1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Để dạy học tốt

ĐỂ DẠY – HỌC TỐT BÀI "CUỘC KHÁNG CHIẾN
TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP KẾT THÚC
(1953 - 1954)" ở SGK LớP 12 BAN CƠ BẢN

Phạm Hồng Việt

Cũng giống như các giáo viên khác, trách nhiệm của giáo viên lịch sử thật nặng nề, khó khăn khi đứng trước một bài giảng. Qua bài giảng học sinh phải hiểu được điều gì, được bồi dưỡng tư tưởng và tình cảm như thế nào? Làm sao để học sinh hứng thú khi nghe giảng? Và làm sao đảm bảo được "nhiệm vụ giáo dục địa phương" như yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo? Trong bài viết này, xin được bàn luận về những điều nói trên khi giáo viên giảng "Bài 20" trong Sách giáo khoa cơ bản lớp 12.
Bài 20 trong Sách giáo khoa cơ bản lớp 12 có tiêu đề: "Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc (1953 - 1954)". Trước hết cần chú ý đến một số đặc điểm của bài giảng (cũng là của bài học):
- Đây là bài giảng cuối cùng của chương III: "Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1954", bài giảng về sự kết thúc một giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc - cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)1 . Trong bài giảng này có một mốc son rạng rỡ, nhiều ý nghĩa của lịch sử dân tộc: Chiến thắng Điện Biên Phủ.
- Chương trình dành cho bài giảng có 2 tiết (tiết 33 - 34), kể cả việc kiểm tra bài cũ. Với chừng ấy thời gian mà Sách giáo khoa viết đến gần 12 trang (kể cả chữ, bản đồ và ảnh), đề cập đến rất nhiều nội dung: Kế hoạch Na-va và chủ trương phá kế hoạch Na-va của ta; Bước đầu kế hoạch Na-va bị phá sản trong "Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954"; Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; Hội nghị Giơ-ne-vơ và Hiệp định Giơ-ne-vơ; Nguyên nhân thắng lợi; Ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp...
Chỉ mỗi một vấn đề nói trên - muốn được sáng tỏ - người ta cần đến một quyển sách dày vài trăm trang. Còn ở đây đối tượng người học là học sinh 12 và bài giảng chỉ được thực hiện trong thời gian chưa đầy 2 tiết. Thật là rất khó khăn cho người giảng - nếu muốn giảng có trách nhiệm. Ở đây trách nhiệm của người giáo viên lịch sử được biểu hiện như thế nào?
Trong giảng dạy - thông thường muốn đảm bảo sự chính xác của lời giảng, muốn nói ít mà học sinh hiểu được bài - không có con đường nào khác là người giảng phải hiểu rộng, hiểu sâu, hiểu kỹ, nhuần - nhuyễn những điều mình giảng. Và cũng chỉ như vậy, giáo viên mới có thể sử dụng sách giáo khoa hợp lý, mới xác định đâu là điều phải giảng kỹ, và đâu là cái mà học sinh có thể tự đọc. Đấy cũng là lý do vì sao các nhà lãnh đạo nước ta thường xuyên động viên nhắc nhở thầy cô - giáo cố gắng tự học, cố gắng đọc và suy nghĩ.
Học sinh có sách giáo khoa. Rất nhiều tri thức và số liệu có thể để học sinh tự đọc, tự nhớ theo sự hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên có một số vấn đề cần giảng để học sinh hiểu. Trong bài 20 của sách giáo khoa, đó là sự sáng suốt của Đảng trong chủ trương phá tan kế hoạch Na-va; vấn đề vị trí của Điện Biên Phủ và quyết tâm đánh thắng địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ của quân dân ta, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ; nội dung và ý nghĩa của Hiệp định Giơ-ne-vơ.
- Về chủ trương phá tan kế hoạch Na-va, cần nêu rõ âm mưu của Na-va là trong vòng 18 tháng, địch "muốn kết thúc chiến tranh trong danh dự" bằng cách tập trung binh lực để bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ, bước đầu bình định Nam Đông Dương; bước hai tiến công chiến lược ở Bắc Bộ để kết thúc chiến tranh. Trước âm mưu của Na-va, Đảng ta chủ trương tập trung lực lượng đánh vào những hướng quan trọng nhưng địch sơ hở để giải phóng đất đai, tiêu diệt sinh lực địch, buộc địch bị động phân tán lực lượng để đối phó. Và trong thực tế bộ đội chủ lực ta đã đánh vào những điểm sơ hở buộc địch phải bị động phân tán lực lượng: đánh vào thị xã Lai Châu, Trung Lào, Thượng Lào2, Bắc Tây Nguyên...trong khi chiến tranh du kích phát triển ở khắp các chiến trường trên cả nước. Và kết quả là bước đầu kế hoạch Na-va bị phá sản. Khi giảng vấn đề trên đây, cần phân tích để học sinh thấy Đảng ta do Hồ Chủ tịch lãnh đạo rất sáng suốt, hoàn toàn chủ động, đầy bản lĩnh, rất khoa học trong chủ trương làm phá sản kế hoạch địch. Và mặt khác, nếu không có bản đồ, không xác định được trên bản đồ các địa danh Lai Châu, Thà Khẹt, Xavannakhet (Trung Lào), Phong Sa lỳ, Luang Phabăng (Thượng Lào) thì học sinh cũng khó hình dung được sự sáng suốt của Đảng lãnh đạo và bước đầu kế hoạch Na-va bị phá sản như thế nào.
Khi giảng về Chiến dịch Điện Biên Phủ, trách nhiệm của giáo viên được thể hiện ở nhiều khía cạnh cụ thể:
Trước hết phải có đồ dùng trực quan, giúp học sinh xác định địa danh Điện Biên Phủ trên bản đồ (nay là thành phố Điện Biên Phủ nhưng năm 1954 là một thung lũng thuộc tỉnh Lai Châu), đồng thời giúp học sinh hình dung được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 3 phân khu: phân khu Bắc, phân khu Trung tâm, phân khu Nam. Bài giảng giúp học sinh hiểu vì sao các tướng lĩnh Pháp - Mỹ coi Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả xâm phạm", vì sao Đảng và Hồ Chủ tịch chỉ thị phải đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ và thực tế ta đã thắng, địch đã thua.
Các tướng lĩnh Pháp và Mỹ nói "Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm" không chỉ vì cả 3 phân khu có 49 cứ điểm, có 16 200 quân tinh nhuệ, có sân bay, trận địa pháo, kho hậu cận...mà chính là vì chúng rất chủ quan, không hiểu được sức mạnh của bộ đội ta.
Địch coi Điện Biên Phủ là nơi bộ đội ta không thể đến vì nằm giữa rừng núi hiểm trở, đường xa, khó vận chuyển lương thực, vũ khí. Nhưng Bác Hồ lại nhìn thung lũng Điện Biên như là một chiếc mũ lật ngửa - rừng núi bao quanh như vành mũ. Kẻ địch ở trong lòng chảo như trong lòng mũ, rất dễ bị ta tiêu diệt3.
Về quyết tâm phải đánh thắng địch tại Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã chỉ thị: "Chiến dịch này là chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và ý nghĩa chính trị quan trọng". Để giúp học sinh hiểu sâu sắc điều trên đây, bài giảng có thể dẫn lại một đoạn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
"Tôi lên Khuổi Tất chào Bác trước khi lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ".
Bác nói:
- "Tổng tư lệnh ra mặt trận. "Tướng quân tại ngoại". Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh.
    Tôi cảm thấy nhiệm vụ lần này rất nặng"
(Trích "Mùa xuân Điện Biên Phủ").     
Bài giảng chỉ cần lưu ý mấy điểm cần thiết về chiến dịch:
+ Hậu phương dốc sức người, sức của để chi viện cho chiến dịch
+ Phương châm "đánh chắc, tiến chắc" (kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra) đã đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi.
Bài giảng chỉ thông báo cho học sinh biết chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra 3 đợt mà không phải giảng (cho học sinh đọc sách). Tuy nhiên qua bài giảng, học sinh cũng cần được biết tinh thần xả thân quên mình vì nước của bộ đội ta: Tô Vĩnh Diện hy sinh vì "chèn lưng cứu pháo", Phan Đình Giót hy sinh vì "lấy thân mình lấp lỗ châu mai", Bế Văn Đàn hy sinh vì "lấy thân mình làm giá súng"...
Bài giảng có thể không trình bày diễn biến của tất cả 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch nhưng cần dừng lại trận đánh cuối cùng khi chiến dịch kết thúc. Có thể kể cho học sinh biết tiếng nổ ở đồi A1 mở đầu cho cuộc tổng công kích:
"Sau 16 ngày đêm bí mật khoét sâu đồi A1, bộ đội ta đã tạo ra một đường hầm dài 49 mét với một "buồng nổ", mỗi chiều rộng 1,5 mét, đủ chứa 1000 kg thuốc nổ. Và đúng 18h 45 phút ngày 6.5.1954, tiếng nổ của khối bộc phá 1000 kg đã làm nổ tung những hầm ngầm kiên cố của địch tại đồi A1, báo hiệu cuộc tổng công kích".
Suốt trong ngày 7.5.1954, trận đánh cuối cùng diễn ra dữ dội, quyết liệt, quân ta áp đảo quân địch. Bản hùng ca của trận đánh được thi sĩ Tố Hữu diễn tả:
    Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy
    Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!
    Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ
    Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
    Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
    Rực trời đất: Điện Biên toàn thắng.
        (Tố Hữu, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
Chiều 7.5.1954, toàn bộ quân giặc ở Điện Biên Phủ ra đầu hàng. Bài giảng cũng cần dựng lại biểu tượng khi địch ra đầu hàng. "Đơ-Cát thay quần áo sạch sẽ, chiếc mũ calô đỏ tiết dê tương phản với bộ mặt tái nhợt. Toàn bộ sĩ quan tham mưu của tập đoàn cứ điểm đứng chung quanh Đờ-Cát. Tất cả ra khỏi hầm. Giơ tay lên cao,
Đờ-Cát lẩm bẩm: "Xin đừng bắn tôi". Lúc đó là 17h30 phút. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch bay phất phới trước gió trên nắp hầm Đờ-Cát".
Quang cảnh của thung lũng Điện Biên chiều ngày 7.5.1954 đã được nhà văn Nguyễn Đình Thi ghi lại: "Chiều hôm đó, khi mặt trời sắp lặn, tiếng súng im dần. Rồi từ dưới mặt đất nhô lên từng hàng quân địch, hai tay giơ trên đầu, hoặc cầm chiếc que dài buộc một mảnh vải trắng. Những tốp quân địch dần dần nối vào nhau. Dòng người đi hàng một ngoằn ngoèo, dài mãi không hết, từ trung tâm đi ra các ngã, theo những vệt đường nhỏ hẹp, mỗi lúc càng đông dần, lố nhố đen nghịt. Bộ đội ta, đơn vị nào nguyên chỗ đó. Súng trong tay, các chiến sĩ nhảy lên đứng ngồi trên bờ chiến hào, xem quân địch ra hàng"4.
Bài giảng lưu ý học sinh ghi nhớ các số liệu ghi nhận thắng lợi của chiến dịch.
Giữa lúc Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra quyết liệt, các chiến trường trên cả nước đã đẩy mạnh hoạt động để phối hợp, hỗ trợ. Trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, ngày 28.4.1954, bộ đội tỉnh tiến công một loạt các lô cốt địch từ Ưu Điềm đến Vân Trình và trên địa bàn Quảng Điền. Trên đường giao thông, cầu Nước Ngọt (Phú Lộc) bị phá, bộ đội ta đánh nhào đoàn tàu thứ 29 ở đèo Hải Vân5.
Nếu thời gian cho phép, có thể thông báo cho học sinh biết Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phân tích rằng tại Điện Biên Phủ, kẻ địch bị bốn bất ngờ: bất ngờ về tinh thần của quân dân ta; về pháo binh và súng cao xạ của ta; về trình độ chỉ huy của ta; về khả năng hậu cần và sức mạnh hậu phương của ta6.
Về những ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ mà Sách giáo khoa nêu lên, học sinh tự đọc và nhớ. Tuy nhiên bài giảng cũng chỉ
ra mối liên hệ giữa Điện Biên Phủ với Hội nghị Giơ-ne-vơ và Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tố Hữu có hai câu thơ rất hay:
            Đồng chí Phạm Văn Đồng
            Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
            Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành.
Thắng lợi về quân sự làm cơ sở cho thắng lợi về ngoại giao. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ sắp kết thúc, phái đoàn đại diện của Chính phủ ta đã có mặt tại Giơ-ne-vơ, chờ đợi tin tức từ Điện Biên Phủ. Chiều 7.5.1954, chiến dịch kết thúc. Và hôm sau, sáng ngày 8.5.1954, Phái đoàn đại diện Chính phủ ta do Phạm Văn Đồng dẫn đầu, lòng đầy tự tin, tự hào chính thức tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Dù không được nghe giảng nhưng học sinh cần tự học và nhớ kỹ những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Bài giảng cần lưu ý học sinh những điểm quan trọng của Hiệp định: chấm dứt chiến tranh xâm lược, lập lại hòa bình; các nước tham dự cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Đông Dương; Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng.
Về nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp, học sinh tự đọc trong Sách giáo khoa. Về nguyên nhân, nhắc học sinh chú ý: sự lãnh đạo của Đảng; nhiệt tình yêu nước của nhân dân; sự ủng hộ quốc tế. Về ý nghĩa thắng lợi, có thể nhắc lại nội dung của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Miền Bắc được giải phóng tạo điều kiện để nhân dân ta tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cần lưu ý rằng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào Giải phóng dân tộc trên thế giới.
Học sinh cần hiểu rõ những điều không giảng không phải không quan trọng, do đó học sinh phải chú ý tự học. Trong bài giảng, giáo viên có thể kết hợp giảng và đọc, đọc các đoạn trích dẫn tư liệu văn học, tư liệu sách vở. Có khi đọc lại có hiệu quả hơn giảng. Mặt khác, nếu hiểu được bài, cũng chính là học sinh được bồi dưỡng những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp và hứng thú học tập.

*    *
*

Thật khó khăn khi thực hiện một bài giảng lịch sử. Nhưng khó khăn sẽ được khắc phục khi sử dụng sách giáo khoa có hiệu quả, kết hợp hợp lý những gì học sinh có thể tự học và cần nghe giảng, khi giáo viên chuẩn bị bài giảng công phu, kể cả việc chuẩn bị đồ dùng trực quan và các đoạn tư liệu được trích dẫn, các tư liệu liên hệ với lịch sử địa phương. Và điều quan trọng là giáo viên hiểu càng sâu - rộng về nội dung bài giảng thì bài giảng càng được thực hiện tốt. Hiểu sâu - rộng để "biết mười mà giảng một". Biết mấy công phu khi phải tiến hành một bài giảng lịch sử. Và đó là bí quyết để bài giảng được thực hiện tốt.

P.H.V

Các tin khác