1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Thực trạng chiếu sáng học đường

THỰC TRẠNG CHIẾU SÁNG
HỌC ĐƯỜNG VÀ MỘT SỐ
ĐỊNH HƯỚNG GIẢI QUYẾT

TS. LÊ KHÁNH TUẤN
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

1. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ THỰC TẾ

1.1. Nhận thức về vệ sinh học đường chưa tốt

- Ngay trong ngành giáo dục, qua một khảo sát ở thành phố Huế [1], vẫn còn đến 79,6% cán bộ quản lý giáo dục chưa hiểu biết đầy đủ về vệ sinh học đường và chỉ có 12,1% giáo viên có hiểu biết đầy đủ. Tình hình đó dẫn đến công tác giáo dục về vệ sinh học đường kém, học sinh không ý thức hết tác hại để phòng chống các bệnh liên quan. Và, một hệ luỵ tất yếu là việc phấn đấu hay đấu tranh để bảo đảm các điều kiện hạ tầng thiết yếu cho vệ sinh trường học cũng trở nên yếu ớt.

- Đối với các ngành liên quan, qua thực tế làm việc, cho thấy rằng đa số cán bộ đều tin vào các quy chuẩn đã có sẵn (như tiêu chuẩn thiết kế, các giải pháp chiếu sáng truyền thống) và mẫn cán chấp hành. Ít ai cho rằng cần phải có sự tổng kết đánh giá để bổ sung, sửa đổi.

1.2. Cơ sở vật chất và cường độ chiếu sáng không đạt chuẩn

- Hầu hết các phòng học hiện có ở Thừa Thiên Huế đều được thiết kế và trang bị chiếu sáng theo phương pháp truyền thống. Có 84,2% phòng học đủ diện tích 1,1-1,25 m2/hs, diện tích cửa sổ > 20% chỉ có 5,3%, số trường có phòng học xây dựng thuận chiều ánh sáng là 42,1%, số trường có đủ 6-8 bóng đèn theo quy định là 26,3% [2].

- Về cường độ chiếu sáng tự nhiên [2 ]: bình quân cường độ chiếu sáng tự nhiên chung toàn tỉnh là 255,5±35,5 lux. Theo khu vực: thành phố 163,3 ± 48,3 lux, nông thôn 248,5±41,3 lux và miền núi 417,9±138,4 lux. Có 47,9% phòng học đạt chiếu sáng đồng đều ở tất cả các điểm với cường độ chiếu sáng > 100 lux. Nhưng tính theo cơ sở trường học thì chỉ có 31,6% đạt tiêu chuẩn về cường độ chiếu sáng > 100 lux đồng đều ở tất cả các lớp học.

Tỷ lệ cơ sở đạt tất cả các yêu cầu về chiếu sáng tự nhiên (bao gồm: chiếu sáng đồng đều với cường độ chiếu sáng > 100 lux, 100% phòng học thuận chiều ánh sáng, tổng diện tích cửa sổ bên chiếu sáng > 20% diện tích phòng học và hệ số ánh sáng tự nhiên (K.E.O) > 3%) chỉ 5,3%.

- Về cường độ chiếu sáng nhân tạo [2]: không đạt tiêu chuẩn chiếu sáng Việt Nam hiện nay là 300 - 500 lux. Số phòng học đạt cường độ chiếu sáng nhân tạo > 100 lux đồng đều tại các vị trí là 62,5% (thành phố 65%, nông thôn 61,3% và miền núi là 85,7%).

Tính trên đơn vị cơ sở trường học, tỷ lệ cơ sở đạt cường độ chiếu sáng nhân tạo > 100 lux đồng đều tại các vị trí trong phòng học chỉ đạt 42,1%, phần lớn rơi vào các trường đạt tiêu chuẩn chiếu sáng tự nhiên. Chỉ có 26,3% cơ sở trường có đủ số bóng đèn theo quy định.

Tổng hợp các tiêu chuẩn (cường độ chiếu sáng nhân tạo > 100 lux đồng đều tại các vị trí và đủ số bóng đèn theo yêu cầu) thì tiêu chuẩn chiếu sáng nhân tạo đối với các cơ sở chỉ đạt 21,1%.

1.3. Kinh phí khó khăn, bài toán tiết kiệm điện chưa giải được

- Những trường khó khăn về cơ sở vật chất có nỗi khổ riêng. Nhưng những trường được đầu tư tương đối hoàn chỉnh cũng lại có nỗi khổ khác. Đó là khi hệ thống thiết bị hoạt động hết, không đủ kinh phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện. Nhiều trường đã phải cắt giảm ánh sáng hoặc thu thêm tiền trong sự không bằng lòng của cha mẹ học sinh.

- Trong khi đó, hệ thống điện chiếu sáng hiện tại chưa tiết kiệm:

+ Vẫn còn nhiều trường dùng bóng sợi đốt hoặc các loại bóng đèn chưa có yếu tố tiết kiệm điện năng.

+ Thiết kế chiếu sáng chưa tận dụng hết ánh sáng, còn để một tỷ lệ lãng phí cao, do khoảng cách chiếu sáng >2,8m, không có chao, chụp hoặc lắp đặt không đúng vị trí; cá biệt một số nơi bóng đèn còn nằm phía trên quạt trần, rất bất lợi trong sử dụng.

+ Tiêu chuẩn thiết kế trường học ban hành đã lâu, có nhiều vấn đề đã lạc hậu (diện tích các loại phòng, hệ thống cửa để tận dụng chiếu sáng tự nhiên…) vẫn chưa được bổ sung, cập nhật.

2. NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA TỪ MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

Được sự tài trợ của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, năm 2006  Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã triển khai thí điểm mô hình chiếu sáng do Công ty Rạng Đông thiết kế tại 5 trường: mầm non Hoa Mai, tiểu học Lê Quý Đôn, THCS Nguyễn Tri Phương, THPT Quốc Học và THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Năm 2007, với sự tài trợ và phối hợp của Ngân hàng thế giới (WB), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Rạng Đông tiếp tục trang bị cho 15 phòng học của 5 trường tiểu học tại thành phố Huế: Thuận Thành, Thuận Lộc 1, Phú Bình, Thuỷ An 1 và Xuân Phú.

Sau khi lắp đặt đưa vào sử dụng, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã phối hợp đo đạc, thu thập các số liệu để phân tích, đối chứng. Năm 2006, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã giao cho Trung tâm y tế học đường đo đạc, thu thập số liệu độc lập để cùng đánh giá, so sánh. Sau đó, đã tổ chức các hội thảo khoa học để tổng kết, đánh giá các kết quả [3, 4].

2.1. Những ưu điểm của mô hình thí điểm

- Cường độ chiếu sáng đo được sau khi lắp đặt đạt tiêu chuẩn Việt Nam, cao hơn mức tối thiểu tại Quy định 1211/2000/QĐ-BYT của Bộ Y tế (mức đo được thực tế tại tất cả các vị trí trong phòng học đạt từ 318 lux đến 553 lux, cao hơn trước khi cải tạo từ 3,5 đến 5 lần).

Ánh sáng toả đều khắp phòng, mức độ chênh lệch không lớn; độ rọi sáng trên bảng đủ cho học sinh đọc và ghi chép, không gây chói loá; ánh sáng trắng màu dịu mát, tạo cảm giác thoải mái cho học sinh. Qua ý kiến giáo viên cho thấy không khí lớp học hưng phấn hơn.

- Thiết kế lắp đặt hợp lý, khắc phục được các nhược điểm về: độ cao tối đa (< 2,8m), đèn nằm phía trên quạt trần, độ chiếu sáng phân bổ không đều và hệ thống công tắc cho phép điều tiết để tận dụng chiếu sáng tự nhiên.

- Tiết kiệm điện năng tiêu thụ: nếu mỗi phòng học lắp 11 bóng đèn, chênh lệch công suất 11W/bóng (50W - 39W)  là 121W; ngoài ra, do cường độ chiếu sáng tăng 20% nên giảm được số bóng đèn với công suất khoảng 110W. Như vậy mỗi phòng học tiết giảm được 231W. Số giờ thắp sáng bình quân/phòng học khoảng 1.404 giờ/năm học (6 giờ/ngày x 26 ngày x 9 tháng), như vậy lượng điện tiết kiệm được trong một năm học là 330 KWh/1phòng học. Trong khi đó, chênh lệch vật liệu giữa cũ và mới là không đáng kể.

- Hiệu quả xã hội thì rất to lớn, không thể tính ra tiền, ở chỗ giảm được các bệnh về mắt cho học sinh, tăng hiệu quả giờ học. Cha mẹ học sinh phấn khởi, đồng tình và đánh giá cao về lợi ích của mô hình.

2.2. Một vài nhược điểm

- Về thẩm mỹ chưa thật đẹp, nhìn vào phòng học vẫn còn cảm giác hơi rối mắt, nên nghiên cứu cải tiến theo hướng giảm thiểu các ống dẫn dây từ trần nhà đến bóng đèn.

- Phương án thiết kế lắp đặt chưa và chưa thể phối hợp được với các giải pháp thiết kế liên quan trong thiết kế trường học (bảng, bục giảng và bàn giáo viên; quạt và các thiết bị dùng điện khác…); vì vậy, còn có những hạn chế lẫn nhau, chưa kết hợp được hiệu quả của các giải pháp.

- Chưa đủ bộ thiết kế cho tất cả các loại phòng (phòng học, phòng chức năng) trong nhà trường; tính phổ dụng, vì đang trong giai đoạn thí điểm, nên chưa cao và chưa tiện lợi cho người tiêu dùng.

3. ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI

- Khẳng định và quán triệt các kết quả của mô hình đến cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đưa vào chương trình để nâng cao nhận thức trong toàn ngành về vệ sinh học đường. Các kết quả chủ yếu là:

+ Bảo đảm ánh sáng tiêu chuẩn cho học sinh ở tất cả các cấp bậc học là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành; trong đó vai trò chủ động của cán bộ, giáo viên là rất quan trọng. Mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội cao thì cần phải được xem xét nghiêm túc để nhân rộng.

+ Hiệu quả kinh tế cho toàn ngành là rất lớn. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 7.500 phòng học và phòng chức năng, theo mô hình, lượng điện năng tiết kiệm cho 1 năm học khoảng 2,5 triệu KWh (gần 5 tỷ đồng). Với số tiền đó có thể đầu tư làm mới điện cho 2.500 phòng, sau 3 năm hoàn thành và từ đó số kinh phí tiết kiệm được sẽ góp phần giảm chi cho ngân sách.

+ Hiệu quả xã hội còn lớn hơn: các bệnh về mắt (cận thị, khúc xạ ánh sáng …) trong học sinh sẽ giảm, hiệu quả học tập tốt hơn, tiêu chuẩn thiết kế nhà trường hoàn thiện hơn... Để đổi lại hiệu quả xã hội này, kể cả việc không có được hiệu quả kinh tế nói trên thì Nhà nước cũng rất cần phải làm.

- Sở Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị và được UBND tỉnh cho phép triển khai  thiết kế mẫu cho các loại phòng để áp dụng trên diện rộng. Trước mắt, áp dụng cho dự án xây dựng mới trường THCS chất lượng cao Nguyễn Tri Phương.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1. Kết luận: Mô hình chiếu sáng học đường của Công ty CPBĐPN Rạng Đông đã được thí điểm trên diện rộng, được đánh giá là có hiệu quả kinh tế - xã hội hơn hẳn các mô hình truyền thống; phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về chuẩn hoá, hiện đại hoá trường học, về tiết kiệm năng lượng… rất cần được triển khai nhân rộng.

4.2. Kiến nghị:

- Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ) xem xét, kết luận mô hình và quyết định triển khai vào tiêu chuẩn thiết kế trường học trong tổng thể thiết kế mạng điện nhà trường.

- Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương dành kinh phí để triển khai hệ thống chiếu sáng theo mô hình này bằng phương pháp cuốn chiếu.

- Các bộ, ngành nêu ở kiến nghị thứ nhất có văn bản chỉ đạo theo ngành dọc để các ngành ở địa phương chỉ đạo triển khai đồng bộ.

- Từ năm 2008, đề nghị các ngành, UBND tỉnh cấp kinh phí để bắt đầu thay thế cuốn chiếu.

L.K.T

Các tin khác