1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Công tác xã hội hóa về giáo dục ATGT

CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA VỀ GIÁO DỤC ATGT
TẠI TRƯỜNG MẦM NON I - HUẾ

NGUYỄN THỊ YẾN
Hiệu trưởng Trường Mầm Non 1, Huế

Giao thông là phương tiện quan trọng trong hoạt động và phát triển của con người. Giao thông phục vụ nhu cầu của mọi thành viên không kể tuổi tác hay thành phần xã hội. Nhưng cũng chính từ vấn đề giao thông đã mang lại cho con người những tai nạn rủi ro dẫn đến bất hạnh. Vì vậy mỗi công dân cần được trang bị kiến thức về giao thông. Ngành Giáo dục với chức năng của mình đã cụ thể hóa kiến thức về lĩnh vực giao thông thành nội dung GDATGT cho tất cả các bậc học trong đó có bậc học mầm non. Đây là nội dung giáo dục mới và khá hấp dẫn đối với trẻ. Để thực hiện có hiệu quả đòi hỏi lãnh đạo nhà trường phải trang bị kiến thức và thiết bị giáo dục ATGT cho giáo viên; tạo môi trường và đồ chơi phù hợp cho trẻ hoạt động thực nghiệm.
Cùng với sự chỉ đạo hướng dẫn của Phòng mầm non - Sở GD&ĐT, Trường Mầm Non I đã triển khai chuyên đề GDATGT. Qua 5 năm thực hiện, chuyên đề thực sự đã có hiệu quả tốt: làm phong phú hoạt động giáo dục của nhà trường; thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và hình thành ý thức chấp hành luật giao thông ở trẻ; bồi dưỡng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chấp hành luật giao thông cho đội ngũ giáo viên, lực lượng phụ huynh... góp phần tích cực trong công cuộc GDATGT cho toàn xã hội của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Quá trình triển khai thực hiện chuyên đề GDATGT cũng chính là quá trình đồng hành công tác xã hội hóa về lĩnh vực này của lãnh đạo nhà trường và được thể hiện trên các mặt hoạt
động sau:
1. Tham mưu, vận động, các nguồn lực trong xã hội cùng phối hợp thực hiện:
- Nhằm trang bị cho giáo viên có những kiến thức cơ bản về lĩnh vực giao thông để vừa trực tiếp tham gia giao thông, vừa giáo dục trẻ, lại vừa là những tuyên truyền viên đối với phụ huynh, trường đã vận động, tranh thủ sự hỗ trợ của lực lượng công an giao thông thành phố giúp đỡ, bồi dưỡng cho đội ngũ về những kiến thức trên lĩnh vực giao thông như: hiểu kí hiệu qui định trên các biển báo, tín hiệu đèn, điều lệnh, trang phục, dụng cụ...; Cung cấp cho nhà trường tranh tuyên truyền hoặc giúp nhà trường kiểm định độ chính xác của những tranh pano tuyên truyền về GDATGT do nhà trường tự tạo để giáo dục trẻ và tuyên truyền đến các bậc phụ huynh. Ngoài ra, trường còn vận động đồn công an của phường giúp nhà trường giữ gìn trật tự, dẹp các gánh hàng rong nhằm tạo một môi trường giao thông chuẩn mực, an toàn, mang tính giáo dục cao và để lại ấn tượng đẹp ngay trước cổng trường, nơi mà trẻ và phụ huynh tham gia giao thông qua đó thường ngày.
- Để tạo thêm sự hấp dẫn cho trẻ trong quá trình trải nghiệm, ghi nhớ, nhà trường đã vận động một số phụ huynh đang công tác tại ngành công an để các chú công an giao thông trực tiếp hướng dẫn trẻ cách điều khiển các phương tiện, người đi bộ thực hiện đúng luật giao thông khi đi qua ngã tư đường phố, lúc có đèn tín hiệu và cả lúc không sử dụng đèn tín hiệu. Qua các buổi thực hành trẻ được chơi cùng các chú công an làm trẻ rất thích thú, dễ tiếp thu, ý thức chấp hành luật GT đường bộ được hình thành rất nhanh ở trẻ, thể hiện là trẻ không chịu thực hiện những vai chơi có hành động sai. Hình ảnh chú công an và trẻ cùng thực hiện luật giao thông trên sân trường còn rất hấp dẫn và thu hút sự chú ý, theo dõi của phụ huynh và người dân quanh trường, đây cũng là bức tranh sống động, ngộ nghĩnh trong công tác tuyên truyền GDATGT của ngành học mầm non đến với xã hội. Đồng thời ngành công an giao thông cũng tìm thấy ở đây một cộng tác viên rất đắc lực và có hiệu quả trong công tác phối hợp cùng ngành công an tuyên truyền GDATGT đến với cộng đồng, nên rất sẵn lòng hỗ trợ khi nhà trường có yêu cầu.
- Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục trẻ và tuyên truyền các bậc phụ huynh, nhất thiết giáo viên phải thực sự gương mẫu trong lĩnh vực chấp hành luật giao thông; Vì vậy nhà trường đã phối hợp với trường dạy lái xe tỉnh tổ chức cho CBGVNV và người thân trong gia đình học tập luật GT đường bộ và thi lấy bằng lái xe môtô cho các thành viên chưa có bằng lái.
- Một yếu tố quan trọng cần có để thực hiện chuyên đề GDATGT là nguồn kinh phí. Đây là vấn đề khó của ngành học mầm non nói chung, trong đó có trường Mầm Non I Huế. Nhiều năm qua, bằng phương châm xã hội hóa, lãnh đạo nhà trường đã vận động nguồn lực từ lực lượng phụ huynh để mua sắm trang thiết bị dạy học cho giáo viên và đồ chơi cho trẻ. Muốn được phụ huynh ủng hộ, nhà trường đã cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều cách như: giới thiệu nội dung chuyên đề, vẽ tranh panô, áp phích tuyên truyền trong khuôn viên trường nơi phụ huynh thường xuyên tiếp xúc hằng ngày, tổ chức các hoạt động thực hành của trẻ cho phụ huynh quan sát, và hơn hết vẫn là kết quả nhận thức mà trẻ thể hiện trên ngôn ngữ, hành vi ứng xử của trẻ trong sinh hoạt và nhất là trong quá trình cùng bố mẹ tham gia giao thông. Trẻ là tấm gương phản ảnh nội dung và kết quả giáo dục của nhà trường; Do vậy muốn phụ huynh phối họp giáo dục trẻ và tạo nguồn kinh phí để nhà trường hoạt động, không có con đường nào tốt hơn là trường phải nuôi dạy trẻ thật tốt, giữ uy tín và niềm tin với phụ huynh. Tổng kết 5 năm thực hiện chuyên đề GDATGT trường đã được phụ huynh hỗ trợ 107 triệu đồng để đầu tư mua sắm thiết bị, đồ dùng cho trẻ thực hành gồm: 1 tivi 54 inch, 1 máy quay, trang phục công an cho cô và trẻ, 76 biển báo về GT đường bộ các loại, cột đèn tín hiệu, các loại phương tiện giao thông đường bộ phù hợp để trẻ được trực tiếp điều khiển và tham gia giao thông trên sân trường, cùng nhiều đồ chơi cho trẻ thực hiện trò chơi giao thông ở các lớp. Không chỉ ủng hộ nguồn tài lực, nhiều phụ huynh còn nhiệt tình cùng hưởng ứng và tham gia hội thi "An toàn giao thông bậc học Mầm Non" các cấp đạt kết quả tốt. Điều này nói lên được trường mầm non không chỉ GDATGT cho trẻ mà còn tuyên truyền vận động được lực lượng phụ huynh cùng tham gia vào chương trình GDATGT chung của toàn xã hội.
2. Sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để đem nội dung GDATGT của ngành học mầm non đến với xã hội:
An toàn giao thông là nỗi lo chung của toàn xã hội, nên vấn đề GDATGT cũng được toàn xã hội quan tâm. Trẻ mầm non vốn đã được xã hội trân trọng, yêu thương. Trẻ mầm non tham gia vào một vấn đề lớn của xã hội thông qua quá trình vui chơi, tìm hiểu, thực hành, dự hội thi tìm hiểu luật giao thông phù hợp với độ tuổi càng thu hút sự chú ý và động viên của xã hội nhiều hơn. Nhận thức được vấn đề này, nhà trường đã phối hợp với đài truyền hình thực hiện một phóng sự có nội dung "Bé thực hiện đúng luật giao thông", chương trình đã phát trên sóng truyền hình trung ương nhiều lần và đã được khán giả truyền hình quan tâm theo dõi. Hình thức này mang lại kết quả hữu hiệu, nội dung GDATGT thể hiện trong phóng sự không chỉ dừng lại ở phạm vi trường mầm non giáo dục trẻ mầm non. Qua sóng truyền hình nội dung GDATGT đi sâu và có sức lan tỏa xa hơn trong lòng xã hội; qua sự thể hiện hồn nhiên, sinh động của trẻ mầm non, nội dung đó càng được xã hội tiếp nhận một cách nhẹ nhàng và đầy ấn tượng. Các cháu mầm non đã góp phần nhỏ bé của mình vào vấn đề chung và rất nóng bỏng của xã hội ngày nay.
3- Ứng dụng công nghệ tin học để thực hiện nội dung GDATGT
- Muốn nội dung GDATGT đến với trẻ một cách phù hợp, sinh động, thì hình thức chuyển tải nội dung cũng cần được đổi mới; ứng dụng công nghệ tin học là phương tiện mà lãnh đạo nhà trường hướng đến và quyết tâm thực hiện. Nhưng khả năng của đội ngũ ở lĩnh vực này thì rất hạn chế. Một lần nữa, ngoài sự nỗ lực của giáo viên, nhà trường lại cần đến sự phối hợp hỗ trợ của nhiều lực lượng xã hội. Đó là sự kết hợp giúp đỡ của các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh có nghiệp vụ tin học, là lực lượng công an giao thông, nhất là công an chốt trên trục đường giao thông chính của thành phố. Sự kết hợp nhiệt tình, có mục đích giữa nhà trường, phụ huynh, công an đã giúp nhà trường thiết kế được một đĩa hình về hoạt động giao  thông trên đường phố với đầy đủ nội dung cần thiết để đưa vào chương trình dạy trẻ; lập trình được một phần mềm phục vụ tổ chức các trò chơi và cả hội thi GDATGT cho trẻ. Hai công trình trên không chỉ phục vụ cho quá trình thực hiện chuyên đề GDATGT của trường mà còn được ngành học mầm non thành phố, các đơn vị mầm non tỉnh bạn học tập và sử dụng. Hai tiết thực hành về GDATGT cho trẻ mầm non phục vụ thành công hội nghị GDATGT của Vụ GDMN tổ chức tại Huế tháng 12/2006  cũng là kết quả lấy ra từ hai công trình ứng dụng công nghệ tin học nói trên.
- Thông qua phương tiện tin học hiện có nhà trường chỉ đạo xây dựng khá hoàn chỉnh bộ tranh tuyên truyền về phương tiện và luật giao thông đường bộ; Nội dung tranh được in bạt khổ lớn treo xung quanh sân trường để trẻ và phụ huynh thường xuyên được tiếp xúc, giáo viên có môi trường thuận lợi để hướng dẫn, ôn luyện việc thực hiện đúng luật giao thông đường bộ rất có hiệu quả. Ngoài ra, nội dung các hình ảnh trên còn được sang thành đĩa dưới dạng phim tuyên truyền trình chiếu phục vụ cho trẻ xem tại lớp qua hệ thống đĩa và đầu đĩa của mỗi lớp.
Nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục, tuyên truyền của chuyên đề GDATGT đã được trường Mầm Non I Huế vận dụng và triển khai phù hợp với lứa tuổi mầm non; trẻ có một môi trường hoạt động tốt, ở đó trẻ được đóng vai, được tự khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm và vui chơi, phù hợp với đặc thù của giáo dục mầm non là học bằng chơi, chơi mà học. Tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc với GDATGT là làm cho trẻ có thêm điều kiện để phát triển và hình thành nhân cách, đó là mục đích của chuyên đề đồng thời cũng là mục tiêu giáo dục của ngành học mầm non. Mục tiêu này cũng chỉ đạt đến thành công khi có sự phối họp hỗ trợ của nhiều nguồn lực trong xã hội thông qua việc làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường.

N.T.Y

Các tin khác