1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Ngày khai trường áo lụa giá tung bay

NGÀY KHAI TRƯỜNG ÁO LỤA GIÓ THU BAY...

(ĐỌC BÀI THƠ CHÚT TÌNH ĐẦU 

CỦA NHÀ THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN)

HOÀNG THỊ THU THỦY

CHÚT TÌNH ĐẦU

Đỗ Trung Quân

Những chiếc giỏ xe chở đầy

hoa phượng

Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?

Chùm phượng vĩ em cầm là

tuổi tôi mười tám

Thuở chẳng ai hay thầm lặng

- mối tình đầu

Mối tình đầu của tôi có gì ?

Chỉ một cơn mưa bay ngoài

cửa lớp

Là áo người trắng cả giấc

ngủ mê

Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp

Giữa giờ chơi mang đến lại...

mang về

Mối tình đầu của tôi là

anh chàng tội nghiệp

Mùa hạ leo cổng trường khắc

nỗi nhớ vào cây

Người con gái mùa sau biết

có còn gặp lại

Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...

Mối tình đầu của tôi có gì?

chỉ một cây đàn nhỏ

Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm

Ai cũng hiểu - chỉ một người không hiểu

Nên có một gã khờ

ngọng nghịu mãi... thành câm

Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng

Em hái mùa hè trên cây

Chở kỷ niệm về nhà

Em chở mùa hè đi qua còn tôi

đứng lại

Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.

“Những chiếc giỏ xe chở đầy / hoa phượng / Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?”... Bài thơ Chút tình đầu của nhà thơ Đỗ Trung Quân mở đầu thật tự nhiên mà tràn đầy cảm xúc. Dường như cái tôi thi nhân đang cố giữ lòng mình thật bình thản, nhưng càng cố giữ thì cảm xúc càng dâng trào, nên bất giác thổ lộ tâm can: “Chùm phượng vĩ em cầm là/tuổi tôi mười tám/Thuở chẳng ai hay thầm lặng/- mối tình đầu” Câu hỏi tu từ mở đầu bài thơ “Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?” tưởng là lơ lửng trong không gian, trong thời gian, nhưng người đọc đã nhận ra “mùa hè của tôi” là “Thuở chẳng ai hay thầm lặng / - mối tình đầu” - mối tình đầu không còn là giấu diếm khi khẳng định “Chùm phượng vĩ em cầm là/ tuổi tôi mười tám” - tuổi mười tám đẹp như chùm hoa phượng vĩ, tuổi mười tám đang cháy bỏng trong tim một mối tình.

“Mối tình đầu của tôi có gì?”, câu hỏi tu từ thứ hai này đã diễn  tả sự băn khoăn của kẻ mới yêu, mới bắt đầu yêu. Cái tôi tự hỏi, cái tôi tự trả lời “Chỉ một cơn mưa bay ngoài / cửa lớp” - cơn mưa bay ngoài cửa lớp đã lưu giữ kỷ niệm gì với ai để giờ này dùng đến số đếm “chỉ một”? Nỗi nhớ trong tôi chỉ trong ý thức mà cả trong tiềm thức và vô thức: “Là áo người trắng cả giấc/ngủ mê”. Và “mối tình đầu của tôi” không chỉ là cái nhìn, không chỉ là nỗi nhớ mà còn là xúc động thi ca “Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp” ­- tình yêu đã thăng hoa thành thơ, nhưng “bài thơ cứ còn hoài trong cặp” và “Giữa giờ chơi mang đến lại.../mang về”. Rụt rè, ngại ngùng vì “Thuở chẳng ai hay thầm lặng/- mối tình đầu”. Chỉ đến khi “Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”...cái tôi ấy mới giật mình “Mối tình đầu của tôi có gì?”. Là kỉ niệm mà chưa thành kỉ niệm, là nỗi nhớ mà chỉ là “tương tư”, là lời tỏ tình mà “còn hoài trong vở”... Càng liệt kê, càng bộc bạch càng thấy cái tôi tình yêu đang rung lên những cảm xúc đầu đời - mới mẻ, e ấp mà chứa chan hy vọng...

Sau câu hỏi tu từ “Mối tình đầu của tôi có gì?”, cái tôi tình yêu bằng cả hy vọng và ảo vọng khẳng định “Mối tình đầu của tôi là/anh chàng tội nghiệp/ mùa hạ leo cổng trường khắc / nỗi nhớ vào cây”. Khẳng định rồi lòng chợt nhói đau “Người con gái mùa sau biết/ có còn gặp lại/ Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...”. Thì ra đôi mắt của người đang yêu đã dõi theo “áo lụa gió thu bay” từ ngày khai trường năm trước, nghĩa là cái nhìn đau đáu nhớ thương đó đã có từ mùa thu cho đến mùa hạ mà chỉ dám “khắc nỗi nhớ vào cây”. Nhịp thơ đột ngột ở câu thơ “Người con gái mùa sau biết/ có còn gặp lại” đã diễn tả niềm hy vọng và tuyệt vọng trong cái tôi tình yêu; dấu ngắt nhịp như điểm nhấn trong trái tim anh - điểm nhấn đó có từ mùa thu trước “Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...”. Những rung động đầu đời của anh bắt đầu từ ngày khai trường, để rồi thu qua hạ về thì vẫn “Mối tình đầu của tôi có gì?”. Vẫn vu vơ xa vắng trong tâm hồn lãng mạn “chỉ một cây đàn nhỏ/ Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm”. Từ “bài thơ còn hoài trong vở” đến “bài hát nói giùm”, thì anh vẫn như “một gã khờ” “ngọng nghịu mãi.../ thành câm”. Cái tôi rung động, cái tôi vấn vương, cái tôi bắt đầu yêu ngập ngừng, ngại ngùng, và rụt rè như thế là lại trách móc, hờn dỗi “người ta”: “Ai cũng hiểu/- chỉ một người không hiểu?” Tưởng chừng như trời đất, bạn bè đều chứng kiến nỗi mong, nỗi nhớ, nỗi xao xuyến trong “mối tình đầu của tôi”, vậy mà vẫn có một người vô tình, vẫn không hiểu để rồi anh phải hai lần nhắc lại “Mối tình đầu của tôi có gì?”. Hỏi để mà hỏi, hỏi để mà nhớ, hỏi để mà khẳng định, hỏi để mà đong, mà đếm nỗi xúc động của anh, cái nhìn đau đáu của anh về phía “áo lụa gió thu bay” từ ngày khai trường của mùa thu trước, đến mùa hạ sau. Nghịch lý nằm ngay trong tâm cảm của anh, anh rung động, anh bắt đầu yêu, anh nhớ, anh mong, nhưng  “bài thơ thì còn hoài trong vở” và “bài hát thì vu vơ”, ngôn từ thì “ngọng nghịu mãi... thành câm”. Nghĩa là “áo lụa gió thu bay” vẫn vô tình, vẫn không hay biết, hay cố tình không biết, còn người ta thì cứ mong, cứ chờ; mong chờ trong hy vọng và cả trong tuyệt vọng.

Và rồi “Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng” - thời gian cụ thể “trưa nay” như đặt dấu chấm hết cho một nỗi mong chờ. Tưởng là chấm hết mà vẫn chưa kết thúc, vẫn hy vọng, khi nghĩ là “em chở cả kỉ niệm” về nhà và những chiếc giỏ xe vẫn đầy hoa phượng - vẫn cái  màu đỏ, tươi tắn, của hoa học trò; tuổi học trò chưa khép lại trong cái nhìn của kẻ đang yêu. Em chở kỷ niệm về nhà thì tôi vẫn còn hy vọng, vẫn “đứng lại” và vẫn chờ, vẫn nhớ “Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa”. Nếu mở đầu bài thơ là câu thơ “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” - chung chung chưa cụ thể, thì đến cuối bài thơ, thời gian được xác định rất cụ thể là “trưa nay”, và đối tượng cũng rất cụ thể là “em hái mùa hè trên cây”, nghĩa là cái tôi tình yêu đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn dù vẫn chưa một lần thổ lộ cùng em, dù em vẫn vô tình trong cái nhìn ngơ ngẩn của tôi, nhưng em đã “chở kỉ niệm về nhà”, thì đó là cái cớ, là lý do để tôi “đứng lại/Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa”.

Bài thơ thật ấn tượng với mỗi câu mỗi chữ như chắt từ gan ruột, như rung lên niềm xúc động diệu kì, như “bảy sắc cầu vồng” của một thời rạo rực, nhớ nhung, xao xuyến với tình yêu ban đầu. Đối tượng trữ tình là “em” chỉ thoáng qua trong bài thơ mà thật ấn tượng - ấn tượng từ tà áo lụa gió thu bay của ngày khai trường đã theo anh đến mùa sau, và tà áo em bay thật vô tình trên những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng mà khiến lòng anh ngơ ngẩn. Những câu hỏi tu từ trong bài thơ chua xót mà thương thương một nỗi bồi hồi, rung động, bâng khuâng... Động từ “chở” được lặp đi lặp lại trong bài thơ cùng hình ảnh “chở đầy hoa phượng”, “chở kỷ niệm”, “Em chở mùa hè đi qua”... diễn tả nỗi ngậm ngùi của “gã khờ” vì ngọng nghịu mãi để rồi em đi qua, kỉ niệm đi qua, còn tôi đứng lại, còn tôi nuối tiếc, còn tôi ngơ ngẩn, còn tôi bâng khuâng với những rung động của chút tình đầu. Chút tình đầu chứ chưa là mối tình đầu - chút thôi mà ngơ ngẩn biết bao tâm hồn bước vào tuổi mười tám, bước vào ngày khai trường cuối cùng trong đời học sinh để rồi niềm nuối tiếc đó sẽ là hành trang mang theo suốt cuộc đời, trở thành chút kỉ niệm “không bao giờ trở lại”, nhưng mà “nỗi xót xa như gió mùa thu thổi mãi”... Bài thơ với những câu thơ dài ngắn khác nhau, với việc xuống dòng đột ngột đã tạo nên nhịp điệu; nhịp thơ không theo quy luật ngôn từ mà theo quy luật tâm trạng; tâm trạng trữ tình vừa là những giây phút thăng hoa diệu kỳ trong rung động tình yêu, vừa là cảm xúc thơ ca diệu kì; nên nhịp điệu cũng chính là giai điệu. Giai điệu của bài thơ ngập ngừng, tê tái, ngẩn ngơ, bâng khuâng, tiếc nuối, rụt rè, e ngại... và rồi “Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa”.

Nhạc sĩ Vũ Hoàng đã đồng cảm với những rung động trong xúc cảm của nhà thơ Đỗ Trung Quân về Chút tình đầu của tuổi mười tám thầm lặng, đắm say, để rồi “hát” lên bài thơ bằng giai điệu tha thiết, trữ tình và lắng đọng dư âm trong lòng độc giả. Nhà thơ, nhạc sỹ có những giây phút thăng hoa và đồng điệu đã làm nên sự bất tử cho nghệ thuật và cuộc đời. Điệp khúc “Mối tình đầu của tôi...” là giai điệu sâu lắng cho những ai đã trải qua, đang trải qua và đang đến với “chút tình đầu”.

H.T.T.T

Các tin khác