Góp lời bình thơ
NGÔ VƯU
Ngày 16/8/2008, nhà giáo, nhà thơ Trần Hòa Bình đã ra đi ở tuổi 53. Nhưng anh sẽ sống mãi trong tâm hồn những người yêu thơ trẻ. Thêm một là bài thơ hay nhất của anh, xin được giới thiệu với bạn đọc qua lời bình (trích bài tập làm văn) của học sinh lớp 12 chuyên văn trường Quốc Học Huế, từng đạt huy chương Vàng, huy chương Bạc Olympic 2007.
Thêm một
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết...
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một - lắm điều hay
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một - phiền toái thay !
Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Nhưng thêm chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc.
Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Có thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi
Nhận thêm một thiệp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng rằm
Lại thấy mình đang khuyết...
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một lắm điều hay.
Trần Hoà Bình
Tình bạn tình yêu - Thơ - NXB Giáo dục, 1987
* “Có khi anh lặng ngắm mưa rơi? Có khi anh thì thầm cùng gió? Có khi anh bước dưới trời sao? Có khi cùng ai cười trong nắng... Có khi Trần Hòa Bình Thêm một với đôi mắt tinh tế đầy mộng mơ:
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Hai câu thơ gợi về một miền cổ tích giữa đời thường, có gió, có lá, có mùa thu, Thơ nhẹ mà rất động! Khi gió đến làm lá rơi, lá kéo mùa thu tới...
Có nhiều thứ đã trở thành quy luật. Một chút thôi, cũng là quy luật. Thêm chỉ một thôi nhưng cũng tạo nên điều mới ! Cái hay là nhà thơ Trần Hòa Bình đã gom những cái “thêm một” lại, vẽ nên hình tượng thơ, góp nên lẽ thường, tạo thành triết lí...
Như một giọt nước tràn li, chỉ “thêm một” thôi, tuy bé nhỏ nhưng cũng là ranh giới. Khi đã đong đầy, lúc đã dâng cao, chỉ một chút nữa thôi, thêm một nữa thôi là vượt qua ranh giới, những tình yêu mới, những cảm xúc mới ùa về, tràn về, ào ạt như sóng tràn bờ...
Có những thêm một của tự nhiên, cũng có những thêm một chỉ của riêng con người:
Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi...
Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở...
Tuy lắm điều hay đấy nhưng thêm một cũng phiền toái thay. Tình cảm bắt nguồn từ trái tim, mỗi lần thêm một, trái tim lại đau nhói:
Thêm một đêm trăng rằm
Lại thấy mình đang khuyết...
Bỗng dưng “vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” của Xuân Hương hiện về, lại càng thấy cô đơn. Bao nhiêu cái trăng rằm đã qua mà chưa một lần viên mãn. Mùa thu này trăng khuyết. Và có lẽ hàng vạn rằm sau nhà thơ vẫn đang khuyết. Bởi anh đã ra đi...
Chúng ta gọi anh là nhà thơ thêm một bởi bài thơ tinh tế ấy đã phát hiện, khái quát quy luật bằng những cái gần gũi, giản đơn. Thêm một có lúc khiến người hạnh phúc, cũng có lúc khiến người mất mát. Khi nào nên và lúc nào không nên một chút ấy được thêm? Tôi không biết! Mà có lẽ nhà thơ cũng không biết đâu... Và chúng ta chắc cũng không nên biết. Bởi cuộc sống còn gì là thi vị, là niềm vui, nỗi buồn nếu mọi thứ đều được biết trước?”. (Nguyễn Hoài Minh Châu, HS lớp 12 chuyên văn Quốc Học Huế).
* “Cuộc đời này đôi khi chẳng xuôi chiều như ta tưởng. Khi khóc, khi cười; khi mưa, khi nắng; khi thêm, khi bớt,... Có khi thêm là một niềm vui nhưng cũng có khi là một nỗi buồn. Thêm một của Trần Hòa Bình chỉ nói những điều giản dị như thế nhưng vẫn cứ âm vang.
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết
Khi lá rụng đầy những khoảng vắng; một sớm mai thu tinh khiết với những tiếng chim gù. Điều đó ai cũng nhận ra, cảnh vật ấy vẫn cứ tái hiện tuần hoàn trước mắt chúng ta nhưng chỉ Trần Hòa Bình biết nhặt nhạnh, nâng niu và vẽ lên được một cách sinh động. Từ những điều bình dị, nhà thơ ghi lại, khái quát thành những quy luật. Không màu mè, không kiểu cách, lối nói thật tự nhiên. Đơn giản nhưng ấn tượng đến kì lạ!
Có thể nói rằng Thêm một là bài thơ hiện đại nhưng cái duyên là ngôn từ truyền thống. Cả bài thơ là một chuỗi đan cài lối nói tự nhiên của tiếng Việt: “chiếc lá rụng”, “mùa thu”, “Dĩ nhiên là tôi biết”, “Tức thì em bỏ đi”,... Tác giả đưa ta vào một thế giới rất riêng của tâm hồn bằng một con đường chung là sự giản dị.
Bao giờ dưới chân nến cũng là bóng tối, đằng sau thiên đường tình yêu là nỗi đau chết trong lòng một ít. “Thêm một - lắm điều hay”, nhưng:
Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Nhưng thêm chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc
Trần Hòa Bình bao nhiêu tuổi mà tả chuyện “lẫy”, chuyện giận hờn vu vơ của tình yêu hay đến thế? Trầm ngâm, chiêm nghiệm và yêu thương giận dỗi là trẻ hay già? Tuổi tác có quan hệ gì đâu. Cái chính đó là sự cảm nhận tinh tế và tâm hồn rung cảm. Sự biến tấu ngôn từ trong đoạn thơ này được Trần Hòa Bình vận dụng triệt để, dùng cả những từ ít chất thơ: “dại dột”, “lầm lì”,... Dùng được những từ ấy phải có bản lĩnh cao cường.
Khổ thơ đầu có sự phối hợp vần điệu khá nhịp nhàng nhưng đến khổ thứ tư và thứ năm thì vẫn thể thơ ấy nhưng trong cách dùng vần đã có sự trúc trắc:
“Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Có thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi!
Nhận thêm một thiệp mời
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng rằm
Lại thấy mình đang khuyết”...
Từng cặp hình ảnh đối lập được sử dụng “lời hứa” - “khả nghi”, “thiệp mời” - “lẻ loi”, “trăng rằm” - “trăng khuyết”, nhà thơ đưa người đọc vào những cảm xúc vui buồn, lẫn lộn đan xen,... Vẫn lối viết dung dị ấy nhưng chiều sâu tâm hồn lại càng phát triển thêm, thể hiện một hồn thơ yêu đời, yêu người và luôn trăn trở.
Một nén tâm nhan tưởng nhớ linh hồn nhà thơ Trần Hòa Bình, để biết rằng lòng ta đã mở:
Thêm một người mới đến
Lại một người ra đi”
Lê Thị Phương Hà - HS lớp 12
chuyên văn Trường Quốc Học Huế)
* “Cuộc sống của chúng ta là một vườn hoa đa sắc. Con người với những tâm tư và tình cảm của mình đã góp phần làm nên vườn hoa ấy. Là người thì ai cũng có cảm xúc nhưng để gọi tên được một sự vật vừa cụ thể vừa trừu tượng như thế thì phải có sự tinh tế của người nghệ sĩ. Nhà thơ là người nói được cái bình thường nhất mà những người khác không nói được.
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết...
Đời sống luôn gắn bó với những kết nối và biến chuyển, đó là lẽ tự nhiên nhưng để có được sự biến chuyển ấy đôi khi chỉ cần thêm một tác động nho nhỏ. “Thêm một” là để chỉ sự tác động ấy. “Thêm một” là cái cuối cùng của sự “thêm” nhưng lại bắt đầu cho nhiều cái mới, đó có thể là “chiếc lá rụng” làm thành “mùa thu” hay “tiếng chim gù” làm nên “ban mai tinh khiết”. Nó đánh dấu sự chuyển giao có lẽ đã một phần được báo trước, nhưng “thêm một” là cái mốc mà nhà thơ đã tinh tế nhận ra. Và có những sự “thêm” như giọt nước làm tràn ly nước.
Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Nhưng thêm chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc
Tình yêu thì phải khác, khi người ta yêu rồi thì dường như là duy nhất. Đến đây ta mới hiểu rằng bài thơ là tiếng lòng của nhân vật trữ tình bồi hồi, xao xuyến cũng như nuối tiếc trong tình yêu. Từ xưa đến nay có ai “định nghĩa được chữ yêu” rõ ràng đâu, bởi vì tình yêu là chỉ một, không ai yêu người khác cùng một cảm xúc, tình cảm như nhau, yêu không bao giờ giống nhau giữa đôi lứa này và đôi lứa kia. Yêu thì muôn hình vạn trạng và cũng chẳng bao giờ có cái gọi là chuẩn mực của ứng xử trong tình yêu, mỗi người phải tự khám phá cho riêng bản thân mình. Và bởi vậy mà tình yêu luôn tinh khôi, luôn là sự bắt đầu của những bắt đầu. Thứ tình cảm kì diệu ấy hiếm khi tồn tại trong êm đềm mà phải trải qua nhiều sóng gió. Tình yêu thì không có giới hạn nhưng nó luôn ổn định ở một mức nào đấy. Phá vỡ sự ổn định ấy là hiện tượng vượt “lim” một cách nguy hiểm. Người ta có thể nhìn chiếc lá rụng xuống để đoán biết mùa thu đến, nghe tiếng chim thấy được ban mai, nhưng khó tưởng tượng ra những điều bấc trắc có thể làm nên sóng gió:
Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Có thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi !
Tình yêu đòi hỏi sự cân bằng trong thế giới riêng tư chỉ có hai người, phá vỡ sự cân bằng ấy thì hạnh phúc sớm biến thành nỗi buồn, bi kịch. Và cứ thế, có những sự “thêm” làm cho đời đẹp hơn nhưng trái lại, cũng có những sự “thêm” làm cho bản thân chợt nhận ra mình trống vắng.
Nhận thêm một thiệp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng rằm
Lại thấy mình đang khuyết...
Phải chăng đây là một sự mâu thuẫn khi càng “thêm” thì lại càng thấy “buồn” và lẻ loi hơn? “Thêm” chẳng phải lúc nào cũng tốt, thế nên con người ta dù tham lam đến mấy cũng nên dừng lại đúng lúc, chẳng nên lúc nào cũng vơ vào mình tất cả. Sự “thêm” như thế này cũng như là tháng năm trôi, chỉ “thêm một đêm trăng rằm” bỗng nhận ra “mình đang khuyết”.
“Thêm một” ấy dẫu là con đường dẫn ta đến niềm vui hay nỗi buồn đều đánh dấu trong ta sự thức tỉnh. Và đôi khi ta cảm thấy chẳng gì có thể định nghĩa được trên đời khi mà “thêm một” lại có nghĩa là bớt đi nhiều và ngược lại. Cũng chẳng tại vì điều gì cả, đời sống tình cảm của con người ta rất phong phú, vơi rồi lại đầy, đầy rồi lại vơi. Sự thay đổi phá bỏ cái bình lặng, tạo nên hứng thú, khát vọng và tình yêu cuộc sống”. (Đặng Thị Diệu Huyền, Học sinh lớp 12 chuyên văn Trường Quốc Học Huế).
N.V