1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Nét đẹp của từ láy

NÉT ĐẸP CỦA TỪ LÁY

TRONG “CHINH PHỤ NGÂM”

ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG

Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Từ láy là một trong những phương tiện biểu đạt đặc sắc của thơ ca Việt Nam nói chung và thơ Nôm nói riêng. Tìm hiểu từ láy trong “Chinh phụ ngâm” là tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển về phương tiện biểu đạt của thơ ca Việt Nam; tìm hiểu năng lực biểu đạt – một phương tiện tu từ đặc sắc của ngôn ngữ, của một tác giả, ở một tác phẩm cụ thể. Qua đó, thấy được phong cách ngôn ngữ của tác giả trong một thời kỳ lịch sử nhất định.

Đến với tác phẩm “Chinh phụ ngâm”, ta thấy được giá trị biểu đạt của từ láy trên các phương diện: miêu tả bối cảnh không gian, sự kiện, bộc lộ tâm trạng nhân vật…

* Từ láy miêu tả cảnh chiến tranh:

Ngay từ đầu khúc ngâm, những từ láy đã xoáy sâu vào nỗi đau, nỗi tuyệt vọng, nỗi kinh hãi của con người trước một hiện thực đau lòng của chiến tranh:

Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt

Lửa Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Chín lần gươm báu chống tay

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh

Bao nhiêu sự khủng khiếp của chiến tranh dồn vào hai từ láy: lung lay, mờ mịt. Chiến tranh làm mất đi sự thanh bình vốn có. Tám câu song thất lục bát mở đầu đem đến một thông điệp, đó là nguyên nhân gây ra sự cách ly, ly biệt giữa người chinh phu và người chinh phụ. Hai từ láy trên vừa nói lên cảnh chiến tranh đang xảy ra vừa diễn tả sự tác động của sự kiện đó đến với con người bằng những hình ảnh sinh động, để lột tả sâu sắc nỗi kinh hoàng về chiến tranh.

Cảnh xuất chinh cũng là một biến cố quan trọng. Tiếng kèn trống, tiếng nhạc ngựa cùng với bóng cờ bay giúp người đọc cảm nhận không gian của buổi xuất chinh: “Bóng cờ tiếng trống xa xa”, “Bên đường trông lá cờ bay ngùi ngùi”, “Hàng cờ đi trông bóng phất phơ”. Các từ láy: xa xa, ngùi ngùi, phất phơ làm cho cái không gian ấy trở nên lặng lẽ. Người chinh phụ dõi theo đoàn quân ấy trong tiếng trống xa mờ dần, bóng cờ giờ đây chỉ còn là cái “bóng phất phơ”. Bóng cờ như là vật kết nối tâm trạng của người chinh phụ với nỗi lòng sâu thẳm của người chinh phụ. Từ láy ngùi ngùi gợi lên bóng dáng của lá cờ nhưng đồng thời gợi tả nỗi niềm của sự chia ly.

Chiến trường là nơi nguy hiểm, là nơi đe doạ tính mạng của con người. Những câu thơ của “Chinh phụ ngâm” đã lột tả hết sức ác liệt và khủng khiếp của chiến tranh:

Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.

Bốn từ láy: quạnh quẽ, đìu hiu, ù ù, dõi dõi tái hiện khung cảnh chiến trường thật thê lương, thật ảm đạm. Núi Kỳ hoang vắng, tĩnh mịch trong đêm thanh vắng. Bến Phì nằm im lìm trong cái hiu quạnh của gió. Con người trong bức tranh ấy mới thiểu não, mệt mỏi làm sao! Ánh trăng cao vòi vọi cùng với tiếng gió thổi khiến cho bức tranh về chiến trường càng thêm lạnh lẽo, hoang vắng, bị thương gợi lên cảm giác ghê rợn đầy tang tóc. Chính những từ láy trên đã góp phần diễn tả sự khủng khiếp mà chiến tranh mang lại.

* Không gian quê nhà:

Thiên nhiên quê nhà được vẽ bằng những nét bút tinh tế:

… Nay quyên đã giục oanh già

Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo…

… Hoa giãi nguyệt nguyệt ươm một tấm

Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông

Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng

Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau.

… Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

Từ láy líu lo vừa miêu tả tiếâng chim hót, vừa gợi lên trong lòng người chinh phụ nỗi khắc khoải, âu lo và mong mỏi. Tiếng hót ấy như xoáy sâu vào nỗi mong chờ của nàng. Ở khổ thơ sau, từ láy trùng trùng tô đậm đường nét, hình khối cho bức tranh, tạo nên sự gắn bó quấn quýt của hoa và nguyệt. Từ láy xanh xanh của ngàn dâu nhạt nhoà trên cái nền bao la “Ngàn dâu xanh ngắt một màu”. Đó là màu xanh của tâm tưởng, màu xanh của ly biệt. Sức sống của thiên nhiên, của tạo hoá như càng khơi gợi nhu cầu hạnh phúc của người chinh phụ.

Bức tranh quê nhà được vẽ lên từ bốn hướng. Bức tranh phía Nam, không gian được khắc hoạ bởi đường nét màu xanh của cỏ, của bãi dâu, của đàn cò. Đặc biệt là hình ảnh: “Nhà thôn mấy xóm chông chênh”. Từ láy chông chênh gợi tả cái cheo leo của nhà thôn, đồng thời tạo nên cảm giác cô liêu, hiu quạnh. Cảnh vật ở đây tĩnh lặng quá khiến cho lòng người thêm nhớ nhung, thấp thỏm.

Bức tranh phía Bắc được khắc hoạ bằng hình ảnh động:

Trông đường Bắc đôi chòm quán khách

Rườm rà cây xanh ngắt núi non

Lúa thành thoi thóp bên cồn

Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu

Những từ láy: Rườm rà, thoi thóp, véo von vừa đặc tả cảnh, vừa gợi âm thanh. Từ thoi thóp tả sóng lúa rập rờn, vừa thể hiện tâm trạng bồn chồn, lo lắng có phần chán ngán pha sự thất vọng của người chinh phụ. Ngay tiếng sáo véo von cũng không làm giảm đi nỗi buồn, sự trống vắng trong lòng người chinh phụ.

Bức tranh phía Đông và phía Tây gợi cảm hơn. Thiên nhiên như hoà lẫn trong nỗi cô quạnh của người thiếu phụ. Hai câu thơ:

Ngàn khơi khói toả mịt mờ

Con chim bạt gió lo bì nản kêu

diễn tả cái xao xác đầy xót xa. Từ láy mịt mờ gợi lên cái mịt mù của không gian, cùng với tiếng kêu của con chim lạc loài khiến cho ta cảm nhận sự nhỏ nhoi, yếu ớt, cô đơn của con người. Thật vậy, ngoại cảnh đã góp phần không nhỏ trong việc diễn tả nỗi lòng nhớ thương và mong chờ của người vợ chờ chồng.

Hàng loạt từ láy được sử dụng vào việc miêu tả không gian cảnh vật đồng thời diễn tả tâm trạng nhớ mong của người chinh phụ. Những từ láy này tái hiện màu sắc, đường nét, âm thanh của không gian quê nhà. Không gian được thể hiện qua cái nhìn của người chinh phụ, một không gian nhuốm màu ảm đạm, phản ánh tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình trong “Chinh phụ ngâm”.

* Miêu tả tâm trạng nhân vật:

Toàn bộ khúc ngâm đều xoay quanh tâm trạng nhớ mong, buồn tủi của người chinh phụ. Những cung bậc tình cảm đó được miêu tả rất tinh tế qua những từ láy mô tả tâm trạng. Tâm trạng người chinh phụ trong cảnh chia ly thấm đẫm nỗi buồn:

Đưa chàng lòng dặc dặc buồn

Bộ khôn bằng ngựa thuỷ khôn bằng thuyền

Nước có chảy mà phiền không tả

Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây

Nhủ rồi nhủ lại cầm tay

Bước đi một bước dây dây lại dừng.

Từ láy dặc dặc thể hiện tâm tư, nỗi buồn như nặng trĩu, tràn ngập trong lòng người chinh phụ. Nỗi buồn ấy da diết, triền miên không dứt. “Bước đi một bước dây dây lại dừng” diễn tả tâm trạng ngập ngừng, bối rối. Hai từ láy này đặc tả tâm trạng của người chinh phụ trong buổi tiễn biệt chồng.

Cuộc chia tay đã để lại nỗi buồn nhớ, chờ đợi trong âu lo. Nỗi thất vọng thể hiện qua tiếng thở dài, qua những bước đi:

… Tin gửi đi tin không thấy lại

Hoa dương tàn đã trải rêu xanh

Rêu xanh mấy lớp chung quanh

Chân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ.

.... Dấu chàng theo lớp mây đưa

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà

Từ láy ngẩn ngơ khắc sâu nỗi thất vọng, buồn khổ trong lòng người chinh phụ. Tâm trạng ngẩn ngơ ấy còn ẩn chứa trong đợi chờ, hy vọng:

Trời hôm đứng chải ngẩn ngơ

Trăng khuya nương gối bơ thờ rũ mai

Há như ai hồn sai bóng lẫn

Bỗng thơ thơ thẩn thẩn hư không

Trâm cài xiêm thắt thẹn thùng

Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo.

Cùng với từ láy ngẩn ngơ, từ láy bơ thờ, thơ thơ thẩn thẩn, thẹn thùng đã diễn tả trạng thái tinh vi, nỗi lòng không biết ngỏ cùng ai một cách tinh tế. Tất cả những cử chỉ, trạng thái của người vợ trẻ diễn ra trong vô thức. Nỗi sầu dài dằng dặc, triền miên:

Khắc giờ đằng đẵng như niên

Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa

Hương gượng đốt hồn đà mê mải

Gương gượng soi lệ lại chứa chan

Hai từ láy đằng đẵng, dằng dặc chỉ thời gian đã được tâm trạng hoá, biểu thị trường độ nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy trải dài trong không gian và thời gian. Những từ láy trong trường hợp này có giá trị biểu cảm cao. Những từ láy diễn tả sâu sắc, nỗi nhớ, sự chờ mong của người chinh phụ:

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Từ láy thăm thẳm, đau đáu không chỉ thể hiện nỗi nhớ thường trực mà còn đi đến độ sâu của nỗi nhớ. Tâm trạng của người chinh phụ thể hiện thật rõ nét trong khúc ngâm. Hệ thống từ láy đã góp phần diễn tả sâu sắc các cung bậc của nỗi nhớ, đem lại sự xót xa, cảm giác nỗi đau quá thấm thía về thế giới nội tâm của người chinh phụ.

“Chinh phụ ngâm” là một tác phẩm đạt nhiều thành tựu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật vận dụng từ láy vào việc biểu đạt nội dung tác phẩm. Có thể nói, ở “Chinh phụ ngâm” từ láy đã đạt đến giá trị thẩm mỹ, trình độ chuẩn mực trong khả năng biểu đạt. Nó góp phần tạo nên một phong cách ngôn ngữ đặc sắc, giúp cho người đọc cảm nhận được tất cả cái hay, cái đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt.

Đ.T.N.P

Các tin khác