1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Chữ người tử tù

VỀ MỘT CÁCH TIẾP CẬN TÁC PHẨM

“CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” CỦA NGUYỄN TUÂN

TS. HOÀNG THỊ HUẾ

Trường Đại học Sư phạm Huế

Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là một truyện ngắn xuất sắc trong tập truyện Vang bóng một thời, được chọn đưa vào giảng dạy trong chương trình lớp 11- PTTH (SGK Văn học 11 – NXBGD, 2000). Đây là một tác phẩm có giá trị đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, vì vậy cách tiếp cận tác phẩm nhằm khám phá các tầng nghĩa của tác phẩm là một hướng khảo sát cần xem xét.

Lâu nay ở nhà trường PTTH trong cách tiếp cận truyền thống theo định hướng của sách giáo viên – vốn được xem là hệ giá trị chuẩn – một số giáo viên khi giảng tác phẩm này thường chỉ tập trung vào nhân vật Huấn Cao như hình tượng trung tâm mà quên mất nhân vật viên quản ngục cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong chuyển tải thông điệp thẩm mỹ của tác phẩm. Đây là nhân vật sóng đôi cùng Huấn Cao- người tạo ra cái đẹp, người trân trọng và tôn vinh cái đẹp, một hiện tượng văn hóa nhân cách. Vì vậy nếu chỉ ca ngợi cái đẹp tài hoa tài tử trong nhân cách, khí tiết nhân vật Huấn Cao mà xem nhẹ vai trò của nhân vật quản ngục thì giá trị của tác phẩm sẽ không khai thác hết, nguyên tắc mỹ học của tác phẩm sẽ bị phá bỏ. Hai con người này tồn tại trong tác phẩm như một cặp song trùng – một “sự thể hiện sự vật theo nguyên lý cặp đôi, thể hiện tính lưỡng diện, sự tồn tại không thể thiếu nhau của các đối cực” (1). Trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục xuất hiện như một kiểu song trùng của sự tồn tại không thể thiếu nhau giữa hai khách thể đối cực, thậm chí là đối thủ trong một hoàn cảnh đặc biệt. Điều đó làm nảy sinh một sự liên tưởng đặc biệt, vượt ra ngoài mọi quy luật thông thường. Bản thân sự tồn tại của viên quản ngục, đời sống tâm hồn, nhân cách… được phát hiện, chiêu tuyết và chớp nhoáng nhờ sự xuất hiện của Huấn Cao. Đồng thời tài năng cùng sức cuốn hút mãnh liệt về khí tiết, nhân cách của Huấn Cao cũng được soi rọi, nâng lên, nhấn mạnh hơn từ cách ứng xử “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục. Có thể nói hai nhân vật này khi được lồng vào cảm hứng ngợi ca cái đẹp đều mang trọng trách chuyên chở thông điệp thẩm mỹ và chiều sâu nhân bản của tác phẩm – điều mà Nguyễn Tuân luôn trăn trở và đặt lên hàng đầu trong các sáng tác của mình.

Chữ người tử tù viết về một thời đã qua. Đấy là thời phong trào Cần Vương đã tắt, thực dân Pháp đã đặt xong nền đô hộ. Tầng lớp nho sĩ khí phách tài hoa nhưng bất lực trước thời cuộc đành gắng gỏi giữ gìn lấy cái thiên lương, giữ gìn cách sống, cách nghĩ, cách làm kể cả cách tiêu khiển mang chất văn hóa và đậm sắc màu dân tộc, xem đó như một thái độ quay lưng, khước từ và chối bỏ chế độ thực dân cùng với lối sống thô lậu, xu thời. Nằm trong mạch ca ngợi một nét đẹp của văn hóa dân tộc, Chữ người tử tù thể hiện một thú tiêu khiển độc đáo – việc xin chữ cho chữ cũng như thú chơi chữ của người xưa đã khơi dậy trong thẳm sâu tâm linh người đọc vấn đề về con người, về bản chất và thân phận con người trong xã hội…

Nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân vốn làm cái nghề như Huấn Cao nói “khó giữ vững được thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”(2) lại là người yêu cái đẹp, biết quý trọng người ngay. Dù chưa được gặp Huấn Cao, quản ngục đã không dấu nổi vẻ khâm phục đối với con người tài hoa có nhân cách đáng trọng đó “Huấn Cao?  hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?”(3) Ngay trong cách dò la ý tứ viên thơ lại thái độ của quản ngục cũng thể hiện một niềm ngưỡng mộ Huấn Cao rõ rệt: “Thầy liệu cái buồng giam đó có cầm giữ nổi một tên tù có tiếng là nguy hiểm không? Thầy có nghe người ta đồn Huấn Cao ngoài cái tài viết chữ tốt còn có tài bẻ khóa và vượt ngục nữa không?”. Vì khâm phục một nhân cách đẹp, một tài năng song toàn đi kèm với nỗi xót xa trước hiện thực cái đẹp bị vùi dập nên ông đã tìm cách hóa giải phần nào niềm đau đớn đó. Đọc kỹ đoạn văn miêu tả khung cảnh nhà ngục thảm đạm, âm u, ta thấy tác giả như xót thương cho một số phận, một tài năng bị đọa đày, đồng thời cảm thông với một số phận khác tuy tự do về nhân thân nhưng bị cầm tù về nhân cách. Cảnh nhà ngục âm thầm, u ám cùng mẩu đối thoại ngắn giữa viên quản ngục và thầy thơ lại, trong đó cả hai đều e dè gìn giữ, nghi ngại lẫn nhau đã khẳng định điều đó. Không gian nghệ thuật của tác phẩm giới hạn ở một nhà tù nhỏ, một “cõi nhân sinh” bóng tối nhiều hơn ánh sáng, là một bước chuẩn bị tâm lí cho độc giả để dõi theo những hành động tâm lí, số phận của hai nhân vật. Đó là một nơi mà  “những vẻ đẹp và những điều xấu xa kế cận nhau một cách bất thường và khó hiểu”(4). Trong thế giới riêng tối tăm của nhà tù, quản ngục như lạc lõng, cô độc trong thế giới riêng của mình: một ngọn đèn leo lét, một bóng tối mịt mù, quạnh quẽ, tiếng trống thu không, tiếng kẻng tiếng mõ thưa thớt, tiếng chó sủa vào những bóng ma mơ hồ huyền bí mà cứ ám mãi vào màn đêm hoang hút… Những sợi dây, những vòng dây trói vô hình cứ tròng lên, thít vào cuộc đời mòn rỉ của con người mà Nguyễn Tuân nói là: “đang băn khoăn ngồi bóp thái dương”. Với ngoại hình “tóc hoa râm, râu đã ngả màu, bộ mặt tư lự” (5), quản ngục dường như đang trải qua một cuộc đời mòn mỏi cô đơn, dáng vẻ trầm tư kia cho thấy ông đang phải trăn trở trước một việc khó xử.  Nhưng rồi cách chuyển giọng văn của tác giả “những đường nhăn nheo của bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đây, giờ chỉ còn mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo, êm nhẹ” (6), như một nhịp chuyển trong diễn biến tâm lí của nhân vật. Quyết định biệt đãi Huấn Cao đã làm tươi sáng diện mạo viên quản ngục. Đó còn là nỗi vui mừng kín đáo được tiếp nhận một con người tài hoa như Huấn Cao. Vẻ đẹp trong tâm hồn quản ngục được Nguyễn Tuân đánh giá là “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn và xô bồ”(7), là cái thuần khiết giữa lũ người cặn bã, quay quắt. Đoạn độc thoại nội tâm, những băn khoăn về thầy thơ lại của quản ngục soi sáng lòng nhân ái, tấm lòng quý trọng biết đánh giá con người của nhân vật này. Điều này dường như trái với quy luật về sự ảnh hưởng của môi trường sống đến tính cách của con người “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”.

Đã là tử tù và quản ngục tất có sự đối lập gay gắt. Nhưng Nguyễn Tuân từ sự đối lập như một định kiến của xã hội đó lại muốn xây dựng hai nhân vật này như một cặp song trùng trong sự tương liên đặc biệt nơi sâu thẳm tâm hồn con người. Đó là sự gặp gỡ, là tiếng nói tri kỷ rất nhân bản giữa Huấn Cao và viên quản ngục trước cái đẹp. Ý đồ nghệ thuật ấy buộc thiên truyện tập trung vào một tình huống độc đáo đến bất ngờ: Cuộc gặp gỡ giữa người viết chữ đẹp với người yêu chữ đẹp.

Cuộc gặp gỡ giữa hai con người này diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt: quản tù tiếp nhận tù nhân. Với bút pháp miêu tả mang phong cách tùy bút, cách sử dụng ngôn ngữ chọn lọc, tác giả để sáu phạm nhân xuất hiện với chiếc gông nặng đến bảy, tám tạ đè trên sáu đôi vai gầy. Hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ bởi vẻ đẹp kiêu hùng của những con người coi thường gian truân khổ ải, tuy vất vả nhưng không hề bi lụy. Huấn Cao càng khí khái, cương trường, coi khinh quyền lực bao nhiêu trong hành động “rỗ gông” thì quản ngục càng nhẫn nhịn, kiêng nể, kính phục bấy nhiêu trong thái độ hiền lành, lời nói ung dung khi mắng bọn lính canh tù. Huấn Cao nhận sự chăm sóc của quản ngục một cách thản nhiên, coi đó là việc làm tự nhiên trong “cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”. Lời miệt thị quản ngục của Huấn Cao chỉ nhấn mạnh thêm khí phách hiên ngang, bất khuất trong chờ chết vẫn ung dung thanh sạch của ông. Trước sự coi khinh của Huấn Cao, quản ngục chỉ lễ phép lui ra mà không một lời trách cứ, thái độ đó gây cho Huấn Cao ít nhiều băn khoăn. Huấn Cao càng tuyệt vời trong vẻ khí khái, khinh thế ngạo vật bằng lời nói khoảnh: “Ta chỉ muốn một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”, quản ngục càng cam chịu, khép nép, nhún nhường “xin lĩnh ý”, chỉ vì một sở nguyện “được treo ở nhà riêng đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”(8), chỉ vì xót xa một tài năng bị vùi dập, bị mất đi vĩnh viễn. Mạch ngợi ca tăng dần từ hai phía đối lập của hai thế đứng, hai tâm trạng, hai thái độ ứng xử… trong hoàn cảnh gặp gỡ dè dặt, dò hỏi tưởng chừng như đối địch quyết liệt đó. Đoạn độc thoại nội tâm mang phong cách tùy bút vừa ngợi ca Huấn Cao, vừa xót thương quản ngục – một người biết tôn trọng cái tài cái đẹp tuy có “Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình nhưng lại cách xa nhiều quá”. Chính công việc, môi trường trại giam đã ràng buộc quản ngục vào một giới hạn nghiệt ngã. Con người này hàng ngày là công cụ, là người máy, còn sâu trong cõi lòng kia chứa chất một nỗi cô đơn không kẻ tỏ bày, không người tri âm, tri kỷ, để mỗi khi đêm về giật mình mình lại thương mình xót xa (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Nhờ sự xuất hiện của Huấn Cao mà hai cái tâm “kể rõ tâm sự mình” “cảm động nghe”, xích lại gần nhau, tìm thấy nhau, đó chính là nhờ uy quyền của cái đẹp tỏa ra từ Huấn Cao. Khi nghe tỏ rõ nỗi lòng của quản ngục, Huấn Cao “lặng nghĩ”, rồi đồng ý cho chữ. Lời đồng ý xen lẫn một chút tự hào về bản thân, đồng thời hàm ý tạ lỗi khéo léo, tế nhị “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ… Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các  người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm  lòng trong thiên hạ”(9).  Huấn Cao vốn là nguyên mẫu của Cao Bá Quát, một người mà văn chương thì “vô tiền Hán” nhân cách thì “một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai” (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa). Một nhân cách quý giá kiêu hùng như thế nhưng khi chạm phải “khối tình lớn” quản ngục đã bị lay chuyển để rồi hạ bút cho chữ trong một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

Đọc Chữ người tử tù trong tương quan với cảm hứng chủ đạo để thấy ý nghĩa giá trị của cặp nhân vật song trùng Huấn Cao – viên quản ngục cũng là một cách tiếp cận có cơ sở để khai thác các tầng nghĩa ẩn sâu bên trong tác phẩm. Từ đó có thể tránh được sự máy móc một chiều chỉ đánh giá cao người tử tù mà bỏ qua người quản ngục, như vậy cấu trúc thẩm mỹ của tác phẩm sẽ không còn chặt chẽ, ý đồ nghệ thuật của tác giả phần nào không được khai thác hết.

Huế, 2/2007

H.T.H

Các tin khác