1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Giáo dục KTTH-HN ở Thừa Thiên Huế

GIÁO DỤC KỸ THUẬT TỔNG HỢP - HƯỚNG NGHIỆP Ở THỪA THIÊN HUẾ, MỘT SỐ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN SỚM ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

NGUYỄN VÊ

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Về lí luận giáo dục, Giáo dục kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp (GD. KTTH-HN) nhằm chuẩn bị cho học sinh sau khi học xong cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) có thể đi vào cuộc sống lao động hoặc tiếp tục được đào tạo theo ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội. Thực hiện tốt nội dung GD. KTTH-HN trong trường phổ thông sẽ góp phần tích cực trong việc phân luồng học sinh sau khi học xong cấp THCS và THPT, giải quyết một yêu cầu bức thiết của kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về mặt văn bản chỉ đạo, từ Luật Giáo dục đến các văn bản của Bộ GD&ĐT đã xác định rõ nội dung, yêu cầu của GD. KTTH-HN. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai nhiệm vụ, GD. KTTH-HN vẫn chưa được các cấp quản lý Nhà nước, các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường phổ thông quan tâm đúng mức. Những mục tiêu, nội dung giáo dục KTTH-HN chưa được triển khai thực hiện đầy đủ; sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về kế hoạch, nội dung chương trình vẫn còn thiếu tính ổn định, phương tiện hoạt động của các cơ sở GD. KTTH-HN chưa được đầu tư thỏa đáng để có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Ở bài viết này, chúng tôi xin nêu một số thành quả đạt được về GD. KTTH-HN ở Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết.

II. Những kết quả đạt được

Trong nhiều năm học qua, với sự nỗ lực của ngành, của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, các trung tâm KTTH-HN đã có được một số kết quả đáng ghi nhận.

1. Về số lượng trung tâm KTTH-HN và số học sinh tham gia học nghề phổ thông

So với 64 tỉnh, thành trong cả nước, Thừa Thiên Huế thuộc nhóm  tỉnh có tỷ lệ trung tâm KTTH-HN/ số huyện, thành phố cao nhất (12 trung tâm / 9 huyện, thành phố. Số học sinh THCS và THPT tham gia học nghề tại các Trung tâm chiếm tỷ lệ khá cao (gần 80% đối với học sinh THCS, 90% đối với học sinh THPT). Có trường, tỷ lệ học sinh học nghề phổ thông đạt gần 100%.

Có được kết quả cao về số lượng huy động học sinh tham gia tư vấn hướng nghiệp và học nghề phổ thông là nhờ Sở Giáo dục và (Đào tạo GD&ĐT) làm tốt công tác chỉ đạo, các Trung tâm đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp tốt với các nhà trường phổ thông để tổ chức, quản lý học sinh giải quyết chế độ ưu tiên đối với học sinh tham gia học nghề trong thi tốt nghiệp và tuyển sinh, cũng như đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp và dạy - học nghề phổ thông.

2. Về công tác tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông ở các Trung tâm KTTH-HN.

Số nghề được triển khai dạy ở các Trung tâm qua nhiều năm nay là 16 nghề. So với yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chúng ta còn thiếu nhiều nghề; tuy nhiên đây cũng là một nỗ lực lớn của Sở GD&ĐT và của các Trung tâm. Một số trung tâm như Phú Vang, Huế (nay là Trường THPT Cao Thắng), Thành Nội đã tranh thủ nhiều dự án nước ngoài để bổ sung nguồn thiết bị bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ phục vụ hoạt động dạy nghề phổ thông, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dạy nghề.

So với các môn học trong chương trình của trường phổ thông, nghề phổ thông đa dạng, phong phú hơn. Bộ GD&ĐT ban hành chương trình khung, khi triển khai thành các tiết học với những nội dung phù hợp, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Trung tâm cụ thể hóa thành chương trình chi tiết để triển khai giảng dạy. Công việc này đòi hỏi chuyên viên ở Sở và giáo viên các Trung tâm phải có năng lực mới thực hiện thành công được.

Là một hoạt động giáo dục mới được hình thành từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, giáo viên được cung ứng từ nhiều nguồn, phần lớn chưa qua trường lớp đào tạo nghề một cách bài bản; chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về chuyên môn còn chậm và còn nhiều bất cập; điều kiện phục vụ cho hoạt động dạy nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp còn thiếu thốn, lạc hậu; trong những năm qua GD. KTTH-HN ở Thừa Thiên Huế đạt được những thành quả như thế là rất đáng khích lệ.

3. Một số Trung tâm, ngoài hoạt động tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông cho học sinh, đã vươn ra dạy nghề ngắn hạn cho xã hội, góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về lĩnh vực GD. KTTH-HN - một yêu cầu trong quá trình đào tạo những công dân tương lai có đủ phẩm chất và năng lực phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển - chúng ta còn phải giải quyết nhiều vấn đề.

 

III. NhỮng hẠn chẾ, vưỚng mẮc cẦn đưỢc giẢi quyẾt trong hoẠt đỘng hưỚng nghiỆp, dẠy nghỀ phỔ thông

Sau đây là một số khó khăn, hạn chế mà các Trung tâm gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

1. Hạn chế về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ hoạt động dạy nghề

Toàn tỉnh hiện có 12 Trung tâm KTTH-HN, trong đó có 3 trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện kiêm nhiệm thêm chức năng GD. KTTH-HN. 100% trung tâm KTTH-HN đều sử dụng cơ sở cũ, trước đây là trường phổ thông. Trong quá trình sử dụng, trung tâm phải cải tạo lại, vì vậy không có phòng học nghề đúng chuẩn. Nhiều trung tâm xuống cấp trầm trọng, CSVC phải vá víu để tạm thời hoạt động. Có trung tâm đang làm việc trong một cơ sở hành chính của chế độ cũ, đổ nát.

Thực trạng về CSVC, trang thiết bị, quy mô của một số trung tâm hiện nay, đặc biệt là các trung tâm ở tuyến huyện không thể đáp ứng yêu cầu chủ yếu của học nghề và hướng nghiệp của học sinh trên địa bàn.

Trong thời gian qua và cả hiện nay, các chương trình đầu tư xây dựng CSVC mang tầm quốc gia như chương trình kiên cố hóa trường học không có danh mục đầu tư xây dựng Trung tâm KTTH-HN. Chương trình đầu tư trọng điểm của tỉnh cho GD&ĐT cũng không thấy đề cập việc đầu tư xây dựng CSVC cho Trung tâm KTTH-HN.

2. Hạn chế về công tác tư vấn hướng nghiệp phục vụ phân luồng học sinh

a) Trước hết là khó khăn về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và sau tốt nghiệp THPT. Đây là vấn nạn đối với ngành và xã hội. Hầu hết học sinh tốt nghiệp THCS đều có nhu cầu tiếp tục học THPT và hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT có nhu cầu vào đại học, cao đẳng. Tỷ lệ học sinh có nhu cầu vào trường đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp rất hạn chế. Hiện tượng đó đã gây không ít khó khăn cho công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các cấp THCS và THPT.

b) Công tác tư vấn hướng nghiệp đòi hỏi giáo viên tác nghiệp phải hội đủ nhiều điều kiện: kiến thức về nghề nghiệp trong xã hội, tài liệu được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, khâu điều tra phải tỷ mỹ, chính xác... Thế nhưng, ở các Trung tâm KTTH-HN, người làm công tác này được lấy từ giáo viên của trung tâm, phần lớn còn bất cập về các điều kiện và yêu cầu tác nghiệp.

c)  Điều kiện về trang thiết bị phục vụ công tác tư vấn hướng nghiệp thiếu thốn. Các trung tâm phải chắt chiu từng phần kinh phí có được từ ngân sách để mua sắm, tự tìm kiếm tài liệu để sử dụng.

3. Hạn chế về đội ngũ giáo viên dạy nghề

Nguồn giáo viên dạy nghề ở các trung tâm trong thời gian qua được lấy từ giáo viên phổ thông. Do thành thạo một nghề, họ được ngành chú ý và vận động sang dạy nghề ở các trung tâm một số giáo viên này ngày càng lớn tuổi, nguồn bổ sung giáo viên nghề cho các Trung tâm đang bế tắc vì không có cơ sở đào tạo.

Khi thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, có nơi đã yêu cầu trình độ giáo viên dạy nghề tại các trung tâm phải đủ chuẩn đại học. Thiết nghĩ đó là một yêu cầu chưa hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Chuẩn đại học là để dạy chuyên môn các bộ môn văn hóa tại các trường THPT. Trung tâm KTTH-HN tuy làm nhiệm vụ dạy nghề phổ thông cho học sinh THCS và THPT, nhưng nội dung, chương trình giảng dạy của họ là phần nghề, do đó hiện tại, để đáp ứng yêu cầu đội ngũ chưa cần phải yêu cầu chuẩn đại học như giáo viên giảng dạy các bộ môn văn hóa. Yêu cầu của Bộ GD&ĐT cũng đã nêu: giáo viên dạy nghề phổ thông có thể là các nghệ nhân, người thông thạo một nghề phù hợp kế hoạch đào tạo của trung tâm.

Nói tóm lại, Trung tâm KTTH-HN là một cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, được đề cập trong Luật Giáo dục, có Quy chế tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên so với các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân, nó còn bị hạn chế nhiều mặt: chưa có văn bản quy định quy mô, cả về CSVC lẫn đội ngũ; chưa có cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, chưa có quy định chuẩn giáo viên... Tất cả những hạn chế đó đã gây không ít khó khăn cho các Trung tâm trong quá trình hoạt động cũng như gây khó khăn cho Sở GD&ĐT trong chỉ đạo điều hành hoạt động hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm KTTH-HN và công tác hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông trên địa bàn, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị sau:

1. Phải làm cho toàn xã hội hiểu được một cách thấu đáo mục đích yêu cầu của công tác hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông.

Nghề PT nhằm đào tạo cho học sinh kỹ năng cơ bản về một nghề để các em có thể hành dụng trong cuộc sống hằng ngày, giúp các em giải quyết một cách cơ bản nhất những yêu cầu có tính sơ đẳng về kỹ năng thực hành. Ví dụ học nghề điện kỹ thuật, các em hiểu được nguyên tắc hoạt động của hệ thống điện ánh sáng, có kỹ năng kết nối được hệ thống điện thắp sáng trong nhà, có thể sửa chữa khi cầu chì hỏng, hiểu được vì sao nồi cơm điện nhà mình bị hỏng... để có thể tự sửa một cách cơ bản. Như vậy, khi học nghề phổ thông ở các Trung tâm, có thể học sinh chưa có được kỹ năng hành nghề một cách thành thạo như một người thợ lành nghề đã học qua trường dạy nghề. Những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà các em được học tập trong các Trung tâm chỉ là bước khởi đầu. Bước khởi đầu này sẽ tạo niềm đam mê nghề nghiệp, sẽ là cơ hội giúp các em xác định hướng  đi vào nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ về vị trí vai trò của trung tâm KTTH-HN để nâng cao nhận thức trong xã hội đặc biệt là trong chính quyền các cấp để có sự đầu tư cho Trung tâm.  Hiện nay vẫn còn không ít người chưa hiểu hết chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm KTTH-HN cũng như mục đích của việc dạy học nghề phổ thông. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục nghề phổ thông cũng như đầu tư xây dựng các Trung tâm KTTH-HN.

2. Nhà nước từ Trung ương đến cấp tỉnh phải có chính sách đầu tư thỏa đáng cho các Trung tâm KTTH-HN như đã đầu tư cho các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

3. Trước mắt, tham mưu lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo 3 huyện Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới (3 Trung tâm GDTX đang kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp, dạy nghề) có kế hoạch chia tách, thành lập (Trung tâm KTTH-HN. các năm qua chất lượng dạy học của 3 Trung tâm GDTX này quá thấp, một phần do đã khó khăn lại kiêm thêm nhiệm vụ dạy nghề phổ thông ! )

4. Các Trung tâm tiếp tục tham mưu lãnh đạo địa phương và Sở GD&ĐT về kế hoạch xây dựng CSVC, kế hoạch bổ sung nguồn giáo viên bằng cách gửi đi đào tạo, vận động số giáo viên có tay nghề cao thuộc các nghề có tính truyền thống ở các cơ sở giáo dục hoặc các nghệ nhân về giảng dạy ở Trung tâm...

5. Bộ GD&ĐT cần đầu tư tài liệu, thiết bị cho công tác hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông một cách thích đáng như đã đầu tư các điều kiện cần thiết cho các trường phổ thông; làm cho hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông có tính ổn định thông qua sự chỉ đạo của Bộ về kế hoạch, nội dung chương trình, các quy định về đánh giá trong chương trình giáo dục cấp THCS và THPT.

N.V

Các tin khác