù chung".

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới bước vào giai đoạn kết thúc, phe Đồng minh bắt đầu mở cuộc tiến công vũ bão để tiêu diệt phát xít Đức tại Béclin. Ở Châu Á - Thái Bình Dương, phát xít Nhật bị đẩy lùi trên khắp các mặt trận. Quân Mỹ tấn công các thành phố lớn của Nhật Bản bằng không quân. Ở Đông Dương quân Pháp ráo riết hoạt động, chờ thời cơ phản công quân Nhật. Mâu thuẫn Nhật - Pháp càng trở nên gay gắt. Trước tình hình đó, Nhật tiến hành đảo chính Pháp ở Đông Dương vào đêm 9 tháng 3 năm 1945. Ngay vào lúc cuộc đảo chính đang diễn ra, Ban Thường vụ Trung ương họp tại làng Đình Bảng (Từ Sơn-Bắc Ninh). Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ đã ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.

 Giữa tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã. Chính phủ thân Nhật Trần trọng Kim hoang mang dao động. Thời cơ của một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền chín muồi. Đảng ta và Tổng bộ Việt Minh do lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã nhanh chóng chớp đúng thời cơ và phát động toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

2. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam không chỉ nhằm mục đích giành độc lập, tự do cho dân tộc mà còn đứng về phe Đồng minh chống phát xít để bảo vệ sự sống còn của toàn thể nhân loại cùng nền dân chủ và hòa bình thế giới

Hội nghị lần thứ VIII của Ban Chấp hành Trung ương xác định: "Cuộc cách mạng Đông Dương là một bộ phận cách mạng thế giới và giai đoạn hiện tại là một bộ phận dân chủ chống phát xít. Bởi vì Pháp - Nhật hiện nay là một bộ phận đế quốc xâm lược và là một bộ phận phát xít thế giới"(2)

Để gắn chặt cách mạng Việt Nam với cuộc đấu tranh của nhân loại, tháng 8/1942, Hồ Chí Minh đã lãnh sứ mệnh sang Trung Quốc, một mặt để vận động kiều bào tham gia cuộc vận động cứu nước; mặt khác, để bắt liên lạc với phe Đồng minh chống phát xít. Nghị quyết của Ban Thường vụ TW tháng 2/1943 đã chủ trương cách mạng nước ta đứng về phe Đồng minh Anh, Mỹ, Trung Quốc để đánh Pháp- Nhật giành độc lập. Từ 1940 đến 1945 nhân dân Việt Nam đã tiến hành đánh Pháp đuổi Nhật với đỉnh cao là Cao trào kháng Nhật cứu nước đã góp phần đẩy quân Nhật vào tình thế suy yếu.

Đến đầu 1945, chính trong quá trình phe Đồng minh đang đẩy mạnh cuộc tiến công tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, Mặt trận Việt Minh đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bắt liên lạc với quân đội Mỹ tại Trung Quốc (tổ chức OSS, OWI, AGAS) nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời qua mối quan hệ này, ta cung cấp cho phe Đồng minh về tin tức quân Nhật để nhanh chóng tiêu diệt phát xít Nhật ở Đông Dương dẫn đến hợp tác Việt - Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Cũng nhờ qua mối quan hệ này, Đảng ta và Mặt trận Việt Minh ngày càng có được nhiều tin tức về Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cuối tháng 8/1945, Đảng và Chính phủ ta đã tổ chức đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, trước hết là quân Trung Hoa Dân Quốc; đến đầu tháng 9/1945 là quân Anh.

Đối với quân Nhật bại trận cùng lực lượng thân Nhật, Chính phủ ta cũng đã ứng xử theo đúng công pháp quốc tế thể hiện tính nhân đạo của dân tộc và nhân quyền quốc tế. Do đó, đã góp phần làm cho Cách mạng tháng Tám thắng lợi nhanh chóng, diễn ra tương đối hòa bình ít đổ máu.  

Có thể nói việc Đảng ta khẳng định nước ta đứng về phía Đồng minh chống phát xít để cứu loài người khỏi họa diệt vong là một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động cách mạng ở nước ta trong giai đoạn 1939-1945.

3. Bối cảnh quốc tế có tầm quan trọng to lớn nhưng yếu tố nội lực mới là yếu tố quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945

Có thể nói, Đảng ta và Tổng bộ Việt Minh do lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã biết nắm bắt và tận dụng điều kiện khách quan của thế giới để tiến hành cuộc vận động giải phóng dân tộc ở nước ta. Tuy vậy, Đảng ta không bao giờ ỷ lại vào yếu tố bên ngoài mà lúc nào cũng khẳng định phải chủ động giành độc lập dân tộc, lấy sức ta mà giải phóng cho ta.

Trong bản "Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (12-3-1945) có đoạn nói rõ: "Dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc tổng khởi nghĩa của ta; vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện. Nếu cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi"(3). Đối với cả nước, vấn đề quan trọng là làm sao cho cách mạng nước ta "đóng vai trò chủ động", phải hưởng ứng quân Đồng minh một cách tích cực, có nghĩa là phải chủ động chuẩn bị mà chớp thời cơ. Có thể khẳng định rằng chính sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh mới là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Bởi vì, vào giữa tháng 8- 1945, khi Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, thời cơ khách quan xuất hiện ở tất cả các nước Đông Nam Á nhưng chỉ có cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi trọn vẹn chính là nhờ chớp đúng thời cơ của Đảng và nhân dân ta. Quá trình đó thể hiện sự sáng tạo của Đảng ta, nhân dân ta do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Ngay từ khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Đảng ta đã ra thông báo khẩn cấp cho các cấp bộ Đảng phải chuyển hướng hoạt động. Tiếp đó, tháng 11/1939, Hội nghị BCH Trung ương đã họp và ra Nghị quyết về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Nét nổi bật của sự sáng tạo trong chuyển hướng là đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, giải quyết từng bước vấn đề dân chủ, thành lập chính thể dân chủ cộng hòa, sáng lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể quần chúng mang tên các hội cứu quốc nhằm tập hợp, đoàn kết tất cả các tầng lớp và giai cấp yêu nước trong xã hội Việt Nam không phân biệt tôn giáo, dân tộc, đảng phái chính trị - nhằm thực hiện cho được hai điều:

1) Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập

2) Làm cho dân Việt Nam sung sướng tự do (4)

Chính chủ trương này đã huy động được sức mạnh của toàn thể dân tộc kể cả các tầng lớp trung gian làm việc cho chế độ thuộc địa vào cuộc đấu tranh chống đế quốc phát xít và tay sai để giành độc lập tự do cho dân tộc. Đảng ta còn xác định đúng đắn và sáng tạo phương pháp cách mạng và dự báo những điều kiện lịch sử chứng tỏ thời cơ chín muồi nhằm tăng cường tính chủ động và sáng tạo cho cán bộ và nhân dân trong việc nắm bắt thời cơ, phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Trên cơ sở này, Đảng ta đã tiến hành chuẩn bị về lực lượng cách mạng, bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, căn cứ địa (Bắc Sơn- Vũ Nhai, Cao Bằng, Khu Giải phóng Việt Bắc, 7 chiến khu trong cả nước), kết hợp chuẩn bị xây dựng lực lượng với đấu tranh, từ đấu tranh chính trị tiến dần lên kết hợp với đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa.

Đặc biệt trong quá trính chuẩn bị, lãnh đạo đấu tranh, trên cơ sở theo dõi và phân tích tình hình trong nước và thế giới, Đảng ta và Mặt trận Việt Minh đã đề ra các chủ trương và biện pháp đấu tranh kịp thời, đúng đắn và sáng tạo với đỉnh cao là Cao trào kháng Nhật cứu nước từ tháng 3 đến giữa tháng 8/1945 đã tạo ra tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

Đến giữa tháng 8/1945, khi thời cơ của cuộc tổng khởi nghĩa chín muồi trong toàn quốc, Đảng ta và Bác Hồ đã đề ra chủ trương đúng đắn và sáng tạo: quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân Nhật để với tư cách là một nhà nước độc lập có chủ quyền, ta đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp nhằm ngăn chặn âm mưu phá hoại của chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư kêu gọi đồng bào tổng khởi nghĩa đã viết: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta…" (5)

Đảng ta không chỉ phát huy sức mạnh trí tuệ của Đảng mà còn khơi dậy và phát huy ý chí cùng sức mạnh đoàn kết của toàn dân thể hiện trong Đại hội Quốc dân Tân Trào (16,17/8/1945) nhằm tạo ra bước ngoặt vĩ đại có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc, đồng thời tạo ra cơ sở pháp lý cho những thành quả cơ bản mà nhân dân ta đã giành được trong tháng 8/1945. Đó là độc lập, tự do gắn liền với chính quyền nhà nước do dân và vì dân mà Quốc dân Đại hội đã bầu ra.

Mặt khác, cũng để tạo ra cơ sở pháp lý cho những thành quả mà nhân dân ta đã giành được, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cải tổ Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam thành Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (28/8/1945), và quyết định tổ chức lễ tuyên bố độc lập, công bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra mắt Chính phủ Lâm thời vào ngày 2/9/1945.

4. Với Cách mạng tháng Tám, một nước Việt Nam mới đã ra đời .

Mục tiêu của Cách mạng tháng Tám 1945 là giành độc lập cho dân tộc, giành quyền tự do dân chủ cho nhân dân, gắn kết với mục tiêu của thời đại là đứng về phe Đồng minh giải phóng loài người khỏi chủ nghĩa phát xít,  đồng thời đưa đất nước hội nhập với thế giới hiện đại đang hình thành trong và sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định Cách mạng tháng Tám 1945 là một cuộc cách mạng vì nhân quyền và dân quyền. Tính chất cách mạng và hiện đại này được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố giành quyền dân chủ cho số nhiều, cho toàn thể nhân dân và phù hợp với công ước quốc tế. Chính phủ cách mạng lâm thời tuyên bố thi hành 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh với những nội dung chủ yếu:

- Ban bố cho nhân dân về nhân quyền; tài quyền (quyền sỡ hữu), dân quyền: quyền phổ thông đầu phiếu, các quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, hội họp, đi lại, cư trú…), dân tộc bình quyền, nam nữ bình đẳng. Chính phủ sẽ tổ chức tổng tuyển cử để bầu Quốc hội theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ chính thức và soạn thảo Hiến pháp.

- Tiến hành chia lại ruộng công đảm bảo công bằng giữa nam và nữ, giảm tô, giảm tức, hoãn nợ, xóa bỏ thuế khóa và phu dịch bất công, định chế độ thuế mới hợp lý, khuyến khích mọi người phát triển sản xuất, kinh doanh, cứu tế nạn nhân, ban bố luật ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, thiết đặt bảo hiểm xã hội.

- Xây dựng nền kinh tế mới nhiều thành phần, kiến thiết nền giáo dục mới với việc bắt buộc học chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ, cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học, miễn học phí cho bậc trung học, cấp học bổng cho học sinh nghèo; xây dựng nền văn hóa mới theo ba nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa.

-Xây dựng quân đội quốc gia để giữ gìn nền độc lập thống nhất.

-Về đối ngoại, thực hiện chính sách "thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để lấy sự đồng tình và ủng hộ của họ". Từ thực tiễn của cuộc vận động Cách mạng tháng Tám 1945, cần phải nêu thêm một bài học kinh nghiệm nữa đó là phải gắn cách mạng Việt Nam với thế giới, phát huy nội lực là chủ yếu, tranh thủ thời cơ khách quan thuận lợi để đưa ra các quyết sách kịp thời, chính xác đáp ứng yêu cầu của cách mạng.

 

Chú thích

(1) (2) (3) - Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

(4) - Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

(5)- Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

(6) Báo cứu quốc, số 40, tháng 9/1945.

 

T.T.T.T

Các tin khác