1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Bài văn tế các học sinh lười bị đuổi học

BÀI VĂN TẾ CÁC HỌC SINH LƯỜI  BỊ ĐUỔI HỌC

VÀ CÁCH ĐAN XEN NGÔN NGỮ PHÁP VIỆT -

THUẦN VIỆT ĐỂ CHƠI CHỮ

TRIỀU NGUYÊN

1. Ở Trường Quốc Học Huế, khoảng thập niên 30 của thế kỉ XX, ông Nguyễn Đức Đôn, một giáo viên của trường, đã làm bài “Văn tế các học sinh lười bị đuổi học” theo dạng nửa Việt nửa Pháp, để đùa các em này, như sau:

“Nhớ các vu xưa:

Có cậu An Nam;

Có trò mê tít.

Tư cách đã nuyn;

Tính tình lại bệt.

Người thì pát xáp tờ ra vay;

Kẻ lại mô ve công đuýt.

Lúc vào lớp, sách bài nào nghĩ đến, ba vạc tú dua;

Khi về nhà, cơm nước chẳng lo gì, a lê tút xuýt.

Gặp những lễ tút xanh tút xiếc, công giê rồi mặc sức cua ria;

Giả mượn trò ma lát ma lơ, áp xăng mà chẳng hề pẹc mít.

Khoa cách trí (1) cái gì cũng phép, dù si mi, dù phi dích, nói đến là trơ;

Khoa văn chương chẳng có gì pho, dù nam mít, dù si noa, hỏi đâu cũng tịt.

Đường hạnh kiểm i na mít xíp, gia na bô cu phốt, quanh năm thường bị xi nha lê;

Sức học hành anh xuýp phi giăng, in le tờ re man, cuối tháng những nghe a véc tít.

Những tưởng đủ bốn năm ê tuýt, ra trường Cô Cốc(2), bằng đíp lôm nắm sẵn trong tay;

Nào ngờ sau một buổi cồng xây, đến phòng xú địa, chữ éc lúc chui lùi bên đít!

Vào cờ lác giã từ chúng bạn, ôm bót mà lui;

Lên đoóc toa sắp sửa rương hòm, ra ga cho vịt.

Ngoảnh mặt lại thẹn cùng lơ mét, ơn tác thành nào có duyn ta;

Quay về nhà tủi với pa răng, công dưỡng dục đành không mê rít.

Rơ gạc khắp sông Hương, núi Ngự, non sông chung một vẻ đu lơ;

Pạt xê cùng Thượng Tứ, Đông Ba, quang cảnh đủ trăm chiều tờ rít tét!

Than ôi:

Vì nhác mà hư;

Không lo thì chết.

Hỡi ôi, thượng hưởng!

(ghi theo: Bùi Minh Đức, 2001, Từ điển tiếng Huế; Huntington Beach, CA 92646 - USA: Tâm An; tr. 447-448. Sách này chép từ Nguyễn Tấn Cửu, học sinh Quốc Học giai đoạn 1933-1937)

Các từ ngữ tiếng Pháp được dùng: “Vu” (vous: anh, các anh), “mê tít” (métis: lai, tạp chủng), “nuyn” (nul: bất tài), “bệt” (bête: ngu đần), “pát xáp tờ ra vay” (passable travail: nghịch ngợm), “mô ve công đuýt” (mauvaise conduite: hạnh kiểm xấu), “ba vạc tú dua” (bavarder toujours: bép xép suốt ngày), “a lê tút xuýt” (aller tout de suite: đi lập tức), “tút xanh” (Toussaint: Lễ Chư thánh), “công giê” (congé: việc nghỉ ngơi), “cua ria” (courir: chơi bời lêu lổng), “ma lát” (malade: đau ốm), “áp xăng” (absent: vắng mặt), “pẹc mít” (permission: sự cho phép), “phép” (faible: yếu, kém), “si mi” (chimie: hoá học), “phi dích” (physique: vật lí), “pho” (fort: giỏi), “Nam mít” (Annamite: thuộc về nước Việt Nam), “Si noa” (Chinois: thuộc về nước Trung Hoa), “i na mít xíp” (inadmissible: không thể dung tha được), “gia na bô cu phốt” (il y a beaucoup de fautes: mắc nhiều sai phạm), “xi nha lê” (signaler: báo cho biết, khiến chú ý), “anh xuýp phi giăng” (insuffisant: đuối sức), “in le tờ re man” (il est très mal: rất kém), “a véc tít” (avertissement: lời nhắc nhở, lời khuyến cáo), “ê tuýt” (études: học tập), “đíp lôm” (diplôme: văn bằng - thường dùng để chỉ văn bằng tương đương với Trung học cơ sở hiện nay), “cồng xây” (conseil: hội nghị - chỉ phiên họp của hội đồng kỉ luật), “xú địa” (sous directeur: phó hiệu trưởng, phó giám đốc), “éc lúc” (exclus: bị đuổi), “cờ lác” (classe: lớp học), “bót” (poche: cái túi, cái bao), “đoóc toa” (dortoir: nhà ngủ), “vịt” (vite: nhanh), “lơ mét” (le maitre: thầy giáo), “duyn ta” (résultat: kết quả), “pa răng” (parents: cha mẹ), “mê rít” (merite: giá trị, hiệu quả), “rơ gạc” (regarder: nhìn),  “đu lơ” (douleur: nỗi đau buồn), “pạt xê” (passer: đi qua), “tờ rít tét” (tristesse: buồn bã).

Bài văn tế được nhiều thế hệ học sinh yêu thích, bởi sự mới mẻ, kì lạ của nó. Sự mới mẻ, kì lạ này chính là chất hài được hình thành qua lối nói đan xen thuần Việt (TV) - Pháp Việt (tiếng Pháp đọc theo lối Việt) (PV). Và nhờ vào đó mà bài văn có tác dụng giáo dục (biết cái xấu để tránh) khá hiệu quả.  

2. Đan xen TV - PV có lẽ phổ biến vào quãng nửa đầu thế kỉ XX. Ngoài sáng tác vừa nêu, còn có một số sáng tác khác.

Dưới đây, là ba trích dẫn: một bài thơ lục bát, một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường và một trích đoạn kịch.

+ Dê cờ ri tình thơ uyn lét,

 Để cho mình con nét mông cơ.

Từ khi mình kít tê dơ,

Bon nơ cũng lắm, ma lơ cũng nhiều!

Lạnh lùng một mảnh sơ mi,

Lơ ve trằn trọc lơ li một mình.

Loăng tanh ai có thấu tình,

E mê đến nỗi thân hình biểng pan!

(Bài này và bài tiếp theo, trích từ: Lãng Nhân, 1992; Chơi chữ, bản in lần 4; Hà Nội: Nxb Văn học, tr. 329-330)

“Dê cờ ri uyn lét” (J ‘ écris une lettre: tôi viết một bức thư), “con nét mông cơ” (connaitre mon coeur: hiểu lòng tôi), “bon nơ” (bonheur: sung sướng), “ma lơ” (malheur: khổ đau), “sơ mi” (chemise: áo), “lơ ve” (lever: dậy, thức dậy), “lơ li” (le lit: giường), “loăng tanh” (loin tain: xa, nơi xa), “e mê” (aimer: yêu thương), “biểng pan” (bien pâle: xanh xao).

Đây là bài thơ của một me Tây bày tỏ sự cô đơn của mình với tình lang.

+  Sao toa vội trở gót ăng Phoong?

Bạc bẽo làm chi hỡi đi đoòng!

Chắp cánh bay cao lòng cá nác,

Dừng chân đứng lại phận cô soong.

Sụt sùi moa những nhìn la pốt,

Nằn nỉ sừ ơi nỗi lạc gioòng!

Một tiếng ô voa khôn xiết kể,

Xa người xa cả cán ba toong!

“Ăng Phoong” (en France, nói tắt của Aller en France: sang Pháp), “đi đoòng” (có lẽ là dit: nói, đọc; và donc: vậy), “cá nác” (canard: con vịt), “cô soong” (cochon: con lợn), “la pốt” (la poche: cái túi), “lạc gioòng” (l’ argent: tiền bạc); “ô voa” (au revoir: tạm biệt), “ba toong” (bâton: cái gậy) là các từ ngữ PV chen đều vào tám câu của bài thơ tiếng Việt.

Lớp từ ngữ với những “vịt”, “lợn”, “cái túi”, “tiền bạc”, “cái gậy”... này, cũng tạo cảm giác như một sự mua bán, đổi chác giữa các lái lợn, lái gà. Không khó nhận ra, đây là bài thơ dành cho (hoặc của) một me Tây tiễn chồng về Pháp.

+ Nam Xương trong vở kịch “Ông Tây An Nam”, viết về cậu Lân, con ông Cưu, sang Pháp ăn học đỗ cử nhân về nước, quên không nói được tiếng mẹ đẻ, phải nhờ thông ngôn. Tệ hơn, anh ta quên cả cha mẹ, quên cả truyền thống đạo lí của dân tộc. Cử Lân bị Âu hoá theo lối đồi trụy, bất lương,...

Dưới đây, là một đoạn thuộc hồi thứ nhất, xen III :

KHIẾU, CỬ LÂN, CƯU ÔNG

  CỬ LÂN :

     C’ est ici ma maison (3 )?

  CƯU ÔNG :

           Ấy kìa con! Con đã về! Con đã về!

  CỬ LÂN : (cau mặt)

           Quel est ce vieux fou là (4) ?

  CƯU ÔNG :

          Thầy không ra đón con được, thật là bất đắc dĩ. Nhưng mẹ con đâu? Mẹ con ra đón con đó mà?

   CỬ LÂN :

          Que signifie (5 )?...

   CƯU ÔNG :

          Vậy con ngồi xuống đây, xuống đây!

   CỬ LÂN :

          Veut il par hasare me manger (6)?

   KHIẾU :

          Me xừ, lúy điếc lúy papa me xừ (7).

   CỬ LÂN :

          Mon père ? Oh ho ho (8)!

   KHIẾU :

          Có thật cụ là bố quan cử tôi đó không?

   CƯU ÔNG :

          Chao ôi! Con quên thầy rồi hay sao? Hồi con đi Tây, thầy đưa con xuống tận Hải Phòng đấy mà! Tháng tháng thầy vẫn gửi tiền cho con ăn học đấy mà! Ông tham Trí xem báo thấy tin con đỗ, bảo thầy, thầy lập tức đánh măng đa dây thép sang cho con, để con về với thầy mẹ đấy mà!

   CỬ LÂN : (trong khi Cưu ông nói thì ra ý nhìn, rồi nói)

          Possible (9) (ôm lấy ông Cưu mà hôn). Excuse, papa. Je ne t’ avais pas reconnu.

   KHIẾU :

          Quan tôi xin lỗi vì trước không nhận ra!

   CƯU ÔNG : (cũng bá chặt cổ Lân và ấn xuống ghế bảo ngồi)

          Con đi lâu về thường quên thật. Thôi, thầy chả bắt lỗi con đâu. Ngồi xuống đây!

   CỬ LÂN : (sẽ đẩy Cưu ông ra)

          Oh pouf. Il m’ étouffe avec son odeur indigène! Dis lui de ne plus recommencer, je te prie! (cầm mùi xoa phe phẩy trước mũi)

  KHIẾU :

          Cụ ạ, cụ làm quan lớn tôi suýt chết ngạt về cái mùi bản xứ của cụ. Bận sau chớ thế nữa nhé!

  CƯU ÔNG : (ngạc nhiên)

          Con nói thế đấy ư con? (ngoảnh lại Khiếu) Hay là mày nói láo?

  KHIẾU :

          À!  Cái nhà ông cụ này cho tôi là ai?

  CỬ LÂN :

          Qu’ est ce?

  KHIẾU :

          Moa lúy điếc moa anh tê det me xừ, moi ba bồi lúy(10). (với Cưu ông) Tôi chẳng gì cũng là thầy thông cho quan cử tân khoa...

(theo: Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), 1987; Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập V (1920-1945), quyển I ; Hà Nội: Văn học; tr. 338-340)                

Ở đây, có sự đan xen của tiếng Pháp (lời của Lân), dạng PV (lời của Khiếu), và tiếng Việt (lời của Cưu ông), chúng chuyển tiếp, kết hợp thông tin theo quan hệ ngôn ngữ Pháp - PV - TV. Chúng góp phần nói lên sự bất ổn trong quan hệ, miêu tả được những biểu hiện tâm lí phức tạp của mỗi nhân vật, mà nếu nói cùng một thứ tiếng sẽ khó bề làm nổi.

3. Cách đan xen ngôn ngữ có khả năng trở thành phương tiện chơi chữ, khi số lượng từ ngữ của ngôn ngữ đan xen (với ngôn ngữ chính thức được dùng), đạt một mức độ nhất định, lắm khi, còn bao gồm cả việc chúng được phân bố theo một quy tắc nào đó. Việc đan xen như vậy không chỉ tạo nên sự lạ tai (khi nghe), lạ mắt (khi đọc), mà còn hình thành một lượng thông tin (ngữ nghĩa) nhất định, bên cạnh thông tin theo ngữ cảnh thuận. Ý nghĩa này do sự hỗn nhập, hỗn đồng cái khó thể (hay không thể) hoà đồng mà có. Và người tiếp nhận cùng lúc phải huy động vốn liếng, hiểu biết về cả hai ngôn ngữ, mà mỗi bên có những yêu cầu riêng, rồi sự kết hợp giữa chúng,...

Một số sáng tác dùng cách đan xen ngôn ngữ PV - TV mà bài viết nhỏ này vừa trình bày đã phần nào cho thấy điều ấy.

T.N.

 

Các tin khác