1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Hồi âm

HỒI ÂM “TỪ TIẾNG VÕNG LÀNG SEN”

MAI VĂN HOAN

Trường THPT Quốc Học Huế

Năm 1979, anh Xuân Hoàng tiết lộ với tôi là anh đang “thai nghén” bản trường ca về Hồ Chí Minh. Thú thật, lúc đó trong thâm tâm, tôi rất ái ngại cho anh. Biết bao nhiêu nhà thơ đã viết về Bác Hồ kính yêu, liệu anh có phát hiện gì mới mẻ hơn không? Trước anh, nhà thơ Tố Hữu đã có bài thơ dài Theo chân Bác, còn Chế Lan Viên vừa cho ra mắt Hoa trước lăng Người. Bẵng đi chừng ba năm, tôi không hề nghe anh nhắc chuyện viết trường ca về Bác. Tôi cứ yên chí là anh đã bỏ cuộc. Không ngờ, năm 1983, vào đúng vào chiều 19 tháng 5, anh vui vẻ mang đến tặng tôi bản trường ca Từ tiếng võng làng Sen do Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Sách dày 116 trang, bìa sách được họa sĩ Diệp Đình trình bày khá ấn tượng với một bông hoa sen nhũ vàng vừa trang nghiêm vừa xinh xắn.

Khác với Theo chân Bác, Xuân Hoàng chia bản trường ca của mình thành 6 chương. Các chương gồm nhiều ca khúc, ghi lại từng chặng đường lịch sử liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Đây có thể xem là một sáng tạo của nhà thơ. Chương đầu tiên của bản trường ca có tiêu đề Trở dạ. Qua Trở dạ, tác giả muốn đề cao vai trò của những bậc cha mẹ và môi trường sống trong quá trình hình thành nhân cách của một con người. Sách vở đã nói khá nhiều về cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Xuân Hoàng chỉ xoáy vào hai chi tiết và viết thành hai ca khúc rất có ý nghĩa. Gọi là những ca khúc nhưng thực ra đó là những bài thơ liên hoàn với nhau. Ca khúc đầu là những lời hát ru của người mẹ trẻ vào một “buổi trưa làng Sen thật vắng”. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung thì chơi “ô ăn quan”, lúc thì nằm bên cạnh mẹ “mở mắt to, nghe mẹ hát lời buồn”. Tác giả rất có dụng ý khi lồng vào lời ru của bà Loan bài hát dặm Nghệ Tĩnh nói về cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng: “Sau nhiều trận xông pha / Kinh hồn quân giặc dữ / Cạn kho lương dự trữ / Vơi binh lính, tài nhân / Mắc bệnh chốn sơn lâm / Cụ lui về núi Vụ / Cụ về nơi núi Vụ… Buổi trưa làng Sen thật yên ả với biết bao hình ảnh hết sức dân dã, gần gũi, thân quen: Những mái tranh in bóng cau thưa lặng im trong nắng / Những ao bèo âm thầm nổi váng / Những bờ tre lá rụng đầy vườn… Tác giả không quên cả chiếc bể cạn đầu hồi và gốc chanh trước sân mới vừa đậu quả… Lời ru của người mẹ trẻ như những bông hoa dâm bụt đỏ rực, thắp sáng tâm hồn ngây thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ca khúc thứ hai có tiêu đề Người trồng cây ở làng Dương, viết về thời cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng hai con tạm trú ở làng Dương Nổ (ngoại ô thành phố Huế). Nếu tuổi ấu thơ cậu Nguyễn Sinh Cung từng lắng nghe lời ru của mẹ thì tuổi niên thiếu cậu lại được lắng nghe như nuốt lấy từng lời những bài bình giảng thơ Đỗ Phủ, vè Thất thủ kinh đô... của cha. Giọng ông giảng “rõ ràng, xúc động”. Còn cánh học trò thì “ngồi im phăng phắc”, có thể nghe được cả: Tiếng ong bay trên hoa mướp đầu giàn / Tiếng giòng sông cuộn nước mơ màng / Tiếng lá rụng vườn ngoài tĩnh mịch…Cùng với tiếng võng làng Sen, tiếng giảng bài của cụ Sắc đã “gợn lên những nét suy tư” trên vầng trán cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ca khúc ba viết về một đêm không ngủ của Nguyễn Tất Thành, sau cái buổi tham gia biểu tình chống thuế cùng với bà con nông dân ở tòa Khâm: Dưới làn roi khủng bố cầm quyền / Anh xông tới trên ào ào ngọn thác.. Cậu học sinh trường Quốc Học ngồi trầm ngâm bên ngọn đèn dầu: Bâng khuâng gieo ánh sáng mơ hồ / Hương ngọc lan đâu đó lặng lờ / Len dịu nhẹ vào phòng đêm vắng vẻ… Đó là khoảnh khắc im lặng báo hiệu “giờ ra đi của cánh đại bàng”, và ẩn chứa “sự bùng dậy của những ngày bão táp” sắp đến. Hai ca khúc tiếp theo tác giả tả cảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành dẫn học trò ở trường Dục Thanh đi dã ngoại và tâm trạng của anh Ba khi rời bến Nhà Rồng, quyết tâm đi tìm đường cứu nước. Có thể nói chương Trở dạ là chương đóng vai trò hết sức quan trọng, nó làm nền cho bản trường ca. Trên cái nền đó, Xuân Hoàng lần “theo chân Bác” tìm “hồi âm bao nhiêu kỉ niệm thiêng liêng”. Anh đã cùng Bác đến nhiều nước trên thế giới để ngẫm ra rằng: Trên địa cầu, da dù có khác nhau / Muối ở mồ hôi thảy mặn như nhau / Người cùng khổ ở nơi nào cũng khổ”. Anh cùng Bác đứng suy tư khi đọc dòng chữ ghi trên mộ Các Mác: Câu nói này đã có mấy trăm năm? Đã bao người đọc nó, đã băn khoăn? Đã hành động. Và bao người đã ngã? Anh dựng lại chân dung Nguyễn Ái Quốc ở hội nghị thành Tua: Người đại biểu Đông Dương có giọng nói say mê / Và đôi mắt sáng ngời niềm khát vọng…Xuân Hoàng sử dụng phép liệt kê để kể lại một cách ngắn gọn những công việc mà Nguyễn Ái Quốc từng làm trong những năm tháng ở Pa-ri: Anh Nguyễn lên diễn đàn trước mặt lũ Gia-ve / Anh Nguyễn vẽ và anh Nguyễn Viết / Anh làm thơ và anh diễn kịch… Tác giả còn hóa thân vào Bác để diễn tả nỗi nhớ nhà, nhớ nước của Người: Đã nhiều đêm không ngủ, đã nhiều đêm / Anh nghĩ về tiếng võng làng Sen / Về mảnh đất nơi cha mình dạy học / Về xứ Huế, thuở học trò chân chất / Về bầy em trường Dục Thanh xưa / Về Sài Gòn, sáng ấy, lúc chia tay / Nhìn khói sóng bến Nhà Rồng bảng lảng… Xuân Hoàng kể chuyện Nguyễn Ái Quốc một mình trong đêm trắng tuyết đi viếng Lê Nin khi trở về “rét tím bầm trên gương mặt xanh xao”; chuyện những tháng ngày trên đất Thái, Bác giật mình lắng nghe “tiếng võng gai đưa”; chuyện Bác trở về Pắc- bó: Đêm đầu nguồn cũng là đêm đầu tiên / Đêm gặp nước sau bao năm xa nước / Bác cảm động đặt lưng lên mặt sạp / Có tiếng tắc kè da diết trong đêm… Xuân Hoàng còn tái hiện lại cảnh Bác đọc lời tuyên thệ dưới cây đa Tân Trào: Cả Tân Trào thành một cánh rừng tay / Cơn lũ lớn tìm ra với bể / Mở đường dài trang sử mới tung bay… Cảnh Bác ngồi viết Tuyên ngôn “mỗi dòng chữ chở một dòng ánh sáng”. Nhưng có lẽ thành công hơn cả là ca khúc Một ngày bình thường. Tác giả ghi lại công việc trong một ngày của Bác: Buổi sáng, Bác đi thăm trận địa phòng không. Sắp sang trưa, Bác nói chuyện mấy chuyên viên. Vừa chớm chiều, Bác tiếp khách miền Nam. Đêm đến, Bác ngồi nghe các cô văn công hát các làn điệu dân ca…Lời lược thuật của tác giả hết sức bình dị rất phù hợp với nếp sống giản dị của Bác. Nhưng cũng qua những lời lược thuật đó ta có thể hình dung Bác là vị Tổng chỉ huy trên tất cả các mặt trận: Bác nhắc các đồng chí pháo binh cần bắn giỏi; Bác nói với các chuyên viên về những công trình đang mở; Bác chữa cho các cô văn công một lời hát lệch… Đoạn hay nhất là đoạn tác giả tả cảnh nơi Bác ở lúc vào khuya: Chỉ cá đớp ánh trăng trên hồ lặng / Chỉ hương bưởi, hương lài nghiêng cánh trắng / Và cành si, thong thả, rễ buông êm… Tất cả đều hết sức gần gũi, thân quen. Âm điệu câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng. Viết về nỗi nhớ miền Nam của Bác, Xuân Hoàng cũng có những câu thơ sâu lắng như thế: Ôi, êm đềm, quanh Bác cả miền Nam / Nửa đất nước, một rỡ ràng trận tuyến / Cây vú sữa, ngoài vườn nghe gió đến / Bỗng lao xao tiếng lá trở cành. Và đây là tâm trạng của Người khi ngồi viết di chúc: Bác lắng nghe trong buổi sáng trong veo / Những nhịp đập của dòng đời sôi động / Đất nước, nhân dân, bầu trời cao rộng / Và tương lai, và năm tháng mênh mang… Phải nhập thân, phải hóa thân đến mức nào Xuân Hoàng mới viết được những vần thơ có chiều sâu nội tâm đến như vậy.

Cuộc đời của Bác gắn liền với lịch sử đau thương, hào hùng của dân tộc. Trong Trường ca Từ tiếng võng làng Sen, Xuân Hoàng tái hiện hoàn cảnh lịch sử nước ta vào những năm đầu thế kỉ XX, thông qua số phận của các chí sĩ cách mạng: Cảnh Côn Đảo, Phan Chu Trinh bị biếm / Trần Quý Cáp, đầu lìa trên máy chém / Phan Bội Châu, mang khăn gói lên đường… Đây là cảnh thực dân Pháp đánh chiếm thủ đô Hà Nội vào “đêm tháng chạp: Phố hàng Bún ghi tội ác tày trời / Lính mũ đỏ lao bừa vào chém giết / Máu đọng vũng trong tiếng la thảm thiết / Vòng xuyến rên trong sặc sụa tiếng cười… Còn đây là tội ác của bọn Mỹ - ngụy gây ra cho đồng bào miền Nam: Là chém giết, tù đày, là ngắm trẻ làm bia / Là dao sắc lách gan người nhắm rượu / Là thú tính được đong bằng giá máu / Là quay cuồng cơn lốc khoái vô luân… Tuy phải trải qua “từng chặng máu trào, từng chặng xương phơi” nhưng phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác càng ngày càng lớn mạnh và thu được những thắng lợi vô cùng lớn lao. Tiêu biểu là chiến thắng Điện Biên Phủ: Khúc hát Điện Biên tỏa khắp bến bờ / Mùa ban nở rộ một trời Tây Bắc / Khắp năm châu vang nhạc nền múa sạp / Nổi bật dáng cò bay lả, bay la… Sức quật khởi của đồng bào miền Nam cũng được tác giả tái hiện bằng những vần thơ mạnh mẽ, hào hùng: Đây bao la những đồng cỏ Tây Nguyên / Chư - pông đứng trong mây trời chất ngất / Những đàn voi chở quân nhu lương thực / Vượt sông rừng, trắng xóa thác Lang Biên… Tất cả đó đã góp phần làm cho bản trường ca in đậm chất sử thi.

Để có được Từ tiếng võng làng Sen, nhà thơ Xuân Hoàng phải làm việc hết sức công phu. Anh dành rất nhiều thời gian để sưu tầm, nghiên cứu, suy ngẫm những tài liệu liên quan đến cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Bác. Anh từng đi nhiều ngày trên đất Huế “tìm dấu chân của Bác thuở còn thơ”. Anh cũng đã tìm vào Phan Thiết, bến Nhà Rồng. Anh đã từng ngược lên Pắc - bó để lắng nghe những hồi âm về Bác. Mặc dù chưa phải là một tác phẩm đặc sắc nhưng những tìm tòi, sáng tạo của tác giả bản trường ca Từ tiếng võng làng Sen rất đáng được trân trọng. Đặc biệt là tấm lòng tri ân chân thành của nhà thơ đối với Bác kính yêu.

M.V.H  

Các tin khác