1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Lịch sử nước ta

ĐỌC BÀI THƠ LỊCH SỬ NƯỚC TA
CỦA HỒ CHÍ MINH

TS. HOÀNG THỊ THU THỦY

“Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Đọc những câu thơ mở đầu của bài thơ Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh khiến ta thấm thía một cách sâu sắc lời dạy của Bác. Bài thơ đúc kết toàn bộ lịch sử nước ta từ năm 2979 trước công nguyên đến năm 1942, với 208 câu thơ lục bát. Một kiểu đúc kết vừa tường minh, vừa hình tượng, vừa ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ qua vần thơ lục bát mềm mại và uyển chuyển.

Với một bài thơ dài, liệt kê nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nên đọc như thế nào? Trước hết, dựa vào dấu hiệu hình thức: Bố cục chia làm 9 phần, đoạn ngắn nhất 4 câu, đoạn dài nhất 38 câu; sau đó dựa vào dấu hiệu nội dung: Mỗi phần viết về một chặng đường lịch sử.

Đoạn 1 gồm bốn câu thơ, khái quát quan điểm của Hồ Chí Minh: Dân ta phải giỏi sử ta – quan điểm này thấm sâu trong tâm hồn vị Chủ tịch kính yêu. Người nắm vững những kiến thức lịch sử một cách tường tận qua sự dạy bảo của cụ Nguyễn Sinh Sắc từ thuở ấu thơ; nên giờ đây viết lại lịch sử dân tộc không bằng những câu chữ khô khan mà bằng thể thơ lục bát - một thể loại trữ tình chuyển tải một nội dung tự sự.

Đoạn 2, gồm 34 câu kể về lịch sử nước ta từ “Hồng Bàng là tổ nước ta” đến “Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu”. Hồ Chí Minh liệt kê những tấm gương anh hùng chống giặc cứu nước và ở mỗi hình ảnh liệt kê đều kèm lời bình luận. Ví dụ: Nhắc đến Phù Đổng – bình luôn “Thiếu nhi ta rất vẻ vang”; hoặc khi nhắc đến Hai Bà Trưng, Triệu Ẩu – nhận xét “Phụ nữ ta chẳng tầm thường / Đánh đông, dẹp bắc làm gương để đời”; rồi kết lại một giai đoạn lịch sử vừa có số liệu thống kê vừa đề cao tinh thần đoàn kết của dân tộc: “Kể gần sáu trăm năm trời / Ta không đoàn kết bị người tính thôn”… Khi chuyển mạch trong đoạn, tác giả dùng kiểu câu cảm thán, vừa khẳng định vừa ngợi ca “Anh hùng thay! Ông Lý Bôn”; hoặc khi kể về anh hùng Mai Thúc Loan xuất thân từ nông dân, tác giả ngợi ca “Thương dân cực khổ xót xa / Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu”. Mỗi chi tiết, mỗi sự kiện, mỗi nhân vật lịch sử đều được Hồ Chí Minh bình luận, đánh giá, ngợi ca, khái quát; hình tượng thơ thì dồi dào sức sống và giàu cảm xúc. Ví dụ: bàn về thất bại của Mai Thúc Loan tác giả cho rằng vì “Dân ta đoàn kết chưa sâu”; hoặc là Tàu xâm chiếm ta “Vì Lý Phật Tử ngu hèn”…

22 câu tiếp theo của đoạn 3 kể chuyện từ khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, đến chuyện “Họ Lý truyền được chín đời / Hai trăm mười sáu năm giời thì tan”. Một thời kì lịch sử với các đời vua “Đinh – Lê – Lý” với bao biến động mà chỉ kể trong 22 câu hàm súc mà cũng dễ nhớ. Cách tổng kết vừa chính xác vừa hình tượng. Họ Đinh 2 đời, họ Lê 2 đời, và họ Lý đến 9 đời. Tác giả phân tích hoàn cảnh lịch sử của mỗi triều vua một cách ngắn gọn, khúc chiết. Kết lại giai đoạn này là những câu thơ ngợi ca công lao của các vua đời Lý  “Mở  mang văn hoá  nước nhà”…“Đuổi quân nhà Tống, đánh quân Chiêm Thành”…

Riêng nhà Trần tác giả dành đến 28 câu thơ để ngợi ca, với giọng thơ hào sảng “Nhà Trần thống trị giang san / Trị yên trong nước, đánh tan địch ngoài”. Dù quân giặc “Quân Nguyên binh giỏi tướng tài / Đánh đâu được đấy dông dài Á, Âu” mà vị tướng tài Trần Hưng Đạo vẫn “hai lần đại phá Nguyên binh”; “Quốc Toản là kẻ có tài…/  Mấy lần đánh thắng quân Nguyên”... “Đời Trần văn giỏi võ nhiều / Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiền minh / Mười hai đời được hiển vinh / Đến Trần Phế Đế nước mình suy vi”…Giọng thơ, nhịp thơ, hình ảnh thơ gợi lên một “hào khí Đông A”, một tinh thần “đồng quang hoà trần” - một tâm thức văn hoá rực rỡ của lịch sử dân tộc thời kì này.

Từ Hồ Quý Ly đến đời vua Lê Thánh Tông, tác giả chỉ viết 18 câu mà khái quát được chuyện “họ Hồ chính sự phiền hà / Để trong nước lòng dân oán hận” như lời Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo; đến chuyện kháng chiến chống giặc Minh 10 năm oanh liệt và kết lại bằng hình ảnh “Vua hiền có Lê Thánh Tông / Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành”. Kết cấu của tác phẩm vừa linh hoạt, vừa sáng tạo. Giai đoạn lịch sử nào tuôn trào cảm xúc ngợi ca, dòng thơ chảy trôi như không hạn định về số câu. Giai đoạn lịch sử nào có nhiều biến động do “thù trong giặc ngoài” thì chỉ nhắc lại những dấu mốc lịch sử kèm theo lời nhận xét, đánh giá. Với những cuộc nội chiến liên miên trong 3 thế kỷ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII tác giả chỉ viết ngắn gọn trong 10 câu, rồi kết luận “Nguyễn Nam, Trịnh bắc đánh nhau / Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng”. Kiểu viết ngắn gọn, súc tích mà thể hiện quan điểm của người viết: Vừa yêu nước thương dân vừa lên án sự suy vi của nhà nước phong kiến.

Đoạn thơ dài nhất trong bài thơ là đoạn 7, dài đến 38 câu vừa ngợi ca người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, vừa phân tích nguyên nhân nước Việt rơi vào tay giặc Pháp.  Đến đoạn này người đọc gặp lại giọng thơ hào sảng ở đoạn 4 của bài thơ. Nếu ở đoạn 4 ngợi ca nhà Trần thắng quân Nguyên Mông với 28 câu thơ dạt dào như biển Đông, thì đến đoạn thơ này tác giả viết về Nguyễn Huệ thật ngắn gọn mà đầy đủ “Nguyễn Huệ là bậc phi thường / Mấy lần đánh đuổi quân Xiêm giặc Tàu”; và “Nhà Lê cũng bị mất quyền / Ba trăm sáu chục năm truyền trị vương”… Với những trang sử hào hùng được Ngô Gia văn phái viết rất kỹ trong Hoàng Lê nhất thống chí thì nay Hồ Chí Minh không lặp lại những gì mà thể loại tiểu thuyết chương hồi có quyền hư cấu, nhà thơ chỉ viết ngắn mà rõ, ít câu mà nhiều ý – đúng là “ý tại ngôn ngoại”. Nhằm lý giải sự tồn tại ngắn ngủi của nhà Nguyễn Tây Sơn, nhà thơ không phân tích nguyên nhân từ nội bộ anh em nhà họ “Nguyễn”; mà bắt đầu từ Gia Long và kết luận ngắn gọn “Ngày nay gấm vóc giang sơn / Bị vua nhà Nguyễn đem hàng cho Tây!”.

Để khẳng định truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, Hồ Chí Minh đã liệt kê những tấm gương anh hùng chống Pháp từ Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng đến Hoàng Hoa Thám; liệt kê các địa danh lừng danh chống Pháp như Yên Bái, Nghệ An, Nam Kỳ, Bắc Sơn…với 22 câu thơ cùng nhịp thơ biến ảo, mạnh mẽ, tự tin...

Bài thơ kết lại bằng đoạn thơ dài 32 câu vừa khẳng định lịch sử vẻ vang anh hùng của dân tộc vừa khẳng định mỗi con dân đất Việt đều là con Rồng cháu Tiên, đoàn kết một lòng, đồng sức, đồng lòng đánh giặc đến cùng “Mai sau sự nghiệp hoàn thành / Rõ tên nước Việt, rạng danh Lạc Hồng / Dân ta xin nhớ chữ đồng / Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Những câu kết của bài thơ vừa là lời kêu gọi, vừa là lời thúc giục, vừa là niềm tin của vị lãnh đạo thiên tài với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Bài thơ ra đời vào năm 1942 là thời điểm dân tộc ta rất cần có niềm tin để chống Pháp đến cùng, niềm tin vào thắng lợi, niềm tin vào tương lai.

Bài thơ Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh là một kiểu tổng kết lịch sử thật đầy đủ, sáng tạo, và giàu cảm xúc. Tư tưởng xuyên suốt bài thơ là tư tưởng ngợi ca lịch sử hào hùng của dân tộc, ngợi ca truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân ta, ngợi ca những bậc vua anh minh, ngợi ca những vị tướng tài hết lòng vì dân vì nước… Ca ngợi thắng lợi, viết về bại vong nhà thơ đều nhấn mạnh đến tư tưởng đoàn kết trên dưới một lòng, nhấn mạnh đến truyền thống yêu nước của dân tộc ta; phần cảm xúc thể hiện trong những lời bình luận giàu hình ảnh tạo nên điểm nhấn trong trí nhớ của người đọc. Nhân ngày sinh lần thứ 118 của Người, đọc lại bài thơ Lịch sử nước ta vừa giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc lịch sử nước nhà, vừa là dịp cho ta học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, đồng thời giúp chúng ta tìm hiểu thêm một thiên hướng thơ văn của bậc thiên tài - sử dụng một thể loại văn chương quen thuộc trong thơ ca trung đại (Diễn ca lịch sử, Truyện Nôm) để đúc kết lịch sử dân tộc thật ngắn gọn, súc tích và sáng tạo. Thuộc sử đã khó, viết sử bằng thơ càng khó hơn, vậy mà Lịch sử nước ta đã thành công trên cả hai phương diện đó.

H.T.T.T

Các tin khác