1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Mạn du về thơ mới

MẠN DU VỀ THƠ MỚI

NGÔ VƯU
Trường Quốc Học, Huế

Chuyện đọc thơ ngày nay có một nghịch lý. Thơ in ra nhiều (do điều kiện xuất bản dễ) nhưng bạn đọc lại ít đi. Theo thống kê của Hội nhà văn, mỗi ngày trên cả nước bình quân có hai tập thơ được xuất bản. Vị chi mỗi năm có hơn bảy trăm tập thơ ra đời. Nhưng ai đọc thơ? Sinh viên đại học phần lớn cũng chỉ học thơ theo giáo trình; học sinh phổ thông nhiều em chưa đọc hết thơ trong sách giáo khoa; giáo viên dạy văn có người ít quan tâm về thời sự văn học. Cán bộ công chức giờ nghỉ đã có phim Hàn Quốc, Trung Quốc nhiều tập hấp dẫn. Các chương trình thơ trên truyền hình nhạt nhẽo, buồn tẻ. Thơ lép vế trước âm nhạc với quá nhiều sao và sự hâm mộ cuồng nhiệt của lớp trẻ… Đó là bức tranh thực của văn hoá đọc hôm nay.

Nhưng cũng đừng quá bi quan. Trong điều kiện xã hội hiện đại, dù người đọc thơ có ít đi, thơ ca vẫn có con đường phát triển riêng của nó, vẫn giữ vai trò là phần hồn ngôn ngữ dân tộc.

Thơ Nguyễn Duy đến với bạn đọc bằng những chiêu thức quảng bá độc đáo (triển lãm thơ viết thư pháp trên rổ rá, chiếu lát, chiếu tre) nhưng cái gốc vẫn là thơ hay. Nguyễn Duy thể hiện những cảm xúc rất mới bằng thể thơ lục bát truyền thống giản dị mà sâu lắng. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa đi vào góc sâu nhất trong tâm hồn bạn đọc-tình mẹ.

Ta đi trọn kiếp con người

vẫn không đi hết mấy lời mẹ ru

Nhìn về quê mẹ xa xăm

lòng ta-chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa

Nhà thơ lớn lên từ ca dao, lời ru của mẹ. Chiều dài của thời gian kiếp con người vẫn chỉ nằm trong sự che chở bảo bọc của lời ru, chiều rộng tình thương của mẹ. Lời ru ấy đủ sức nuôi sống những cuộc đời và trở thành nỗi nhớ ám ảnh trong tâm hồn người con xa quê. Dù ở đâu, đi đâu cũng chỉ hướng về nơi có mẹ. Nhìn về quê mẹ xa xăm mà ruột đau chín chiều. Có công đức nào lớn hơn, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn. Vận được ca dao vào thơ như thế, Nguyễn Duy đã nói giúp bạn đọc biết bao điều. Đừng để muộn về trong ngày tang mẹ.

Mẹ nằm như lúc còn thơ

Mà con trước mẹ già nua thế này.

(Đồng Đức Bốn)

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là một bài thơ hay, tiêu biểu cho văn chương sau năm 1975, xứng đáng được đưa vào chương trình Văn trung học phổ thông mới.

Thơ hay đương đại thường là những bài thơ ngắn, thơ nén năng lượng có nhiều hàm nghĩa; bạn đọc cũng không có nhiều thời gian với những trang viết dài lê thê dây cà ra dây muống. Bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo chỉ có hai câu:

Sông Hương hoá rượu ta đến uống

Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say

được sáng tác ứng khẩu trong một tiệc rượu; và cũng được truyền tụng bên những quán rượu vỉa hè. Lần đầu tiên tôi nghe bài thơ này là một dị bản (tạm gọi như vậy) qua sự thêm bớt của bạn đọc:

Sông Hương hóa rượu mời ta uống

Đền đài cung điện ngả nghiêng say.

Tôi có nhiều người bạn ít biết về thơ ca nhưng họ đều bảo bài thơ hay.Hỏi hay thế nào, họ chỉ bình đơn giản: đọc nghe sướng sướng. Cảm giác ấy có thật. Thơ buồn dễ hay, thơ sướng mà hay khó lắm, xưa nay có được mấy bài. Viết về Huế, chưa thấy có bài thơ dài nào hay trọn vẹn. Có phải vì sông Hương không sâu, núi Ngự không cao mà thơ hay chỉ có những cặp câu ngắn?

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo

Sông An Cựu nắng đục mưa trong.

(Ca dao)

Da thưa phố Huế bây giờ

Vẫn là núi Ngự bên bờ sông Hương.

(Bùi Giáng)

Con sông dùng dằng, con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.

(Thu Bồn)

Nguyễn Trọng Tạo tả được một nét đẹp của sông Hương bằng cách nói vừa như Trạng Vĩnh Hoàng, vừa rất thật: sông Hương hoá rượu ta đến uống. Cái hay của câu thơ không phải là phát hiện mà chỉ là cách thể hiện bằng liên tưởng độc đáo. Giả sử, trước khi có ý thơ này vào Tiền Giang, ra Hà Nội, nhà thơ có viết được: sông Tiền hoá rượu ta đến uống, sông Hồng hoá rượu ta đến uống? Chắc là không. Chỉ nước sông Hương mới có thể hoá rượu vì nước sông Hương ngọt lắm, lành lắm; mùa thu mùa hè trong vắt nhìn tận đáy sông. Nói chuyện rượu mà gợi được cả màu sắc, hương vị; sông Hương hoá rượu ngọt ngào, trong suốt, thơm lựng, thiệt là tài.

Câu hai ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say là một ý thơ phát triển nhưng vẫn tạo được cảm giác đăng đối, hài hoà. Giọng thơ rất khẩu khí, dám mượn cái say để tả kinh thành; sông Hương thành nền, thành phông cho đền đài trầm mặc uy nghiêm lung linh soi bóng. Hai câu thơ đọc lên thấy sướng ấy sẽ sống mãi với nền văn hoá Huế.

Nhưng so sánh nguyên tác và dị bản, tôi vẫn thích bài thơ qua biên tập của bạn đọc hơn.

Sông Hương hoá rượu mời ta uống

Đền đài cung điện ngả nghiêng say.

Ta đến uống, nhân vật trữ tình như một lữ khách hào hứng đam mê; mời ta uống thì sông Hương trở nên có hồn, đa cảm hơn; lời mời giọng Huế ngọt ngào lắm, cuộc hội ngộ càng trở nên thơ mộng. Ở câu hai, không cần phải nói một điều mà ai cũng biết: ta tỉnh. Người say thật chẳng bao giờ nói mình say. Bớt ta tỉnh để thêm cung điện, cảnh kinh thành rộng hơn, nguy nga tráng lệ hơn. Cái hay của bản gốc thiên về khẩu khí người nghệ sĩ, cái hay của dị bản thiên về vẻ đẹp cảnh và tình của cố đô thơ mộng. Có thể hình dung, đi thuyền rồng trên sông Hương, du khách vừa ngắm cảnh, uống rượu, vừa đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo thì còn gì hợp tình hợp cảnh hơn.

Ở một góc độ khác, thơ đương đại đi vào chiều sâu của triết, của thiền với những phát hiện lý thú, bất ngờ. Tôi thích Đồng Đức Bốn từ những câu thơ thuần phác (Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro) đến những bài có chất triết văn:

Đang trưa ăn mày vào chùa

Sư ra cho một lá bùa rồi đi

Lá bùa chẳng biết làm chi

Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.

(Vào chùa - Trở về với mẹ ta thôi)

Chuyện kể ở bốn câu trên chẳng có gì đáng nói nếu nó không phải là một bài thơ. Hiểu thế nào cũng được, theo câu chữ bình thường là sư nghèo (hoặc thiếu lòng thương người) chỉ cho ăn mày một lá bùa, lá bùa không ăn được, phải nhét vào túi và lại đi ăn mày. Nhưng không đơn giản như vậy, bài thơ có một sức gợi lạ vào tâm thức bạn đọc.

Đang trưa ăn mày vào chùa là hợp lẽ. Mọi nhà nghỉ trưa, chỉ có cửa chùa luôn rộng mở, không kiếm được cái ăn thì cũng có bóng mát để nghỉ chân. Sư ra cho một lá bùa cũng là điều hợp lẽ. Bởi tu hành làm gì có của cải, điều mà sư quan tâm là đời sống tâm linh. Cho ăn mày lá bùa để trừ ma quỷ, để tạo niềm tin cho một kẻ lang thang, lấm láp bụi trần cũng là điều nhân ái. Khổ nỗi, với ăn mày lá bùa chẳng biết làm chi. Hai điều hợp lẽ nó lại tạo ra cái không bình thường. Hành trình của đời người là oái ăm, tréo ngoe như thế. Trong thân phận, con người mãi kiếm tìm như thế. Cái của người này thừa chẳng thể cho người khác; con người sẽ mãi cô đơn trong cõi nhân gian.

Ngày trước, Phạm Thiên Thư đã từng nổi tiếng với: Ngày xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say. Cũng chỉ là một sự kiếm tìm vô nghĩa. Gã từ quan từ bỏ cái mà bao người mơ ước để kiếm tìm những cái người đời chẳng biết làm chi. Quẩn quanh, cho nhận, được mất; chỉ có ngủ say mới thấy được cõi bình an.

Đồng Đức Bốn nhà thơ nửa quê nửa tỉnh (lời của Nguyễn Huy Thiệp), mưu sinh nhọc nhằn Bạn chừ đóng gạch nơi nao/ Văn chương lấm láp vêu vao mặt người (thơ Nguyễn Khoa Điềm) như đùa cợt với đời bằng một bài thơ ám ảnh thân phận. Lá bùa sư cho không cứu được nỗi đau thể xác. Đồng Đức Bốn đã ra đi ở tuổi năm mươi bảy…

Thơ mới nhiều khuynh hướng, nhiều phong cách, thật giả lẫn lộn. Ít hiểu biết về văn chương sẽ không biết đâu mà lần. Thơ của các cụ hưu trí thì sáo mòn, ít đổi mới: Hôm qua lặn lội chiến trường/Hôm nay xây dựng phố phường yên vui. Thơ tuổi trẻ thì nhân danh sáng tạo để phá phách, bí hiểm, tục tĩu, điên loạn:

- Tôi nhảy hoang dại trong cái muốn

Và vọt lên tóm cái sừng bò treo lơ lửng giữa trời, ngậm chặt và cắn

(Bất cứ lúc nào em cũng thích vọt như thế)

Chúng tôi không chấp nhận sự hành hạ của không gian…

(Một ngày chưa có trong sự thật-Vi Thuỳ Linh)

- Thằng này đểu, con kia kinh

Con này cởi áo quần nhanh lắm

Không phải ai cũng vén miệng tụt lời…

Vào sau cửa buồng vần vũ mười lăm phút

Ra đường đoan trang chớp mắt thướt tha

(Thị Mầu 97- Phan Huyền Thư)

Các tác giả trên đã từng được xem là hiện tượng văn học. Lắm nhà phê bình cạn bút, chẳng biết viết gì, tóm lấy một vài em là lạ và tung hô như một phản ứng dây chuyền, thế là ngày nay thơ cũng đã có ngôi sao(!). Ai có một ít hiểu biết về văn chương đều thấy rằng đó không phải là thơ, thơ không chấp nhận sự tục tĩu trơ trẽn. Thơ như thế ai chẳng làm được, chẳng qua chỉ là sự trở lại của một thời bế tắc đã qua. Hay bế tắc mới?

Cái tục cần cho cuộc sống, là sự hướng đến bản tính tự nhiên của con người. Nhưng đưa cái tục vào nghệ thuật không dễ. Ngày xưa, Hồ Xuân Hương tinh ranh lập lờ giữa cái thanh, cái tục mà nổi tiếng; Hàn Mặc Tử vẽ tranh nuy bằng đường nét thanh khiết, gợi mĩ mà không gợi dục:

Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Thơ tục hay trong ý nghĩa phát hiện, tìm tòi cách nói mới, giúp bạn đọc thấy được cái lạ trong cái thường tình, trần tục và có thể tủm tỉm cười: à ra thế.

- Tìm ai giữa lá hoa cồn

Kim Cương ơi hỡi đâu hồn của em

(Bùi Giáng)

- Ai ai mà cũng khoả thân

Thì đứa mặc quần là đứa khiêu dâm.

(Nguyễn Bảo Sinh)

- Mắt em một cõi ưu phiền

Anh vô tình quá, em tiền mãn kinh.

(Ngô Thời)

Ở dạng thơ nầy, Nguyễn Bảo Sinh là người số một. Bạn đọc thử nghe và khỏi bàn luận vì đã có tiếng cười ý nhị nói hết:

Vợ là thánh chỉ vua ban

Có sao dùng vậy, miễn bàn đúng sai.

Thơ xưa, thơ nay dù ở dạng nào đi nữa, thơ hay phải là phần hồn của tiếng nói dân tộc. Chân lý muôn đời của thơ ca vẫn là ngôn ngữ hàm ẩn một cách trong sáng. Đến với thơ hay sẽ hiểu hơn những cái đã có sẵn trong tâm hồn mình. Trước năm 1945, Hoài Thanh phải đọc qua hơn một vạn bài thơ dở mới tìm được mấy mươi bài thơ hay để giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam.Nay đọc mấy tập chưa thấy bài nào thích ý là chuyện bình thường. Biết đãi vàng trong cát sẽ có thơ hay.

Huế, tháng 12/2006

N.V

Các tin khác