1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Về những ngày làm tập san ngành

VỀ NHỮNG NGÀY LÀM TẬP SAN NGÀNH

NGUYỄN XUÂN CHÂU

Đầu năm 1991, tôi viết bài “Về bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa” nhằm trao đổi thêm một số điều mà tôi thấy chưa thoả đáng với tác giả sách giáo viên lớp 10 lúc đó. Bài được Báo Giáo dục & Thời đại đăng trong mục “hiểu thêm về tác giả tác phẩm được chọn giảng trong nhà trường phổ thông”. Trong bài viết, tôi cho rằng các câu mở đầu của bài ca dao: Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân không phải là miêu tả “vu vơ”...“có phần khó hiểu”...“Khó thấy được mối liên quan hợp lý với nội dung chính của bài ca”; mà thật ra, bằng cách nói hình ảnh, tưởng vu vơ, chứ đâu phải vu vơ! Trèo lên... bước xuống... biết bao khó nhọc cất công vất vả lặn lội đi tìm người thương! Ca dao ta nào có thiếu những câu nói về nỗi niềm này. Trong bài viết trên, tôi còn bàn thêm về hai câu cuối của bài ca dao: Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thủa nào ra. Có phải hai câu cuối này chỉ là sự lặp lại, là thừa không? Rồi màu hoa tầm xuân, sao nhiều tài liệu lại một mực bảo rằng hoa tầm xuân chỉ có màu trắng hoặc hồng, còn nói hoa tầm xuân xanh biếc là “khó hiểu”? Nhiều năm rồi, cho đến nay tôi vẫn thấy cần phải nói lại: Nhiều vùng ở Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên Huế... người dân gọi một loại cây leo, hoa nở như cánh bướm, có màu xanh biếc là hoa tầm xuân!

Chẳng ngờ, bài viết của tôi đã mở đầu cho một cuộc tranh luận nhỏ trên nhiều số báo Ngành năm đó. Đại để, các tác giả khen điểm này, không đồng ý và bổ sung điểm kia rất phong phú. Nhà nghiên cứu có uy tín Phan Ngọc nhận xét bài viết của tôi  là...“đã phân tích khá kỹ”. Tác giả Lê Thanh đồng tình với tôi về hai câu mở đầu không phải là vu vơ mà rất có ý nghĩa! Rồi bài viết của Trịnh Tố Hoa, Lê Trường Phát ... phân tích thêm.

Sau đó, các bài viết về bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” được tập hợp đưa vào cuốn “ Kho tàng ca dao người Việt- sách tra cứu”. 12 năm sau, TS. Lê Thu Yến trong bài viết “Bài ca dao có nhiều ẩn số” đăng trên tạp chí “Tài hoa trẻ” lại đề cập đến bài viết của tôi và gọi tôi là “nhà nghiên cứu”. Xem ra cảm nhận về bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” còn rất phong phú. Đây cũng là lẽ thường. Khi tác phẩm đã đến với người đọc thì nó có sức sống riêng, tương đối độc lập với tư tưởng ban đầu của tác giả. Nhân đây cũng xin nói lại để tác giả Lê Thu Yến biết, rằng tôi không phải là nhà nghiên cứu, mà chỉ là một nhà giáo làm cộng tác viên cho một số tờ báo ở địa phương và trung ương về lĩnh vực công tác của mình.

Sau bài viết ấy, tôi mới thật sự làm cộng tác viên cho một số tờ báo ở Trung ương và địa phương.

Một thời gian sau, tôi được tổng biên tập một tờ báo mời về công tác ở toà soạn báo, nhưng tôi chỉ xin nhận làm một cộng tác viên. Rồi tôi được mời vào ban biên tập tập san GD ĐT Thừa Thiên Huế ngay từ số đầu, thời gian sau này tham gia phụ trách tờ báo cùng với các đồng chí khác . Tờ báo ngành đã trải qua quá trình xây dựng và phát triển 15 năm. Ấn phẩm này lúc đầu mang tên “Chuyên san Giáo dục Đào tạo TT.Huế”. Chuyên san chỉ có 40 trang, in một màu đơn giản, nội dung thay đổi theo từng số do chưa định hình được các chuyên mục, số lượng phát hành chỉ khoảng 500- 600 bản, chủ yếu cấp cho các trường trực thuộc.

Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Tập san Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên Huế đã khẳng định được vị trí trong làng báo chí ở địa phương, được Hội nhà báo tỉnh cũng như nhiều sở GD&ĐT trong cả nước đánh giá cao, nhiều năm đạt giải trong các hội báo Xuân của tỉnh, được cán bộ, giáo viên, học sinh nhiệt tình cộng tác, đón nhận. Ấn phẩm này đã gửi trao đổi, giao lưu với trên 30 ấn phẩm Giáo dục Đào tạo trong cả nước. Hiện tập san Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên Huế mỗi năm ra 4 số và một số chuyên đề phục vụ công tác nghiên cứu, tham khảo của cán bộ, giáo viên. Nội dung ấn phẩm được định hình 4 phần, vừa mang tính quản lý chỉ đạo, trao đổi kinh nghiệm, vừa là ấn phẩm văn nghệ của ngành. Chất lượng ngày càng được nâng cao, hình thức ngày một đổi mới. Trang bìa được trình bày công phu, ấn tượng, không số nào giống số nào, nhưng số nào cũng gợi được không khí, khá phù hợp với thời điểm được phát hành: Mừng xuân mới, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, chào mừng năm học mới, chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ... Mỗi số giới thiệu 1-2 đơn vị giáo dục ở địa phương. Số lượng bản in hiện nay so với lúc đầu đã tăng gấp 3 lần. Lực lượng cộng tác viên ngày càng được mở rộng, từ chỗ chỉ có các cán bộ, chuyên viên ở sở viết tin bài, nay đã có cộng tác viên ngoài ngành, ngoài tỉnh, nhiều cộng tác viên cộng tác tích cực với Tập san ngành gần cả chục năm nay. Tập san ổn định, phát triển, ngày càng mang tính chuyên nghiệp hoá, biểu hiện từ khâu định hình chuyên mục, quy cách hình thức trình bày, kích cỡ, số trang, đến khâu tổ chức bản thảo, in ấn, phát hành...

Lúc đầu, Ban biên tập chỉ có 7 người, nay đã có một Hội đồng biên tập gồm 15 thành viên, ngoài ra còn có Ban trị sự 5 người. Bảy người trong Ban biên tập thời gian đầu, nay người đã chuyển công tác khác, người về hưu, người đã qua đời, chỉ mình tôi ở lại, trong Ban biên tập mới.

Hồi còn là học sinh ở quê, tôi đã từng làm hầu như tất cả các công việc của người nông dân, từ cấy, cày, gặt hái đến xay, giã, giần, sàng... để làm ra hạt gạo. Nay làm tập san, tuy là kiêm nhiệm,  nhưng 15 năm qua ra khoảng hơn 60 số chuyên san, tập san, tôi cũng lại tham gia hầu như tất cả các khâu của tờ báo, từ viết tin bài, tổ chức biên tập, hình thành bản thảo, xin giấy phép xuất bản, in ấn đến việc phát hành, chuyển báo biếu... Có bột mới gột nên hồ, không có tin bài, không có ấn phẩm. Có lẽ trong ban biên tập, tôi là người thấm thía điều này nhất. Có chuyên mục không có không được. Lại phải xoay chạy bài vở để tập san ra kịp thời. Qua đây tôi càng thông cảm với biên tập viên ở các tờ báo khác. Quả là làm biên tập cũng lắm công phu. Qua quá trình làm báo ngành, tôi “thuộc” từng cộng tác viên từ nét chữ đến cách viết. Cộng tác viên này viết chặt chẽ, sâu sắc, chỉ cần xem đề tài bài viết có phù hợp với tính chất tờ báo, với thời điểm mà báo ra mắt bạn đọc không? Còn tác giả này bài viết tốt, nhưng cần chú ý sửa lỗi chính tả, ngữ pháp. Còn có một cộng tác viên bài viết thường có nội dung  độc đáo, nhưng phải sửa nhiều, có khi phải viết lại thì người đánh máy của Công ty in mới đọc được. Trước tình hình ấy, một đồng chí trong ban biên tập đề nghị không đăng hoặc chuyển số sau để xem lại đã. Nhưng vì quý nội dung bài viết mà tôi đã viết lại. Biết chuyện, anh bảo tôi hai chúng ta ghi tên đồng tác giả.

Về trang thơ của báo, các cộng tác viên gửi nhiều nhưng khó chọn. Các thành viên trong ban biên tập lại không “rành” về mảng này, thế là tôi nhận biên tập luôn. Còn nhớ, có một cộng tác viên gửi bài thơ “Hái quả”. Bài thơ gồm 4 câu, trong đó có hai câu mở đầu là “Trèo lên cây hái quả / Đạp rụng chùm nắng tươi”... Bài thơ có tứ hay, gợi được sự thanh bình, hạnh phúc, lòng yêu đời, yêu người... Nhưng sao tác giả lại dùng từ “đạp” ở đây? Tay vin cành, làm lay động cành lá thì đã đủ làm cho chùm hoa nắng rơi, đâu chờ đến khi chân đạp cành chùm nắng tươi mới rụng? Hơn nữa dùng từ “đạp” nghe “ác chiến” quá. Đọc đi, đọc lại, tôi mạn phép thay từ “đạp” bằng từ “nghe”. Trèo lên cây vin cành hái quả, vòm lá rung rinh hé mảnh trời xanh và thoáng nghe tiếng chùm hoa nắng rơi khi lọt qua vòm lá... thanh thoát hơn, ý vị hơn:

Trèo lên cây hái quả

Nghe rụng chùm nắng tươi ...

Khi trao đổi lại, tác giả đã đồng ý với cách sửa của tôi.

Để có được một cuốn tập san ra mắt bạn đọc, tôi đã trực tiếp về Công ty in  không dưới 10 lần, khi đưa bản thảo, khi thay đổi một bài viết, một bức ảnh, thậm chí chỉ để sửa một chữ mà mình thấy cần thiết ...

Từ những cố gắng như thế của tôi và các thành viên trong ban biên tập, tờ báo ngành  ngày một tốt hơn.

Mới đó mà đã 15 năm. Mười lăm năm ấy, tôi có được niềm vui trong khi làm báo ngành, và tuy chỉ làm kiêm nhiệm, không chuyên, nhưng tập san Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên Huế đã là một phần rất có ý nghĩa trong quá trình công tác của tôi.

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chào và lòng cảm ơn chân thành đến các đồng chí trong Ban biên tập, các Cộng tác viên gần xa 15 năm qua đã cộng tác, động viên, giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ của một thư ký thường trực, một phó ban biên tập Tập san Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên Huế.

N.X.C

Các tin khác