1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Thăm trường Dục Thanh

THĂM TRƯỜNG DỤC THANH

GHI SÂU LỜI BÁC DẠY

TRẦN HOÀNG

Dù sống ở Huế, nhưng do nhu cầu của công tác chuyên môn nên mỗi năm đôi ba lần, tôi cũng có dịp được đi đó, đi đây... Với tôi, được đặt chân tới một vùng quê nào đấy trên đất nước ta là một niềm vui lớn. Bởi trong các chuyến đi này, tôi có cơ hội mở rộng tầm mắt, học tập và nâng cao hiểu biết của mình về thiên nhiên, lịch sử, văn hoá, con người cũng như về đời sống xã hội nơi tôi đặt chân tới. Một trong những di tích lịch sử- văn hoá mà tôi rất mong được tìm đến để tham quan, tìm hiểu, học tập- đó là những nơi từng lưu giữ hình ảnh của danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh và những người ruột thịt trong gia đình Người. Vì vậy được về thăm làng Kim Liên, làng Hoàng Trù (Nam Đàn- Nghệ An), làng Dương Nổ, trường Quốc Học (Thừa Thiên Huế), bến cảng Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh), chiến khu Định Hoá (Thái Nguyên), lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp) với riêng tôi là một niềm vinh hạnh lớn. Năm vừa rồi, tôi lại được đi công tác hơn một tuần ở thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Ngay ngày đầu tiên, vào buổi chiều, tôi đã cùng 2 người bạn quê ở miền Bắc tìm về thăm trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng dạy học trong hơn 1 năm trời.

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1908, nằm trên vùng đất trung tâm thị xã Phan Thiết (nay thuộc phường Đức Nghĩa- TP. Phan Thiết). Chiều mùa hè, nắng phương Nam dát vàng trên đường phố, bờ sông... Bước chân tới cổng trường, chúng tôi đã cảm nhận được một không khí thoáng đãng và vô cùng gần gũi, thân quen với khách từ phương xa tới. Gió Nồm mát lành từ biển khơi thổi tới mơn man từng ngọn cỏ, nhành cây… Ngôi nhà cổ ngày nào thầy Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Bác Hồ thời thanh niên) dạy học vẫn còn đó. Nhà không có nhiều bàn ghế, tủ giường, sách vở nhưng thuở xưa chắc vẫn đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết cho việc dạy và học của thầy giáo, của học sinh.

Trường Dục Thanh, cái tên ấy, chiết tự ra có thể hiểu là “giáo dục thanh niên”. Trường được sự bảo trợ của Công ty Liên Thành và do Liên Thành thương quán trực tiếp phụ trách. Đây là một trong những tổ chức kinh tế, sản xuất, kinh doanh nước mắm ra đời vào đầu thế kỷ XX ở nước ta và là sản phẩm của trào lưu tư tưởng mới- trào lưu tư tưởng mang xu hướng cách tân nền kinh tế đất nước. Do vậy, không nhiều thì ít nó cũng chứa đựng tinh thần yêu nước và cách mạng.

Theo lời người phụ trách khu Di tích trường Dục Thanh, thì xưa kia, nơi khu vực trường đóng là một xóm của ngư dân, um tùm, sum suê cây cối. Trường nằm trong vùng nhà đất của cụ Nguyễn Thông (1827- 1884). Cụ Nguyễn Thông quê ở huyện Tân Thạnh- Gia Định (nay thuộc Đồng Nai). Cụ là một nhà nho, nhà thơ yêu nước, rất tâm huyết và say mê trong việc nghiên cứu giáo dục, lịch sử, địa lý... Cụ từng làm việc ở Huế, từng tòng quân vào Nam đánh giặc, từng giữ chức Phó sứ điền nông kiêm đốc học. Khi Nam Kỳ rơi vào vòng đô hộ của Pháp, cụ Nguyễn Thông về sống ở Bình Thuận. Bên bờ sông Phan Thiết, cụ dựng một ngôi nhà nhỏ và đặt tên là “Ngọa du sào” (tổ nằm chơi), làm nơi dạy học, đọc sách, ngâm thơ... Sát ngôi nhà thờ còn có một ngôi nhà khác (gọi là Thảo bạt) được cụ Thông sử dụng để tiếp khách trong Nam ra, ngoài Bắc vào.

Sau khi cụ Nguyễn Thông mất, ông Nguyễn Trọng Lồi (tức Lội- thường gọi là Ấm Năm), con trai trưởng của cụ tiếp tục sở hữu và duy trì mấy ngôi nhà này để làm chỗ đi về cho những người yêu nước. Nhà ái quốc Phan Châu Trinh cũng đã ghé lại nơi này.

Ông Nguyễn Trọng Lồi là người phụ trách “Liên Thành thương quán”của Công ty Liên Thành. Ông dùng ngôi nhà Thảo bạt làm một lớp học của trường Dục Thanh. Những lớp học khác được dựng thêm ở phía trước. Cạnh trường Dục Thanh có một hiệu sách chuyên bán các loại sách báo tiến bộ do ông Nguyễn Hiệt Chi phụ trách mang tên Liên Thành thư xã. Trước hiệu sách này có treo đôi câu đối:

Dữ ngã tẩy trừ ô não cựu

Vĩ quân diễn thuyết vũ đài tân.

Nghĩa là:

Cùng nhau xoá bỏ lề thói cũ

Chung lòng cổ động lối duy tân

Trường Dục Thanh do ông Nguyễn Quý Anh (em ruột ông Nguyễn Trọng Lồi) làm hiệu trưởng.

Trên đường vào Sài Gòn, anh Nguyễn Tất Thành được hai ông Trương Gia Mô và Hồ Tá Bang (bạn cũ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) giới thiệu và được nhận vào dạy học ở trường Dục Thanh. Bấy giờ, tại trường này cũng có đôi ba thầy giáo quê ở Nghệ An, như ông Trần Đình Phiên dạy môn Hán Văn.

Thầy Nguyễn Tất Thành, về trường Dục Thanh lúc đầu tạm trú tại nhà ông Hồ Tá Bang sau đó mới chuyển ra ở cùng học sinh trong khu nội trú. Thầy được phân công dạy 2 môn Hán văn và Quốc ngữ ở lớp nhì. Ngoài ra thầy còn đảm trách việc hướng dẫn học sinh tập thể dục buổi sáng và đi tham quan các thắng cảnh, các di tích văn hoá- lịch sử.

Vào những năm đầu thế kỷ trước, trường tư thục Dục Thanh được đánh giá là một trong những trường tiến bộ nhất ở miền Trung. Học sinh học ở trường này được giáo dục toàn diện (đức, trí, thể, mỹ); được học cả 3 thứ chữ Quốc ngữ, Pháp ngữ và Hán ngữ. Các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đều được coi trọng.

Theo hồi ức của một số người từng quen biết và học với thầy Thành ở trường Dục Thanh, trong giờ dạy, thầy luôn động viên, khuyến khích học sinh đọc sách, nhất là các sách nói về quê hương, Tổ quốc, về tình nước non, nghĩa đồng bào, về nhân phẩm, nhân cách của con người... Thầy hay đọc cho học sinh nghe và khuyên học sinh học thuộc lòng các bài thơ mang nội dung yêu nước, thương nòi, ví như bài thơ sau đây:

Nước Nam từ thời Hồng Lạc

Mấy ngàn năm khai thác đến nay

Á, Âu riêng một cõi này

Giống vàng ta cũng xưa nay một loài

Vuông dặm đất hai mươi bảy vạn

Nào bạc vàng châu báu thiếu chi...

Ngoài giờ dạy ở lớp, thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường tham gia hoạt động thể dục thể thao cùng học sinh, hoặc đưa các em đi tắm biển ở bãi Thương Chánh, đi thăm các danh thắng như đình làng Đức Nghĩa, động làng Thiềng, Cồn Chà v.v... Cách dạy học của thầy Thành chắc chắn đã hướng các em tới những điều tốt đẹp, tới sự tự nỗ lực phấn đấu, luyện rèn để trở thành những con người biết trọng lẽ phải, trọng nhân cách, biết yêu nước, thương dân, có học vấn và có năng lực tư duy, năng lực thực hành tốt (1).

Thăm trường Dục Thanh, nghe kể chuyện và đọc các tư liệu về Bác Hồ lòng chúng tôi trào dâng bao xúc cảm. Thời gian Bác Hồ sống và dạy học ở thành phố biển Phan Thiết không dài. Nhưng cùng với thời kỳ Bác học ở trường Pháp Việt Đông Ba, trường Quốc Học Huế, mấy tháng Bác dạy tại trường Dục Thanh hẳn đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng Bác về nhà trường, về nghề dạy học. Sau này, khi trở thành Chủ tịch của một nước Việt Nam mới, Bác luôn quan tâm nhiều đến sự nghiệp giáo dục, phải chăng là có cội rễ từ sự hiểu biết, sự tận tâm của Bác đối với một cái nghề mà Người từng có dịp trải qua? Còn nhớ hồi tháng 10 năm 1945, chỉ một tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đã viết “Lời kêu gọi chống nạn thất học”. Trong thư có đoạn viết:

“Nay chúng ta đã giành được quyền Độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện trong lúc này là nâng cao dân trí...

Muốn giữ vững nền Độc lập

Muốn làm cho dân mạnh, nước giàu

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công việc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ” (2).

Với các em học sinh, trong “Thư gửi học sinh nhân ngày Khai trường” (tháng 9/1945) Bác Hồ viết rất thiết tha và đặt bao niềm tin, bao sự kỳ vọng ở tuổi trẻ Việt Nam:

“... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu” (3).

Đầu năm học 1968- 1969, một năm trước lúc về thế giới người hiền, Bác gửi thư cho cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh toàn ngành Giáo dục - Bác căn dặn:

“Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do Cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật” (4).

Tình cảm, tâm huyết và lời dặn dò của Bác dành cho ngành Giáo dục hôm qua, hôm nay và về sau, mãi mãi sưởi ấm lòng chúng ta, và định hướng cho chúng ta trên hành trình của sự nghiệp trồng người.

T.H

(1) Trong các phần viết trên chúng tôi có sử dụng nhiều tư liệu trích từ cuốn “Hồ Chủ tịch thời niên thiếu”- Tiểu ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Nghệ An tổ chức biên soạn (NXB Nghệ An năm 2000) và một số tài liệu khác.

(2) Hồ Chí Minh “Vì Độc lập, Tự do”- NXB Sự thật- 1970 (trang 63).

(3) Trích theo tập “Văn Hồ Chủ tịch”- NXB Giáo dục- 1971 (trang 207).

(4) Hồ Chí Minh “Vì Độc lập, Tự do”- (Sđd trang 316).

Các tin khác