1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Nghĩ về việc học

NGHĨ VỀ VIỆC HỌC

TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN VIẾT CHÍNH

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Những ngày đầu lập nước, trong muôn vàn khó khăn, bộn bề công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên nhắc nhở cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân chống lại nạn thất học, nâng cao dân trí. Tháng 10 - 1945, trên cương vị của người đứng đầu Đảng và Nhà nước cộng hòa non trẻ, Người có “Lời kêu gọi chống nạn thất học”. Người đã vạch trần chính sách ngu dân của thực dân Pháp đối với nhân dân ta; Người cũng nêu lên một thực trạng lúc bấy giờ là “hầu hết người Việt Nam mù chữ…”. Trước tình trạng đó, Người kêu gọi: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí… Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.

Không lâu sau đó, Người đã có thư khen ngợi những người tham gia công tác bình dân học vụ, xem họ là những người “vô danh anh hùng”, và “rất hữu ích”; những người đã giúp đồng bào biết đọc, biết viết đều có cái vinh dự mà “tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”. Đặc biệt, vào ngày khai giảng năm học đầu tiên của chế độ mới, Người đã có “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường”, ngoài những tư tưởng cơ bản đặt nền móng xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục quốc dân, Người còn ân cần nhắc nhở thế hệ trẻ phải học tập, rèn luyện để góp phần quyết định vào việc đưa nước ta tiến kịp các nước văn minh trên thế giới: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Từ đó cho đến ngày Người về với thế giới người hiền, trong rất nhiều bài nói, bài viết, Người luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập. Người đã từng khẳng định rằng: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Học tập là một việc phải tiếp tục suốt đời. Nói như Lê Nin là phải “Học, học nữa, học mãi”. Trong một lần nói chuyện với cán bộ đảng viên ở Hà Nội, năm 1966, Người nói: “…Có đồng chí 40 tuổi mà đã cho mình là già nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học tập và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”. Đặc biệt, Người rất chú trọng đến động cơ và mục đích học tập của mọi người. Bác phê phán động cơ và mục đích học tập của một số người như: Đi học là để lấy bằng, làm ông thông, ông phán, được ăn ngon, mặc đẹp… Dưới chế độ mới, học là để yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức; để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh và những gì trái với nó thì phải kiên quyết chống lại.

Trong học tập, với Người, điều quan trọng nhất là phải có tinh thần “khổ học, khổ luyện”, nghĩa là phải học tập cần mẫn, chăm chỉ, tự giác, chủ động và có ý chí. Bản thân Người cũng là tấm gương sáng về tinh thần “khổ học, khổ luyện”. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người vẫn luôn chịu khó, chịu khổ, khắc phục mọi khó khăn để học tập và nghiên cứu. Vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ đảng viên và nhân dân phải học tập kiên trì không biết mệt mỏi. Học mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao tiếp, trong công việc hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ. Người chỉ rõ: “Học ở đâu ? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau, và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”. Rồi Người nêu câu chuyện học ở nhân dân của một nữ đồng chí ở Sơn La. Trong cuộc sống “ba cùng” với nhân dân, nữ đồng chí đó đã rút ra được ba điểm: Thứ nhất, cán bộ đoàn kết, mọi việc đều làm được; thứ hai, cán bộ phải được dân yêu, dân tin, dân phục; thứ ba, cán bộ phải đi sát dân, học dân. Việc học tập cũng phải tùy theo điều kiện và thời gian mà thực hiện, có lúc “phải thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”. Phải học tập với một thái độ nghiêm túc, khiêm tốn, không giấu dốt, không tự kiêu, tự cho mình là biết đủ, biết hết rồi. “Người huấn luyện nào tự cho là đã biết đủ rồi, thì người đó dốt nhất”, tự kiêu, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập. Bên cạnh đó, Người luôn nhắc nhở phải tuyệt đối phát huy tính năng động, “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ… vấn đề chưa thông thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao ?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lí không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”.

Người luôn luôn nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa học và hành. Người nói: “Học để hành. Học và hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Đối với cán bộ học lí luận cũng vậy: Học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác là để áp dụng vào thực tế đấu tranh cách mạng “Khi học tập lí luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lí luận vì lí luận… Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lí luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng…”. Với Người, thực hành không chỉ là vận dụng những điều đã học, mà còn là nguồn gốc của tri thức mới, là biện pháp rèn luyện con người một cách toàn diện, dẫn đến sự xác minh tri thức và lòng quyết tâm thực hiện những điều đã học, một khi những điều đó đã được công nhận là chân lí. Vấn đề quan trọng là tự học, muốn tự học thành công, phải có kế hoạch sắp xếp thời gian học tập, phải bền bỉ kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại. Phải triệt để tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để tự học. Học đến đâu phải luyện tập và thực hành đến đó. Người nghiêm khắc phê phán thái độ lười biếng trong học tập. Người chỉ rõ: Tình trạng trốn tránh nhiệm vụ học tập, chỉ muốn hưởng quyền lợi, đó là thói xấu không thể tồn tại mãi. Trong khi cả nước đang phải vượt qua nhiều khó khăn, thì thái độ bàng quan, trốn tránh không chịu học tập nâng cao trình độ mọi mặt để phục vụ đất nước, chỉ biết kêu ca khó khăn… thậm chí còn lợi dụng khó khăn để tìm kiếm những gì có lợi cho mình… thì đó không chỉ là thái độ ích kỷ, xấu xa mà còn là tội ác nữa.

Nghĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc học trong bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào âu cũng là điều cần thiết. Nhất là vào thời điểm này – thời điểm mà Giáo dục đang trở thành một điểm nóng, thời điểm mà chúng ta đang ra sức thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì tư tưởng trên của Bác càng có tính thời sự đặc biệt.

N.V.C

Các tin khác