1. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 1 (2022 - 2025)        2. Quy định mức thu giá dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ cở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Hoàn thành)        3. Phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hoàn thành)        4. Đề án “Xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học - Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của cả nước” (Hoàn thành)        5. Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2023 – 2024 (Hoàn thành)        6. Quy định mức chi công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh đầu cấp phổ thông; thi học sinh giỏi các cấp các môn văn hoá; thi chọn học sinh cấp quốc gia và tập huấn học sinh giỏi để dự thi cấp quốc gia; các kỳ thi tập trung cấp tỉnh (Hoàn thành)        7. Đề án "Xây dựng Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao        8. Quy định mức thu học phí của các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng công lập đối với chương trình đào tạo đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm học 2022-2023 trở đi        9. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045        10. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế        11. Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025        12. Đề án hỗ trợ phát triển Giáo dục người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030        13. Nâng cao chế độ dinh dưỡng phát triển thể lực, tầm vóc trẻ em dành cho học sinh mầm non và tiểu học.       

Giáo dục kỹ năng sống

GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG
CHO HỌC SINH
Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Th.S LÊ NGỘ
Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế

Từ năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong tất cả các trường phổ thông. Sau hơn một năm thực hiện, phong trào này đã có kết quả bước đầu được cán bộ giáo viên và dư luận xã hội đồng tình. Nội dung của phong trào đã đề cập đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Có ý kiến cho rằng vấn đề này thực chất không phải là mới nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa hơn là đã khẳng định rõ vai trò trách nhiệm của nhà trường trong việc kết hợp dạy chữ với dạy người cho học sinh. Dạy kỹ năng sống chính là dạy cách làm người, một việc làm mà trong thời gian khá dài chúng ta có phần lãng quên hoặc ít quan tâm đến.
Cho đến nay, câu hỏi vẫn được nhiều thầy cô giáo đặt ra là tại sao phải giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông và thực hiện như thế nào. Có thể hiểu rằng kỹ năng sống của con người nói chung đó là sự tự ý thức vai trò trách nhiệm của bản thân mình trong việc ứng xử với mọi người xung quanh và môi trường tự nhiên trong đó con người đang tồn tại. Từ những ngày học đầu tiên ở trường phổ thông, học sinh đã được bồi dưỡng cả hai mặt đức và tài. Sự phát triển của mỗi người nói chung và học sinh nói riêng được hình thành thông qua việc tiếp thu tri thức hàng ngày trong cuộc sống như: Kỹ năng làm việc hợp tác, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thích nghi, kỹ năng xử lí tình huống, kỹ năng giữ gìn bảo vệ môi trường… Những kỹ năng này không chỉ đòi hỏi cho một giai đoạn nào đó mà nó cần thiết cho cả đời người đặc biệt là chuỗi ngày đi học. Khẩu hiệu "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" xuất hiện ở các trường cũng vì lẽ đó.
Thang nhu cầu của nhà tâm lý học Maslow gồm nhu cầu về sinh học, sự an toàn, tình yêu thương, lòng tự trọng và phát triển nhân cách đã đặt ra yêu cầu cần có sự đối xử, cách sống tốt đẹp, hợp đạo lý giữa mọi người với nhau để mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho người khác. Kỹ năng sống được biểu hiện đa dạng tuỳ từng người, từng sự việc và từng hoàn cảnh cụ thể. Nhưng dù trong trường hợp nào, đối với ai thì kỹ năng sống nhất thiết phải vươn tới chân lý tốt đẹp: nhân ái, vị tha, bản lĩnh tự tin, khiêm tốn, văn minh lịch sự, dám nghĩ dám làm, hoà đồng và tôn trọng người khác. Thực tiễn ngày nay cho thấy đôi khi kiến thức uyên bác, học vị cao lại không làm nên sự thành đạt của con người bằng chính kỹ năng sống của họ. Cuộc sống ngày càng phát triển, đất nước đang hội nhập với thế giới, cơ hội có được vị trí trong xã hội và khẳng định bản thân của người lao động đang rộng mở, nhưng số lượng người thất nghiệp vẫn không ngừng gia tăng. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do họ chưa được trang bị những kỹ năng sống cơ bản của một người lao động. Chính vì vậy, kỹ năng sống cần được mỗi người chúng ta rèn luyện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong bốn trụ cột của giáo dục được Unesco nêu ra là "học để biết, học để làm việc, học để làm người (để tồn tại), học để cùng chung sống" đã có ba nội dung hàm chứa các yêu cầu kỹ năng sống. Điều này càng khẳng định hơn nữa tầm quan trọng và cần thiết của nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đành rằng hình thành kỹ năng sống phải qua cả trường học và trường đời nhưng trường học vẫn giữ vị trí nền móng vì hầu hết mọi người đều được đi học, và nội dung học ở trường phổ thông gồm nhiều lĩnh vực tự nhiên, xã hội cùng nhiều bài học về lối sống tốt đẹp của những bậc tiền nhân mà học sinh cần học tập noi theo.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở trường phổ thông có thể tiến hành bằng nhiều cách. Trước hết, nhà trường phải tổ chức các hoạt động tập thể, ngoại khoá để các em được tham gia vào hoạt động thực tiễn của cuộc sống, tạo cơ hội bộc lộ chân thật những suy nghĩ, tình cảm, hành vi trong công việc, chia sẻ những khó khăn và niềm vui cũng như hoàn thiện dần dần các kỹ năng thực hành một cách tự nhiên. Từ đây, tính ích kỷ cá nhân, ngại khó, vụng về, rụt rè sợ sệt sẽ nhường chỗ cho lòng bao dung, sự tự tin, dũng cảm, tháo vát, nhanh nhẹn, khéo léo, tinh tế, hoà đồng và thân thiện. Nội dung hoạt động cũng khá đa dạng như: hội trại, thể thao, văn nghệ, tham quan bảo tàng và danh lam thắng cảnh; chăm sóc di tích cách mạng, văn hoá lịch sử; trò chơi tập thể, câu lạc bộ xanh; thi phòng tránh tai nạn giao thông, diễn thuyết tranh luận về bảo vệ môi trường, quyền trẻ em, xử lý tình huống khẩn cấp… Có thể tổ chức theo lớp, khối, toàn trường hoặc từng nhóm nhỏ từ 10 - 15 em và chú ý xác định rõ kỹ năng sống cần đạt được cho học sinh sau mỗi hoạt động. Nên để cho học sinh viết lại, nói lại những điều mà các em cảm thấy thú vị và bổ ích nhất. Điều này không chỉ tốt cho mỗi học sinh mà còn giúp cho các em chia sẻ cảm xúc với bạn bè khi những bài viết này được lưu lại.
Một hình thức nữa để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đó là thông qua hoạt động dạy học trên lớp. Trong mỗi tiết dạy, ngoài yêu cầu về kiến thức thì yêu cầu về kỹ năng và thái độ luôn được đặt ra và đó cũng chính là yêu cầu về giáo dục kỹ năng sống. Do vậy, giờ học phải liên hệ với thực tế cuộc sống của học sinh ở cả hai mặt tích cực và hạn chế. Tuỳ theo bài học mà hình thành những kỹ năng tích hợp cho học sinh: Kỹ năng đặt câu hỏi và trả lời, kỹ năng trình bày, kỹ năng phân tích tổng hợp, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tự học, kỹ năng làm việc hợp tác (còn gọi là hợp tác nhóm hay hoạt động nhóm)… Trong đó, kỹ năng làm việc hợp tác cần được đặc biệt quan tâm vì đây là kỹ năng sống mang tính thời đại, nó thể hiện cách làm việc theo cơ chế phân công hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích của từng thành viên và cùng nhau phát triển. Qua sự tổ chức hướng dẫn của giáo viên, học sinh được chia thành các nhóm. Mỗi em được phân công đảm trách một công việc của nhóm (nhóm trưởng, thư ký, theo dõi thời gian, động viên phát biểu, trình bày trước lớp). Tất cả thành viên trong nhóm được trình bày suy nghĩ của cá nhân nhưng cũng phải tôn trọng ý kiến người khác và chấp nhận sự thống nhất chung của nhóm. Mỗi nhóm sẽ cùng nhau thảo luận để giải quyết một nội dung khó của bài học mà chỉ với mỗi cá nhân có thể không tìm được lời giải đáp. Ở hình thức này, một số giáo viên đã áp dụng dạy học theo phương pháp Dự án, tức là cho học sinh tự đề xuất vấn đề, thiết kế nội dụng, biện pháp thực hiện, thời gian hoàn thành, dự báo kết quả; qua đó phát triển tư duy và rèn luyện kỹ năng làm việc ở mức độ cao hơn cho các em trong từng tiết học. Cũng có nhiều giáo viên đã áp dụng mô hình Bloom trong dạy học để nâng cao kỹ năng thực hành và hiệu quả giờ học qua sáu mức độ: Biết --> Hiểu --> Vận dụng --> Phân tích --> Tổng hợp - Đánh giá. Nếu đạt đến mức độ Tổng hợp, Đánh giá là đã biểu hiện được kỹ năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và có thể đưa ra những quyết định hoặc ý tưởng mới. Ở tiết sinh hoạt lớp, giáo viên cần tạo điều kiện để các em tự đánh giá nhận xét về bản thân và lớp của mình. Các em có thể trình bày ý kiến về những việc làm tốt và chưa tốt; cùng nhau xây dựng nội quy của lớp; thiết kế, đề xuất các việc làm, hoạt động hàng tháng và cả năm học. Tiết chào cờ đầu tuần cần để học sinh tự điều khiển. Chức vụ lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó nên được thay đổi theo tháng hoặc học kỳ để nhiều em được làm quen với kỹ năng điều hành, quản lý công việc đồng thời ngăn ngừa cách sống tự kiêu, độc đoán có thể xảy ra ngay từ tuổi học đường.
Xây dựng Văn hoá nhà trường tích cực lành mạnh cũng là một cách để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Văn hoá nhà trường là một tập hợp các chuẩn mực, giá trị, niềm tin, hành vi ứng xử,… đặc trưng của một trường học. Sự phát triển của trẻ em chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường văn hoá - xã hội nơi các em đang lớn lên; môi trường văn hoá thuận lợi sẽ giúp trẻ có nhiều cơ hội để phát triển. Nhà trường cần hình thành các giá trị văn hoá như sự yêu
thương - gánh vác - chia sẻ - hợp tác - khẳng định mình… để định hướng cách sống phù hợp cho học sinh. Mỗi trường phải xây dựng các quy tắc giao tiếp ứng xử giữa mọi người như tôn trọng lẫn nhau, thừa nhận ưu điểm của người khác, trung thực trong lời nói việc làm, giúp đỡ nhau, tránh lời nói mang tính chỉ trích, chia rẽ. Xây dựng các quy tắc ứng xử với môi trường như giữ gìn vệ sinh trường lớp, bảo vệ môi trường sống, rèn luyện và bảo vệ sức khoẻ, tiết kiệm năng lượng, phòng chống tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, cần chú ý xây dựng cảnh quang trường lớp với những hình ảnh mang tính giáo dục và thẩm mỹ, những lời hay ý đẹp như "Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta". "Mỗi lần giao tiếp là mỗi lần bạn thể hiện mình", "Bạn có thể vấp ngã, điều quan trọng là bạn phải đứng lên", "Bạn luôn có thể trở thành một người tốt hơn chính mình ngày hôm qua", "Nếu sống với chỉ trích, em chỉ biết chê bai. Nếu sống với thù hận em chỉ biết gây gổ. Nếu sống với bao dung, em có lòng kiên nhẫn. Nếu sống trong tình thương, em biết yêu chính mình"… Ngoài ra, cần tạo cơ hội cho các em được bày tỏ ý kiến của mình đối với thầy cô giáo và nhà trường qua việc thực hiện "Hộp thư điều em muốn nói" và tổ chúc tư vấn cho học sinh.
Trong các hoạt động, cần tập trung vào vấn đề mang tính quyết định là tăng cường sự tham gia của học sinh. Có thể tham khảo bậc thang tham gia gồm mười mức độ từ thấp đến cao để phát triển kỹ năng sống cho học sinh: "(1) Giáo viên điều khiển -->  (2) Hình thức trang trí (học sinh tham gia vào một sự việc nào đó do người lớn sắp đặt) --> (3) Hình thức tượng trưng (học sinh được nói lên những suy nghĩ về một vấn đề nào đó, nhưng lại có rất ít hoặc không có sự lựa chọn về cách tham gia hay cách bày tỏ quan điểm của mình) --> (4) Học sinh được giao nhiệm vụ và được thông báo --> (5) Học sinh được đòi hỏi ý kiến và được thông báo --> (6) Giáo viên khởi xướng, quyết định cùng với học sinh - (7) Học sinh khởi xướng và được chỉ dẫn --> 8 Học sinh khởi xướng và cùng giáo viên quyết định --> (9) Học sinh thiết kế và quản lý, giáo viên sẵn sàng giúp đỡ --> (10) Học sinh điều khiển. Từ mức độ 1 đến 3, sự tham gia của học sinh là rất mờ nhạt hoặc không có; mức độ 4 đến 7 đã được thực hiện khá phổ biến ở các trường với hiệu quả khác nhau; các mức độ 8, 9, 10 nhiều trường chưa thực hiện hoặc chỉ mới bước đầu tiếp cận. Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh phải thông qua việc làm cụ thể và sự chủ động cao của các em.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là nội dung khá rộng, được tiến hành thường xuyên qua nhiều hoạt động nội khoá, ngoại khoá với sự tham gia của tất cả các thành viên, tổ chức đoàn thể trong trường. Nhà trường phải làm cho học sinh ghi nhớ những điều tốt đẹp nhất đến suốt đời và trang bị cho các em những kỹ năng sống thiết thực. Đó là hành trang vào đời thật sự ý nghĩa đối với mỗi học sinh.

L.N

Các tin khác