1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Cảm nhận từ đêm công diễn liên hoan dân ca thừa thiên huế bậc học mầm non

CẢM NHẬN TỪ ĐÊM CÔNG DIỄN LIÊN HOAN
DÂN CA THỪA THIÊN HUẾ BẬC HỌC MẦM NON

HUY THẢO

Cách đây 3 năm, Sở Giáo dục đào tạo Thừa Thiên Huế đã đề ra chủ trương và lên kế hoạch cụ thể cho việc đưa dân ca địa phương vào trường học mà trước hết là ở các trường Mẫu giáo – Mầm non. Phòng Giáo dục Mầm non của Sở đã tổ chức biên soạn tài liệu Dân ca Thừa Thiên Huế và tiến hành tập huấn cho giáo viên dạy các lớp Mẫu giáo – Mầm non toàn tỉnh trong Chương trình bồi dưỡng thường xuyên – phần 3 “Chuyên đề về Dân ca địa phương”. Kết quả bước đầu của hoạt động này là các trường Mầm non ở vùng đất núi Ngự sông Hương, từ miền núi Trường Sơn, đến các phường phố, làng quê, đồng bằng, ven biển, đầm phá… đã tiến hành việc dạy cho các cháu tuổi lên bốn, lên năm làm quen và học hát một số làn điệu dân ca của quê hương, xứ sở. Được tiếp xúc với nhiều cô giáo, nhiều bậc phụ huynh, nhiều em học sinh, tôi thấy ai cũng vui, cũng hứng thú trước một công việc hữu ích và mang ý nghĩa cao đẹp mà ngành Giáo dục Mầm non Thừa Thiên Huế đang thực hiện.

Để tạo đà và gây niềm hứng khởi cho việc đưa Dân ca địa phương vào trường học, ngày 14 tháng 4 vừa qua, Sở Giáo dục đào tạo TT Huế đã tổ chức “Liên hoan Dân ca Thừa Thiên Huế bậc học Mầm non” lần thứ nhất. Gần 400 cô giáo và các cháu “măng non của đất nước” trong toàn tỉnh đã về tham gia Hội diễn với 32 tiết mục dân ca đặc sắc. Tối 14 tháng 4, một buổi tối đẹp trời của cố đô Huế, tôi có niềm vui lớn là được tới dự Đêm công diễn các tiết mục dân ca Thừa Thiên Huế chọn lọc do các cô giáo và các em học sinh mẫu giáo – mầm non trình bày. Bước chân vào Nhà văn hóa thành phố Huế, nơi tổ chức đêm công diễn, điều trước tiên làm cho tôi ngạc nhiên và thích thú là tất cả các hàng ghế trong Nhà văn hóa đều đã đông kín khán giả, với đủ các lứa tuổi từ các em nhỏ đến các bậc cao niên tuổi sáu mươi, bảy mươi. Chỉ một điều này thôi chúng ta cũng đã thấy được sự quan tâm sâu sắc của địa phương, của ngành Giáo dục, của xã hội và của đông đảo người hâm mộ đối với một loại hình ca nhạc, một sinh hoạt văn hóa dân tộc đến độ nào.

12 tiết mục dân ca được trình bày trong đêm công diễn, tiết mục nào cũng làm cho người xem, người nghe thích thú. Những tràng vỗ tay dài sau mỗi tiết mục đã nói lên nhiều tình cảm tốt đẹp của khán giả dành cho các diễn viên không chuyên. Với riêng tôi, tôi nhận ra được nhiều điều hay, nhiều nét đẹp trong Đêm liên hoan dân ca này.

Trước hết, tôi thấy sự say mê và khá thuần thục trong các lời hát dân ca của các cô giáo, các cháu học sinh bậc học Mầm non. Thừa Thiên Huế có ngót trăm làn điệu dân ca các dân tộc. Hàng chục làn điệu được đưa lên sân khấu, từ Hò mái nhì, mái đẩy, Lý tình tang tang, Lý ngựa ô, hát Chầu văn, nói vè… của dân tộc Kinh, đến dân ca cha chấp, ba bói, taravanh… của các dân tộc Kơtu, Pakô… bài thì sôi nổi, rộn ràng, bài thì mênh mang, sâu lắng. Có bài do các cô giáo đơn ca, song ca hoặc tốp ca, nhưng cũng có nhiều bài lại do cả cô, cả trò cùng hát; hoặc cô hát, các cháu múa minh họa. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy nhiều cháu tuổi lên 4, lên 5 hát rất thuần thục các điệu lý, điệu hò không phải là dễ hát. Đặc biệt các cháu ở trường Mầm non I (TP Huế) mà nổi bật là cháu Phạm Thị Trâm Anh (hơn 3 tuổi) đã hát rất hay một bài hát theo làn điệu Đăng đàn cung, một làn điệu rất khó. Các cô lại vừa hát, vừa đệm cho lời ca bằng các nhạc cụ truyền thống như sênh tiền, phách, trống, chiêng… chẳng kém gì các diễn viên chuyên nghiệp.

Điều thứ hai mà tôi thấy rất hay trong đêm công diễn là bên cạnh sự phong phú, đa dạng của các làn điệu được sử dụng, các cách thức biểu diễn uyển chuyển, nhịp nhàng, tự nhiên và thoải mái thì phần lời ca hầu hết đều do các cô giáo tự sáng tác. Nội dung các lời ca ấy hoặc là nói về tình yêu thương của các bậc ông bà, cha mẹ, của các cô giáo dành cho tuổi thơ, sự ý thức và niềm vui về nghề nghiệp của những người làm nghề dạy học, hoặc là những lời cô dạy cháu về đạo đức, về dĩnh dưỡng, ăn uống, chăm lo sức khỏe v.v… Ví như bài Lý 10 thương cổ truyền được thay bằng 10 điều cô dạy cháu ngoan trong học hành, vui chơi, giữ gìn vệ sinh… Còn bài vè do các cô giáo ở huyện Phong Điền trình diễn lại chỉ bày cho các em biết về biển báo giao thông, các tín hiệu đèn xanh đèn đỏ ở ngã ba đường. Các bài dân ca do các cô giáo và học sinh trình bày đều gắn bó với quê hương, với nghề nghiệp, với nhà trường, gia đình và xã hội. Chẳng hạn các bài: Phú Lộc quê hương tôi, Người mẹ trong lòng trẻ, Chung một niềm vui, Niềm vui cô giáo… Những bài học về đạo đức, về tình yêu quê hương đất nước, về lòng yêu cô giáo, yêu cha mẹ, anh em, bạn bè… được lồng vào các làn điệu dân ca quen thuộc thực nhuần nhuyễn, ngọt ngào và thực dễ đi vào lòng người. Nhìn các cô giáo người Tàôi, Pakô, Vân Kiều trong trang phục dân tộc múa, hát dân ca, nghe giọng hát, lời vè say sưa, đằm thắm của các cô giáo và học sinh ở Huế, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà… tôi thực xúc động với câu ca:

Tre già yêu lấy măng non

Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày

Rồi nữa, ánh mắt dịu hiền, bàn tay nhẹ nhàng vuốt ve, âu yếm của các cô giáo dành cho các cháu trong các tiết mục múa hát tập thể thực đúng như câu hát: “Cô và mẹ là hai cô giáo. Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”. Có lẽ không có câu nói nào, câu hát nào hay hơn câu hát ấy, lời nói ấy.

Rời Nhà văn hóa Huế sau đêm Công diễn Liên hoan dân ca TT Huế bậc học Mầm non lần thứ I, tôi nghĩ để có những bài hát hay, những điệu múa đẹp trong đêm công diễn này chắc các cô giáo và học sinh đã rất tâm huyết, đã nỗ lực rất nhiều. Hơn thế nữa, các làn điệu dân ca được đưa vào dạy học đã có chỗ đứng nhất định ở nhà trường. Cả cô và cháu đều có thể hát và hát được các làn điệu dân ca địa phương dù các cháu đang còn ở tuổi mầm, tuổi lá. Đó là cơ sở thực tiễn hết sức thuyết phục để ngành Giáo dục đào tạo TT Huế có thể mở rộng và phát triển công việc này lên các bậc học tiểu học, trung học. Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hà giám đốc Sở Giáo dục đào tạo TT Huế đã rất tâm đắc khi nhấn mạnh rằng: Yêu các làn điệu dân ca là yêu Tổ quốc mình. Giáo dục đạo đức, giáo dục tình cảm tốt đẹp cho học sinh thông qua việc dạy cho các em hát các làn điệu dân ca là một trong những cách làm có hiệu quả nhất. Đó cũng là việc làm nhằm góp phần gìn giữ, kế thừa, phát huy truyền thống, di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Chúng tôi tin rằng với sự quan tâm của lãnh đạo của ngành Giáo dục đào tạo, ngành Văn hóa, sự nhiệt tâm của các cô giáo, thầy giáo, với lộ trình hợp lý đã được triển khai, việc đưa dân ca địa phương vào nhà trường ở tỉnh TT Huế nhất định sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

H.T

Các tin khác