1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Sử dụng tranh ảnh trong dạy học kể chuyện

SỬ DỤNG TRANH ẢNH TRONG DẠY HỌC KỂ CHUYỆN

LỚP 1, 2, 3

BÙI THANH TRUYỀN

PHAN THỊ NGỌC QUỲNH

Kể chuyện có vị trí quan trọng trong dạy học tiếng mẹ đẻ vì kể là một hành động "nói" đặc biệt trong hoạt động giao tiếp. Khi nghe thầy cô kể chuyện, học sinh (HS) đã tiếp nhận tác phẩm văn học ở dạng lời nói có âm thanh. Khi HS kể chuyện, các em đang tái sản sinh một tác phẩm nghệ thuật bằng lời của mình. Ở trường tiểu học, Kể chuyện là một phân môn lí thú, hấp dẫn đối với HS. Tiết Kể chuyện thường được các em chờ đón và tiếp thu với tâm trạng rất hào hứng. Với mỗi đứa trẻ, bên cạnh những niềm vui như chơi đồ chơi, xem phim hoạt hình,… thì nghe kể chuyện và kể chuyện cho người khác nghe cũng là một niềm say mê của các em.

Trong các hình thức rèn kĩ năng kể chuyện, kể chuyện theo tranh có khả năng cuốn hút HS và dễ đạt được hiệu quả cao vì sát với năng lực, phương pháp tư duy của các em, đặc biệt đối với HS đầu bậc Tiểu học (lớp 1, 2, 3). Đây là giai đoạn các em mới từ môi trường mầm non lên, giảng dạy qua kênh hình vẫn là phương pháp giáo dục hữu hiệu và gần gũi với người học.

1. Vai trò của tranh ảnh trong dạy học Kể chuyện lớp 1, 2, 3

Dựa vào nguồn tư liệu được dùng để kể, các bài học kể chuyện trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt(1) tiểu học được chia làm ba loại: kể chuyện theo tranh, kể chuyện đã nghe, đã đọc (loại bài này được chia làm hai dạng: kể chuyện đã nghe và kể chuyện đã đọc), kể chuyện được chứng kiến, tham gia. Trong đó, kể chuyện theo tranh là kiểu bài có tần suất sử dụng tranh ảnh cao nhất và hiệu quả dạy học phụ thuộc nhiều nhất ở chất lượng của tranh ảnh. Kể chuyện theo tranh thường có các dạng sau:

- Kể theo tranh và câu hỏi gợi ý. Đây là hình thức luyện tập dễ nhất vì HS có hai chỗ dựa là hình và lời để kể. Chẳng hạn: Dựa vào tranh, kể lại từng đoạn của câu chuyện Chiếc bút mực (Tiếng Việt 2, tập 1); Dựa vào tranh, kể lại từng đoạn của câu chuyện Cậu bé thông minh  (Tiếng Việt 3, tập 1).

- Kể theo tranh không có câu hỏi gợi ý. Ví dụ: Dựa vào các tranh sau, kể lại từng đoạn của câu chuyện Ai có lỗi? bằng lời của em (Tiếng Việt 3, tập 2); Dựa vào các tranh sau, kể lại câu chuyện Người lính dũng cảm (Tiếng Việt 3, tập 2).

- Sắp xếp lại các tranh đã bị đảo lộn thứ tự cho đúng với nội dung câu chuyện, sau đó kể lại. Ví như: Xếp lại thứ tự các tranh sau theo đúng nội dung câu chuyện Ông Mạnh thắng Thần Gió  (Tiếng Việt 2, tập 2).

SGK tiểu học mới có nội dung dạy học nằm trong hệ thống kênh hình chiếm tỉ lệ khá cao. Riêng với môn Tiếng Việt, đặc biệt là phân môn Kể chuyện, dung lượng những trang sách có kênh hình khá lớn, đến 60 - 70%. Tranh ảnh ở đây chính là nội dung bài học, là tài liệu giáo khoa đặc thù để truyền đạt và tiếp nhận kiến thức của thầy và trò. Nội dung tranh giúp HS nắm vững các tình tiết của câu chuyện để kể lại cho chính xác.

Sử dụng tranh trong dạy học Kể chuyện có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho HS thực hành kĩ năng nghe - nói. Tranh ảnh cũng cung cấp cho giáo viên phương tiện trực quan để hướng dẫn các em thực hành kể chuyện trên lớp. Trong từng câu chuyện, dựa vào những tình tiết chính, nhà biên soạn đưa ra các câu hỏi gợi ý, hướng dẫn HS nhớ lại nội dung truyện, kết hợp quan sát tranh minh hoạ. Từ đó, các em có thể tập kể lại câu chuyện cho thật sinh động.  Chúng vừa có tác dụng minh họa cho lời kể của thầy cô vừa là hình thức cố định lại bằng "kí tự" nội dung truyện.

2. Sử dụng tranh ảnh trong thực tiễn dạy học Kể chuyện lớp 1, 2, 3

Căn cứ vào nguồn khai thác, có thể chia hệ thống tranh ảnh hỗ trợ dạy học Kể chuyện lớp 1, 2, 3 hiện nay thành hai loại: Trong và ngoài SGK.

2.1. Tranh ảnh trong SGK

Trước đây, trong chương trình Tiếng Việt Cải cách giáo dục, các truyện kể dùng trong tiết Kể chuyện được tập hợp thành một quyển sách riêng có tên là Truyện đọc. Sách không có tranh minh họa làm điểm tựa giúp HS nhớ truyện. GV kể chuyện xong, HS mất rất nhiều thời gian để nhớ được truyện.

Nhằm khắc phục nhược điểm đó, bộ sách Tiếng Việt mới, mặc dù văn bản truyện kể vẫn nằm ở sách giáo viên, nhưng đội ngũ soạn giả đã sử dụng hệ thống tranh minh họa và các câu hỏi gợi ý làm điểm tựa để HS thực hành kể chuyện. Tranh ảnh được vẽ rất sinh động, bên cạnh tác dụng hỗ trợ ghi nhớ, phát triển trí tưởng tượng cho trẻ, còn làm cho các em có hứng thú quan sát tranh, nói về tranh, tăng thêm sức hấp dẫn cho giờ học. Có những tranh vẽ bắt mắt, đường nét và màu sắc hài hòa, sát với nội dung câu chuyện (Niềm vui bất ngờ - Tiếng Việt 1, tập 2, trang 99). Nhiều tranh có nét vẽ hài hước, ngộ nghĩnh (Sư Tử và Chuột Nhắt - Tiếng Việt 1, tập 2, trang 81), tạo được hứng thú cho người học.

Tuy nhiên, bên cạnh những tranh đẹp, tươi sáng, rõ ràng, khoa học, vẫn còn một số tranh vẽ có một số điểm bất cập như sau:

- Tính tương hợp giữa nội dung câu chuyện và tranh chưa cao. Thông thường, số lượng cũng như nội dung tranh minh họa cho bài kể chuyện tương ứng với các phân đoạn trong truyện. Tuy nhiên, vẫn có một số bài học, mối quan hệ 1 - 1 giữa kênh hình và kênh chữ đã bị phá vỡ. Ví dụ, các bài Đất quý, đất yêu (Tiếng Việt 3, tập 1, trang 84), Bác sĩ Sói (Tiếng Việt 2, tập 2, trang 42) đều có ba đoạn truyện nhưng lại tương ứng với bốn tranh vẽ. Điều này khiến cho HS gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các yêu cầu của bài tập.

- Hình vẽ và màu sắc chưa thật sự lôi cuốn, một số tranh cỡ nhỏ nhưng chứa nhiều sự vật khiến người học khó quan sát, đơn cử như tranh trong bài Con Rồng, Cháu Tiên (Tiếng Việt 1, tập 2, trang 126). Ở lứa tuổi này, HS còn nghèo vốn sống, năng lực quan sát đối tượng chưa tốt. Tranh vẽ nhỏ quá cũng gây trở ngại cho các em trong quá trình ghi nhớ câu chuyện. Không những thế, hiện nay, trẻ được tiếp xúc với nhiều truyện tranh in ấn, trình bày rất đẹp, đường nét sắc sảo, hình vẽ đa dạng, ngộ nghĩnh, thậm chí có những ấn phẩm được in rất độc đáo với hình nổi, tranh động… Liệu những hình vẽ quá nhỏ, khó quan sát lại ít tính thẩm mĩ như trong SGK có tạo được hứng thú đối với các em trong hoạt động có phần khó khăn, đơn điệu hơn rất nhiều so với việc đọc và xem truyện tranh để giải trí thông thường là lĩnh hội tri thức ?

- Hệ thống câu hỏi khai thác tranh chưa phù hợp, không thống nhất trong toàn bài. Ví dụ ở bài Sói và Sóc (Tiếng Việt 1, tập 2, trang 108), sau các câu hỏi để gợi ý cho HS ở các tranh 1, 2, 3 (Chuyện gì xảy ra khi Sóc đang chuyền trên cành cây?, Sói định làm gì Sóc?,…) thì ở dưới tranh 4, SGK lại đưa ra một câu kể khá… lạc môi trường: Sóc giải thích vì sao Sói buồn.

- Tranh ảnh minh họa cho nội dung truyện còn sơ sài và vẫn không tránh khỏi những sai sót nhỏ. Chẳng hạn, trang phục của vua Hùng trong câu chuyện Sự tích dưa hấu (Tiếng Việt 1, tập 2, trang 153) chưa thực sự phù hợp với mô tả trong các sách lịch sử. Đồng thời, cũng về bộ trang phục này, tranh 1 và tranh 4 không thống nhất với nhau. Tương tự như vậy, trang phục của Trần Quốc Toản trong câu chuyện Bóp nát quả cam (Tiếng Việt 2, tập 2, trang 126) cũng có điểm không thống nhất trong tất cả các bức tranh. Mặc dù đây chỉ là những tiểu tiết nhưng chúng cũng thể hiện phần nào sự thiếu chu đáo, khoa học trong khâu biên tập mĩ thuật của sách giáo khoa hiện nay.

2.2. Tranh ảnh ngoài SGK

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xuất bản những bộ tranh đẹp để hỗ trợ cho hoạt động dạy học Kể chuyện ở tiểu học. Đây chính là nội dung các bức tranh minh họa cho tiết kể chuyện trong SGK được phóng to - một đồ dùng trực quan hữu dụng để GV hướng dẫn HS kể chuyện trên lớp. Thông thường, bộ tranh được in khổ 54 cm x 79 cm, với 4 màu. Các tranh minh họa nội dung câu chuyện trình bày liên hoàn trên 1 mặt giấy.

Với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại (máy tính, máy ảnh, máy chiếu, máy scan…), người dạy cũng có thể tự chuẩn bị cho mình những tranh ảnh với kích cỡ lớn để phục vụ cho việc dạy học Kể chuyện. Tuy vậy, những cách thức hỗ trợ trên cũng chỉ có một số tác dụng nhất định do hạn chế lớn nhất của chúng là trình chiếu từ một khoảng cách khá xa người học nên thường chỉ có tác dụng giúp giáo viên hướng dẫn chung cho cả lớp, không thể cụ thể hóa hoạt động dạy học cho từng cá nhân, từng nhóm HS như các tranh ảnh rời. Hơn nữa, đây cũng thường chỉ là những trang sách được phóng to; nếu tranh ảnh trong SGK chưa được đẹp, hay có những điểm chưa hợp lý thì người dạy cũng khó thay đổi được, thậm chí càng phóng to càng làm lộ rõ những hạn chế của chúng. Hiệu quả dạy học do vậy cũng bị ảnh hưởng ít nhiều (2).

3. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tranh ảnh trong giờ Kể chuyện lớp 1, 2, 3

3.1. Đối với  SGK

 Hệ thống tranh ảnh dạy học Kể chuyện trong SGK phải đạt chuẩn về mọi mặt. Muốn vậy, việc thiết kế chúng phải chú trọng tiêu chuẩn gọn rõ, đơn giản, không rườm rà, phù hợp với năng lực quan sát và tầm nhận thức của HS, sớm điều chỉnh những điểm chưa hợp lý, những sai sót nhỏ như đã nói ở trên. Bên cạnh đó, cần chú ý hơn đến sức hấp dẫn của tranh ảnh. Màu sắc tranh phải thật tươi sáng, đường nét rõ ràng, in trên nền giấy đẹp,… để HS thấy hứng thú hơn trong quá trình học tập.

3.2. Đối với giáo viên

- Khi thiết kế bài giảng, GV cần soạn lời giới thiệu, hệ thống câu hỏi gợi mở sao cho dễ hiểu. Lúc HS kể lại từng đoạn câu truyện theo tranh, lời giới thiệu về các hình ảnh trong tranh của thầy cô là gợi ý để các em kể một cách dễ dàng, tự nhiên. Lời kể của giáo viên cũng là một phương tiện trực quan quan trọng, có tác dụng chuyển tải, gắn kết nội dung của chuyện với tranh ảnh, mang đến cho trẻ những ấn tượng về câu chuyện mình sắp kể. Một điều cũng cần lưu tâm nữa là giáo viên phải giúp trẻ quan sát tranh vừa trên tổng thể chung, vừa hướng vào chi tiết cụ thể để trẻ có thể nắm và kể khái quát toàn bộ câu chuyện, đồng thời vẫn biết tập trung vào một số phần trọng tâm nhất.

- Tranh được sử dụng chủ yếu trong hai thời điểm: khi HS nghe kể chuyện và khi các em nhìn vào tranh để kể. Vì vậy, GV phải biết khai thác tranh minh họa với mục đích làm cho HS hiểu câu chuyện, nhớ câu chuyện. Sau khi kể chuyện lần 1, GV sẽ kể chuyện lần 2, kết hợp giới thiệu các hình ảnh trong tranh. HS sẽ được rèn kĩ năng nghe, quan sát. Sau đó các em tự kể lại bằng ngôn ngữ của mình.

- Giáo viên cũng cần chủ động tìm hiểu những cách thức sử dụng tranh ảnh sao cho đa dạng, phù hợp với trình độ HS và nội dung, mục đích của bài học; chẳng hạn: cách tổ chức hoạt động trong lớp, cách thức đứng khi dùng tranh, cách treo tranh, di chuyển tranh hợp lí để tất cả HS đều quan sát rõ,...

- Nếu chỉ đơn thuần sử dụng tranh trong sách hoặc tranh được phóng to thì tiết dạy Kể chuyện sẽ diễn ra đơn điệu và hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực sư phạm của người dạy mà không có một sự hỗ trợ đặc biệt nào. Cho nên, giáo viên có thể xây dựng những bài soạn bằng giáo án điện tử với những hình ảnh đẹp, sinh động, có âm thanh nhẹ nhàng làm nền, sát hợp với nội dung câu chuyện để tiết Kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn HS hơn. Thầy cô cũng có thể chuyển đổi bộ tranh tĩnh trong SGK thành các tranh động để sử dụng linh hoạt, dễ dàng trong giờ dạy. Cách làm này giúp giáo viên giảm đựợc thời gian soạn bài, chuẩn bị đồ dùng dạy học mà HS vẫn cảm thấy thích thú, tiết học sinh động hơn hẳn.

Như vậy, hệ thống tranh ảnh sẽ là chỗ dựa đáng tin cậy với giáo viên và HS trong việc nâng cao chất lượng dạy học Kể chuyện lớp 1, 2, 3 một khi người dạy có sự đầu tư công sức và trí tuệ. Nếu thực sự dụng công, sáng tạo trong việc lựa chọn và thiết kế tranh ảnh, giáo viên có thể biến mỗi câu chuyện kể thành một món ăn tinh thần bổ ích và thực sự lí thú đối với lứa tuổi đầu bậc tiểu học này.

(1) Nhiều tác giả: Tiếng Việt 1, 2, 3, 4, 5, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006.      

(2) Xem : Bùi Thanh Truyền, Sử dụng tranh ảnh trong dạy học Tiếng Việt ở tiểu học, Tạp chí Thiết bị Giáo dục, Số 56, tháng 4 - 2010.

BTT-PTNQ

Các tin khác