1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Tâm sự của Chu Văn An qua bài thơ xuân đán

TÂM SỰ CỦA CHU  VĂN AN
QUA BÀI THƠ XUÂN ĐÁN

VĨNH BA

 

Xuân Đán

Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn

Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn

Bích mê vân sắc thiên như tuý

Hồng thấp hoa sao lộ vị can

Thân dữ cô vân trường luyến tụ 1

Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan

Bách huân bán lãnh trà yên yết

Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn

 

Buổi sáng mùa xuân

Núi xa, nhà quạnh, suốt ngày nhàn

Se lạnh gài nghiêng cửa trúc hoang

Xanh biếc màu mây, trời luý tuý

Hồng hoen hoa nụ, móc chưa tan

Lòng như giếng cổ không xao sóng

Thân với mây đơn mãi nhớ ngàn

Hương bách dịu dần, trà hết khói

Chim khe một tiếng mộng xuân tàn

Vĩnh Ba dịch

Chu Văn An tên chữ là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn (Người ẩn sĩ làm nghề đốn củi). Không rõ ông sinh năm nào, sinh quán là làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Sau khi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), Chu Văn An không ra làm quan, mở Cung Hoàng học hiệu để dạy học2. Môn đồ của ông rất đông, trong đó có những người hiển đạt như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát..., Đến đời Trần Minh Tông (1314 – 1329), nhà vua triệu ông ra làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám (tương đương chức Viện trưởng Viện Đại Học ngày nay) kiêm dạy học cho Thái tử. Qua đời Dụ Tông (1341 – 1369), nhất là sau khi Thượng Hoàng Minh Tông mất (1358), Dụ Tông say mê tửu sắc, gian thần lộng quyền, ông dâng Thất trảm sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần. Vua không nghe, ông liền cởi mũ quan áo từ quan.

Thơ văn ông để lại không nhiều, đa số bị thất lạc hoặc bị quân Minh thu thập đem về Kim Lăng (Trung Hoa). Đáng tiếc nhất là bộ Tứ Thư thuyết ước (Giảng giải các điểm chính yếu của các sách Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử) nay không còn nữa3

Với bài thơ Xuân Đán, ta có thể đoán được Tiều Ẩn tiên sinh đã làm vào thời kì về ở ẩn:

Mở đầu bài thơ, Chu Văn An đã phác tả cảnh sống thanh bạch của mình. “Nhà quạnh núi xa” chính là ngôi nhà tranh cửa trúc nhỏ bé nơi cụ ở ẩn tại núi Chí Linh với sông Thanh Lương uốn khúc trước nhà. Chí Linh nơi có núi Côn Sơn, ngọn Phượng Hoàng, sông Thanh Lương, ao Miết Trì,…là một vùng sơn thuỷ hữu tình và cũng là nơi sau này Nguyễn Ức Trai về tri sĩ. Ông sống giản dị và bình thản như chưa hề trải qua những bước thăng trầm của phù thế. Ở đây trong cảnh núi rừng hoang lặng, con người và thiên nhiên đồng một cung bậc, cùng chia sẻ những thinh sắc mà đất trời ban tặng để tận hưởng một cuộc sống thư thái an nhàn hoà hợp:

Núi xa nhà quạnh suốt ngày nhàn

Se lạnh gài nghiêng cửa trúc hoang

Khi Chu Văn An nói về thiên nhiên như thế, ta càng cảm nhận thấy sự hoà đồng đó là cốt tuỷ của một quan niệm sống cao cả, một thái độ lạc quan yêu đời. “Gài nghiêng cửa trúc” có nghĩa là vẫn ôm ấp cái lạnh se se của trời đất như là một ơn huệ cuộc đời. Thái độ của ông là ung dung, từ tốn của một con người đã đạt đạo, đã thấy được cái lẽ thăng trầm của thế cuộc.

Khác với Khuất Nguyên, cũng can vua không nghe, chỉ thấy được mình tỉnh trong khi thiên hạ đều say nên vội gieo mình xuống Tương giang. Chết như thế chỉ được cho một mình Khuất Nguyên còn Khuất Nguyên sống thì tài năng ông sẽ giúp ích cho muôn người. Với Tiều Ẩn tiên sinh, về ở ẩn không là một sự thất bại. Trước đây, khi đã đỗ Thái học sinh, thay vì tìm một chức quan, Chu tiên sinh đã ở nhà dạy học. Đây là một điểm mấu chốt và khác người mà ta cần chú ý để hiểu thấu tư tưởng của Chu Văn An. Trong quan niệm của ông, làm quan không phải là con đường duy nhất dành cho kẻ sĩ. Kẻ sĩ ở tư thế nào cũng chỉ là để “Cầm chính đạo để tịch tà cự bi”. Không thoả hiệp với cái xấu, cái ác và giữ được giềng mối Đạo lí nơi mình sinh sống chính là thiên chức của kẻ sĩ.

Vì vậy, ẩn dật chính là môi trường sống lí tưởng đối với ông. Thiên nhiên đơn sơ và đạm bạc là một vẻ đẹp của Đạo, mãi là người đồng hành muôn đời của người quân tử.

Xanh biếc màu mây, trời luý tuý

Hồng hoen hoa nụ, móc chưa tan

(Trời xanh say luý tuý, tứ thơ này phải chăng đã gợi ý cho Yên Đổ tiên sinh khi viết bài thơ Thu ẩm: Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?)

Chẳng thấy người xưa và chẳng thấy cả kẻ sắp tới mà buồn khóc (Trần Tử Ngang) là vẫn còn vướng trong vòng tục lụy. Sông rộng núi cao không là bè bạn của ta sao? Linh Sơn hay Thanh Lương giang đều hiển hiện trước mắt ông như những người bạn thân tình cùng san sẻ niềm tâm sự. Trong Thanh Lương giang, ông viết:

Độc lập Thanh Lương giang vọng thượng

Hàn phong táp táp nộn triều sinh.

(Một mình đứng trên bờ sông Thanh Lương ngắm cảnh triều lên ngồn ngộn giữa những cơn gió lạnh thổi tơi bời)

Hay trong Linh sơn tạp hứng, ông viết:

Thuý la kính lí vô nhân đáo

Sơn thước đề yên trời nhất thanh.

(Không ai đến trên lối mòn cỏ biếc mà chỉ thỉnh thoảng nghe có tiếng chim thước núi kêu trong sương mù)

Trong thơ ông có sự cô độc nhưng vắng bặt hẳn sự buồn tiếc thở than. Nói như Nietzsch – triết gia Đức – sự cô độc trên băng sơn chính là nguồn sống của triết nhân, thì chính là đây. Đọc thơ Chu Văn An ta cảm thấy hơi thở của cuộc sống còn mãnh liệt hơn, hùng dũng hơn ở những con người quỵ luỵ dưới mũ ô sa áo giới lân, những người đã chết rồi mà cứ tưởng rằng mình đang sống.

Ông quan niệm rằng ở ẩn để giữ được tiết giá của bậc chính nhân quân tử, sống ngay thẳng để tịch tà cự bí nơi thôn ổ cũng có hiệu lực như “trong lăng miếu ra tài lương đống”. Vì thế cái tâm của Tiều Ẩn tiên sinh trước sau vẫn như nhất:

Lòng như giếng cổ không xao sóng

Thân với mây đơn mãi như ngàn

Đây là những câu thơ giàu ý nghĩa với nhiều hình ảnh gợi tả của ông. Núi ngàn tượng trưng cho Đạo lí hay lẽ phải muôn đời mà một sĩ phu yêu nước không thể nào li khai. Mây luôn luôn nhớ về hốc núi. Chạy trốn như Khuất Nguyên là chỉ thấy một chiều. Sau khi cáo hưu, ở ẩn nhưng “mỗi lần có hội hè quan trọng, Chu Văn An lại đến Ngọ Môn Bái yết, như để gián tiếp nhắc nhở vua nghĩ tới những điều lễ nghĩa.”4 Quả là một phong cách sống đáng khâm phục. Giếng cổ không xao sóng lại là một tứ rất mới trong thi ca đương thời. Dùng hình ảnh này để nói lên cái tâm như nhất đầy ắp chính khí của kẻ sĩ hết lòng phù dân giúp nước quả thật là rất hàm súc.

Khi làm quan, Chu Văn An đã có những đóng góp rất lớn lao khi cùng các đại thần như Phạm Ngũ Lão, Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn…dựng lên một triều đình văn an võ trị. Rồi cáo hưu trí sĩ, nhìn về quãng đời vàng son danh vọng cũ Chu Văn An không hề có chút tiếc nuối. Ông không bị cuộc sống quan trường làm biến chất, bị bã phù hoa làm mê muội. Ấy chính là nhờ nội lực thâm hậu của một nhà nho gia chân chính. Ông thấy được sự vận hành của Đạo và tuân theo lẽ tự nhiên mà đến mà đi, mà sinh thành mà trụ hoại:

Hương bách dịu dần, trà hết khói

Chim khe một tiếng mộng xuân tàn

Người đi học ngày xưa ước vọng “Trước là sĩ, sau là khanh tướng”, như Uy Viễn tướng công đã từng bày tỏ trong bài hát nói “Chí nam nhi”. Học để thành quan chức phục vụ nước nhà. Thế nhưng, không phải ai tài cao học rộng đều có thể trở thành khanh tướng để có cơ hội cống hiến cho dân cho nước. Vì thế, một khi lâm vào cái thế không làm khanh tướng, các nhà Nho xưa đã có một con đường rất hợp tình hợp lý: “Tiến vi quan, thoái vi sư” (Tiến lên thì làm quan, còn lui thì làm thầy dạy học). Dạy học cũng là một cách phục vụ nước nhà hữu ích.

Tiều Ẩn Chu Văn An hay nhân dân trân trọng ông còn gọi là An Nam học tổ là một người đã thực hiện được triết lí sống đó một cách tuyệt vời, đến bây giờ chúng ta vẫn nghiêng mình ngưỡng mộ. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã nhận định về ông: “Thờ quân vương dám phạm long nhan mà không nịnh, xử quần thần lấy đạo liêm chính mà không tà. Gây dựng nhân tài thì có cả công khanh là học trò, cao thượng phong tiết thì thiên tử chẳng hề khinh như bọn bầy tôi. Thể mạo chững chạc, đạo thầy đáng tôn, thanh khí oai nghiêm khiến bọn nịnh thần khiếp sợ. Kẻ ngàn năm sau, khi nghe tiếng, dẫu người ngoan ngu cũng thành liêm chính, kẻ ươn hèn cũng muốn lập công”5. Chu Văn An sống trải bốn triều: Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, và Nghệ Tông. Khi ông mất, Nghệ Tông ban cho ông tên thuỵ là Văn Trinh Công và tên hiệu là Khang Tiết tiên sinh, cho cùng thờ ở Văn Miếu, ngang hàng với các bậc tiên nho. Văn Trinh Công hay Khang Tiết tiên sinh là những danh hiệu rất xứng ý với cuộc đời ông.

V.B

Các tin khác