1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Cảm hứng yêu nước

CẢM HỨNG YÊU NƯỚC CỦA NỀN THƠ MỚi
VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX

 Đặng Thị Ngọc Phượng

Con người Việt Nam, văn học Việt Nam luôn lấy tiêu chí yêu nước làm đầu. Thơ mới cũng không nằm ngoài quy luật này. Các nhà Thơ mới trong hoàn cảnh đất nước lầm than luôn trĩu nặng một nỗi niềm ưu tư chua xót. Khát vọng tự do đến sớm với phong trào Thơ mới qua “Những vần thơ” của Thế Lữ. Đặc biệt là bài thơ “Nhớ rừng” một bài thơ độc đáo trong trào lưu lãng mạn, bởi nó mang đến một tiếng nói khác hẳn trên thi đàn (Thơ mới giai đoạn này chủ yếu là thơ tình).

Trong lúc mọi người đều rơi vào tâm trạng bơ vơ, cô độc thì tiếng thơ dõng dạc của bài thơ “Nhớ rừng” thật đáng quý.

Đó cũng là nỗi đau, tủi nhục nhưng bất lực trước vận mệnh lịch sử nước nhà, nên đành chịu cảnh “nhục nhằn tù hãm” và “nằm dài trông ngày tháng dần qua”. Một quá khứ huy hoàng, một quá khứ đầy ắp những chiến công hiển hách, đầy ắp những vinh quang. Chính sự khác nhau giữa quá khứ và thực tại đã làm cho nỗi đau trong lòng của con hổ thêm quằn quại, day dứt, không tìm ra lối thoát.

“Nhớ rừng” mang một khát vọng đớn đau được trở về với cội nguồn: “Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa/Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già/Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi”. Hình ảnh một con hổ nhớ rừng với nỗi nhớ da diết về những ngày của quá khứ oanh liệt đã gợi lên nhiều cảm xúc đẹp:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?...

Trong ý nghĩa sâu xa, con hổ nhớ rừng là biểu tượng thơ ca của niềm khát vọng tự do, là niềm khao khát được trở về thời oanh liệt của ngày xưa. Những dòng thơ mang tâm sự yêu nước thầm kín của thi nhân. Hình ảnh con hổ làm ta nghĩ đến cái thân phận sống trong xiềng xích, bị tước mất tự do, bị trói buộc. Ẩn đằng sau những vần thơ ấy là một tâm tình hoài cổ: “Ta sống trong tình thương nỗi nhớ/ Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa/Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi”, một thái độ phủ nhận thực tại đầy dối trá, buồn nản: “Ghét những cảnh không đời nào thay đổi/ Những cảnh sửa sang tầm thường, giả dối”... Đó cũng là tâm trạng của thế hệ thanh niên thời đại Thơ mới.

“Nhớ rừng” của Thế Lữ đã trở thành khúc nhạc dạo đầu cho những bài thơ mang tâm tình hoài cổ trong phong trào Thơ mới. Và phải chăng chính nỗi nhớ về một thời oanh liệt là khát vọng khao khát tự do của tác giả.

Xét về mặt xã hội, “Nhớ rừng” là tâm trạng chung của thanh niên trí thức Tây học đầu thế kỷ: yêu nước, tự hào nòi giống, họ luôn mang mặc cảm của người dân mất nước nhưng chưa nhận ra con đường cứu nước và chỉ còn nhớ về đất nước thời hoàng kim trong nỗi thở than, tuyệt vọng: “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”.

Gần gũi với hình ảnh trên là hình tượng “Con voi già” của Huy Thông. “Con voi già” chính là biểu tượng về cuộc đời cách mạng của Phan Bội Châu, người chiến sĩ cách mạng lão thành của đất nước mà Huy Thông ngưỡng mộ. Huy Thông đã đem vào thơ một giọng thơ hùng tráng, một cảm hứng lịch sử hùng mạnh và thiết tha.

Có hay đâu gió xuyên sơn lừng lẫy

Đã than lại lời than đau đớn ấy,

Đã khiến cho ở chốn mịt mùng xa

Tấm lòng ta thổn thức, hỡi voi già !

Ông muốn có đôi cánh vô ngần to rộng, để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng, muốn sống mạnh mẽ không chịu tự huỷ hoại một cách tầm thường. Cảm hứng ấy được nuôi dưỡng bằng tình yêu quê hương đất nước.

Thơ Huy Thông có những phẩm chất mới có phần khác lạ so với thơ ca đương thời. Tuổi trẻ tình cảm yêu nước sớm chớm nở, Huy Thông suy tôn và ngợi ca những giá trị cao đẹp trong lịch sử dân tộc, những nhân vật anh hùng trong quá khứ và hiện tại “giấc mộng Lê Đại Hành” bày tỏ qua ý chí của cá nhân anh hùng trong lịch sử khát khao vươn tới những chân trời xa. Tâm lý ấy có căn cứ trong hoàn cảnh Tổ quốc luôn bị kẻ thù rình rập và xâm lược:

Ta sẽ đưa binh Nam đi vùng vẫy

Khắp bốn phương, trời đất mịt mùng tăm

Bầu mênh mông chuyển động tiếng loa gầm

Tiếng gươm ca, tiếng trống hồi, ngựa hí

Binh Nam Quốc như hải triều kiêu hãnh

Sẽ cuốn theo cùng cát phủ, cùng mây nhanh, cùng gió mạnh.

Chính lòng yêu nước đã tạo cho thơ Huy Thông những tình cảm cao đẹp, mạnh mẽ. Chất hùng tráng trong thơ được tạo nên từ chất hùng tráng của lịch sử, với những danh tướng cùng các kỳ tích trên chiến trường, của những khát vọng lịch sử cao cả,  trong sáng, và một phần là ảnh hưởng của Victor Hugo, Leconte de Lisle... Huy Thông đã ngợi ca và hoà nhập :

Nén đau thương, Vương ngậm ngùi sẽ kể

Niềm ngao ngán vô biên như trời bể

Ôi! tấm gan bền chặt như Thái Sơn

Bao nhiêu thu cay đắng chẳng hề sờn !

Ôi! những trận mạc khiến trời long đất lở !

Những chiến thắng tưng bừng, những vinh quang rực rỡ!

Ôi! những võ công oanh liệt chốn sa trường!

Những buổi tung hoành, lẫn lộn trong rừng thương!

Những dũng tướng bị đầu văng trước trận... !

Nhưng, than ôi vận trời đã tận

Sức “lay thành nhổ núi” mà làm chi?

                                                       “Tiếng dịch sông Ô”

Nhân cách riêng của mỗi con người chỉ thực sự phát triển trong hoàn cảnh đất nước được tự do. Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, những nhà Thơ mới không trực tiếp nói về cảm xúc của mình, phải mượn hình tượng gián tiếp để tìm về quá khứ vàng son, một quá khứ một đi không trở lại. Chế Lan Viên thực hiện một cuộc hành trình trở về quá khứ với hình ảnh của nước Chiêm Thành xưa trong tập thơ “Điêu tàn” ông đã gửi gắm tâm sự yêu nước của mình qua những trang thơ về một đất nước “Điêu tàn”. Những “chiếc sọ người”, “xương khô”, “đóm lửa ma trơi”, “đầu lâu”, “hồn”, “máu”... đi vào thơ:

Và hồn, máu, óc, tim, trong suối mực

Đua nhau trào lên giấy khúc buồn thương

                                              “Tiết trinh”

Quá khứ nước Chàm bi hận là khách thể để thơ ông thăng hoa, để tư tưởng siêu hình cất cánh. Nguyên nhân nào đã khiến Chế Lan Viên chọn một đối tượng phản ánh mang tính trừu tượng, siêu hình như thế? Trở lại bối cảnh xã hội lúc bấy giờ ta thấy trước cuộc sống bế tắc, khủng hoảng, các nhà thơ không biết bám víu vào đâu. Một số người lao vào tình yêu “than mây, khóc gió”, còn Chế Lan Viên thì chọn cho mình một lãnh địa phù hợp để qua đó gián tiếp nói lên những nghĩ suy và xúc cảm của mình:

Tạo hóa hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc!

Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian!

Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt !

Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn !

                                  “Những sợi tơ lòng”

Bất lực, nhà thơ không dám hành động, chỉ biết trốn tránh hiện thực, đi sâu vào khai thác tâm hồn mình, nuối tiếc và than khóc. Vì dù sao, trong cái đau bất tận ấy, vẫn còn gạn được chút ít tâm trạng day dứt của một người dân mất nước, đứng trước thảm họa của dân tộc mà không dám hành động. Nhưng “Điêu tàn” đã thiếu hẳn một phần quan trọng là cuộc sống khách quan. Cuộc sống đem lại cho thơ những con người, sự việc phong phú. Nghệ sĩ đã truyền cho những sự việc, con người ấy một linh hồn, đem vào đó cả một tâm tình, làm cho người đọc có những cảm xúc thẩm mĩ. Sự kết hợp hài hoà giữa cuộc sống và tâm hồn nghệ sĩ tạo nên thế cân bằng cho bài thơ.

Nỗi đau của dân tộc Chàm được Chế Lan Viên đồng hoá với nỗi đau của dân tộc Việt. Nỗi buồn của Chế Lan Viên có khác với nỗi buồn của các nhà thơ lãng mạn cùng thời. Đó là nỗi buồn của con người trước thực tại chán chường, nỗi đau của một thân phận nô lệ. Nhận xét về “Điêu tàn”, Hồ Thế Hà cho rằng: “Cái nhìn bi quan của Chế Lan Viên bằng cách vực dậy từ đổ nát, điêu tàn của một dân tộc đã đi vào quá khứ là có lý do của nó. ông đang gián tiếp nói nỗi đau của dân tộc Việt.

Có điều, không gian “Điêu tàn” được tô những gam màu mạnh quá ngưỡng tâm lý nên tạo ra sự rùng rợn, bi quan”. Thế giới “Điêu tàn” là thế giới hoài vãng siêu thực, nhưng thực ra đó cũng là một trong những cách phản ánh hiện thực cuộc sống. Phải chăng trong cách thể hiện của tác giả, “đó là âm bản của cuộc sống hiện tại” như cách nói của Chế Lan Viên: “Khi đã buồn hiện tại thì quay về tháp xưa”. Hãy nghe Chế Lan Viên viết về thi phẩm của mình: “Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu? Kia kìa có đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi”.

Thông qua một thế giới tưởng tượng thần bí, tác giả đã nói lên được một hiện thực đau đớn của chính mình. Những chất chứa đau thương trong thơ như dồn nén tự bao giờ biểu hiện qua những suy tưởng sâu sắc. Tình cảm yêu nước ấy bộc lộ kín đáo bởi anh khóc số phận của những dân tộc bị đô hộ. Tràn ngập trong “Điêu tàn” là nỗi buồn không dứt về thân phận mất nước. Chính niềm đau dân tộc ấy là một nét đáng quý, tạo nên cái khuynh hướng xã hội kín đáo và chút tình đời ấm áp của tập thơ.

Có thể nói, việc hướng về quá khứ lịch sử đã thể hiện tâm sự yêu nước thầm kín của các nhà Thơ mới. Lòng yêu nước ấy biểu hiện trong thơ qua nhiều cách, không bộc lộ trực tiếp trên mạch đấu tranh xã hội, chính trị, chỉ có thể thấy tâm sự yêu nước ấy ở nỗi niềm nhớ thương luyến tiếc một thời vàng son của đất nước, ở khát vọng tự do, ở sự trân trọng những phong tục tập quán đẹp từ lâu đời và những phản ứng của những nhà thơ đương thời trước thực tại nhiều đau thương tủi nhục. Phải chăng đó là: “Những khát vọng hướng tới sự tự do của con người, của xã hội”. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng.

Đ.T.N.P

Các tin khác