1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Lời của Thầy

“LỜI CỦA THẦY”, MỘT BÀI THƠ HAY

THU HUY
Lời của thầy

Rồi các em một ngày sẽ lớn

Sẽ bay xa đến tận cùng trời

Có bao giờ nhớ lại các em ơi

Mái trường xưa một thời em đã sống

Nơi đã đưa em lên tầm cao ước vọng

Vị ngọt đầu đời bóng mát ca dao

Thuở học về cái nắng xôn xao

Lòng thơm nguyên như mùi mực mới

Dẫu biết rằng những tháng ngày sắp tới

Thầy trò mình cũng có lúc chia xa

Sao lòng thầy canh cánh nỗi thiết tha

Muốn gởi các em thêm đôi điều nhắn nhủ

Một lời khuyên biết thế nào cho đủ

Các em mang theo mỗi bước hành trình

Các em lúc nào cũng nhớ đừng quên:

Sống cho xứng với lương tâm phẩm giá...

Rồi các em mỗi người một ngả

Chim tung trời bay bổng cánh thanh niên

Ở nơi đâu: rừng sâu, biên giới khắp ba miền

Ở nơi đâu có thầy luôn thương nhớ

 

Báo Văn nghệ số 31, ra ngày 2/8/2008 dành hẳn một trang để Vĩnh biệt nhà thơ Tạ Nghi Lễ, quê ở Quảng Trị, khi ông mới 57 tuổi. Ra đi bất ngờ, ông đã để lại những tập thơ, những tập truyện và những kịch bản phim khá dày dặn. Bài thơ “Lời của thầy” nằm trong tập thơ “Những khoảng trời trong sáng” của ông, được in lại trong số báo này. Đọc bài thơ người đọc như nhớ lại cái thời cắp sách đến trường, nhớ lại những gì trong sáng nhất, những gì thương yêu nhất của tuổi học trò.

“Rồi các em một ngày sẽ lớn”... Câu thơ mở đầu bài thơ là một dự cảm, là một tiên đoán, là một lời khẳng định để rồi nhà thơ nhắn nhủ những lời thơ tha thiết “Có bao giờ nhớ lại các em ơi/ Mái trường xưa một thời em đã sống”. Mái trường xưa là kí ức, là kỉ niệm, nơi đó từng có biết bao ước vọng của “Vị ngọt đầu đời bóng mát ca dao”, nơi đó từng ghi dấu những tháng ngày miệt mài bên sách vở, bên thầy, bên bạn của cái thuở “Lòng thơm nguyên như mùi mực mới”. Lòng thơm nguyên như mùi mực mới, là những gì đẹp nhất, trong sáng nhất, mơ mộng nhất của thuở học trò. Phải là người từng có nhiều kí ức học trò mới viết được những câu thơ giản dị mà lay động đến tâm hồn của mỗi ai từng cắp sách đến trường. Có một thời như thế, và mong hôm nay cũng mãi là như thế, trường học là nơi chứa chan bao hi vọng, là nơi ôm ấp bao hoài bão, là nơi gửi gắm những gì trong sáng nhất, tinh khôi nhất của cái “thuở ban đầu”...

Là kí ức, là kỷ niệm, là ước mơ, là hoài bão mà cũng là nhắn nhủ; lời nhắn nhủ từ người thầy, lời nhắc nhở từ người thầy, lời ước nguyện từ người thầy khi “Dẫu biết rằng những tháng ngày sắp tới/ Thầy trò mình cũng có lúc chia xa”. Có ai đó từng ví rằng người thầy như người đưa đò, đưa những chuyến đò cho biết bao thế hệ học sinh,  có người qua đò còn nhớ bến, nhớ đò, có người có thể quên “chuyến đò nên nghĩa”, nhưng người thầy vẫn tin một niềm tin bất diệt rằng “Các em lúc nào cũng nhớ đừng quên/Sống cho xứng với lương tâm phẩm giá...” và quan trọng hơn thế nữa là dù “Ở nơi đâu: rừng sâu, biên giới khắp ba miền/Ở nơi đâu có thầy luôn thương nhớ”.

Nếu đọc lời nhắn nhủ thứ nhất “Các em lúc nào cũng nhớ đừng quên...” người đọc có cảm giác như lời nhắn nhủ đó vang vang trong mỗi trường học, mỗi giờ lên lớp, trong mỗi tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường... Và khi đọc sang lời nhắn nhủ tiếp theo “Ở nơi đâu có thầy  luôn thương nhớ” thì “Lời của thầy” thật cảm động, thật thiết tha, thật rung động tận đáy lòng... Lê Cung Bắc viết về nhà thơ Tạ Nghi Lễ “Tạ Nghi Lễ là một con người rất tình cảm. Đối với gia đình, Lễ rất chỉn chu; đối với bằng hữu, Lễ rất nhiệt tình...”, Lê Thiếu Nhơn viết “Nhà thơ Tạ Nghi Lễ đã sống đúng như những câu thơ ông rự răn bản thân “Hãy chân thật như những ngày đã sống/ Biết yêu thương chung thuỷ với người/ Biết chia sẻ với nỗi đau đời/ Yêu ghét phân minh, rạch ròi đen trắng...”. Lê Đức Dục cũng viết rằng “nhớ Tạ Nghi Lễ là nhớ những bài thơ trĩu nặng niềm hoài hương của một đứa con miền gió cát lưu lạc phương Nam...”...

Dẫn một vài lời nhận xét của những nhà văn về nhà thơ Tạ Nghi Lễ để khẳng định rằng câu thơ “Ở nơi đâu: rừng sâu, biên giới khắp ba miền/ Ở nơi đâu có thầy luôn thương nhớ” là sâu thẳm tự đáy lòng nhà thơ. Người thầy không chỉ khuyên học trò những gì tốt đẹp nhất mà còn mang trong mình nỗi thương nhớ, thương nhớ về những ánh mắt thơ ngây, thương nhớ về một thời trong sáng nhất, thương nhớ về những gì vụng dại nhất, thương nhớ cả những gì đã theo các em trong “Vị ngọt đầu đời bóng mát ca dao”...

Bài thơ chỉ với 20 câu mà gói gọn cả một miền kí ức của tuổi học trò mộng mơ, gửi gắm cả niềm tin, niềm hy vọng của người thầy về lớp lớp học sinh thân yêu. Bài thơ kết thúc bất ngờ bằng những câu thơ tự sự mà chất chứa cả một tấm lòng sâu thẳm “Ở nơi đâu: rừng sâu, biên giới khắp ba miền/ Ở nơi đâu có thầy luôn thương nhớ”. Thì ra, hành trang vào đời của các em không chỉ là ký ức của tuổi học trò, không chỉ có “Vị ngọt đầu đời bóng mát ca dao” mà còn có lòng nhớ thương của người thầy, ước muốn, hy vọng của người thầy... Giọng thơ thủ thỉ, tâm tình, giản dị, tự nhiên mà chân thành thắm thiết. Nhà thơ như giãi bày được nỗi “canh cánh thiết tha” bởi “Muốn gửi các em đôi lời nhắn nhủ”...

Đọc bài thơ “Lời của thầy” như gặp biết bao tấm gương sáng về thầy, về trò, về những ai đó từng có những kỉ niệm khó quên của cái tuổi học trò. Một học trò từng học với một thầy giáo dạy toán từ lớp 8, sau 33 năm trở lại thăm thầy, thầy vẫn gọi đúng tên em, cảm động rưng rưng nước mắt, bởi tuổi thầy đã “thất thập cổ lai hy” mà vẫn nhớ tên em cái thuở dại khờ. Rồi một thầy giáo sau bài giảng của mình, thầy đã cảm ơn học sinh, cảm ơn vì các em đã chăm chú lắng nghe, vì ánh mắt các em đã “thêm lửa” vào trong bài giảng của thầy... Biết bao kỷ niệm, biết bao buồn vui của tuổi học trò và mỗi ai từng ngồi trên ghế nhà trường hãy nhớ rằng dù sau này có “bay xa đến tận cùng trời” thì ánh mắt người thầy vẫn dõi theo, vẫn “luôn thương nhớ”, vẫn luôn dặn dò các em hãy sống cho xứng đáng với lương tâm, với phẩm giá của con người.

T.H

   

Các tin khác