1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Ngày khai giảng

 NGÀY KHAI GIẢNG

NHỚ CÂU HÁT TỪ BÀI THƠ

“ĐI HỌC”

TRẦN HOÀNG

Lần đầu tiên tôi được nghe bài “Đi học” là vào một đêm mùa Đông của năm 1972 khi cùng các đồng đội trực máy thông tin trên một ngọn núi cao, cách thủ đô Hà Nội chừng hơn 40 cây số theo đường chim bay. Tiểu đội tôi có mấy anh em vốn là giáo viên của một vài trường phổ thông và sinh viên của trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Dù đã khoác bộ quân phục màu xanh được mấy tháng rồi nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên được lớp học, quên được học sinh và bè bạn của mình nơi giảng đường.

Trực máy thông tin trên núi cao, đêm đêm nhìn những quầng lửa đạn cháy đỏ ở góc trời xa, lòng chúng tôi như thắt lại khi nghĩ đến những người đang phải gồng mình hứng chịu hàng tấn bom đạn từ máy bay Mỹ trút xuống. Để bớt căng thẳng đầu óc, vào những giờ máy nghỉ giữa các ca trực, chúng tôi thường mở radio nghe tin tức và ca nhạc. Bài Đi học mà tôi và đồng đội được đón nhận là qua một giọng hát vang lên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước.

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em tới lớp...

Lời bài hát so với bài thơ Đi học in ở sách Tiếng Việt lớp I hiện thời có một số câu chữ khác. Nhưng vào cái đêm mùa Đông năm 1972 ấy được nghe bài thơ qua giọng hát trong trẻo của một cô bé tuổi mẫu giáo - nhi đồng sao mà xúc động lạ thường. Giọng hát của bé quả thực là vô cùng trong trẻo và hồn nhiên như tiếng suối, tiếng chim vậy ! Cả tiểu đội tôi ngồi lặng im bên chiếc radio, quên cả cái giá rét của rừng khuya, cả tiếng gió lùa xào xạc trong cây lá... Tôi và các đồng đội vốn là dân giáo viên, sinh viên sư phạm lẩm nhẩm học hát theo. Đến khi cô ca sĩ nhỏ hát lại lần thứ hai thì chúng tôi đã thuộc được khá nhiều câu của bài Đi học

Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước ...

Câu thơ mở bài thực tự nhiên, cứ như lời thủ thỉ, tâm tình của bé với mẹ vậy. Nghe câu hát, tôi bồi hồi nhớ lại những tháng năm dạy học đầy kỷ niệm trên núi rừng Thái Nguyên, Bắc Cạn. Hồi ấy, ở các bản làng miền núi, ngày khai giảng không rộn ràng như ở các làng quê và phố phường miền xuôi. Nhưng từ sáng sớm, trên các ngả đường quê, học sinh cũng tốp năm, tốp ba ríu rít đến trường. Các em học sinh người Tày, người Nùng thì mặc áo chàm xanh, các em học sinh người Dao, người Sán Dìu... thì mặc áo quần có thêu thùa nhiều hoa văn và đeo vòng cổ, vòng tay rất đẹp. Một số bậc phụ huynh cũng nghỉ công việc lên nương, lên rẫy để dẫn con cháu đến nhập trường. Các em học sinh lần đầu tới lớp, hầu như em nào cũng vui, cũng thích thú. Nhìn các em ríu rít, tung tăng, nhảy chân sáo trên các con đường khúc khuỷu, quanh co, qua đồi, qua suối không ai là không thấy vui.

Trường của em be bé

Nằm ở giữa rừng cây

Cô giáo em tre trẻ

Dạy em hát rất hay

Bốn câu thơ trên là lời kể của bé, hay là lời của nhà thơ nói về trường của em ? Điều ấy không cần thiết phải trả lời, chỉ biết rằng lời thơ đã nói rất đúng rất hay về những ngôi trường ở miền núi hồi những năm đất nước có chiến tranh. Ngôi trường thì “be bé”, cô giáo thì “tre trẻ”. Ở đây không có cái đồ độ, kỳ vĩ, sang trọng, cũng không có cái gì lớn lao, xa cách, mà chỉ có cái yên bình, duyên dáng, xinh xắn, gần gũi, thân thương mà thôi. Em quý, em yêu trường em chính vì cái bình dị, thân quen và đầy tình người ấy.

Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối trong thầm thì

Cọ xòe ô che nắng

Râm mát đường em đi

Em tới trường, dù là đi một mình, hay đi với mẹ em vẫn luôn nhận được sự yêu thương, đùm bọc, chở che của cỏ cây, hoa lá. Dòng suối trong, cây cọ xanh như người bạn, người chị, người anh thân thương thủ thỉ trò chuyện cùng em. Nhà thơ Minh Chính chỉ chấm phá mấy nét vậy thôi mà đã nói được những nét rất riêng của các ngôi trường và cảnh học sinh đi học ở miền núi một thời... Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế, trẻ em bao giờ cũng nhận được sự yêu thương của làng quê, của mọi người. Trường học, cỏ cây, đồi núi, suối khe... là biểu tượng của Tổ quốc, của quê hương. Tất cả như người mẹ hiền, cô giáo hiền ôm em vào lòng. Các em sẽ ngày một lớn khôn, một trưởng thành trong sự yêu thương vô bờ ấy.

Đã 35 năm trôi qua kể từ ngày lần đầu tôi được nghe bài hát Đi học. Sau này, khi trở lại với nghề dạy học tôi mới biết tác giả bài thơ ấy là thầy giáo Minh Chính. Anh cũng là người có nhiều năm dạy học ở miền núi và đã hy sinh ở chiến trường miền Nam khi rời bục giảng để khoác bộ quân phục màu xanh. Thầy giáo - liệt sĩ Minh Chính đã để lại cho nhà trường, cho các em học sinh, cho toàn thể chúng ta một bài thơ giản dị, ít câu, ít chữ mà ý nghĩa thực sâu sắc. Cứ mỗi lần bước vào năm học mới, nhìn học sinh tấp nập tới trường trong ngày khai giảng, tôi không sao cầm lòng được. Đâu đây cứ âm vang câu hát trong veo của các em nhỏ từ lời thơ của nhà thơ Minh Chính, nhạc Bùi Đình Thảo:

Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước ...

T.H

Các tin khác