1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Ngành Giáo dục tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Cập nhật lúc : 10:43 06/08/2023  
Ngành Giáo dục tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Chiều ngày 04 tháng 8 năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng. Về phía ngành GDĐT có thầy giáo Nguyễn Tân - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở, thầy giáo Đoàn Minh Thắng, PGĐ Sở; cô giáo Nguyễn Tâm Nhân, Chủ tịch Công đoàn Ngành; Lãnh đạo, chuyên viên các phòng ban thuộc Sở; Lãnh đạo các phòng GD&ĐT, Giám đốc các trung tâm GDTX và Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở.

Thầy giáo Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

Báo cáo tại Hội nghị, thầy giáo Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT nêu và nhấn mạnh đến bối cảnh, các yếu tố khách quan, chủ quan tác động trực tiếp đến việc triển khai nhiệm vụ năm học; đồng thời khẳng định năm học 2022 – 2023 là thời điểm đánh dấu giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, năm học toàn ngành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; năm có nhiều dấu ấn về kết quả thành tích học sinh giỏi và toàn ngành đã cơ bản hoàn thành nhiều nhiệm vụ phát triển giáo dục quan trọng.

Trước hết đó là sự chủ động, tích cực trong việc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng, triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách … tạo động lực phát triển GDĐT.

Năm học 2022 – 2023, ngành GDĐT tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng tinh gọn, tập trung, đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa và tăng cường xã hội hóa; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội (KTXH) địa phương, thuận tiện cho học sinh và nhân dân; quan tâm chỉ đạo việc xây dựng đội ngũ CBQL, GV theo hướng đảm bảo đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ. Toàn Ngành đã tích cực triển khai tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức hội thảo chuyên đề về đổi mới hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đến nay hầu hết GV đều hoàn thành chương trình bồi dưỡng các mô đun theo quy định, cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc triển khai thực hiện Chương trình và SGK mới.

Song song với nguồn lực con người, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng được Lãnh đạo Sở quan tâm chỉ đạo. Sở GDĐT đã tích cực tham mưu các cấp có thẩm quyền và phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc đầu tư nguồn lực cho phát triên GDĐT; phát động phong trào tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học để vừa góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách đầu tư của các địa phương vừa nâng cao chất lượng chuyên môn.

Về kết quả chất lượng, kỳ thi TN THPT tăng cả về phổ điểm trung bình, tỷ lệ đỗ TNTHPT (phổ điểm từ 6,341 lên 6,505; tỷ lệ đỗ TN THPT tăng từ 96,55% trong năm học 2021 – 2022 lên 98,09% trong năm học 2022 – 2023; tăng 03 bậc trong bảng tổng sắp toàn quốc, từ thứ 29 lên thứ 26; có 62 giải/80 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, tăng 5 giải so với năm học trước (xếp thứ 7 toàn quốc); có 01 học sinh tham gia dự thi và nhận Bằng khen của kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á – Thái Bình Dương; 01 học sinh vào Chung kết Chương trình Đường lên Đỉnh Olympia năm 2023; 01 giải Nhất và 01 giải Ba trong Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V do Bộ GDĐT tổ chức…

Về kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 404/570 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70,9% (Mầm non 118/206 trường, đạt 57,3%; Tiểu học 172/194 trường, đạt 88,7%; THCS 96/131 trường, đạt 73,3%; THPT 18/39 trường, đạt 46,2%).

Các công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống học sinh và Giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp được chú trọng. Đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho học. Tăng cường quản lí, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng; “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về học tập thường xuyên, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh thực hiện tốt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; Công tác Xoá mù chữ của tỉnh được đẩy mạnh, tỉ lệ người mù chữ giảm đáng kể.

Bên cạnh những thành công cơ bản, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Chủ trương tinh giảm biên chế trong bối cảnh toàn Ngành đang triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT đã tác động, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục cũng như việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong các nhà trường. Cơ sở vất chất và nguồn lực tài chính dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá, đồng bộ hóa. Các cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học; cơ sở vật chất, phòng học chưa đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày. Đời sống của một bộ phận cán bộ và giáo viên còn khó khăn. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mặc dù có tăng nhưng nhìn chung vẫn còn thấp, chưa đồng đều giữu các địa phương và chưa thật sự vũng chắc. Việc bố trí giáo viên dạy học các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên còn nhiều khó khăn do đa số giáo viên được đào tạo ”đơn môn” nhưng chương trình môn học lại xây dựng theo hướng tích hợp ”liên môn”. Đây là khó khăn chung của cả nước và cần phải có thời gian tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Việc triển khai chương trình giáo dục địa phương còn khó khăn do cơ chế xuất bản, phát hành tài liệu; Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển chậm, khả năng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục còn thấp. Công tác xã hội hóa trong giáo dục còn nhiều lúng túng. Đời sống của nhân viên cấp dưỡng trong trường mầm non còn nhiều khó khăn, dẫn đến một bộ phận nhân viên cấp dưỡng chưa yên tâm công tác. Vẫn còn xảy ra bạo lực học đường. Vẫn còn hiện tượng chưa thực hiện tốt việc phát huy dân chủ cơ sở, ứng xử thiếu chuẩn mực trong môi trường giáo dục gây ảnh hưởng không tốt đến Ngành..

Về nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu chủ yếu trong năm học 2023 – 2024, với chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, Giám đốc Sở khẳng định: toàn Ngành đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xây dựng Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này, ngành GDĐT cần thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm sau: Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phần quyền trong quản lý; Tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình giáo dục hiện hành, triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên mới; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục chính trị đối với nhà giáo và học sinh; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác với các cơ sở GDĐT từ các quốc gia phát triển; Chú trọng chuyển đổi số vào đổi mới quản lý, dạy và học. Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh các lớp đầu cấp; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn Ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Hội nghị cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị. Các ý kiến đều nhất trí cao báo cáo tổng hết nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong năm học 2023 – 2024. Đại biểu dự Hội nghị biểu thị quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của năm học mới.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị cũng đã đón nhận phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, PBT Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần sự nỗ lực của cán bộ quản lý, giáo viên và người lao động toàn Ngành đã phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2022 – 2023; đồng thời, đồng chí Phó Bí thư Thường trực yêu cầu trong thời gian tới, trước mắt là năm học 2023 – 2024, ngành GDĐT tiếp tục cố gắng đạt được kết quả cao hơn nữa. Muốn vậy cần tập trung mọi nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau: phải xác định GDĐT là một trong bốn trụ cột để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kiên quyết đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường, mất đoàn kết, thiếu dân chủ trong giáo dục; tăng cường giáo dục văn hóa địa phương, giáo dục văn hóa Huế, cốt cách con người xứ Huế; Tiếp tục đảm bảo các điều kiện và ưu tiên tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Quan tâm định hướng nghề nghiệp và phân luồng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông trong giáo dục; gắn kết với hệ thống cơ sở đào tạo đại học, phối hợp với UBND các huyện/thị xã/thành phố trong chỉ đạo phát triển toàn diện GDĐT và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, quản trị nhà trường, xây dựng hệ thống dữ liệu số.

Thay mặt chủ tọa Hội nghị, thầy giáo Nguyễn Tân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GDĐT bày tỏ cảm ơn, tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, giải trình các vấn đề các đại biểu dự Hội nghị quan tâm; đặt quyết tâm của toàn Ngành, cũng như chỉ đạo các cơ sở xây dựng kế hoạch năm học mới chủ động, hiệu quả, linh hoạt nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ năm học 2023-2024 - năm được đánh giá quyết định đối với nhiều vấn đề vừa riêng vừa chung của Giáo dục Thừa Thiên Huế và với giáo dục của đất nước.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI NGHỊ

Nguyễn Văn Cường - Phòng GDPT

 

Các tin khác