1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Năm hợi nhàn đàm về trạng lợn và truyện Trạng lợn

NĂM HỢI NHÀN ĐÀM VỀ TRẠNG LỢN
VÀ TRUYỆN TRẠNG LỢN

NGUYỄN VIẾT CHÍNH

Trạng Lợn là một trong hai trường hợp ngoại lệ được xây dựng thành hình tượng văn học, Về nguồn gốc xuất xứ của truyện Trạng Lợn thì có nhiều tài liệu giải thích khác nhau. Theo Từ điển Hán-Việt của ông Đào Duy Anh thì Trạng Lợn là tên dân gian dùng để chỉ Nguyễn Nghiêu Tư ở nước ta học dốt lại vô hạnh mà đỗ Trạng nguyên nên người đời thường có câu: Trạng nguyên trư Nguyễn Nghiêu Tư, nghĩa là Trạng nguyên dốt như con lợn. Đúng là có Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư thật. Theo sử sách thì niên hiệu Thái Hoà thứ sáu (1448) trước khoa thi, vua Lê Nhân Tông nằm mơ thấy lợn đỗ trạng. Đến lúc treo bảng người đỗ trạng lại tên là Nguyễn Nghiêu Trư, người Kinh Bắc. Hỏi ra thì biết Trạng đẻ tháng Hợi, năm Hợi nên bố đặt tên cho vậy. Vua thấy tên Trạng mà như thế thì không hay nên mới đổi tên từ Nguyễn Nghiêu Trư thành Nguyễn Nghiêu Tư. Theo cụ Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng thì đương thời Thăng Long có câu: Long đầu Trư - Nguyễn Nghiêu Tư (Nguyễn Nghiêu Tư là con lợn đầu rồng), chỉ việc Tư đỗ trạng.

Nhưng trong dân gian thì hai chữ “Trạng Lợn” được dùng để chỉ những kẻ nói láo gặp thời. Vào năm Canh Thân 1920 đời vua Khải Định có ấn hành sách Trạng Lợn do Mộng Quế Thư Hiên viết đề tựa. Theo tài liệu này thì Trạng Lợn là Dương Đình Chung (tục gọi là Chung Nhi), con thứ hai của ông Dương Đình Lương làm nghề mổ lợn, quê ở Mạnh Chư (tục gọi là làng Dừa), thuộc huyện Bình Lục, Nam Hà. Vì chữ Chư đồng âm với Trư (lợn) nên gọi là Trạng Lợn – theo cách gọi phổ biến ngày xưa. Tương truyền rằng, họ Dương ở làng Dừa vốn là dòng khoa bảng. Đến đời ông Dương Đình Lương thì phải xoay ra làm nghề lái lợn, hai vợ chồng sinh được một trai nhưng lại học dốt nên lấy làm buồn phiền và ngày đêm cầu mong có được một thằng con thông minh để nối nghiệp tổ tiên. Quả nhiên bà Lương thụ thai rồi sinh ra một trai nữa, hai vợ chồng mừng lắm bày tiệc ăn mừng và đặt tên là Dương Đình Chung (còn gọi là Chung Nhi). Năm Chung Nhi lên 3 tuổi, triều đình mở khoa thi. Có một ông Trạng nguyên và một ông Bảng nhãn vinh qui về qua làng Dừa. Chung Nhi chỉ vào người mặc áo trào hỏi bố: “Ông kia là gì?, hở bố?”, “Ông ấy là quan Trạng”. Lại chỉ ông mặc áo trào đi sau: “Còn ông kia?”, “Ông ấy là quan Bảng”, “Ông nào hơn ông nào?”, “Quan Trạng hơn”. Chung Nhi liền nói với bố rằng: “Thế thì sau này con cũng làm quan Trạng”. Từ đấy, Chung Nhi thường mơ tưởng đến hai chữ “Trạng nguyên”…Một hôm có ông khách của bố đến chơi hỏi đùa Chung Nhi: “Trạng dở hay Trạng nguyên?”. Chung Nhi đáp lại: “Khách quen hoá khách lạ”. Khách ngạc nhiên về vế đối hoàn chỉnh nên khuyên ông Lương cho Chung Nhi theo học…

Còn về truyện Trạng Lợn. Theo ông Vương Thừa Ân, truyện Trạng Lợn có cả thảy 19 hồi, diễn biến theo một trình tự chặt chẽ, qua đó dần dần hiện lên một nhân vật chính có đủ hoàn cảnh xuất thân, lý do ra đời, học hành, thi cử rồi hiển đạt thế nào. Sau khi đỗ Trạng được vua sai cầm quân đánh giặc, lấy được vợ tài sắc con quan, đi sứ Tàu ứng đối trôi chảy, sau lại hoá về trời. Trong truyện còn có một loạt nhân vật phụ, nhưng phần lớn là hư cấu, chỉ có hoàng đế Lê Thánh Tông và thầy địa lí Tá Ao là có thật!

Trong thực tế thì làng Mạnh Chư xưa nay không có họ Dương và các sử liệu cũng không hề chép ai là Dương Đình Chung đỗ Trạng làm quan như thế cả, dưới triều vua Lê Thánh Tông lại càng không có. Rõ ràng, Trạng Lợn chỉ là một nhân vật được hư cấu lên thành hình tượng văn học. Các chi tiết hài hước trong truyện rất sâu sắc đòi hỏi người đọc phải có một số kiến thức Hán Nôm nào đó mới thấy hết sự thú vị. Tác giả Trạng Lợn phải là người có học có tài nữa, nhưng không gặp thời nên rất khinh ghét những kẻ nói láo gặp thời. Ví như truyện “Dốt chữ …thành thần”: Trạng Lợn cùng hai người bạn lạ đi đến một làng nọ khi trời nhá nhem tối bèn lần vào tìm nhà trọ. Thấy ở cổng làng đề ba chữ “Thủ chư dự” (Lấy trong quẻ dự), Trạng nghe qua lại lầm qua là “thủ trư” (thủ lợn) nên báo với hai người kia là : “Tối nay, anh em ta được chén thủ lợn”. Thực ra Trạng dốt, vừa đoán mò lại không biết cả ngữ pháp tiếng Hán (thủ lợn phải là “trư thủ” chứ không phải là “thủ trư”). Không ngờ, ba người lại trọ ở nhà ông tiên chỉ, gặp ngày tế xuân, làng đem biếu ông ta cái thủ lợn, thế là…hai người kia phục lăn Trạng. Hôm sau, ba người qua một làng khác, thấy đầu làng có biển đá khắc hai chữ “hạ mã” (xuống ngựa). Nhưng do mặt chữ chưa thuộc nên Trạng đọc thành “bất an” nên giục hai bạn đi vội kẻo nguy. Quả nhiên, một lúc sau trong làng có đám cháy lớn… Tiếng lành đồn xa, một hôm Trạng Lợn được vua mời vào cung để bói tìm kẻ trộm đánh cắp đồ nữ trang của công chúa. Nghĩ mãi không ra kế gì, Trạng cho mình là cái thân tội nên buột miệng nói: “Thật là quýt làm cam chịu”. Không ngờ hai tên trộm là Cam và Quýt rình nghe thấy liền ra tự thú. Từ đó Trạng càng nổi tiếng. Quá nổi tiếng nên Trạng được vua giao làm Chánh sứ sang Tàu. Tới ải Nam Quan, quan giữ ải đưa ra một cái biển trên viết chữ “Thập” rồi lấy tay chỉ Đông, chỉ Tây ngầm như thách đố. Trạng bực và nghĩ: Nó muốn dọc, muốn ngang thì ta khoanh một cái vòng tròn cho nó hết đường dọc ngang. Rồi Trạng khoanh một vòng lớn vào biển rồi đưa ra. Quan giữ ải giật mình: ý ta muốn nói là “tung hoành vũ trụ”, thế mà sứ An Nam biết mà đối lại là “bao quát càn khôn” thì tài thật…

Trong lời đề tựa truyện Trạng Lợn, Mộng Quế Thư Hiên viết: “Đến như ông Trạng Lợn thì thực là quá, đĩnh ngộ không phải như cụ Mạc (Mạc Đĩnh Chi) mà đối đáp không khác gì bậc thông minh, uyên thâm không phải như cụ Trình mà bói toán tựa như người tinh, góp nhặt rặt những chuyện của người mà thành ra cái tài của mình thực là chuyện lạ xưa nay có một. Các cụ truyền người ta nhớ lại song ác ở miệng, văng vẳng ở tai, một câu gọi trạng, hai câu gọi trạng”. Truyện Trạng Lợn mượn bối cảnh và triều đại Lê Thánh Tông, một triều đại thịnh trị trong nhà nước phong kiến Việt Nam, công nhận một anh chàng dốt đặc cán mai mà đỗ trạng để chế diễu chế độ phong kiến họ Nguyễn một cách thoải mái. Dưới triều ấy, vua ấy mà còn thế thì dưới triều khác, vua khác sẽ ra sao. Triều Nguyễn có quy định không lấy ai đỗ Trạng nguyên vậy bịa ra một ông Trạng nguyên thời Lê, xuất thân lái lợn, dốt đặc cán mai tha hồ mà chế diễu, ai bắt bẻ được. Tuy nhiên, với nhân vật Trạng Lợn, là nhân vật bất tài vô tướng chỉ nhờ nói láo gặp thời mà nên danh vọng, nhưng người ta không ghét mà lại còn yêu thích. Bởi Trạng Lợn không làm điều gì trái với luân thường đạo lý cả, mà trái lại thể hiện vai trò đối nội, đối ngoại đều hay. Phải chăng đó cũng chính là tư tưởng của tác giả không muốn phủ nhận vai trò của kẻ sĩ trong mọi hoàn cảnh? Xây dựng nên một hình tượng Trạng Lợn, tác giả muốn cho ta thấy chế độ phong kiến đương thời đã đến lúc suy tàn, sụp đổ…

“Truyện Trạng Lợn là truyện không mà hoá có, có mà lại hoá không có. Bởi lẽ ở đời lúc nào lại không có những chuyện “chó ngáp phải ruồi” khi mà xã hội còn lạc hậu như thời phong kiến?” (Vương Thừa Ân). Vâng, chuyện của Trạng không biết thực chỗ nào, hư chỗ nào. Nhưng có điều chắc chắn là, truyện Trạng Lợn đã, đang và sẽ sống mãi trong tâm thức dân gian.

N.V.C

Các tin khác