1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Xuân của Xuân Hương

XUÂN CỦA XUÂN HƯƠNG

NGÔ VƯU
Trường Quốc Học Huế

Xuân Diệu có một nhận định rất ấn tượng về Xuân Hương: trong thơ có người, trong thơ có tiên và trong thơ có quỷ”. Thực ra, cái mà Xuân Diệu gọi là quỷ ấy cũng chỉ là một phần của con người; là phong cách độc đáo Xuân Hương, và nếu thiếu nó thì cũng không còn là Xuân Hương nữa. Với bạn đọc ngày nay, Xuân Hương là người đi trước thời đại.

Ít viết về đề tài mùa xuân nhưng thơ Xuân Hương bài nào cũng tràn trề sức trẻ. Tả mùa xuân, nữ sĩ chọn một trò chơi dân gian.

      ĐÁNH ĐU

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân có biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không !

Thơ nôm Đường luật như thế là hoàn hảo, có quyền sánh vai với các kiệt tác của văn học trung đại. Hồ Xuân Hương tả khéo đến mức bạn đọc có thể hình dung đối tượng rõ mồn một từ toàn cảnh đến cận cảnh. Từ việc cây đu được dựng như thế nào đến cảnh chơi đu, kiểu chơi đu của con trai con gái xưa. Các cặp từ láy đối nhau: khom khom - ngửa ngửa, phấp phới - song song tạo nên dáng vẻ đối xứng, hoạt động lặp lại, trẻ trung sinh động của một trò chơi ngày tết không có gì tốn kém, ai cũng có thể chơi được (Hiện nay, ở các địa phương Phong Điền, Quảng Điền - Thừa Thiên Huế, trên sân chơi làng xã vào ngày tết, trò đánh đu vẫn thu hút được nhiều người nhất).

Hai câu kết là lời trách móc, nuối tiếc: Vui chơi đón xuân mà có biết đến tình xuân? cuối vụ chơi xuân, các cột đu lại nhổ đi hết, chỉ còn trơ lại các lỗ cọc và rồi người ta sẽ lấp đi. Chân tình mà cũng thật chua chát về thói vô tâm đáng trách của người đời.

Nhưng nếu có tả thực chừng ấy chữ, chừng ấy nghĩa thôi thì bài thơ cũng chỉ được đưa vào các sách nói về phong tục để minh họa. Tả hay như thế, sinh động như thế nhưng cái hồn của bài thơ lại nằm ở một lớp nghĩa khác. Xưa nay không sách vở nào giải thích cái nghĩa này, người ta chỉ nói gần nói xa vì ngại, vì sợ bị cho là dung tục, thấp kém. Người viết bài này cũng không cần giải thích (chỉ nêu nhận định) vì người đến tuổi hiểu tự nhiên hiểu, người chưa đến tuổi hiểu thì cũng không cần phải hiểu. Thơ dở người ta chỉ đọc một lần, không ai dám đọc lại, nhưng thơ Xuân Hương đọc mãi cũng không chán, lâu lâu đọc lại vẫn có được cái hứng thú lạ lùng của buổi ban đầu. Một câu đố hay bao nhiêu, khi giải rồi thì cũng không còn hấp dẫn; thơ Xuân Hương như những câu đố, nhưng không bao giờ có được lời giải đầy đủ vì mỗi người có một cách giải riêng, và cứ thế từ thời này đến thời khác nó luôn gợi sự tò mò và hứng thú tưởng tượng.

Cái tài của Xuân Hương là biết tìm và diễn tả những điểm gặp gỡ, tương đồng giữa sự việc này và sự việc kia, giữa cái thanh và cái tục. Vì những lí do tế nhị, trên sách vở, người ta chỉ giảng cái thanh, nhưng để hiểu, để cười tủm tỉm, thích thú và thấm thía tài nghệ về chữ nghĩa của Xuân Hương thì phải hiểu nghĩa của cái tục.

Ở lớp nghĩa này, hai cặp thực, luận phát huy hết khả năng đăng đối của nó.

Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng

Thử sắp xếp ra từng cặp: trai - gái, đu - uốn, khom khom cật - ngửa ngửa lòng. Tổng hợp các yếu tố đối: nghĩa, từ loại, phối thanh, nhịp... tất cả tạo được hình ảnh trai gái chồng khít lên nhau, tạo được cảm giác bằng trắc, trên dưới êm ái, nhẹ nhàng; đạt được hiệu quả cao nhất của cảm giác thẩm mỹ. Đặc biệt từ cật ở câu luận là một danh từ chỉ bộ phận cơ thể nhưng đứng sau từ láy khom khom nó thường được hiểu là một động từ, âm cuối ất trắc cao như các âm gật, bật, lật tạo cảm giác hành động, có nhịp nhanh, liên tục... càng hay chứ sao!

Hình ảnh hai hàng chân ngọc duỗi song song thì có lẽ chỉ có thơ, mà phải là thơ Xuân Hương mới tả được như vậy. Họa sĩ làm sao vẽ được đôi chân khỏe đẹp, co duỗi sống động, nhịp nhàng đến thế. Trong trường hợp này, nghệ thuật hội họa đành chào thua nghệ thuật ngôn từ.

Hai câu kết là một sự liên tưởng độc chiêu của Xuân Hương. Chơi xuân có cảm nhận được xuân, có tình với xuân không? Thời gian đi, mối tình nào chẳng tàn, cuộc vui nào chẳng tan. Mở đầu bài thơ là cảnh khéo khéo trồng cọc, thì kết thúc bài thơ là cảnh cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không uể oải, mệt mỏi, pha một chút ngậm ngùi, nuối tiếc. Hình ảnh ở hai câu này quá rõ nhưng cũng không bắt bẻ được là nó tục. Cái đó là do người đọc tự liên tưởng, tác giả có nói đâu? Cái tài của Xuân Hương là sờ sờ ra đấy, bánh đúc bày sàn nhưng vẫn chối được. Cái cọc ở bài này và cái cọc ở bài Quả mít là một.

Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó sù sì, múi nó dày
Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng sờ mó nhựa ra tay

Là cái gây ra biết bao nhiêu chuyện bi hài của cuộc sống, nhưng nếu thiếu nó thì coi như cuộc đời không có tuổi xuân. Sinh con đẻ cái người ta thường mơ ước nó có cái đầu thông minh, cái mặt đẹp, cái dáng cao ráo... nhưng những thứ ấy khi mới đẻ ra chưa thấy được, mà việc đầu tiên là kiểm tra xem nó thuộc giống gì? Có đầy đủ không, triển vọng thế nào? Gặp dạng cọc không ra cọc, lỗ không ra lỗ là khổ cả đời đấy con ạ!

Trở lại với ý kiến của Xuân Diệu: thơ Xuân Hương có quỷ là cái chuyện này đây. Nói là quỷ nhưng thực ra là một phần không thể thiếu của con người, nó là vấn đề nhân bản. Ma quỷ thánh thần chưa biết thế nào chứ so với các loài động vật khác thì chuyện nầy con người là nhất. Vì bên cạnh bản năng sinh tồn tự nhiên, con người còn có ý thức là sự cố gắng để thể hiện sức mạnh, giới tính và tìm kiếm niềm vui.

Ở một vế câu đối, Xuân Hương ỡm ờ, đón xuân là phải biết lỏng then tạo hóa.

Tối ba mươi khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới.

Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào.

Câu đối Tết xưa thường đi theo môtip như: Tối ba mươi- sáng mồng một, xuân- tết, đưa- đón; nội dung thường là xua đi cái xấu của năm cũ, đón về cái tốt của năm mới. Thì Xuân Hương cũng theo cách ấy, cũng tối ba mươi, sáng mồng một, nhưng để mà khép lại, mở ra đầy ẩn ý. Ngôn ngữ Xuân Hương biến hóa đa dạng, dám dùng những từ ngữ Hán Việt trang trọng khép cánh kiền khôn, lỏng then tạo hóa để nói những cái mà người đời cho là tục; vừa có sự trang trọng của tri thức chữ nghĩa vừa có sự gần gũi, nghịch ngợm của lời lẽ bình dân: Ních chặt lại, mở toang ra... câu đối như vậy chỉ có Xuân Hương mới làm được.

Có những bài không viết về đề tài mùa xuân, nhưng sức xuân theo nghĩa ẩn dụ bao trùm tất cả. Bài Tự Tình (III) của Xuân Hương được đưa vào giảng ở chương trình Trung học phổ thông là một trong những bài thơ nghiêm túc nhất của nữ sĩ, nhưng hồn thơ, chất thơ Xuân Hương vẫn lan tỏa toàn bài.

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn.
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh.
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám.
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại.
Mảnh tình san sẻ tý con con!

Cảnh và tình đan xen bề bộn trong một bài thơ ngắn. Buồn vì cô đơn trống vắng, chỉ biết thở dài cho duyên phận vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. Nhưng cái sức xuân, tình xuân cứ trơ ra để làm gì? Đêm đã khuya không ngủ được, tất nhiên là phải thao thức để tự nhìn ngắm, trăn trở. “Tiếng trống thì dồn lên như vậy, mà mình thì chỉ trơ cái hồng nhan với nước non, trơ là trơ trọi, trơ vơ, và cũng có thể là trơ tráo nữa, người đàn bà bị đặt vào cái tình thế nông nổi dơ dáng dại hình...” (Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương thơ và đời, NXB Văn học - 2007, tr. 186 ).

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.

Có nhiều ý kiến khác nhau khi đọc - hiểu hai câu này. Xin được trích dẫn để bạn đọc tham khảo

Sách giáo viên Ngữ văn 11 - tập I (NXB Giáo Dục - 2007, tr.21) bình:

Hai câu luận là nỗi niềm phẫn uất. Những sinh vật nhỏ bé hèn mọn, còn hèn mọn hơn cả cỏ nội hoa hèn như đám rêu kia mà cũng không chịu mềm yếu. Nó phải mọc xiên, lại còn xiên ngang mặt đất. Đá đã rắn chắc lại phải rắn chắc hơn, lại phải nhọn hoắt lên để đâm toạc chân mây. Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ trong hai câu luận đã làm nổi bật sự phẫn uất của thân phận đất đá, cỏ cây, cũng là sự phẫn uất của tâm trạng...

Lại có ý kiến gần như trái ngược:

Bài Tự tình thứ ba này như thu lòng mình lại: xinh, nhẹ, dịu, êm. Các chữ hương, xuân như nhắc đến tên mình một cách thân thương, trìu mến, như trễ nải, như chếch mác, buông lơi...” (Lữ Huy Nguyên, Hồ Xuân Hương thơ và đời, NXB Văn Học - 2007, tr.39)

Cảm thụ, phân tích văn học bao giờ cũng mang tính chủ quan, ý kiến khác nhau là chuyện thường, nhưng e rằng cả hai tác giả trên chưa nói được cái thần thái của một lớp nghĩa rất đơn giản mang phong cách Xuân Hương. Có hiểu cảnh gì đi nữa thì trước hết phải là cảnh gần mà Xuân Hương muốn nói, nó trơ ra đấy, trên cơ thể. Rêu cỏ cụ thể, gần lắm.

Bây giờ em ở nơi đâu.
Cỏ trên thân thể có rầu không em
.

(Bùi Giáng)

Tinh ý sẽ thấy đường nét của chữ xiên: rêu mọc xiên, hình dạng xiên, không thẳng thớm, từng đám lơ thơ... Kết hợp với câu dưới Đâm toạc chân mây đá mấy hòn, tạo nên nét riêng của bức tranh là sự bướng bỉnh, ngang ngạnh. Sự vật là đá ở đây phải nhọn, phải cứng, căng đầy sức sống. Từ sáng nhất trong hai câu này là hòn. Không phải là phiến đá, tảng đá mà là hòn đá, nó gợi hình ảnh của đá cuội, đá bị bào mòn, tròn trịa, đều đặn...Cái mà Nguyễn Du tả: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Rành rành sẵn đúc một tòa thiên nhiên đang chờ đợi ai? Trơ cái hồng nhan với nước non, thế mới phí, mới ngán ngẫm, chán chường.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại.
Mảnh tình san sẻ tí con con.

Mùa xuân của trời đất thì tuần hoàn, mùa xuân con người đã đi là không trở lại, vậy mà cứ để nó trôi đi. Uống rượu để quên buồn, quên tủi, nhưng túy tự, túy đảo sầu tự sầu. Nỗi buồn, niềm khao khát của tuổi xuân đan xen bề bộn, tăng tiến và đẩy lên cao chất ngất. Theo nghĩa thông thường nó là tục, nhưng trong thơ Xuân Hương những dục vọng ấy được miêu tả một cách lành mạnh và khỏe khoắn (chữ dùng của Angghen khi nhận xét về thơ của Ghêooc Vec) để tạo nên một giá trị nhân bản sâu sắc.

Trong mấy mươi bài thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, hai bài Đánh đu và Tự tình (III) là tiêu biểu nhất cho phong cách của bà chúa thơ nôm: trào phúng và sâu đậm chất trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ hình tượng. Những bài thơ của Xuân Hương ra đời cách chúng ta hai trăm năm mà vẫn hiện đại đầy sức sống. Xuân Hương sống mãi với nền văn học dân tộc, với tâm hồn Việt Nam chỉ vì mấy lẽ rất đơn giản: Cái khát vọng của mùa xuân cuộc đời mang một giá trị nhân đạo sâu sắc, “sáng tác của Hồ Xuân Hương là nghệ thuật chân chính, là sáng tạo theo quy luật của cái đẹp.” (Nguyễn Lộc - Hồ Xuân Hương thơ và đời, NXB Văn học - 2007, tr.129)

Huế, tháng 12 năm 2007
N.V

Các tin khác