1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Mùa tựu trường

MÙA TỰU TRƯỜNG

TS. HOÀNG THỊ HUẾ

Trường ĐHSP Huế

Mùa hạ trong veo nắng và gió, trong veo tiếng cười đùa rồi cũng khép lại, chùm phượng cuối mùa thi hôm nao cứ cháy rực nỗi niềm thương nhớ giờ chỉ còn vương vấn trong vòm trời cũ... Khép lại sau lưng mùa hạ với những chiều vàng rực nắng, mở lòng đón thu về  để nao nức trong niềm vui ngày tựu trường.

Những bận rộn tíu tít với bài vở cho năm học mới không làm vơi đi những tình cảm bâng khuâng của những ngày đầu năm học. Đó là những xao xuyến của tuổi học trò những ngày đầu bước chân đến trường. Bao nhiêu điều muốn nói mà chưa thốt nên lời, bao nhiêu kỷ niệm đẹp trong khung trời áo trắng, bao nhiêu nhạc và thơ đã dành ca ngợi khoảng trời nhỏ lung linh này. Góp vào tiếng nói chung ấy, Huy Cận viết “Tựu trường” như một dấu vạch nhỏ khắc ghi những tình cảm thơ ngây ngày đầu năm học.

Trong đời, ai cũng một lần qua thời học trò  “sách vở cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ”, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... những nhà Thơ mới này cũng từng qua những tháng năm đẹp nhất đời người. Có người đã từng học ở Huế ( Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử...), có người chỉ dừng chân với Huế ( Nguyễn Bính, Văn Cao...) nhưng quãng thời gian ngắn ngủi làm học trò trên xứ sở mộng mơ này là một khoảng sáng vụt qua trong đời, để lại những bài thơ “Tựu trường” ( Huy Cận), “Tình thứ nhất” (Xuân Diệu), “Tựu trường” (Nguyễn Bính)... để rồi sống mãi trong nỗi nhớ âm thầm về một thời mộng mơ trong lòng bao thế hệ độc giả:

Giờ náo nức của một thời trẻ dại!

Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương!

Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường

Mấy câu thơ đã lưu lại cảm xúc của một thời học trò, những kỷ niệm chìm khuất nơi nào đó lại được thổi bùng lên với cảm giác “náo nức của một thời trẻ dại”. Tất cả những xao xuyến bâng khuâng của con người được diễn tả bằng một từ rất đắt “náo nức”. Đó vừa là cảm xúc nôn nao, xốn xang chuẩn bị đón chào một điều gì đó mới mẻ xảy sắp xảy ra với mình, vừa là những ngập ngừng bâng khuâng của một tâm hồn trẻ trung mở ra đón nhận một thời khắc đẹp trong đời - ngày đến trường. Nao nức với bao điều mới mẻ phía trước, hình ảnh ngôi trường ngói nâu, tường trắng, cửa gương tưởng chừng quá quen thuộc, quá gắn bó thân thương nhưng trong đôi mắt háo hức tò mò của chàng trai mười lăm tuổi, ngôi trường ngói nâu tường trắng ấy lại có một vẻ đẹp tươi mới, đáng ngưỡng mộ. Cảm xúc tinh khôi, trong sáng ấy được khởi lên từ “một linh hồn bằng ngọc”, Huy Cận quả rất tinh tế và nhạy cảm trong nắm bắt các sắc thái tình cảm trong tâm hồn của con người. Ngày tháng đầu tiên ấy, những chàng trai cô gái mười lăm tuổi ngập ngừng bước chân vào cổng trường với đôi mắt trong veo đầy mơ ước và một tâm hồn sáng trong ngời lên như ngọc. Bao bộn bề lo toan của đời sống hàng ngày không làm bợn lên chút vẩn đục nào trong những tâm hồn non trẻ ấy. Những chiếc “rương nhỏ nhỏ” sắp hành lý tư trang để bước vào một môi trường học tập mới và những tháng ngày sống xa nhà không đi kèm với những lo toan sinh kế đời thường mà gắn với hạnh phúc - chút hạnh phúc tươi non của những tâm hồn trắng trong như ngọc:

Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc

Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học

Chương trình học xem ra cũng không làm những cô cậu học trò bận tâm lo lắng lắm bởi họ còn đang say sưa với trường lớp và bạn bè mới nên ngay “buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên”. Những ánh mắt ngại ngùng bẽn lẽn, ngập ngừng ngày đầu đến lớp chắc phải tha thiết, luyến lưu lắm thì những tâm hồn thơ ngây kia mới sung sướng hạnh phúc đến nỗi dạo bước trong sân trường mà ngỡ lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh:

Trong sân trường tưởng dạo giữa Đào Viên

Màu áo tinh khôi ngời lên sắc trắng như tấm lòng trong trắng, trinh nguyên của những cô cậu tuổi mười lăm ngày đầu vào lớp. Vẫn sắc trắng quen thuộc của áo học trò nhưng hôm nay nó đẹp lạ thường bởi nó được nhìn ngắm, chiêm ngưỡng bằng một tâm hồn nao nức niềm vui, bằng một ánh mắt tươi non của tuổi mười lăm:

Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ

Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ

Mọi cảm xúc đều tươi mới, tinh khôi, ngày hôm nao như vẫn còn đây. Cảnh sắc xung quanh ngời lên sắc trắng, lung linh như tâm hồn trinh nguyên thơ ngây của tuổi học trò đang bừng lên muôn sắc mới. Những cảm nhận đầy ngạc nhiên về những gì đang mở ra quanh mình ấy được quy chiếu bởi tâm hồn, bởi tấm “lòng mới nở giữa tay đời ấm áp”. Tất cả những bâng khuâng xao xuyến, những lưu luyến ấp ủ của một thời như dành cả cho ngày đến lớp, trái tim nhiều rạo rực xốn xang như ngợp trong bao nhiêu tình cảm ngập ngừng không thể nói thành lời:

Tim run run trăm tình cảm rụt rè

Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe

Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp.

Trái tim chứa trăm tình cảm, ấp ủ trăm điều chưa nói hết ấy hôm nay như đóa hoa gặp khí trời mùa xuân nở ra giữa “tay đời ấm áp” bao luyến lưu bao tình cảm ngọt ngào:

Tựu trường đó, lòng tôi chưa bắt gặp

Nỗi xôn xao thầm lặng ở trong rương

Của chàng trai mười lăm tuổi vào trường

Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ.

Người bạn nhỏ! Cho lòng tôi theo ghé!

Những cảm xúc xôn xao náo nức trong tâm hồn những cô cậu học trò ngày tựu trường ấy ta đã từng gặp trong thơ Nguyễn Bính, trong những bước chân ngập ngừng, líu ríu của ngày Tựu trường:

Những nàng thiếu nữ sông Hương

Da thơm là phấn, môi hường là son

Tựu trường san sát chân thon

Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời

(Tựu trường - Nguyễn Bính)

Màu nón mới sáng ngời như tâm hồn các thiếu nữ ngày tựu trường ríu rít bàn chân ngượng ngùng, e lệ trong sắc áo dài tha thướt. Đó là màu tâm hồn ngời lên trong sắc áo trong dáng vẻ của những thiếu nữ mười lăm ngày đầu đến lớp. Những vần thơ trong sáng tặng những người áo trắng ấy được các nhà thơ dệt nên từ cảm xúc của chính tâm hồn mình trong những tháng ngày dệt mộng mơ trên sân trường, ghế đá, hàng cây...trong ánh mắt dõi theo những tà áo trắng thênh thang phố dài ngập nắng. Đó là cảm xúc của những tháng ngày đẹp như những mùa xuân ngọc ngà tươi non của đời người.

Ai cũng có một “vòm trời hoa phượng cũ” trong “tiếng ve vỡ trăm nghìn mảnh nhớ”( Trương Nam Hương), ai cũng từng mang theo mình cảm xúc của những tháng ngày ngập ngừng bước chân vào cổng trường trung học với bao kỷ niệm ngọt ngào:

Không nỗi gì có thể vuốt ve hơn

Đêm tựu trường cửa sổ mới sơn

Trẻ mới đánh và lòng trai thơm ngát

Chính cảm xúc ngọt ngào thơm ngát trong tâm hồn con người từ những ngày thơ dại cắp sách đến trường ấy đã làm dịu đi bao nhọc nhằn đời thường. Cảm xúc được nuôi dưỡng từ những tháng ngày xa xưa ấy để lại những dấu ấn khó phai mờ trong ký ức để thi thoảng trong chuỗi ngày dài những tháng năm đời người heo hút bươn chãi đua chen - khi thu về với lá vàng rơi đầu ngõ, giật mình chợt nhớ da diết một khoảng trời cũ - lòng lại thấy ấm áp niềm vui thơ dại ngọt ngào ngày xưa...để thấy chùm phượng cũ cứ ngời lên bao điều nuối tiếc, cứ cháy mãi những điều chưa nói hết...

Huế, tháng 8/2007

H.T.H

Các tin khác