1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Thơ cú bát

THƠ BÁT CÚ VẦN TRẮC

TRIỀU NGUYÊN

1. Thơ bát cú (tám dòng), theo tìm hiểu bước đầu của người viết, gồm năm thể dạng sau: ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú luật Đường, lục ngôn bát cú, thất ngôn bát cú, và thất ngôn bát cú luật Đường. Trên lí thuyết, các thể dạng đều có thể sử dụng vần bằng hay vần trắc, nhưng trong thực tế sáng tác, hầu hết các tác phẩm đều theo vần bằng, số vần trắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Bài viết ngắn này nhằm trình bày vấn đề và thử giải thích lí do vừa nói.

2. Thể ngũ ngôn bát cú (theo lối thơ cổ phong, có ảnh hưởng của luật Đường, nhưng không theo niêm luật của luật Đường), có thể dẫn hai bài:

- Bài “Bất mị” (Không ngủ) của Nguyễn Du:

                     Bất mị thính hàn canh,
                     Hàn canh bất khẳng tận.
                     Quan sơn dẫn mộng trường,
                     Châm chử thôn hàn cận.
                     Phế đỗ tụ hà mô,
                     Thâm đường xuất khâu dẫn.
                     Ám tụng “Thiên vấn” chương,
                     Thiên cao hà xứ vấn?

(Dịch nghĩa:

                     Không ngủ nghe trống canh đêm lạnh
                     Trống canh đêm lạnh chẳng chịu hết
                     Bước đường quan sơn khiến giấc mộng thêm dài
                     Tiếng chày đập vải giục hơi lạnh đến gần
                     Trong bếp hoang, cóc nhái tụ tập
                     Nơi nhà tối, sâu giun bò ra
                     Ngầm đọc chương “Hỏi trời”
                     Trời cao hỏi đâu được?) (1 )

- Bài “Đêm mùa hè” của Nguyễn Khuyến:

                     Tháng tư đầu mùa hạ,
                     Tiết trời thật oi ả.
                     Tiếng dế kêu thiết tha,
                     Đàn muỗi bay tơi tả.
                     Nỗi ấy biết cùng ai,
                     Cảnh này buồn cả dạ.
                     Biếng nhắp năm canh chầy,
                     Gà đã sớm giục giã. (2 )

Bài “Bất mị” dùng bốn vần, bài “Đêm mùa hè” dùng năm vần. Cả hai đều biểu đạt tâm trạng bứt rứt không yên của chủ thể trữ tình trong một đêm không ngủ.

Thể ngũ ngôn bát cú luật Đường cũng có thể dẫn một bài, đó là bài “Mắng muỗi” (Khuyết danh): Chúng bay loài bọ gậy/ Ở nước chỉ hay quấy/ Xuống dưới đã ăn càn/ Lên trên lại cắn bậy/ Lánh xa kẻ ngủ màn/ Sấn lại người co váy/ Thế cũng gọi là văn/ Thật là một lũ xoáy! (3 )

Theo Lãng Nhân thì bài thơ ra đời khoảng đầu thế kỉ XX, do một nhà nho làm để sỉ vả bọn tham quan ô lại. Chữ Hán “văn” là muỗi, cùng âm với “văn” là văn chương (ngày trước cũng được dùng để chỉ người có học thức nói chung). Lũ “ăn càn”, “cắn bậy”, lại xu phụ người trên lấn át kẻ dưới, bị mắng là phải.   

Thể lục ngôn bát cú cũng được tìm thấy một bài, là “Chùa Non Nước” trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”:

                     Nơi gọi Bồng, nơi gọi Nhược,
                     Hai bên gộp làm Non Nước.
                     Đá chồng, hòn thấp hòn cao,
                     Sóng trục, lớp sau lớp trước.
                     Phật Hư Vô, cảnh thiếu thừa,
                     Khách danh lợi, buồm xuôi ngược.
                     Vẳng nghe trên gác boong boong,
                     Lững thững dưới chùa dần bước. (4 )

Có sự đối lập giữa cái tự tại hư vô nơi đất Phật với việc bon chen danh lợi của khách phàm trần. Sự đối lập này cho thấy, đã có điều bất ổn trong tâm trạng nhà thơ: đứng trước cảnh đẹp và sự an nhiên tự tại của người tu hành, chạnh nghĩ đến việc bon chen danh lợi của bản thân.

Thể thất ngôn bát cú (theo lối thơ cổ phong, có ảnh hưởng của luật Đường, nhưng không theo niêm luật của luật Đường), có thể dẫn bài “Bất tiến hành” (Bài hành về việc thuyền không tiến được) của Nguyễn Du:

                     Vũ sư thế khấp Phùng di nộ,
                     Ngũ Chỉ sơn tiền thuỷ bạo chú.
                     Bạch ba chung nhật tẩu xà long,
                     Thanh sơn lưỡng ngạn giai sài hổ.
                     Chu tiếp phân phân đồng nhất lưu,
                     Hạ than nhân hỉ thượng than nộ.

                     Bách trượng trường thằng vãn bất tiến,
                     Chu trung niên thiếu đa bạch thủ.

(Dịch nghĩa:

Thần mưa khóc sướt mướt, thần nước giận dữ/ Trước núi Ngũ Chỉ nước chảy mạnh/ Sóng bạc suốt ngày như rắn rồng chạy/ Hai bờ núi xanh đều là sói cọp/      Thuyền ghe nhộn nhịp cùng một dòng/ Người xuống thác mừng, người lên thác thì lo/                           Dây dài trăm trượng kéo không lên/ Người trẻ trong thuyền đều thành bạc đầu cả) (5 ).

 Bài thơ trong tập “Bắc hành tạp lục”, ghi sự việc thuyền sứ không vượt lên thác được do mưa to, nước từ thượng nguồn trút xuống mạnh, dù dùng dây để kéo vẫn không lên nổi.

Thể thất ngôn bát cú luật Đường có thể dẫn hai bài, đó là:

- Bài “Chuyện tết” của Trần Tuấn Khải:

                     Thu tới đông qua chừng mấy độ,
                     Ngoảnh đi ngoảnh lại tết rồi đó.
                     Đức tài còn kém đứng ngồi lo,
                     Công nghiệp chưa xong xoay giở khó.
                     Một tuổi một già một kém xuân,
                     Trăm năm trăm tết trăm đường khổ.
                     Lọt lòng ví biết nước non này,
                     Thì đã xoay mau theo vận đỏ. (6 )

Bài này được tác giả viết vào dịp giáp tết 1920, với một bài cùng tên, như sau: “Quanh quẩn hăm ba tháng chạp rồi; Mấy hôm nữa lại tết gần nơi; Quan tham ra sức thu tiền lễ; Vua bếp mau chân đến cửa giời; Giàu có sắm mua chừng rộn rã; Khó nghèo vay mượn cũng lôi thôi; Thuỷ tiên, tranh, pháo, nghe còn đắt; Lũ trẻ mừng xuân lắm đứa chơi”. Nếu bài vần bằng là bức tranh tết của xã hội, là lo chuyện thiên hạ, thì bài vần trắc thể hiện hoàn cảnh, tâm trạng của chính nhà thơ.

- Bài “Tạ hương đảng” của Học Lạc:

                     Vành của mâm xôi, đề “thằng Lạc”,
                     Nghĩ mình ti tiện không đài các;
                     Văn chương vốn thiệt bợm mèo quào,
                     Danh phận không ra cái cóc rác.
                     Bởi thế bơ thờ thẹn núi sông,
                     Dám đâu vục vặc ngạo cô bác.
                     Việc này dầu có thấu lòng chăng,
                     Trong có ông thần, ngoài cặp hạc! (7 )

Học Lạc người làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Làng ông có lệ, đến ngày lễ kì yên (cầu an) hàng năm, những người có chức sắc trong làng phải làm mâm xôi ra lễ đình. Khi đưa lễ ra, phải có giấy đề tên và chức vị của chủ nhân. Học Lạc (học sinh được ăn lương đi học, tên là Lạc; đồng thời, được dùng như bút danh) cũng được kể vào hàng chức sắc, ông cũng có mâm xôi đóng góp, nhưng thay vì có danh thiếp, ông viết hai chữ “thằng Lạc” vào vành mâm. Bọn hương đảng bắt lỗi hai chữ này, cho ông có ý ngạo thần và khinh dân xã, buộc phải xin lỗi. Đây là bài thơ xin lỗi của ông (8 ).

3. Có thể còn một số bài bát cú vần trắc khác mà ở trên chưa nêu hết. Chẳng hạn, trong tập Thơ chữ Hán của Nguyễn Du (sđd) ngoài bài “Bất mị”, còn có ba bài theo thể ngũ ngôn bát cú (cổ phong) có vần trắc nữa, đó là: “Biệt Nguyễn đại lang”, bài 2 (tr 52), “Đạo ý” (tr 87), “Lí gia trại tảo phát” (tr 268). Và cũng có khả năng còn một số bài khác mà người viết chưa nắm bắt được, dù đã đọc khá nhiều tuyển tập thơ của các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Tuấn Khải, (9 )...

Cho dẫu vậy, thì qua bảy bài bát cú vần trắc đã dẫn cũng cho thấy mấy điểm chung:

- Trong thơ, vị trí gieo vần đồng thời là điểm nhấn, với các vần trắc, điểm nhấn này tạo hiệu ứng thẩm mĩ mạnh hơn hẳn so với vần bằng.

- Chúng được dùng để biểu đạt một tâm trạng bất ổn (sự bồn chồn, thao thức, hay phải đả kích người, chống chế cho bản thân,...), hoặc ghi chép một sự việc cam go, ngoài khả năng thực hiện.

Nội dung sau có thể do tác động của thể thơ. Bởi khi so sánh với một số bài vần trắc ở các thể dạng tứ tuyệt, vấn đề có chỗ khác. Chẳng hạn, đọc các bài:

- “Than sự thi” của Trần Tế Xương:

Cử nhân: cậu ấm Kỉ,

Tú tài: con đô Mĩ;

Thi thế mà cũng thi,

Ới khỉ ơi là khỉ! 

- “Cái bạng” của Phùng Khắc Khoan:

Hùm hụp rõ bằng bàn tay doạng,

Hỏi nó cái gì? Ấy cái bạng;

Vỏ làm nghiên chấp sử chấp kinh,

Ruột nấu cháo bổ tâm bổ tạng.

Ở đây, tính chất hài hước đã hình thành rất rõ, trong lúc với loại hình bát cú thì tính chất này còn khá mờ nhạt.

Mặt khác, xét về thi luật của loại thơ cách luật (ở đây, là thể ngũ ngôn bát cú luật Đường và thể thất ngôn bát cú luật Đường), bộ phận vần (trắc hay bằng) đều có thể tháo rời khỏi mô hình niêm luật. Tức quy định vần trắc hay vần bằng ở phía luật thơ là như nhau (một bài thơ luật bằng chẳng hạn, có thể mang bộ phận vần bằng hay bộ phận vần trắc); cho nên, sự lựa chọn làm theo vần bằng hay vần trắc là hoàn toàn thuộc chủ quan của người sáng tác.

Các điểm rút ra nêu trước cho thấy khả năng biểu đạt cụ thể của loại vần trắc. Khả năng này chỉ xác định vai trò của loại vần đang bàn, củng cố việc đi tìm lí do là thích đáng.

Còn lí do thực sự vì sao các nhà thơ không chọn vần trắc chỉ có thể thuộc vào hai yếu tố, đó là tâm lí và ngôn ngữ. Về tâm lí, thì thơ bát cú của ta chịu ảnh hưởng lớn của loại thơ này ở Trung Quốc, mà ở Trung Quốc thì rất hiếm khi dùng vần trắc. Quan niệm cho vần trắc không chính quy là phổ biến (nên có khuynh hướng đẩy việc sử dụng vần trắc vào loại thơ trào phúng, đả kích). Nghĩa là, luật thơ thì mở mà cái quan niệm về luật thì lại khép. Và cái nằm ngoài luật ấy đã thắng. Về ngôn ngữ, đường nét bằng phẳng của thanh ngang và thanh huyền ở vần bằng, tạo dễ dàng cho việc đọc và ngâm thơ, trong lúc đường nét gãy của hai thanh ngã và hỏi, hay điểm kết thúc quá cao hoặc quá thấp của hai thanh sắc và nặng ở vần trắc, đã không tạo điều kiện ấy. Đọc, ngâm bài thơ vần trắc có vẻ không nhã, không thuận bằng khi đọc, ngâm bài thơ vần bằng.

Khả năng đó là những lí do thơ bát cú vần trắc rất ít được sáng tác.

T.N

Các tin khác